LE CORBUSIER – NHÀ KIẾN TRÚC LỖI LẠC
CỦA NỀN KIẾN TRÚC HIỆN ĐẠI (1887 - 1965)
Mấy nét chung
Trong những khuôn mặt lớn của nền kiến trúc hiện đại thế kỷ XX, người đầu tiên mà giới nghệ thuật thường nhắc đến là Le Corbusier (Lơ Coócbuydiê).
Le Corbusier tên thật là Charles Edouard Jeannerel (Saclơ Dua Jannơrê, 1887-1865), là kiến trúc sư, nhà qui hoạch thành phố và nhà lý luận kiến trúc hiện đại. Ông người gốc Thụy Sĩ, nhưng gần như cả đời làm việc ở Pháp và nhiều nước khác trên thế giới.
Từ những năm 20 của thế kỷ này, ông hào hứng nghiên cứu qui hoạch thành phố Ville Contemporaine (thành phố hiện đại), 1922; Ville Radieuse (thành phố tươi sáng), 1935; Mặt bằng cho thành phố Alger; thủ đô Algérie, 1930. Ông còn nghiên cứu lý thuyết về Fonctionnalisme (chủ nghĩa công năng); ông chủ trương trong kiến trúc và qui hoạch thành phố phải phụ thuộc vào yêu cầu sử dụng và tuân thủ chức năng thực tiễn. Trên tinh thần đó, ông đã hoàn thành các đồ án cho nhiều đất nước. Ta có thể kể: Các Biệt thự ở Garches (Gácsơ), 1927; ở Poissy (Poaxy), 1929 - 1931; Phương án cung Xô Viết ở Moskva, 1928; Bộ giáo dục ở Rio de Janeiro (Rio dơ Gianâyrô) cùng thiết kế với Costa (Côxta) và Niemeyer (Nimâye), 1938 v.v…
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ông tham gia thiết kế đồ án Trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, 1947-1952.
Hình tượng kiến trúc của Le Corbusier có đặc chất sáng tạo duy lý mà lại chứa đựng ngày càng rõ những xúc động điêu khắc trong biểu hiện.
Chất liệu xây dựng mà Le Corbusier hết sức phát huy trong giai đoạn này là bê tông thô trần, đến nỗi sau những năm 50 nó trở thành cơ sở cho cảm hứng của trường phái Brutalisme (từ “bêtonbrut” trong tiếng Pháp mà ra) phát triển ở nhiều nước. Ở đây, ta có thể nhắc tới Unité d'habitation (đơn vị nhà ở lớn), 1947 - 1952, ở Marseille; và những khu công cộng ở Chandigarh (Săng di ga), Ấn Độ, năm 1954-1956 của Le Corbusier.
Có lẽ tác phẩm giàu chất thơ nhất sau Đại chiến của ông là ngôi nhà thờ ở Ronchamp (Rông săng 1951-1954). Nó đã được tạo dáng điêu khắc từ các chi tiết vô cùng mới mẻ. Le Corbusier có ảnh hưởng hết sức lớn lao đối với kiến trúc hiện đại trên toàn thế giới. Mỗi giai đoạn thực nghiệm của ông đều gắn theo nhiều tên tuổi học trò và môn đệ, từ Châu Âu, Châu Á đến Châu Mỹ Latinh.
Một số nhà nghiên cứu trong một số sách báo đã nhận định về Le Corbusier như sau:
"Di sản về kiến trúc nghệ thuật, lý luận và tài liệu mà Le Corbusier để lại, trong những đồ án thiết kế, những công trình, trong lý luận, sách báo, tại tất cả các nước trên thế giới là tài sản của toàn nhân loại. Tên tuổi của Le Corbusier trở nên đồng nghĩa với tất cả những gì tiên tiến trong kiến trúc'' (Tạp chí Kiến trúc Liên Xô số ra tháng 12-1965, Tiến sỹ, kiến trúc sư Xô Viết Koli).
"Từ những năm 20, ở tuổi ba mươi, Le Corbusier đã cụ thể hóa và xác định được một vị trí lý tưởng trong một lĩnh vực khắc nghiệt và tuyệt đối. Lĩnh vực này liên hệ chặt chẽ với một triết học chính trị: chủ nghĩa Tập thể (Collectivisme), và với một tư tưởng kinh tế: sự ưu thế của kỹ thuật công nghiệp'' (Clôđơ Parăng và Patơrixơ Gulê, tạp chí nghệ thuật và kiến trúc hiện đại số 51 về Le Corbusier).
Kiến trúc của Le Corbusier thời kỳ trước, và sau những năm 20 cho đến kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai.
Trước những năm 20, Le Corbusier đi rất nhiều, tiếp xúc rộng, học ở thư viện, ở các nhà bảo tàng, không có điều kiện tiếp xúc với trường học và bản thân ông không thích lối dạy học kinh viện chủ nghĩa ích kỷ bấy giờ; trường Đại học lớn của ông là cuộc đời.
Sau này, có lúc ông đã nói ''với số tiền tiết kiệm được của tôi, tôi đi du lịch qua nhiều nước. Xa những trường học, tôi xây dựng cuộc đời mình qua những công trình thực tế, và tôi bắt đầu thức tỉnh''.
Ông thiết kế nhà rẻ tiền cho công nhân, cho nông dân và trong khi thiết kế thành phố Chandigarh ở Bắc Ấn Độ, ngoài khu vực hành chính chủ yếu ra, ông dành cho mình phần thiết kế nhà ở cho tầng lớp Paria, tầng lớp cùng khổ nhất trong xã hội ở đây.
Le Corbusier từng nói: ''Là nhà kiến trúc và nhà qui hoạch, tôi học hỏi việc làm của kiến trúc sư ở những con người'', 1934. Trên tờ tạp chí Châu Âu của Đảng Cộng sản Pháp ra năm 1938 ông cũng đã viết: …Muốn hiểu biết quần chúng, tâm hồn và thể chất của họ, xem họ ăn thế nào, ở thế nào, sống tụ họp trong gia đình và sinh con đẻ cái ra sao...''. ''Tôi nghĩ rằng giữa việc làm và kết quả của việc làm chỉ có một động cơ, đó là việc trang bị cho xã hội những điều kiện ăn, mặc, ở, giải trí''.
Qua phương án đề xuất về kiến trúc loại nhà Domino, có thể xây dựng hàng loạt nhà mái bằng và kết cấu tiêu chuẩn hóa (1914); ta thấy tác giả đã nhìn thấy ''những vấn đề cơ bản của công tác xây dựng trong tương lai”. Đó cũng là một nguyên tắc xây dựng mà ngày nay bất cứ một nước nào muốn phát triển nhà ở phải ứng dụng, một nguyên tắc cơ bản mà sau này Lê Corbusier còn tiếp tục triển khai trong phương án nhà Citrohan (Xitơrohan).
Từ năm 1920 trở đi, Le Corbusier lần lượt đề xuất một số phương án nhà ở Citrohan nhằm mục đích xây dựng nhanh, nhiều và bắt kịp tốc độ công nghiệp hóa. Ông chú ý nghệ thuật tạo hình lập thể và cái đẹp hình khối, nhấn mạnh sự tiến hóa của bóng đổ và ánh sáng. Sau đó, Le Corbusier xây dựng thành công khu nhà ở theo kiểu hàng loạt ở Pessac. Đó là mẫu mực đầu tiên của một ý niệm qui hoạch đô thị mới.
Lúc đó, các nhà kiến trúc và nhà phê bình đã bực tức và căm ghét những tác phẩm này vì họ chưa hiểu được cái đa dạng trong cái thống nhất, một nguyên lý của mỹ học hiện đại, họ kêu ca và vu khống Le Corbusier là đã chôn vùi cái đẹp của lịch sử vào dĩ vãng.
Sau đó, Le Corbusier còn tiếp tục phát triển những thành công của mình về nhà ở trong nhiều tác phẩm khác, đáng chú ý là Tòa nhà Bọulogne sur Seine (1926). Ở đây, đáng chú ý về cách sử dụng không gian dùng tổ hợp nội thất kiểu không gian hòa nhập, tòa nhà Stein ở Garches (1927) với đặc điểm là hệ thống không gian có nhiều thành phần mới và tỷ lệ khá hoàn thiện của mặt đứng.
Về lý thuyết, Le Corbusier trong thời kỳ này đã đề ra “Năm điểm kiến trúc mới” và luận điểm nổi tiếng: “Nhà là cái máy để ở” với một nội dung đặc biệt mới mẻ và có sức chinh phục.
“Năm điểm kiến trúc mới” của Le Corbusier là nhà có cột đứng tầng dưới trống, mái bằng và trên có vườn, mặt bằng tự do, cửa sổ phân bổ theo hình ngang và mặt đứng tự do''.
Một số phương án kiến trúc đã chứng minh sự hợp lý của những luận điểm mới, vì hình thức kiến trúc mới này (thực tế xuất phát từ nội dung, từ chức năng và vật liệu mới) là các mẫu nhà ở thành phố vườn Weissenhof (Vai xen hốv) năm 1928 ở Đức (những kiểu nhà bị Hitler ra lệnh phá bỏ, nhưng do một sự tình cờ còn giữ lại được, và nay được liệt vào các di tích lịch sử xếp hạng). Biệt thự ở Carthage (Cactagiơ), Biệt thự Savoye ở Poissy - một hình tượng thuần khiết của kiến trúc Hiện đại, một tác phẩm có hệ thống không gian có tính truyền cảm mãnh liệt, giàu chất trữ tình và kết hợp hài hòa với thiên nhiên.
Tác giả thuyết minh cho luận cứ của mình như sau:
“Nó phải đáp ứng yêu cầu về ăn ở, có nghĩa là đảm bảo vệ sinh hoàn cảnh tạo điều kiện khỏe mạnh về thể chất và còn tạo điểu kiện lành mạnh về tinh thần cho con người”.
Quan niệm kiến trúc phải theo gương kỹ thuật tiên tiến, “nhà là cái máy để ở” có nghĩa là hình thức nhà phải xuất phát từ công năng, phải được xây dựng lắp ráp từ những sản phẩm tiêu chuẩn hóa, giống như nguyên tắc xây dựng một cái máy.
Người kiến trúc sư hiện đại, theo Le Corbusier phải áp dụng trong những tác phẩm của mình bằng các biện pháp kỹ thuật có thể để làm lợi cho xã hội và con người, nhằm tạo nên nhiều giá trị tinh thần. Ông mong muốn giữa văn hóa khoa học và văn hóa nghệ thuật có một sự kết hợp hài hòa.
Ông coi những công trình xây dựng là tuyên truyền kiến trúc mới của mình nhằm một mục đích nhân đạo.
Theo ông, muốn tạo nên một nền quy hoạch đô thị trật tự, hoàn chỉnh thì ''Sự thống nhất các thành phần xây dựng là một sự bảo đảm cho thẩm mỹ, tính đa dạng do nhà ở (xây dựng hàng loạt) đưa vào kiến trúc sẽ dẫn đến những bố cục lớn, những nhịp điệu kiến trúc chân chính''.
Le Corbusier đã đề ra vào những năm 30 một kiểu nhà ở lớn, độc đáo, một ngôi nhà ở tập thể bao gồm nhiều hộ nhỏ riêng biệt (immeuble villas). Từ kiểu nhà này, về sau tác giả còn phát triển thêm nhiều kiểu khác đa dạng hơn.
Cảm hứng về các ngôi nhà lớn như những con tàu này bắt nguồn từ một số hình thức kiến trúc Cổ Italia mà bóng dáng nó đã khắc sâu vào tâm trí của Le Corbusier từ năm 1907, đã gây ấn tượng mạnh khi ông đi qua vùng Toscane miền Tây Italia. Một đơn vị nhỏ của ngôi nhà đó đã được Le Corbusiser tách ra và xây dựng trong ''Triển lãm nghệ thuật trang trí năm 1925 ở Paris'' (các đại biểu Quốc tế đề nghị trao giải thưởng cho công trình này, trong khi đại biểu Pháp phát biểu: ''đây không phải là kiến trúc'').
Le Corbusier đã đưa vào đẳng thức có tính nguyên lý do ông đề ra ''Nghệ thuật tạo hình bằng sinh học, toán học'' để đề ra các phương án quy hoạch thành phố tới hàng triệu dân, phương án cải tạo trung tâm Paris và phương án thành phố tươi sáng. Ông chủ trương thay cách xây dựng hiện tại vốn hỗn loạn, kỳ dị và vô nghĩa (nếu không nói là bất lịch sự) bằng cách xây dựng sao cho thành phố trở thành có quy luật, có trật tự, có hệ thống giao thông điều hòa, tràn ngập cây xanh và ánh sáng.
Từ phương án quy hoạch thành phố tươi sáng (năm 1930) có tính chất lý thuyết, với sự phân vùng công năng rõ rệt có tính hình học sắc nét nhưng không hề loại bỏ cái đẹp, tự nhiên; Le Corbusier đã vẽ phương án quy hoạch cụ thể cho nhiều thành phố của nhiều nước. Quy hoạch Angve (1933), quy hoạch Alger (1930), quy hoạch Nơmua, Bắc Phi (1934), qui hoạch Helôcua (1935), rồi Riôđơ Gianâyrô, Xanh Điê, Stockholm.
Nhưng người ta đã từ chối ông ở nhiều nơi. Khi rời Alger vào một ngày tháng 7 năm 1934, Le Corbusier đã phải nói: ''Người ta đã đóng hết các cửa đối với tôi”. Chỉ có Ấn Độ sau này chấp nhận ông và tạo cho ông điều kiện để lại một đồ án quy hoạch có tiếng vang lớn trên thế giới.
Về mảng nhà công cộng lớn, trong thời kỳ trước chiến tranh thế giới thứ hai, Le Corbusier có những phương án gây nên một làn sóng xôn xao dư luận ở các nước như Đồ án Trụ sở Hội quốc liên ở Geneve (1927), phương án Cung Xô Viết ở Moskva (1931) và phương án Bảo tàng nghệ thuật Hiện đại ở Paris (1935). Ông đã xây dựng một nhà làm việc lớn ở Moskva (1928) và tòa nhà Thụy Sĩ ở trường Đại học Paris (1932) với một bút pháp độc đáo và tiến bộ.
Trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai, Le Corbusier vẫn viết nhiều công trình nghiên cứu để chuẩn bị cho tương tai. Ông nghiền ngẫm loại ''Nhà ở chuyển tiếp" với vật liệu xây dựng rẻ tiền (bùn và rơm) để dự kiến cho thời kỳ sau chiến tranh. Ông tham gia Hội những người cách tân kiến trúc (ASCORAL: Assemblée de Constructeurs pour une Renouvation Architecturale) và đề ra phương châm: "Nhà ở là đối tượng chính của công tác quy hoạch và thiết kế kiến trúc'').
Những tác phẩm quan trọng của Le Corbusier từ sau chiến tranh thế giới thứ hai
Năm 1945, Châu Âu im tiếng súng và tiến hành tái thiết. Le Corbusier được mời làm một số phương án quy hoạch, xây dựng lại các thành phố sau chiến tranh cũng như một số đơn vị nhà ở lớn ở một số nơi.
Tác phẩm đầu tiên của loại nhà này là đơn vị nhà ở Marseille (Pháp, 1947-1952). Mặc dầu vấp phải không ít khó khăn và trở ngại trong việc xây dựng, thậm chí bị một hội bảo vệ phong cảnh nào đó kiện tụng; song công trình này đã được khánh thành trọng thể năm 1952, và ngày nay được coi là hình tượng tiêu biểu của kiến trúc hiện đại. Đó là một tòa nhà ở tập thể lớn như một thị trấn, có những phương tiện phục vụ cấp I (nhà trẻ, cửa hàng các công trình thể thao...) tổ chức ngay trong đó và có nhiều kiểu căn hộ đáp ứng được các hộ gia đình có thành phần khác nhau (từ hộ độc thân cho đến hộ 10 người), bảo đảm tự đo tối đa cho mỗi hộ.
Tòa nhà dài 165 mét, cao 56 mét ở được 1688 người, có hình thức tổ chức như một tiểu khu.
Đáng tiếc là phương thức quản lý nhà và phương thức kinh doanh tư bản không dung hợp được ý đồ lớn lao của tác giả. Mặc dầu giới kiến trúc ở Pháp và ở nhiều nước khác tranh luận sôi nổi về công trình này, không ít người vẫn khâm phục nó.
Sau này, những đơn vị nhà ở lớn tương tự còn được xây dựng ở nhiều nơi và có thay đổi nhất định cho phù hợp với điều kiện địa phương. Các đơn vị nhà ở lớn đồ sộ này với không gian cây xanh liên tục chạy qua cả bên dưới tầng trống, chính là những bằng chứng sống động của một quan niệm quy hoạch mới.
Ở những nơi có những đơn vị nhà ở lớn này như Nantes Rezé (1952-1957), Briey la Forêt (1957 - 1959), Firmimi (1968); người ta nói rằng, thành phố (theo quan niệm cũ) đã bị tan biến.
Thành công lớn thứ hai của Le Corbusier sau chiến tranh là thiết kế quy hoạch và xây dựng một số công trình cho thành phố Chandigarh của Ấn Độ.
Chandigarh thuộc bang Punjab, nằm dưới chân dãy Himalaya, sau này đã trở thành một tổng thể rất đẹp.
Từ năm 1951 đến 1953, Le Corbusier đã hoàn thành phương án thành phố này với các đặc điểm phân vùng công năng rõ rệt: Phân loại đường giao thông hợp lý và tỉ mỉ (hệ thống bảy loại đường do tác giả đề xuất từ lâu) và chú ý đặc biệt đến mối liên hệ giữa khu vực ở với khu vực lao động và nghỉ ngơi, đến việc tổ chức bình đẳng các hình thức phúc lợi trong các khu dân cư.
Thủ tướng Ấn Độ Neruh, một người rất quý mến Le Corbusier đã viết ''Ấn Độ có nhiều thành phố và di tích lịch sử lâu đời và nổi tiếng. Trong những đô thị nhắc nhở lại cho chúng ta quá khứ đó, hiện có một thành phố khác hẳn, Thành phố Chandigarh đang xây tiếp, tác phẩm của kiến trúc sư nổi tiếng là Le Corbusier. Một số người vì quá gắn bó với các hình thức cũ, không đánh giá đúng những đố án mới mẻ và cách mạng đó. Mặc dù vậy, tôi tin rằng Chandigarh là một lời khuyên lớn, đã có ảnh hưởng lớn đối với các nhà kiến trúc Ấn Độ, đã đưa đến các ý đồ mới và hấp dẫn đối với các kiến trúc sư và các nhà quy hoạch của chúng ta''...
Trong khu vực đầu não của thành phố này, Le Corbusier đã để lại mấy bản trường ca bằng bê tông là tòa nhà Ban thư ký, Cung tư pháp và Cung Hội đồng. Phù hợp với khí hậu nhiệt đới có nhịp điệu rất linh hoạt và được nhấn mạnh bởi một số trọng điểm cần thiết, tạo được những điều kiện sử dụng có chất lượng cao trên có sở hoàn thiện về kỹ thuật âm thanh và ánh sáng là những nét thành công nhất của các công trình này.
Trong thời kỳ này, Le Corbusier cũng xây dựng ở Pháp và ở Algerie một số công trình văn hóa, khoa học và giáo dục.
Ông còn để lại một nhà bảo tàng ở Tokyo, công trình trụ sở Liên đoàn những người thợ dệt và một bảo tàng khác ở Ahmadabad, một thành phố lớn ở Tây Ấn Độ.
Phương án cuối cùng trước khi qua đời của Le Corbusier, được coi như lời trăng trối của ông để lại cho hậu thế, là phương án Bệnh viện Venise (Italia) thiết kế theo yêu cầu của nhà đương cục địa phương. Để tôn trọng yếu tố truyền thống của thành phố có lịch sử lâu đời và thể hiện sự yêu mến đối với con người, Le Corbusier đã sáng tạo ra một kiểu bệnh viện mới. Đó là gợi ý đầu tiên cho một kiểu bố cục bệnh viện mà ngày nay khá phát triển do chịu đựng được thử thách của thời gian và thực tiễn.
Le Corbusier qua đời ngày 27-8-1965 ở Cap Martin, gần thành phố Rokiobrune, nơi nghỉ ngơi ưa thích của ông. Tang lễ được cử hành tại Điện Louvre, sau đó được hỏa táng tại Marseille và đem về chôn cất tại Rokiobrune, cạnh nơi yên nghỉ của vợ ông.
Có người đã so sánh Le Corbusiser với các tài năng của nghệ thuật Phục hưng Italia.
Le Corbusier không những là nhà kiến trúc và nhà quy hoạch mà còn là nhà xã hội học, nhà văn, nhà thơ trữ tình, họa sĩ, nhà điêu khắc v.v... Ông là một tấm gương sáng cho những người hoạt động nghệ thuật noi theo.