Tài liệu: Người ta ly hôn từ thời cổ xưa

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Từ khi người ta nghĩ ra cái công thức đầu tiên còn chưa hoàn chỉnh về mặt pháp lý chứng nhận việc kết hôn là hợp pháp, có người đã nghĩ đến cách phá bỏ sự ràng buộc về pháp lý giữa chồng và vợ
Người ta ly hôn từ thời cổ xưa

Nội dung

Người ta ly hôn từ thời cổ xưa

Từ khi người ta nghĩ ra cái công thức đầu tiên còn chưa hoàn chỉnh về mặt pháp lý chứng nhận việc kết hôn là hợp pháp, có người đã nghĩ đến cách phá bỏ sự ràng buộc về pháp lý giữa chồng và vợ. Những lời đầu tiên về ly hôn chúng ta đã thấy có trong bộ luật của vua Khammurapi ở Babilon hồi thế kỷ XVII trước CN. Từ đấy đến nay đã trôi qua rất nhiều năm, các điều khoản ly hôn đã thay đổi nhiều lần, có nơi việc ly hôn cực kỳ khó khăn, ngược lại, có nơi thủ tục ly hôn đơn giản tới mức buồn cười, chỉ mất có vài phút. Các chuẩn mực pháp lý bao giờ cũng phản ánh tinh thần của thời đại bởi vậy không có gì đáng ngạc nhiên là trong một thời gian rất dài chỉ chồng mới có quyền ly dị, còn vợ thì không. Ở một số nước theo đạo Hồi, hiện nay người vợ cũng không được quyền có mặt trong phiên toà xử ly hôn của chính mình, dù chỉ với tư cách nhân chứng. Theo luật của Bỉ năm 1958, người vợ không có quyền đòi ly hôn người chồng phản bội (trừ trường hợp việc ngoại tình được thực hiện trong căn nhà chung của họ mà điều này phải được xác nhận theo đúng pháp luật mới có giá trị), nhưng người chồng có thể đệ đơn ly dị bất kể người vợ ngoại tình ở đâu. Tất nhiên ở đây có ảnh hưởng của những đạo luật thời giữa thế kỷ, theo đó nếu chồng phản bội thì chưa phải là lý do ly hôn, trong khi người vợ phản bội có thể bị ném đá đến chết, thiêu sống, đem thả trôi sông. Ở một số bộ lạc Ảrập, sự phản bội của người vợ là cái cớ đủ sức nặng để bộ lạc ấy giết chết người phụ nữ. Trong các thế kỷ trước, sự phản bội của người vợ bị trừng phạt “nhân đạo hơn”: người đó “chỉ” bị bán đi làm nô lệ mà thôi.

Nếu phụ nữ hầu như không có khả năng nào để ly hôn, thì người chồng ở một số nước có thể ly hôn rất dễ - anh ta chỉ việc đuổi vợ ra khỏi nhà là xong. Ngay cả hiện nay, cái hình thức “ly hôn” ấy vẫn còn được áp dụng ở một số nước Châu Á, nơi đạo Hồi được coi là quốc giáo Chỉ cần người chồng nhắc lại ba lần từ “cút” trước mặt một nhân chứng, là cuộc hôn nhân hợp pháp bị coi là chấm dứt. Nhưng dần dần ở cả khu vực đó, làn gió giải phóng cũng đã thổi tới. Ví dụ: theo luật Ai Cập bây giờ cả vợ cũng có thể đuổi chồng ra khỏi nhà, nếu chứng minh được rằng người chồng đã cưỡng ép mình phải lấy anh ta hoặc chứng minh được rằng anh không có năng lực thực hiện nghĩa vụ vợ chồng.

Ở những vùng khác nhau trên trái đất và ở những thời kỳ lịch sử khác nhau có những quy định khác nhau về ly hôn. Ở Châu Âu hiện nay, giữa các nước khác nhau thủ tục cũng rất khác nhau. Một số nước theo hướng cố hoà giải, để tránh ly hôn. Một số nước quy định chặt chẽ những nguyên nhân khiến người ta có thể đệ đơn ly hôn. Một số nước không cần xác định người có lỗi trong vụ ly hôn. Một số nước khác lại định người có lỗi và buộc người này phải chịu những hậu quả khó chịu. Ví dụ ở Thụy Sĩ, toà án có thể cấm người có lỗi không được kết hôn trong hai năm, và trong trường hợp phản bội thì ba năm. Ở Bungari, người có lỗi phải trả một khoản tiền cho người kia. Ở Anh, người chồng nào bị vợ phản bội có quyền hưởng tiền đền bù một lần, tiền đền bù này có tính tới cả “sự tổn thất về tinh thần” do người vợ gây ra.

Tóm lại, gần như mỗi nước một luật riêng, và ngay cả dân nước sở tại cũng không hiểu hết sự rắc rối có luật ấy, đừng nói tới người nước ngoài.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4307-02-633737408373399172/Ly-hon/Nguoi-ta-ly-hon-tu-thoi-co-xua.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận