Tài liệu: Lào - Ẩm thực

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Món ăn Lào thường được so sánh với món ăn Thái Lan, nhưng chỉ ở một số phương diện.
Lào - Ẩm thực

Nội dung

Ẩm thực

Món ăn Lào thường được so sánh với món ăn Thái Lan, nhưng chỉ ở một số phương diện. Giống như những nước láng giềng, người Lào dùng gạo làm thực phẩm chính. Các món ăn có đặc điểm là dùng những gia vị như gừng, me, lá chanh, và nhiều loại ớt khô rất cay. Một món ăn Lào tiêu biểu phải có vị pha trộn giữa cay và ngọt, được trung hòa bằng các gia vị thảo mộc. Đặc điểm trong cách nấu nướng của Lào khiến cho nó trở nên nổi bật là cách thức pha trộn cá, thịt và gia vị thảo mộc trong cùng một món ăn. Mắm cá (pa dek) và nước mắm (nam pa) là những thành phần quan trọng trong bữa ăn của người Lào.

Nhà của người dân Lào thường được thiết kế với vườn rau ngay cạnh nhà. Ở đó người ta trồng các loại rau như hành, dưa chuột, đậu ván, củ cải, cần tây, xà lách, rau mùi, ớt, gừng và sả. Những thứ sản phẩm nhà trồng này là nguồn bổ sung quan trọng cho những thức ăn mua ở chợ về. Thức ăn cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hành tôn giáo ở Lào, bất cứ ai đã từng tham dự một lễ baci hay chứng kiến các nhà sư đi khất thực vào mỗi sáng đều hiểu rõ điều này.

Gạo

Người Lào rất trân trọng lúa gạo. Họ đặc biệt thích ăn gạo nếp (khao nyao), cho dù gạo tẻ (khao chao) và bún gạo (khao poon) cũng rất phổ biến. Những người trong gia đình ăn cơm từ một cái thố chung hoặc mỗi người một bát. Cơm nếp được ăn bằng tay. Người ta sẽ nắm cơm thành từng viên nhỏ và sau đó dùng nó như cái thìa để vét và cho thức ăn trên đĩa vào miệng, hoặc chấm vào nước chấm.

Gạo là thứ lương thực có nhiều công dụng. Nó được dùng để làm vỏ bọc cho các thức bánh hay để làm khuôn cho các món tráng miệng và bánh kẹo. Cơm trộn với khoai sọ, nước cốt dừa và ngó hoa súng được dùng làm món điểm tâm. Khao tom là một món gồm cơm trộn với chuối, được gói vào lá chuối và đem hấp. Một món điểm tâm thông dụng khác là tom nam hua bua, được làm bằng cách trộn cơm với nước cốt dừa và hoa sen.

Ở Lào, cơm nếp thường được dát lên những bức tượng Phật hoặc những bức tượng của tư gia để cúng thần thổ công. Phụ nữ thường được liên tưởng với lúa gạo. Trong nhiều bản làng hẻo lánh có truyền thuyết kể rằng, nữ thần lúa đã hiến thân mình cho ngọn lửa, và tro của nữ thần đã làm cho dân làng có được một vụ mùa bội thu. Ở một số bản làng người Phuan, hài cốt của các bà tổ bà sơ được lưu giữ trong một tháp nhỏ xây giữa ruộng lúa của gia đình.

Những món ăn thông thường

Ngoài cá nước ngọt thì thịt lợn, gà, trâu và vịt là những thành phần quan trọng được dùng để chế biến những món ăn thông thường. Món ăn truyền thống trong lễ hội của người Lào và cũng là một món ăn dân tộc gần gũi nhất với người Lào, được gọi là lap, nghĩa là ''may mắn''. Lap là một món đãi tiệc, thường được dọn ra trong những dịp đặc biệt hoặc dành cho những vị khách danh dự, và thường được so sánh với món thịt nước của người Tác-ta hay món bít tết cerviche của người Mêhicô. Lap được làm từ thịt bò, thịt hươu băm nhuyễn (nếu không có có thể thay bằng thịt trâu) với rau bạc hà thái nhỏ và nước cốt chanh. Ngoài ra, cũng có một số nơi cải biến dùng cá làm nguyên liệu.

Những món ăn dân dã có thề kể đến như tam maak hung, tức món nộm chay. Nó được chế biến bằng cách trộn chung dưa muối, đu đủ nước chanh, ớt, tỏi, và bất kì những gì kiếm được trong một cái cối lớn.

Các món ăn kiểu Thái cũng rất thông dụng. Những món này rất cay vì được cho rất nhiều ớt và được làm dịu đi bằng nước cốt dừa hơi ngọt. Người Lào đặc biệt thích các món ăn Việt Nam, đặc biệt là feo, tức là phở. Phở được ăn với một đĩa rau để riêng gồm rau diếp, bạc hà, măng tre và có thể cho thêm nước dùng. Phở là món ăn chơi và ăn sáng. Bữa ăn chính thường phải có một món cánh và luôn được dọn vào giữa hoặc cuối bữa chứ không bao giờ dọn ra ngay đầu bữa.

Các món ăn kiểu Pháp

Nền kiến trúc Pháp ở Lào có thể đang đổ nát, nhưng những món ăn của Pháp ở đây vẫn phát triển mạnh mẽ. Người ta có thể dễ dàng tìm thấy món ăn Pháp trong những nhà hàng ở Viên Chăn và Luông Phrabăng. Những món như đùi ếch và fillet mignon, món bít tết rất được người Lào ưa chuộng. Bánh mì giòn kiểu Pháp hay baguette là thức ăn sáng chính của người Lào, chúng được bán tại các chợ sáng và ngay tại các lò bánh khi còn nóng hổi. Người Lào hay nhúng baguette vào cà phê sữa để ăn hoặc ăn với trứng rán, nước mắn, hoặc ăn theo kiểu Lào là cho patê vào bên trong giống như bánh săng-uých.

Người Lào thường dùng bánh mì croissant và bánh mì sô-cô-la (pain au chocolat) với một li cà phê đậm ở một quán cà phê ngoài phố. Du khách đến Viên Chăn thướng rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những chai rượu vang lâu năm như Bordeux và Bergerac được người ta hãnh diện mang lên từ hầm rượu của những nhà hàng Pháp.

Phong học ăn uống

Tuy bữa cơm gia đình ở Lào có tính chất khá thoải mái và thân mật, nhưng có một số tập quán và cách xử sự cần phải được tuân thủ. Không giống người phương Tây ngồi ăn quanh một cái bàn cao, người Lào ngồi xổm trên nền nhà quanh một hoặc nhiều bàn tròn bằng tre.  Thay vì những món ăn được đem lên dần, món này tiếp món kia, người Lào dọn hết các món lên bàn cùng một lúc ngay đầu bữa ăn. Người nhà và khách gắp đồ ăn cho nhau và ăn bất kì món nào mình thích không cần phải theo thứ tự.

Có một số quan niệm và thái độ liên quan đến món ăn và cách ăn mà người nước ngoài không phải lúc cũng nhận biết được. Một trong những điều đó là quan niệm về “piep” của người Lào, có thể tạm dịch là phép lễ độ trong ăn uống. Trong thuật ngữ ăn uống của Lào, "piep'' có nghĩa là cha mẹ, chẳng hạn, là bề trên, là những người cao nhất trong nhà sẽ luôn là người ăn miếng đầu tiên đề bắt đầu bữa ăn. Các thành viên còn lại theo thứ tự tuổi tác sẽ ăn tiếp theo sau. Từ quan niệm này mà xét tiếp thì mọi người được thoải mái ăn những gì mình thích, nhưng không ai được gắp trước, hoặc cùng lúc món nào mà những người có vai vế lớn hơn còn chưa động đến. Khách không nên tiếp tục ngồi ăn trong khi những người khác đã đứng đậy. Tập quán của người Lào là luôn chừa lại một chút thức ăn trong đĩa khi đã ăn xong. Nếu khách không chừa lại một ít, thì gia chủ sẽ bị mất thể diện, vì như thế ngụ ý rằng gia chủ không đủ thức ăn và để cho khách vẫn bị đói.

Các gia vị thảo mộc

Các gia vị thảo mộc có vai trò quan trọng trong cách chế biến thức ăn của người Lào. Gia vị thảo mộc làm tăng hương vị cho món ăn, và cũng dùng để làm dịu những thành phần ''gắt'' như tỏi và ớt.

Hầu hết các gia vị thảo mộc được lấy ở những nơi hoang dã, nhưng ở mỗi gia đình đều có một mảnh vườn nhỏ trồng những thứ như rau quế, bạc hà và rau mùi. Với những gia đình không có điều kiện ăn thịt thì đã có món cá tươi nấu với những gia vị có mùi thơm, một món ăn ngon và thơm hoàn toàn có thể thay thế được cho thịt.

Đồ uống

Người Lào thích uống các thức uống thiên nhiên pha với nhau như nước dừa. Nước dừa thường được dùng làm thành phần chính để trộn chung những thứ nước trái cây khác.  Ngoài ra, họ còn có loại đồ uống phổ biến riêng gọi là lau lao. Lau lao được làm từ cơm nếp lên men, là thức uống phổ thông nhất, đôi khi được uống với chút chanh vắt hoặc với Pepsi. Ngày nay, lau lao được đóng chai cho tiện dụng. Fauthong, loại lau lao đỏ, được lên men cùng với thảo dược. Các gia đình nông dân thường chế biến rượu gạo để dùng riêng trong nhà. Theo tập quán, trong các bữa tiệc, lễ hội và trong các cuộc hội họp khác, vài người ngồi uống lau lao cùng một lúc bằng những ống dài hút rượu từ một bình sứ.

Cà phê Lào rất tuyệt vời, đa số được trồng từ cao nguyên Bolovens màu mỡ ở nam Lào. Cà phê hột được rang và xay ra để bán. Ở các quán cà phê và các nhà hàng đều có phục vụ cà phê. Người Lào thích uống cà phê đậm và ngọt, vì thế người ta thường cho thêm đường và sữa đặc vào cà phê. Cà phê thường được pha từng li, uống kèm với một cốc naam sa, một thứ trà tàu pha nhạt. Cà phê đen Ấn Độ và trà xanh Tàu đều rất phổ biến ở Lào.

Món tráng miệng: Nam Van Mak Kuay

Nam Van Mak Kuay hay chè chuối là một món tráng miệng truyền thống thường thấy ở gia đình và một số nhà hàng. Nam Van Mak Kuay gồm chuối, bột báng, và nước cốt dừa. Cách chế biến cũng rất đơn giản. Nếu muốn thử bạn hãy làm như sau:

Lấy 12 quả chuối, 4 cốc nước dừa (loại nước dừa tươi tốt hơn loại đóng hộp), 1/2 cốc bột báng, 1 li đường.

Lột vỏ và cắt chuối ra thành khoảng 30 miếng. Cho chuối, nước cốt dừa và đường vào chảo đun sôi. Thêm bột báng vào đun nhỏ lửa khoảng 20 phút.

Người Lào thích ăn nóng nhưng khi để lạnh ăn, món này cũng rất ngon.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2953-02-633560266122031250/Van-hoa/Am-thuc.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận