Tài liệu: Khoa cử thời Minh - Thanh

Tài liệu
Khoa cử thời Minh - Thanh

Nội dung

KHOA CỬ THỜI MINH - THANH

 

Chế độ khoa cử thời Minh đạt đến mức hoàn thiện, triều Thanh cơ bản theo định chế ấy.

Khoa cử Minh Thanh gồm 3 cấp thi. Cấp thứ nhất là Viện thí, cấp thứ hai là Hương thí, cấp thứ ba gồm ba loại thi:

Hội thí, Điện thí và Triều khảo.

Viện thí.

Viện thí do Huyện, Phủ tổ chức; người đỗ gọi là Sinh viên, thường gọi là Tú tái. Họ có thể được nhận vào học ở Quốc Tử Giám, tham gia thi Hương.

Hương thí:

Hương thí - thi Hương rlgưởi đỗ gọi là Cử nhân, đỗ đầu là Giải nguyên; đỗ thứ hai là Á nguyên, đỗ thứ ba là Kinh khôi.

Phúc thí:

Phúc thí được tể chức từ thời Khang Hy năm thứ 51 (1712), đây là kỳ thi nối giữa thi Hương thi Hội. Cống sinh muốn thi Hội phải qua kỳ Phúc thí. Phúc thí chia làm ba hạng, thứ hạng liên quan đến việc bổ nhậm quan chức sau này.

Hội thí:

Sỹ tử đỗ Cử nhân trong thi Hương được tham dự kỳ thi Hội, thi Hội do Bộ Lễ chủ trì ba năm mở một khoa; người đỗ gọi là Cống sỹ, đỗ đầu thi Hội gọi là Hội nguyên, Thi Hương và thi Hội đều thi tứ trường.

Thời Minh - Thanh, hai kỳ thi Hương thi Hội được quy định năm tháng rõ ràng. Các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, vào tháng 8 tổ chức thi Hương. Các năm Sửu, Thìn, Mùi, Tuất thi Hội vào ngày mồng 7 đến rằm Tháng Hai.

Các chế độ tỏa viện, di phong, đằng lục ... thực hiện có trình tự và rất nghiêm ngặt. Các ngày thi, ngày chấm, yết bảng cũng được quy định cụ thể.

Thời kỳ này sau khi thi xong, ''phát bảng'' kỳ thi Hội. Hoàng đế ban yến tiệc gọi là Ân vinh yến tại Bộ Lễ, cho các Cống sỹ và khảo quan. Thi Hội ngoài Chính bảng còn có Phó bảng; Cử nhân đỗ Phó bảng đã có thể được bổ chức giáo quan ở trường quốc lập hoặc giáo chức quan cấp thấp, hoặc cũng có thể cho vào học ở Quốc Tử Giám để tiếp tục thi kỳ sau. Có khi được mang tên Giám sinh, hưởng chế độ nhà Giám mà không cần đến học.

Điện thí:

Điện thí (Thi Điện) thời Minh - Thanh cũng là kỳ thi cuối cùng. Sau khi thi Hội xong (Tháng Hai), một tháng sau thì vào thi Điện (rằm Tháng 3). Nội dung thi Điện vẫn theo thời Tống, chỉ thi một đạo thời vụ sách. Các quan đại thần thay mặt Hoàng đế ra đề thi (sách vấn), hoặc đôi khi Hoàng đế trực tiếp phê duyệt.

Sách Thanh đại Điện thí khảo lược ghi về kỳ thi Điện thời Quang Tự: Cống sỹ vào nhập Điện thí, Hoàng đế trực tiếp giám thí; qua nhiều lễ nghi, quan Bộ lễ phát đề thi, các Tiến sỹ quỳ nhận và trở về bàn thi viết đối sách. Trong kỳ thi điện, các Cống sỹ đã qua hai kỳ Hương, Hội được triều đình tiếp đãi “tương đối có lễ”, nên sĩ tử không phải kiểm tra ngặt như các kỳ thi khác; các Cống cử có thể tự sắp xếp chỗ ngồi, cách ngồi sao cho thuận lợi; vì bài đối sách hạn chế khoảng trên dưới 2000 chữ và viết trong một ngày. Bài thi không những viết đúng, viết hay mà con phải viết nhanh là đẹp, vì kỳ Điện thí yêu cầu về thời vụ sách rất cao, lại chấm cả thư pháp nữa.

Xếp hạng Tiến sĩ trong thời kỳ Điện thí ở thời Minh - Thanh (khoa thi Tiến sĩ Việt Nam ở thời Lê áp dụng cách xếp hạng này): chia làm ba giáp; giáp thứ nhất tức bảng 1 gồm các Tiến sĩ cập đệ (Cập đệ nghĩa là đỗ), giáp này có ba vị: Đệ nhất giáp đệ nhất danh là Trạng nguyên, Đệ nhất giáp đệ nhị danh là Bảng nhãn; Đệ nhất giập đệ tam danh Thám hoa.

Trạng nguyên, chính là Trạng đầu trong chế độ Sát cử địa phương gửi danh sách lên triều đình, danh sách ấy là "Trạng" vì mỗi người trong danh sách có phần hành trạng (tóm tắt lý lịch); lập danh sách là đầu Trạng, người xếp đầu danh sách là Trạng đầu. Vì thế mà sau Trạng đầu để gọi người đỗ đầu kỳ thi Điện, cũng gọi là Trạng nguyên, nguyên đầu cùng nghĩa.

Thám hoa, nghĩa là thăm hoa đây là một trong những ân vinh dành cho các vị tân Tiến sĩ. Sau khi dự tiệc các tân Tiến sỹ được thăm hoa ở vườn Thượng uyển; trong buổi lễ thưởng ngoạn này, có cử ra vài ba ông Tiến sĩ trẻ ít tuổi nhất và tuấn tú gọi là Thám hoa sứ Thám hoa lang. Sau này các vị Thám hoa ít tuổi vẫn được gọi là Thám hoa lang.

Bảng nhãn nghĩa là mắt của bảng, như tự nhãn - những từ quan trọng trong một bài thơ, ý nghĩa đó càng xác định rõ hơn ở thời kỳ mới định chế tam khôi (ba người đỗ đầu kỳ Điện thí thì hai người xếp thứ hai và thứ ba của thất giáp đều gọi là Bảng nhãn).

Triều khảo:

Ba ngày sau khi truyền lô, xướng danh kết quả Điện thí các Tiến sĩ còn phải qua một kỳ thi gọi là Triều khảo. Triều khảo chia làm nhất, nhị, tam đẳng; kỳ thi này không ảnh hưởng đến công danh mà nhằm tuyển thứ cát sỹ, kết quả của kỳ Triều khảo cộng với kết quả Phúc thí Điện thí để trao quan chức, nếu đỗ hạng ưu vào Viện Hàn lâm. Từ giữa đời Minh, vào Viện Hàn lâm là một vị trí quan trọng vì ở thời này đã hình thành lệ “Không là Tiến sỹ không vào Viện Hàn lâm, không ở Viện Hàn lâm không vào Nội các'' (Phi Tiến sĩ bất nhập Hàn lâm, Phi Hàn lâm bất nhập Nội các).

Định lệ này đã thực sự mở đường cho các nhà khoa bảng có điều kiện để nắm giữ những vị trí chủ chốt và bậc cao trong bộ máy Nhà nước phong kiến.

NGUYỄN VĂN THỊNH - NGUYỄN KIM SƠN




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1046-02-633386053984531250/Che-do-khoa-cu-Trung-Quoc-thoi-Trung-dai/...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận