LUDWIG VAN BEETHOVEN (1770 - 1827)
BEETHOVEN - nhạc sĩ vĩ đại người Đức, thiên tài mà khó ai có thể trội hơn trong việc làm chủ đề tài sáng tác giao hưởng, nhạc phòng, concerto và sonata cho piano. Ông là điển hình cho sức sáng tạo phi thường, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong nghệ thuật sáng tác. Nhạc sĩ sanh tại Bonn, ngày 15 (có nhà chép tiểu sử cho là 16). Tháng 12-1770 (được làm lễ Thánh ngày 17-12); mất tại Vienna ngày 26-3-1827. Thầy dạy sáng tác đầu tiên của ông là Christian Gottlob Neefe, một nhạc sĩ điêu luyện. Dường như ông đã sớm nhận ra tài năng xuất chúng của cậu trò nhỏ, ông hướng Beethoven học sáng tác theo phong cách của J.S.Bach và khích lệ cậu thể hiện ngay với với cây đàn phím (piano). Năm 1782, ở tuổi 12, Beethoven sáng tác Nine Variations for Piano on a March of Dressler, đây cũng là tác phẩm đầu tiên được công bố của ông. Năm 1783, ông chơi cembalo trong Dàn nhạc Giao hưởng Hoàng gia (Court Orchestra) ở Bonn; năm 1784, Tuyển hầu Maximilian Franz chính thức bổ nhiệm ông làm Giám đốc Dàn Giao hưởng Organ Hoàng gia, ông giữ cương vị này tới năm 1792. Từ năm 1788 tới 1792, Beethoven là người chơi đàn vĩ cầm trong các dàn nhạc giao hưởng nhà hát. Năm 1787, Tuyển hầu gửi ông tới Vienna, ông ở đây một thời gian ngắn. Có giai thoại kể rằng ông đã chơi piano cho Mozart thưởng thức và Mozart thốt lên rằng ông sẽ là nhạc sĩ vĩ đại trong nay mai, đó dường như là điều không thể có trong trí tưởng tượng của ai đó. Sau một vài tuần đến Vienna, Beethoven nhận được tin mẹ ông ốm rất nặng, nhạc sĩ trở về Bonn; ngày 17-7-1787, mẹ ông qua đời. Ông phải nuôi hai người em trai vì người cha nát rượu không thể hoàn thành trách nhiệm của mình.
Năm 1790, một sự kiện quan trọng trong đời 1 Beethoven khi Haydn trên đường tới London, được Tuyển hầu đón tiếp long trọng khi dừng nghỉ tại Bonn. Beethoven đã được ra mắt ông. Haydn khích lệ Beethoven tới Vienna để học sáng tác với ông. Beethoven tới Vienna tháng 11-1792 và bắt đầu học sáng tác với Haydn. Trong thời gian đó, Haydn lại có việc phải đi London và các buổi học của Beethoven bị gác lại. Thay vì học với Haydn, Beethoven bắt đầu học sáng tác nhạc đối âm với Johann Georg Albrechtsberger, một nhạc sĩ được học bài bản và là nhà sư phạm uyên thâm. Việc học tiếp diễn trong khoảng một năm, cho tới 1795. Ngoài ra, Beethoven còn học sáng tác thanh nhạc với nhà soạn nhạc Italia lỗi lạc - Antonio Salieri, Nhạc trưởng Dàn nhạc Hoàng gia Áo.
Beethoven may mắn gặp được một ân nhân hào phóng: Hoàng tử Karl Lichnowsky ban thưởng nhạc sĩ mỗi năm 600 florin (tiền Hà Lan), bắt đầu từ năm 1800. Đổi lại sự hào phóng này, Hoàng tử được đền đáp xứng đáng bằng việc khám phá Thánh đường âm nhạc thông qua sự dâng tặng của Beethoven tới ông, tác phẩm Sonata pathétique và nhiều bản nhạc khác, trong đó có tác phẩm được đánh số đầu tiên của ông, một bản giao hưởng cho bộ ba piano trao. Một nhà quý tộc khác, Hoàng tử Razumovsky, làm đại sứ của Nga ở Vienna khi đó, cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời Beethoven. Từ năm 1808 đến 1816, vị đại sứ cho duy trì trong dinh thự của mình một dàn tứ tấu đàn dây, trong đó ông chơi violon thứ. Beethoven dâng tặng vị đại sứ ba khúc tứ tấu cho đàn dây, sau này được gọi là Những khúc tứ tấu Razumovsky, với những chủ đề trong dân ca Nga.
Beethoven lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng Vienna ngày 29-3-1795 trong vị trí nghệ sĩ solo một trong các bản concerto dành cho piano của ông (rất có thể là tác phẩm Concerto cung Si trưởng số 19). Năm 1796, ông trình diễn ở Pragua, Dresden, Leipzig và Berlin. Ông cũng tham gia vào ''những cuộc đua tài'' danh tiếng lúc bấy giờ với những nghệ sĩ piano khác, thường xuyên được tổ chức trong các phòng trà lớn của giới quý tộc. Ngày 2-4-1800, ông ra mắt buổi hoà nhạc gồm tất cả các tác phẩm của mình tại Nhà hát Burgtheater ở Vienna, lần đầu tiên tác phẩm First Symphony (Bản giao hưởng số 1) cung Đô trưởng và Septet cung Mi trưởng được biểu diễn. Những tác phẩm khác được ông sáng tác vào ngưỡng cửa của thế kỷ XIX (1800) là bản giao hưởng Piano Sonata cung Đô thứ số 13, tác phẩm còn có tên là Pathétique; Piano Concerto, Đô trưởng, số 15; bản giao hưởng Sonata quasi una fantasia viết cho đàn plano ở cung Đô thăng thứ, số 27; tác phẩm được đổi tên là Moonlight Sonata (Bản xônat Ánh Trăng do một nhà phê bình âm nhạc theo trường phái lãng mạn cảm thụ và gọi như vậy, nhưng Beethoven không hoàn toàn đồng ý) và tác phẩm Piano Sonata cung Rê trưởng với tên thường gọi Pastoral (Cảnh đồng quê).
Nhà âm nhạc học người Bỉ Franois Joseph Fétis là người đề xướng phân loại tác phẩm của Beethoven theo ba giai đoạn ứng với ba phong cách khác nhau. Quan điểm này được Wilhelm von Lenz làm sáng tỏ hơn trong tác phẩm Beethoven et ses trois styles (Beethoven và ba phong cách sáng tác của ông, 1852). Bất chấp sự phân chia thời gian võ đoán này, tác phẩm vẫn trở thành tài liệu có giá trị trong các tác phẩm nghiên cứu về Beethoven. Theo Lenz, giai đoạn thứ nhất gồm những tác phẩm Beethoven sáng tác từ những năm đầu niên thiếu đến cuối thế kỷ XVIII, đánh dấu bằng thể loại sáng tác gần gũi với phong cách của Haydn. Giai đoạn thứ hai, từ 1801 đến 1814, được ghi nhận bởi những thủ pháp sáng tác hoàn toàn lãng mạn và riêng tư hơn. Bản Moonlight Sonata ra đời sớm nhất trong giai đoạn này. Giai đoạn cuối cùng được trải dài từ 1814 đến 1827 (năm Beethoven qua đời) gồm những tác phẩm có tính sáng tạo, những cách tân, không theo quy tắc, và thể hiện có cá tính hơn cả. Điển hình là những khúc tứ tấu viết cho đàn dây cuối cùng trong đời ông và The Ninth Symphony (Bản giao hưởng số 9), với chương kết mang đậm âm hưởng Thánh ca.
Những năm đầu sự nghiệp của Beethoven ở Vienna được đánh dấu bằng sự thành công tốt đẹp; ông được biết đến không chỉ như một nhạc sĩ và nghệ sĩ piano điêu luyện, mà còn như một nhân vật xã hội được giới quý tộc nghênh tiếp ân cần. Nhưng sự nghiệp đang lên của Beethoven bị ảnh hưởng định mệnh bởi căn bệnh điếc xuất hiện một cách bí ẩn như số phận ông, dẫn đến cơn khủng hoảng tinh thần năm 1802. Ngày 8 và 10 tháng 10 năm 1802, ông viết một bản sầu thảm, được biết với tên Heiligenstadt Testament, vì nó được viết tại làng Heiligenstadt, nơi ông ở thời gian đó. Sau khi ông mất, bản tư liệu đó mới được biết đến; với giọng tuyệt vọng khi nhận ra rằng giác quan ''con người'' quan trọng nhất của ông - thính giác - đang bị hỏng không cưỡng nổi. Ông đã nài nỉ hai người em trai rằng trong trường hợp ông mất sớm, hãy đến gặp Bác sĩ Schmidt, người biết rõ bí mật về ''căn bệnh dai dẳng'' (lasting malady) của ông từ 6 năm trước khi ông viết Testament (kể trên), năm 1796. Giả thuyết về bệnh tật của ông để lại một chút nghi ngờ rằng, chính là ''bệnh dịch'' làm cho ông khiếp sợ mà ốm thêm, với các triệu chứng rối loạn đường ruột, sự phình to quá cỡ của tuyến tụy, xơ gan và đáng ngại nhất là sự thoái hoá của xốp vỏ đại não. Tuy nhiên, sự suy thoái thính giác của nhạc sĩ có lẽ là do nguyên nhân chính sau: chứng xơ cứng tai, dẫn đến là co các dây thần kinh thính giác và sự giãn nở đồng phát của các động mạch vành tai. Bằng chứng bên ngoài là có những dấu hiệu của sự ù tai, những tiếng vo vo liên miên mà chính Beethoven thường phàn nàn với bạn bè. A.W.Thayer, một nhà viết tiểu sử luôn tỏ ra tôn kính ông, khẳng định rõ ràng rằng một vài người bạn của Beethoven biết được nguyên nhân những chứng bệnh đồng phát của nhạc sĩ là do bệnh giang mai.
Thật đáng khâm phục: với tình trạng bệnh tật như vậy mà Beethoven vẫn có thể tiếp tục công việc sáng tác bằng năng lực vốn có. Lần theo thời gian các tác phẩm của ông, chúng ta thấy chỉ có vài khoảng gián đoạn; và vẫn như trước đây, không hề có sự ảnh hưởng rõ rệt của nỗi thất vọng tới thủ pháp sáng tác của thiên tài âm nhạc. Năm 1803, Beethoven giới thiệu các tác phẩm của ông trong chương trình hoà nhạc ở Vienna; ông là nghệ sĩ độc tấu trong tác phẩm Third Piano Concerto (Bản concerto số 3 dành cho piano), chương trình cũng ra mắt công chúng tác phẩm số 2 Second Symphony và bản giao hưởng theo chủ đề Kinh Thánh (orato) Christus am Oelberge. Ngày 24-5 năm đó, nhạc sĩ diễn tấu piano tại Vienna bản Vtolin Sonata, op. 47 (Bản xônát dành cho violon, tác phẩm thứ 47 của ông), bản nhạc có tên là Kreutzer Sonata (Bản xônát của Kreutzer), mặc dù Kreutzer không tham gia biểu diễn, mà vị trí chơi violon của ông lại do nghệ sĩ lai da màu tên George Bridgetower đảm nhận.
Trong suốt hai năm 1803 và 1804, Beethoven soạn Bản giao hưởng lớn số 3, cung Mi giáng trưởng, op. 55, còn gọi là Eroica. Tác phẩm có một lịch sử thú vị. Môn đệ của nhạc sĩ, Ferdinand Ries, kể lại rằng Beethoven đã xé trang tiêu đề bản nhạc định dâng tặng Napoléon sau khi nghe lời tuyên thệ trở thành Hoàng đế nước Pháp của ông ta năm 1804, và thốt lên: ''Cuối cùng thì ông ta cũng chỉ là một tên bạo chúa như tất cả các Vua chúa khác mà thôi!” Ries đã thuật lại câu chuyện này trước khi ông mất, khoảng 34 năm sau khi bản giao hưởng Eroica ra đời, để lại sự nghi ngờ về tính xác thực của nó. Sự thực thì trong một bức thư gửi Nhà xuất bản Breikopf & Hartel, để ngày 26-8-1804, rất lâu sau khi Napoléon lên ngôi Hoàng đế, Beethoven vẫn để lời đề tặng với ý tôn vinh “Bonaparte đích thực”. Tháng 10-1806, khi ấn bản đầu tiên của các chương hợp xướng được xuất bản ở Vienna, bản giao hưởng mang tựa đề Simfonia eroica com - posta per festeggiare “souvenire d’un grand’ uomo (Bản giao hưởng anh hùng, được sáng tác để tưởng nhớ một con người vĩ đại). Napoléon lúc bấy giờ còn mạnh và vẫn đang dẫn đầu đại quân với các cuộc chinh phục mới, do vậy tiêu đề này không thích hợp. Tuy nhiên, khúc nhạc tang nổi tiếng trong lịch sử đã để tại cảm xúc về sự mất mát và tang thương vẫn còn là điều bí ẩn.
Năm 1803, Emanuel Schikaneder, Giám đốc Nhà hát Theater an der Wien đặt Beethoven soạn một khúc opera cho vở kịch mà ông đã chuẩn bị dưới đầu đề Vestas Feuer (Vastal Flame). Nhưng nhạc sĩ đã sớm lãng quên đề nghị, thay vào đó, ông bắt tay sáng tác một bản opera dựa trên tác phẩm Léonore, ou L' Amour conjugal (Léonore, hay Tình yêu vợ chồng) của J. N. Bouilly. Bản nhạc opera hoàn thành, được mang tên Fidelio, tên một nữ anh hùng, đã hết sức nỗ lực để cứu người chồng đang chịu án tù. Nhà hát Theater an der Wien nhận được bản nhạc kịch ngày 20-11-1805 trong hoàn cảnh rất khó khăn, quân đội Pháp tràn vào Vienna một vài ngày trước đó. Chỉ có ba buổi trình diễn trước khi vở nhạc kịch tổ chức biểu diễn lại vào ngày 29-3 và 10 - 4 - 1806; sau một thời gian dài gián đoạn khác, ngày 23-5-1814, một phiên bản của tác phẩm Fidelio được duyệt kỹ lại ra đời. Beethoven đã viết ba phiên bản của Khúc mở màn Léonore; để chuẩn bị cho một buổi biểu diễn khác vào ngày 26-5-1814, nhạc sĩ duyệt lại một tần nữa khúc mở màn đó. Và lần này, nó được trình diễn với tiêu đề Fidelio Overture (Khúc mở màn Fidelio).
Từ năm 1802 đến năm 1808 là thời kỳ Beethoven đạt tới đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc với những tác phẩm đầy tính sáng tạo. Trong thời gian này, ông cho ra đời tác phẩm, Three String Quartets op.59 (Khúc tứ tấu cho đàn 3 dây, tác phẩm thứ 59), dâng tặng Bá tước Razumovsky; các bản giao hưởng số 4, 5, 6 (The Fourth, Fifth and Sixth Symphonies); bản Violin Concerto (Bản concerto cho đàn violon), The Fourth Piano Concerto (Bản concerto số 4 cho đàn piano), Triple Concerto (Concerto tam tấu); Coriolan Overture (Khúc mở màn Coriolan); và một số bản piano sonata (sonat cho piano), tác phẩm viết ở cung Rê thứ, số 31, số 2, tác phẩm Tempest (Dông tố); tác phẩm Waldstein, op. 53 cung Đô trưởng; và Appassionata, op.57, cung Fa thứ. Ngày 22-12-1808, các bản giao hưởng số 5 và 6 của nhạc sĩ được biểu diễn lần đầu tiên tại một hoà nhạc ở Vienna; buổi trình diễn kéo dài khoảng bốn tiếng.
Mặc dù vậy, những khó khăn về tài chính vẫn bủa vây Beethoven. Các khoản tiền trợ cấp hàng năm từ những người bảo trợ thì không ổn định, và sự mất giá của đồng tiền Áo đã làm hỏng kế hoạch của ông. Tháng 10-1808, Hoàng thân Bonaparte ở trấn Đông Westphalia ban cho Beethoven chức Nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Kassel với một mức lương cao, nhưng ông đã quyết định ở lại Vienna.
Từ năm 1809 đến năm 1812, Beethoven sáng tác Bản Concerto số 5 cho piano; Khúc tứ tấu cho đàn dây viết ở cung Mi giáng trưởng, op.74; bản nhạc sân khấu Egmont dựa trên tác phẩm Egmont của Góethe; các Bản giao hưởng số 7 và 8; Piano sonata cung Mi giáng trưởng, op. 81a, được đặt tiêu đề một cách bất thường: Das Lebewohl, Abwesenheit Wiedersehn, tác phẩm còn được biết với tiêu đề tiếng Pháp Leo Adieux, I’Absence, et le Retour (Những lời giã biệt, sự vắng mặt và sự trở về). Nhạc sĩ còn viết thêm một dòng mô tả đặc biệt cho bản nhạc Sonate carac-téristique (Bản sonate đặc biệt). Việc mô tả đặc điểm rõ ràng cho tác phẩm như thế này rất hiếm thấy ở Beethoven; ông thường tránh mô tả chủ đề, mà thích để âm nhạc tự nó diễn tả ý tưởng của mình hơn. Ngay cả bản giao hường số 6, Pastoral (Cảnh đồng quê), ở mỗi chương có một tiêu đề đặc biệt, mô phỏng tài tình tiếng chim hót và mô tả một cơn bão như là thật; Beethoven đã quyết định viết thêm vào một câu có ý diễn tả ý tưởng của bản nhạc, là sự biểu đạt những cảm xúc của con người, chứ không phải diễn tả một bức tranh. Beethoven phủ nhận hoàn toàn lời giới thiệu nổi tiếng về Bản giao hưởng số 5 làm thay đổi số phận ông (tượng trưng cho tiếng gõ của số phận vào cửa nhà ông), nhưng sự liên tưởng với biểu tượng quá lớn nên khó có thể thoát khỏi điều huyền thoại đó. Tuy nhiên, một vài tác phẩm của Beethoven được sáng tác theo nhạc tố bốn nốt với nhịp thơ iambơ đặc sắc (thơ trào phúng Cổ Hy Lạp), trong đó phải kể đến Bản con - certo số 4 dành cho piano và Appassionata. Carl Czerny, một người thân thiết với Beethoven khi nhạc sĩ ở Vienna, khẳng định rằng chủ đề bản giao hưởng số 5 được Beethoven lấy cảm hứng từ tiếng hót của loài chim hót hay tên là Emberiza (hay Emmerling), một loài chim họ sẻ cánh vàng sống rất nhiều ở Châu Âu. Có thể Beethoven đã nghe được tiếng loài chim này trong khi đi dạo trong những cánh rừng ở Vienna, tiếng hót đủ nhức nhối như thể đền bù cho người nhạc sĩ bất hạnh bị mất đi khả năng cảm nhận thanh âm.
Dẫu có như vậy thì bản giao hưởng nhạc tố 4 nốt vẫn là sự kết hợp đối nghịch miêu tả ngày tận thế của kẻ thù và niềm hân hoan của người chiến thắng sau trận đánh. Một tác phẩm có tiêu đề nổi tiếng khác của Beethoven là Emperor Concerto (Bản concerto dâng lên Hoàng đế), một cái tên khác của bản concerto số 5 cho piano, op. 73. Nhạc sĩ sáng tác bản nhạc đó năm 1809, khi ấy ngôi sao chiếu mệnh của Napoléon vẫn tỏa sáng trên bầu trời Châu Âu, và một số nhà phê bình âm nhạc thời ấy đã nhận định rằng giai điệu hùng dũng của âm nhạc với những tiếng kèn lệnh kêu vang chắc chắn là dành tặng Hoàng đế nước Pháp.
Beethoven phóng đại sự túng thiếu của mình còn những tờ trái phiếu, cổ phiếu thì được nhạc sĩ cất kỹ trong một ngăn kéo bí mật. Trong sinh hoạt hàng ngày, nhạc sĩ có những thói quen không được vệ sinh cho lắm: ông thường dùng các bản nhạc phác thảo để đậy tô súp và thậm chí đậy cả tách trà, rồi để cái đĩa chồng lên bản thảo. Nhạc sĩ thiên tài ngây thơ một cách kỳ lạ: ông chịu khó kiểm tra lại các số trúng giải của cuộc xổ số do Chính phủ Áo tổ chức, hy vọng tìm ra một đầu mối huyền diệu từ các con số để tìm kiếm vận may cho bản thân. Chữ viết tay của ông thì đủ nét, nhưng không thể luận được. Việc sao chép lại các bản thảo nhạc của ông gặp nhiều khó khăn, không chỉ bởi nhiều nốt nhạc bị vấy bẩn, mà thậm chí đôi chỗ Beethoven còn quên không đánh một nốt thăng hay nốt giáng quan trọng. Một người chuyên sao chép nhạc nói rằng, ông ta thà chép lại 20 trang bản thảo của Rossini hơn là phải chép một trang của Beethoven. Nhưng mặt khác, các tập bản thảo của Beethoven, bao gồm nhiều bản phác thảo nhạc lại cực kỳ quý giá; vì chúng giúp học giả khám phá đầy đủ quá trình sáng tạo nên các tác phẩm của Beethoven, hiểu được những trăn trở tận nơi sâu thẳm tâm hồn người nhạc sĩ.
Người ta cũng đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực quanh câu hỏi về quan hệ của Beethoven với phụ nữ. Qua nhiều câu chuyện hàng ngày và các bức thư thân tình với bạn bè, Beethoven thổ lộ niềm ao ước có một người bạn đời lý tưởng; trong một số thư, nhạc sĩ còn nhờ bạn bè tìm hộ cho một cô dâu thích hợp. Nhưng tuyệt nhiên không hề có một thông tin, rằng Beethoven có quan hệ với người phụ nữ nào ở Vienna. Nhạc sĩ thiếu những khả năng giao tế xã hội: ông không biết nhảy; không thể tham gia vào một cuộc đối thoại nhỏ về những chuyện vặt vãnh; và đằng sau tất cả là sự thật kinh hoàng về chứng bệnh điếc. Ông có thể nói, nhưng không phải lúc nào cũng hiểu người đối thoại đang nói gì với mình. Với những người bạn thân, nhạc sĩ dùng một vật giống như cây kèn trompet áp vào tai một cách khó nhọc; nhưng những sáng kiến như vậy hiển nhiên không thích hợp trong giao tiếp ngoài xã hội. Nhạc sĩ thiên tài bất hạnh còn để lại một vài bằng chứng về những cảm xúc sâu kín của ông với một vài học trò và những người đàn bà trong xã hội qua các sáng tác của ông tặng họ. Nhưng vì nhiều lý do, Beethoven thực sự chưa bao giờ ngỏ lời cầu hôn và những người phụ nữ ông đem lòng yêu mến cuối cùng thường kết hôn với những người theo đuổi ít do dự hơn ông.
Beethoven phải tìm sự giải thoát ở những hình ảnh tưởng tượng. Điều đó hẳn không thể tránh khỏi. Điển hình của các điều tưởng tượng đó là bức thư nổi tiếng để gởi một ''Unsterbliche Geliebte'' (Người tình bất tử), với giọng chứa chan cảm xúc đặc trưng bởi tâm hồn lãng mạn, đa cảm thời kỳ đó. Bức thư gợi sự liên tưởng tới tiểu thuyết The Sorrows of Young Werther (Nỗi đau khổ của chàng Werther) của Goethe. Bức thư tình đó không được nhạc sĩ gửi đi, nó chỉ được khám phá ra sau khi ông mất. Người ta tìm thấy bức thư trong một ngăn kéo bí mật của chiếc bàn viết ở nhà ông. Có rất ít những đầu mối để tìm hiểu về người phu nữ trong mối tình say đắm của ông. Trong bức thư đó, ông bày tỏ niềm háo hức, say mê mong đợi cuộc hẹn sắp tới tại một nơi được viết tắt là ''K''. Trong thư, ông đề ngày thứ hai, mùng 6 tháng 7, nhưng không ghi rõ năm nào. Những người chuyên nghiên cứu về Beethoven nhận định rằng, năm 1812 là có cơ sở nhất vì trong năm đó, ngày mùng 6 tháng 7 rơi vào thứ hai. Một bản danh sách thống kê đầy đủ đã đưa ra tên của tất cả những người phụ nữ mà nhạc sĩ quen từ khi ông 14 tuổi cho đến khi ông 40 tuổi. Và danh sách vô tận đó vẫn chưa kết thúc, nó kéo dài trong vòng một thế kỷ rưỡi: ''Người tình bất tử'' có khả năng là Antoine Brentano, vợ một thương nhân. Nhưng Beethoven là vị khách thường xuyên đến thăm gia đình họ; các bức thư nhạc sĩ gửi cho bà thường qua đường bưu điện thành phố và những bức thư trả lời của phu nhân Brentano đã bày tỏ tình yêu của bà với Beethoven. Nhưng những lá thư này không thể là những bức thư trả lời phù hợp với lời tuyên bố về mối tình bất diệt mùi mẫn như trong lá thư không gửi của Beethoven. Và nếu thực sự phu nhân của Brentano là “Người tình bất tử” thì tại sao hai người không sắp xếp được một cuộc hẹn ở Vienna trong khi người chồng bận làm ăn xa.
Cái gọi là phong cách sáng tác thứ ba của Beethoven được các nhà viết tiểu sử khoanh trong khoảng thời gian 10 hay 15 năm cuối đời ông. Nó bao gồm việc sáng tác Bản giao hưởng số 9 bất hủ, tác phẩm hoàn thành năm 1824 và được trình tấu lần đầu tiên ở Vienna trong năm đó; chương trình cũng bao gồm các trích đoạn từ tác phẩm Missa Solemnis và Dei Weihe den Hauses (The Consecration of the House). Người ta kể rằng, cuối buổi trình diễn, Caroline Unger, nghệ sĩ solo giọng nữ trầm đã kéo tay áo Beethoven để ông biết được sự tán thưởng thính giả dành cho mình. Bằng Bản giao hưởng số 9, Beethoven đã mở ra một hình thái giao hưởng là bản tuyên ngôn của nhạc sĩ trước toàn thế giới, dựa trên thơ ca ngợi của Schiller An die Freude (To Joy). Trong đó, Beethoven thông qua Schiller kêu gọi toàn thể nhân loại hãy đoàn kết lại trong tình thương yêu. Lần đầu tiên một tác phẩm âm nhạc phục vụ một ý tưởng chính trị. Các khúc tứ tấu cho đàn dây cuối cùng của Beethoven gồm những tác phẩm đánh số 127, 130, 131, và 132 được coi như những đối khúc của bản giao hưởng cuối cùng, với những cải cách táo bạo, những khoảnh khắc im lặng đầy kịch tính và sắc màu của thanh âm hoà tấu huyền hoặc.
Tháng 12-1826, trên đường trở về Vienna từ chuyến thăm Gneixendorf, Beethoven bị sốt cao, cơn sốt biến chứng thành bệnh viêm màng phổi rất hiểm nghèo. Trong tình trạng đó, bệnh phù và vàng da xảy ra bất ngờ; cuộc phẫu thuật để trích nước thừa trong cơ thể ông không thành công. Nhạc sĩ qua đời vào chiều ngày 26-3-1827. Nhiều nguồn thông tin để lại có nói về một cơn giông tạo ra nhiều sấm chớp đã xảy ra ở thành Vienna khi Beethoven trút hơi thở cuối cùng. Việc xuất hiện cơn giông, thực tế đã được khẳng định từ thông báo thường xuyên của cơ quan dự báo thời tiết thành Vienna. Nhưng câu chuyện nhạc sĩ nâng cao bàn tay nắm chặt như một cử chỉ thách thức với Thiên đường hống hách thì phải cho rằng đó là một ý nghĩ kỳ quặc. Nhạc sĩ quá đuối sức để có thể nắm chặt bàn tay hay nâng cánh tay của mình lên.
Âm nhạc của Beethoven đánh dấu một ranh giới giữa thời kỳ nhạc kinh điển của thế kỷ XVIII, được minh họa bởi những tên tuổi vĩ đại của Mozart và Haydn, và xu hướng mới của âm nhạc lãng mạn ngự trị trong suốt thế kỷ XIX. Có nhiều yếu tố thuần tuý bên ngoài phân biệt hai thời kỳ phát triển âm nhạc này; một trong số đó liên quan đến các vấn đề quần áo hay tóc của các nhạc sĩ. Âm nhạc trước Beethoven là Zopfmusik, hay âm nhạc thời thắt bím đuôi sam. Haydn và Mozart quen thuộc với chúng ta qua những bức chân dung, đầu họ đội những bộ tóc giả uốn công phu; bộ tóc của Beethoven trái lại lù xù trong ''sự huy hoàng'' rối bù. Âm nhạc thế kỷ XVIII có tầm quan trọng của các tác phẩm sáng tác hàng loạt. Con số chấp nhận được về số lượng bản giao hưởng của Haydn, theo như nhạc sĩ đếm là 104, nhưng thậm chí trong catalogue của ông, Haydn cho phép nhân đôi mỗi tác phẩm của ông thì con số cũng thật lớn. Mozart viết khoảng 40 bản giao hưởng trong quãng đời ngắn ngủi của mình. Các bản giao hưởng của Haydn được cấu trúc theo chuẩn mực vốn có dễ nhận thấy, trong khi các giao hưởng cuối cùng của Mozart thể hiện một cấu trúc âm nhạc sâu sắc hơn, chúng không xuất phát từ truyền thống sáng tác kinh điển. Bên cạnh đó, cả Haydn và Mozart đều viết các bản nhạc hòa tấu đa dạng bao gồm sự bỏ qua chủ đề, serenatas, diver-timento và các tổ khúc trên cơ sở đồng nghĩa với các bản giao hưởng.
Các bản giao hưởng của Beethoven ít về số lượng, nhưng thật đa dạng. Bản giao hưởng số 1 và số 2 có thể vẫn được phân loại như Zopfmusik, nhưng với bản giao hưởng số 3, nhạc sĩ đã tiến vào một thế giới âm nhạc mới. Trước đó, chưa có bản giao hưởng nào diễn tả một đám tang rõ ràng như thế. Mặc dù bản giao hưởng số 5 không có chương trình xếp đặt trước, nhưng bản thân nó dễ dàng cho phép một sự tham gia có tính chất chương trình. Wagner gắn một cái mác khoa trương ''sự phong thần của vũ điệu'' cho bản giao hưởng số 7 của Beethoven; bản giao hưởng số 8 được Beethoven gọi là giao hưởng nhỏ, và bản số 9 thường được viết như Bản giao hưởng Nhà thờ. Khi Beethoven bắt đầu bước vào thế giới âm nhạc, việc ''sản xuất'' hàng loạt các bản giao hưởng đã ngừng. Schumann, Brahms, Tchaikovsky và các nhạc sĩ cùng thời với họ có sáng tác giao hưởng, nhưng chỉ một vài bản, và mỗi tác phẩm có một gương mặt riêng. Beethoven phá bỏ vĩnh viễn thể loại nhạc Zopfmusik và mở những cánh cổng thật lớn cho kỷ nguyên âm nhạc lãng mạn.
Tương tự như các cuốn tiểu thuyết là các khúc tứ tấu cho đàn dây của Beethoven, một biển thẳm âm nhạc tách các khúc tứ tấu cho đàn dây của ông khỏi các sáng tác thử trước đây trong cùng thể loại. Các khúc trio, violin sonata, cello sonata và 32 bản sonata cho piano vĩ đại còn đại diện cho những khái niệm có tính chất tiến hoá. Tuy nhiên, giai điệu và hoà thanh của Beethven không chệch ra khỏi các luật bất khả xâm phạm vì lý do tôn giáo về hòa âm và giọng hát. Hợp âm nghịch tai nổi tiếng giới thiệu chương cuối cùng của Bản giao hưởng số 9 đã chuyển thành âm chủ, đem đến một khoảng ngừng nghỉ duy nhất cho đôi tai thính giả. Beethoven sắp xếp theo từng cặp giai điệu giọng cao với các hợp âm thuộc bộ ba trong sự hòa thanh dè dặt của giọng nam trầm sâu lắng như là đặc trưng phong cách sáng tác của ông, nhưng lại không phạm lỗi trong luật sáng tác kinh điển. Các nhà phê bình âm nhạc đương thời đánh giả một vài tác phẩm của ông có mâu thuẫn và miêu tả Beethoven như một thiên tài lập dị sáng tạo ra những âm thanh khác người. Đối với những đôi tai chưa quen nghe nhạc, khi thưởng thức các tác phẩm hòa tấu của ông thì những khoảng ngừng hiệu quả cũng lạ lẫm như sự uốn giọng bất ngờ.
Beethoven không phải là nhạc sĩ sáng tác đối âm bằng kỹ thuật hay bằng cảm thụ thông thường. Ngoại lệ là bản Grosse Fuge (Fuga vĩ đại) bất hủ, được soạn như chương cuối cùng của Khúc tứ tấu cho đàn dây, op. 133. Các chương fuga của ông thường là sự mô phỏng thể tài sáng tác canon. Chỉ có một ví dụ duy nhất trong âm nhạc của Beethoven về phần ngoại lệ, một khúc biến tấu thành công do duy trì chủ đề nghịch. Ông còn là bậc thầy của khúc biến tấu viết cho nhạc cụ, chuyển hóa từ những biến tấu phi thường thông qua sự thay đổi giai điệu và nhịp điệu luân phiên của chủ đề ban đầu. Tác phẩm số 120 (op. 120) có 33 khúc biến tấu viết cho piano dựa trên chủ đề một điệu waltz do Nhà xuất bản Diabelti ở Vienna phát hành là một trong những thành công vĩ đại nhất của nghệ thuật âm nhạc.