Khi nào đáng ly hôn
Khổng Tử cho rằng chỉ những cặp vợ chồng nào đã chung sống năm năm trở lên mà ly hôn thì mới có cơ sở. Ý kiến đó có cái hợp lý của nó. Năm năm là thời hạn đủ để loại trừ một số phẩm chất xấu xuất hiện khi mới lấy nhau, đồng thời cũng là thời hạn đủ lâu để lộ ra những thói quen xấu trước nay vẫn nấp kín và không tự sửa được. Con người ta không thể giả vờ mãi, sớm muộn rồi cũng có những tình huống cho thấy bản chất thực sự của mỗi người.
Cơvêta coi chồng mình là người trung thực và dũng cảm có thể có những hành động can đảm và cao thượng nhất. Không riêng Cơvêta, mà tất cả những ai biết chồng cô cũng đều nghĩ như vậy. Nhưng một hôm, lái ô tô trên đường đi công tác về nhà, anh ta cán phải một người. Xung quanh không có ai ngoài người bị nạn đang hấp hối vì bị thương nặng. Sợ trách nhiệm, chồng Cơvêta bỏ chạy như không có chuyện gì xảy ra. Cơvêta không biết vẫn coi chồng mình là trung thực và dũng cảm. Nhưng cuối cùng, cảnh sát đã tìm ra thủ phạm gây ra tấn thảm kịch trên quãng đường ấy. Cơvêta biết mình đã sống ngần ấy năm với một kẻ hèn nhát, bàng hoàng và cảm thấy vô cùng ghê tởn chồng. Cuộc hôn nhân của cô tan vỡ và không bao giờ cô luyến tiếc điều đó.
Những nguyên nhân xác đáng khác để ly hôn là làm chứng gian dối, cố tình lừa đảo hoặc tham gia ăn cắp, giả mạo, nhận hối lộ. Cuộc sống với một kẻ đã mất diện mạo con người, bị xung quanh khinh bỉ, thân thích đều quay đi mỗi khi gặp mặt, sẽ trở nên không chịu nổi đối với cả gia đình và tạo nên một nguy cơ lớn, trước hết cho việc nuôi dạy con cái.
Sự không chung thuỷ vợ chồng là một nguyên nhân ly hôn.
Người đàn ông bản tính giống người đi săn, chẳng những anh ta có thể dõi theo con mồi, mà còn đánh giá vẻ đẹp của nó. Không người đàn ông nào đi săn về mà lại khoe con chim sẻ mình bắn được, nhưng một con chim trĩ đẹp làm xung quanh trầm trồ cảm phục, sẽ mơn trớn lòng tự ái của anh ta một thời gian dài.
Người đàn ông có thể ngắm nghía một phụ nữ xinh đẹp như một sản phẩm của tạo hoá, có thể nhìn mãi cặp đùi thon thả của cô gái, tiến gần một cô anh ta thích trên đường phố, bắt chuyện với cô gái như thể anh ta đã biết cô từ lúc mới chào đời, chứ không phải lần đầu tiên anh ta mới trông thấy cô trước đó một giây. Sự việc ấy cũng thể hiện bản năng nhà đi săn vốn đã có ở người đàn ông từ nhiều năm nay.
Nhưng cũng như ở bất cứ cộng đồng nào, trong nam giới cũng không tránh khỏi những “quái thai”. Và nếu chúng tôi tự cho phép mình so sánh người đàn ông với nhà đi săn mà không thấy gượng gạo, thì để tiếp tục sự so sánh vẫn theo logic ấy chúng tôi phải gọi những người đàn ông quái thai là những người săn bắn trộm. Người săn bắn trộm khác người đi săn ở điểm nào? Người săn bắn trộm mải mê đi săn trái phép: họ theo đuổi những người phụ nữ thuộc về những người đàn ông khác, cố chiếm đoạt họ, và đúng lúc người phụ nữ này trở thành nạn nhân của họ, họ liền bỏ để theo đuổi con mồi khác. Không có gì có thể ngăn kẻ săn bắn trộm ấy: dù người phụ nữ anh ta cố chiếm đoạt là vợ của bạn anh ta hoặc bạn thân của vợ anh ta... Kẻ săn bắn trộm thích sống mấp mé một vụ xicăngđan. Thần kinh anh ta thường xuyên căng thẳng. Anh ta sợ bị bóc trần trước mọi người - và anh ta làm tất cả những gì có thể làm để tránh nguy cơ ấy và để thần kinh bớt căng. Sống với một người chồng như vậy thật vô cùng nặng nề và nhục nhã. Kết hôn với người như thế không bao giờ lâu bền và hạnh phúc.
I. lấy một tay “săn bắn trộm” điển hình là C. Trong vòng mấy năm sau khi lấy vợ, hắn khôn khéo ngủ được với tất cả các nữ đồng sự, với vợ của các bạn hắn, với cô bạn thân nhất của I., và cuối cùng hắn quyến rũ được cả em gái của cô. Một vụ om sòm có thể bung ra bất cứ lúc nào. I. không dám ra khỏi nhà, không dám mời ai đến chơi, không trả lời chuông điện thoại nữa. Nhưng đương nhiên tất cả những điều đó không thể làm nguội cơn mê mải của C. Hắn tiếp tục trượt dài trên con đường xấu, và rốt cục nổ ra một vụ bê bối. Nổ ra đúng vào lúc thủ trưởng của hắn từ trước vẫn bao dung nhìn các chuyện bậy bạ của C. (nhiều người khác cũng nghe tin đồn, nhưng tất cả chỉ cười gã Don Joan mới xuất hiện) nay biết cô con gái ông bị C. làm cho có thai, I. buộc phải phá bỏ cuộc hôn nhân.
Lên án C., chúng tôi hoàn toàn không bênh những người phụ nữ đã trở thành nạn nhân của hắn. Vả lại, từ “nạn nhân” ở đây cũng không đúng hẳn: họ được nhận cái mà chính họ tìm kiếm kia mà. Nạn nhân của toàn bộ câu chuyện bê bối này, về thực chất, chỉ là một người - I.! Nhưng cả cô cũng không đáng được biện minh hoàn toàn. Tất nhiên, trường hợp C. là đặc biệt, nó chỉ có thể được lý giải bằng những lệch lạc về tâm thần, dù trong con mắt của những người phụ nữ tìm kiếm quan hệ với hắn, hắn có hấp dẫn đến mức nào. Còn bình thường, trong những trường hợp tương tự cả hai phía đều có lỗi. Lỗi của người chồng là tỏ ra không đủ năng lực làm cho cuộc sống của mình với vợ được phong phú và thú vị. Lỗi của người vợ là thờ ơ với nhu cầu tình dục của chồng, xem thường các nhu cầu ấy và nhiều khi tỏ ra thô lỗ. Trong bất cứ trường hợp nào, nếu bạn thấy không có thói “săn bắn trộm” như vậy, bạn hãy hỏi ý kiến một nhà tâm lý và chỉ sau đó hãy có quyết định có nên ly hôn hay không.
Cần lưu ý tới một đặc điểm nữa của đàn ông. Đến một độ tuổi nhất định, đôi khi người đàn ông cảm thấy xúc cảm của mình dâng cao. Nhiều khi “sự dâng cao” ấy gắn liền với người vợ, nếu vậy tất nhiên không có gì đáng lo ngại. Nhưng thường thường, nó lại vượt ra ngoài phạm vi gia đình, khi đó những người đàn ông bắt đầu tìm kiếm “người đàn bà duy nhất” mà vì người này, họ đã “sống cam chịu” bấy nhiêu năm. Nhiều khi họ tìm được người “duy nhất” ấy. Họ có cảm giác sau nhiều năm cuộc sống vợ chồng nhàm chán họ lại được hưởng những ngày ngây ngất đầy lãng mạn. Bề ngoài, điều đó thể hiện ở chỗ họ bắt đầu theo mốt, cạo râu kỹ, đầu tóc gọn gàng. Những người đàn ông cảm thấy “xúc cảm dâng cao” ấy thường tin rằng họ dễ dàng chối bỏ gia đình, và từ nay họ sẽ chỉ sống cho “hạnh phúc thực sự” của họ mà cuối cùng họ đã đạt được. “Sự dâng cao cảm xúc” ấy ở người đàn ông thường kết thúc thế nào? Thường là kết thúc bằng một cảm giác đắng: “Vị nữ thần” càng ngày càng mất đi cái bóng bẩy ban đầu. Cô ta “bỗng” bộc lộ những nét tính cách khiến người đàn ông bực bội. Họ không quan tâm đến mốt nữa, không chú ý đến vẻ ngoài của mình nữa, và cuối cùng sẽ tới cái ngày không phải là tốt đẹp nhất trong cuộc đời họ: họ quay trở về gia đình, bộ dạng như con chó bị đòn. Đa số những “mối tình bên ngoài” thường diễn ra và kết thúc như thế. Bạn hãy chờ cho chồng bạn tỉnh hẳn, sau đó nói chuyện, nếu bạn thấy cần. Còn nếu bạn tha thứ cho chồng, thì đừng bao giờ bạn nhắc tới chuyện đó nữa - chồng bạn sẽ đủ sức đánh giá đúng lòng cao thượng của bạn.
Có khi người chồng mê muội quá, viết đơn đề nghị bạn đồng ý ly hôn. Hãy nhận lời đề nghị của anh ta, nhưng yêu cầu anh ta đừng đưa ngay ra toà vội. Bạn cần tập trung sức để vượt qua thủ tục một vụ ly hôn. Vả lại, lúc này thời gian là đồng minh của bạn. Rất có thể chẳng bao lâu chồng bạn sẽ ân hận vì đã quyết định quá vội vàng (nhiều trường hợp như vậy), nếu thế, bạn chẳng cần phải suy nghĩ nát óc những vấn đề chồng bạn tạo ra và bây giờ, tự anh ta buộc phải giải quyết. Thời gian chỉ trở thành kẻ thù trong một trường hợp: khi bạn thấy chồng bạn bắt đầu cờ bạc hoặc rượu chè. Thấy thế bạn phải hành động lập tức và kiên quyết, nếu trì hoãn thì có thể mất chồng. Lịch sử không nhớ một trường hợp nào người ta hạnh phúc nhờ cờ bạc, nhưng lịch sử lại có vô vàn ví dụ cho thấy cờ bạc giết chết những hy vọng tươi sáng nhất. Cũng có thể nói như vậy về rượu chè. Sống với một người đàn ông thường xuyên uống rượu (chứ chưa nói nghiện rượu) cũng khổ và nhục nhã như với một anh chồng “săn bắn trộm”. Chẳng có gì khác nhau cả.