KIẾN TRÚC SƯ TADAO ANDO (1941)
CON NGƯỜI VÀ TÁC PHẨM
Trong nghệ thuật kiến trúc, có những hiện tượng bất ngờ và kỳ diệu đó là hiện tượng những con người bất chợt chói sáng với các hoạt động nghề nghiệp của mình, và tầm vóc tư duy cũng như tác phẩm của họ cứ sáng mãi, sáng mãi... cùng thế giới. Họ có một khả năng tiềm tàng, tưởng như vô tận và rất giàu sức chinh phục.
Tôi muốn nói đến Tadao Ando, kiến trúc sư Nhật Bản sinh năm 1941, người bắt đầu phát huy mạnh mẽ nhất sức mình vào hai thập niên gần đây nhất của nền kiến trúc đương đại. Đây chỉ có thể cắt nghĩa được là một trường hợp đặc biệt, bẩm sinh... Vì Tadao Ando chưa hề qua một trường lớp kiến trúc nào cả, hoàn toàn tự học mà lên nghiệp lớn.
Hình như về khía cạnh này, nhìn vào ba trường hợp của nửa đầu thế kỷ XX, là những trường hợp của Le Corbusier, Mies Van der Rohe và Frank Lloyd Wright, người ta lại có cảm giác dễ hiểu hơn.
Le Corbusier hồi trẻ rất ngại phải gần gũi với lối dạy học kinh viện cứng nhắc. Ông học ở bảo tàng, ở thư viện học qua những chuyến đi. Le Corbusier đã viết: "Với số tiền tiết kiệm được của tôi, tôi đi du lịch qua nhiều nước, xa những trường học, tôi xây dựng cuộc đời mình qua những công trình thực tế, và tôi bắt đầu thức tỉnh".
Mies Van der Rohe cũng chỉ bắt đầu hoạt động nghề nghiệp của mình từ công việc của một thợ nề, thợ đá là nghề nghiệp của ông cụ thân sinh. Còn Frank Lloyd Wright, đang học dở hai năm ở trường xây dựng, đã phải bán đi vài thứ đồ đạc cá nhân để đủ tiền đi xe lửa lên Chicago, phiêu bạt mãi mới xin được vào làm họa viên trong xưởng vẽ của Adler và Sullivan... ĐÓ là ba người đã làm nên cuộc cách mạng kiến trúc của 50 năm đầu thế kỷ XX.
Chuyện đã lâu ngày, và đủ thời gian để chín muồi những nhận định, nên bây giờ người ta tưởng như ba cây đại thụ Corbusier, Mies và Wright có vẻ như là những chuyện đương nhiên.
Tadao Ando có vẻ như lại khác. Quá trình khẳng định mình của ông có cái đặc thù riêng, hoặc có những nét tương đồng và chịu ảnh hưởng của các bậc thầy nói trên. Ando đã có dịp hưởng hương vị thơm của gỗ như Mies lúc làm công việc thợ mộc. Hai mươi tuổi, ông đã nghiên cứu ngấu nghiến một tập tài liệu về Le Corbusier hành hương về phía Đông thì nay, Ando tiến hành những cuộc hành hương về phía Tây.
Suốt bốn năm trời (giữa tuổi 24 và 28) Ando phiêu du đây đó khắp thế giới trong cảnh nghèo nàn đích thực - chuyến tàu xuyên Xibir đưa Ando đến Moskva, tiếp đến là Phần Lan - quê hương của Alvar Aalto, Italia (xứ sở của văn hóa văn nghệ Phục hưng mà Michelangelo là tiêu biểu), Tây Ban Nha, Pháp... Lúc quay về ông qua Madagascar và Ấn Độ... Về sau này, Tadao Ando còn sang Mỹ. Đối với ông, việc "đi một ngày đàng học một sàng khôn" lại càng kết quả vì ông có một phương pháp luận rất tốt.
Trong tiểu sử của Tadao Ando, có đoạn viết: ''Để trở thành kiến trúc sư, ông đã có cách nhìn chính xác của một người lành nghề và trí óc của một nhà triết học, có những lời phê bình sâu sắc về nền văn minh hiện đại. Nhân cách tuyệt vời và nghệ thuật của ông dành cho những công trình kiến trúc của ông có độ dày của chúng''.
Tadao Ando thực sự nổi tiếng từ năm 1968, khi ông mở văn phòng ''Tadao Ando, kiến trúc sư và các cộng sự'' ở Osaka. Phương pháp luận thiết kế của ông chính xác và sắc bén đến mức lúc đầu chỉ từ những ngôi nhà ở nhỏ, ông đã giành được một uy tín lớn.
Dần dần, danh mục các tác phẩm chính của Tadao Ando ngày một nhiều lên trông thấy, chẳng hạn ta có thể kể:
- Năm 1975, Row Houso- Nhà Azuma ở Sumiushi (Nhật Bản).
- Năm 1976: Tòa nhà Vườn Hồng Byogo (Nhật Bản)
- Năm 1979: Tòa nhà Block Thủy tinh ở Osaka.
- Năm 1981: Ngôi nhà ở Koshino.
- Năm 1981: Nhóm nhà ở căn hộ Rokko 1 (ở Hyogo).
- Năm 1984: Công trình thương nghiệp cao cấp.
- Năm 1984: Công trình thương nghiệp cao cấp Times (cùng loại công trình trên), năm 1988 tòa nhà Ganena Akka.
- Năm 1986 - 1988: Một loạt các công trình trà lễ.
- Năm 1986: Nhà thờ trên núi Rokko.
- Năm 1988: Nhà thờ trên mặt nước.
- Năm 1989: Nhà thờ ánh sáng, tòa nhà Collezione.
- Năm 1989: Nhà tưởng niệm Atsukawa ở Shiga.
- Năm 1989-1992: Cụm nhà ở Rokko II
- Năm 1989: Tòa nhà Raika Headquarters
- Năm 1992: Tòa nhà Nhật Bản ở triển lãm EXPÓ 92 ở Sevilla, Tây Ban Nha.
Người ta cảm thấy công trình của Tadao Ando xuất hiện ở khắp nơi, sự có mặt liên tục của ông trong thế giới kiến trúc với những tác phẩm có chất lượng cao là bằng chứng của một sự làm việc liên tục và căng thẳng khiến mọi người kinh ngạc.
Liệu tốc độ làm việc gấp gáp của ông có phải là sự đúc kết một cá tính của con người Tadao Ando đã một thời là võ sĩ quyền anh siêu đẳng? Trong thi đấu trước đây, giác quan của Ando thấm đẫm sự căng thẳng bao nhiêu thì sau này ngôn ngữ kiến trúc của ông giàu sức mạnh và gây một sức căng thị cảm mãnh liệt bấy nhiêu.
Tadao Ando thường đặt công trình của mình vào một mạng lưới ô vuông. Trong mạng lưới đó, ông hay xoay công trình đi một góc nhất định. Vũ trụ của tác phẩm như là được thu tóm vào những ô mạng kỳ diệu đó. Những hình chữ nhật thường được cắt chéo bởi các tuyến sắc, những hình tròn thường được kết hợp với các hình vuông. Và ánh sáng trong kiến trúc của ông khi thì chuyển sắc dần dần, khi thì xuất hiện mãnh liệt... Đó là ngôn ngữ kiến trúc của ông.
Sự nghiệp của Tadao Ando được tích lũy dần dần và ngày càng được đánh giá cao, các giải thưởng liên tục đến với ông; ngay cả giải thưởng đầu tiên là dành cho Tòa Row House ở Sumiushi chỉ có 65m2. Tiếp đó là tòa nhà ở Kidosaki đoạt giải thưởng Isova Soshida, khu nhà Rokko đạt giải thưởng văn hóa Nhật Bản. Rồi Nhà thờ trên Núi Rokko đạt giải thưởng nghệ thuật Mainichi...
Những giải thưởng Quốc tế mà Tadao Ando nhận được là huy chương vàng Alvar Aalto, giải thưởng FRITZKER (1995) và Huy chương vàng của Viện Hàn Lâm kiến trúc Pháp.
Tadao Ando là ủy viên nhiều hội động chấm thi quốc tế, đồng thời là Giáo sư thỉnh giảng ở các trường Đại học ở Nhật Bản và các trường Đại học ở nước ngoài như Yale, New Heaven Columbia, New York, Harvard, Cambridge; Tadao Ando còn là tác giả của nhiều cuốn sách xuất bản trong khoảng từ 1982 đến 1989. Những tác phẩm cụ thể của Ando rất đa dạng trong cái thống nhất, đó chính là nguyên tắc cao nhất trong cái đẹp.
Trước hết nói về nhà ở, hai khu nhà Rokko I và II ở Kobe Hyogo có nhiều đặc điểm đáng chú ý. Hai khu nhà ở cạnh nhau, cùng nằm trên thế núi dốc đứng (đến 600C). Một mạng ô vuông 3 chiều (5,2m trên mặt bằng), nâng cao dần lên, làm cho công trình vừa kết hợp nhuần nhuyễn với địa hình và ngự trị được địa hình. Khu Rokko II qui mô gấp 4 lần Rokko I. ở Rokko I, khi lặp lại mạng lưới 5 lần theo chiều ngang, ô ở giữa được đục thủng để lấy ánh sáng. Phần tâm của các nhóm nhà có lõi cầu thang và thang máy, cũng là lõi của kết cấu. Tác giả chú ý khi các khối nhà đặt cạnh nhau, những nhà ở riêng rẽ vẫn mang tính riêng biệt của nó. Một tầm nhìn đã được trải rộng, từ trên các mái nhà thấp nhô cao dần lên đều có thể nhìn thấy biển cả. Tác giả lý giải bố cục của mình trên bình diện rộng, có liên quan đến thiên nhiên và môi trường vốn rất phong phú ở đây. Một Rokko III nữa đang được chuẩn bị thiết kế.
Trong số những ngôi nhà nhỏ do Tadao Ando thiết kế, ngôi nhà Ashiya ở giữa Osaka và Kobe (1988) là một tác phẩm nhỏ nhưng quan trọng. Những bức tường làm hàng rào luôn bao quanh tòa nhà và các bức tường chịu lực như là một loại bình diện thẳng đứng, thống thất. ở bên trong tòa nhà, nội thất và ngoại thất vừa như được chia riêng, vừa như được hòa nhập làm một. Một bức tường tròn lấy tâm là giao điểm của hai bức tường trực giao cắt qua phần giữa ngôi nhà, chỗ lọt ánh sáng từ mặt bên vào hay từ trên xuống, sự dồi dào màu xanh của cây cối và thảm cỏ... đã góp phần vào chất lượng của công trình.
Bộ sưu tập nhà ở của Tadao Ando phong phú bao nhiêu thì danh mục các nhà thờ đã thiết kế của Ando cũng giàu có không kém.
Với Nhà thờ trên núi Rokko, ở đỉnh núi cao 932m so với mặt biển, người ta thấy tính chất của tác phẩm là đơn giản, trong sáng. Tadao Ando viết về công trình này như sau:
"Kiến trúc bao gồm nhà thờ và tháp chuông với một hàng cột thức cổ điển tiếp nối và một bức tường bao bọc vùng cây cỏ chung quanh. Hàng cột chạy nghiêng 150 từ hướng Đông Bắc, và nhà thờ đứng song song với hàng cột tạo nên những trục cho cấu trúc toàn thể. Bên trong nhà thờ chỗ làm lễ là một phần đồng bộ của nhà thờ, nhưng ở đây hai phần được xây biệt lập... cả nhà thờ là một khối bê tông và hàng cột là một khối hộp pha lê kéo dài, không có tường ở cả hai đầu hàng cột và nó cho phép không khí trong lành tự do lưu thông trong khoang này. Phần cuối của hành lang cột thu tóm trọn cả vườn xanh trải rộng và biển xa tít tắp. Nhưng ta còn có thể cảm thấy sự có mặt của bầu trời, ánh sáng vườn cây bao quanh qua màu của tấm thủy tinh lốm đốm làm dịu ánh sáng Mặt trời''.
Tác giả công trình miêu tả tiếp: ''Quay 900, về bên phải, từ tuýp đèn neon có thể vào nhà thờ qua lối vào của cửa tháp. Hình khối này là một khối hộp kép, đo được 6,5m mỗi bên và ở đó ánh sáng phân bố đều trong các hàng cột; ở đây nó được định hướng... Nguyên vật liệu giới hạn bằng bê tông, đá, thép, thủy tinh và toàn bộ thành phần là hệ màu đơn sắc. Mục đích là làm thuần khiết khoảng không gian bằng cách giảm vật liệu kiến trúc, cho các đối tượng để thô mộc càng nhiều càng tốt nhằm mang lại cho đời sống một nhà thờ hiện đại cái thế giới tinh thần của các nhà thờ và tu viện Roman''.
Sự thánh thiện, thiêng liêng của không gian, đó là con đường mà Ando đã thực hiện. Cả trong Nhà thờ ánh sáng và Nhà thờ trên mặt nước cũng vậy.
Nhà thờ ánh sáng ở Ibaraki là một ví dụ về sự quy chỉnh của không gian kiến trúc có tổ chức, sự ngăn nắp này như một câu trả lời cho sự lộn xộn của không gian xã hội ngày nay. Nhà thờ là một khối hộp chữ nhật có không gian mảnh và dài, điều đáng quan tâm là nó bị cắt chéo bởi một bức tường cao gần bằng trần nhà thờ (thấp hơn 18cm) và góc cắt là 150. Sự cắt nhau của các bức tường đá tạo thành ba không gian khác nhau trong cùng một công trình, đó chính là sự đa dạng phong phú của không gian mà tác giả tìm đến.
Việc tổ chức ánh sáng ở đây thật là độc đáo, đập vào mắt mọi con chiên là ''một cây thập tự ánh sáng'', một thứ ánh sáng thiên nhiên kỳ ảo.
Nhà thờ trên mặt nước là một nhà thờ đặt trên một hồ nước nhân tạo kích thước 90m 45m ở vùng đồng bằng thuộc dải Núi Yubart ở Hokkaido. Ngôi nhà thờ đặt trong một khung cảnh tuyệt đẹp. Sóng nước gợn lăn tăn, và vào mùa Đông nước đóng băng tạo thành nền trắng.
Những thành phần chính của bố cục là hai khối hình hộp cao thấp khác nhau (có cạnh 10 và 15m) ghép vào nhau, chiếc lồng ánh sáng nhỏ hơn bằng pha lê chứa 4 cây thập tự. Hướng ra mặt hồ nơi đây trên mặt nước đã bố trí sẵn, một cây thánh giá, và một bức tường bao bằng bê tông tạo khả năng định hướng. Quang cảnh hồ nước được triển khai dần dần và quá trình phát hiện phong cảnh được ''chương trình hóa'' nên nếu ta chỉ đi dọc phía ngoài tường sẽ không thấy mặt hồ và điều này chỉ xảy ra khi đi đến khoảng trống của cuối bức tường.
Ở đây không chỉ có hình khối, thiên nhiên và ánh sáng mà còn có âm thanh.
Tiếng lá cây, tiếng nước chảy và tiếng chim hót rất lạ lùng làm không khí như yên tĩnh hơn.
Tadao Ando nói: ''Trong quá trình thiết kế các nhà thờ, tôi thường nghĩ về thiên nhiên của vùng đất thiêng liêng mang tính chất huyền bí. Cho dù thế nào đi nữa thì tôi vẫn tin rằng, vùng đất thiêng liêng phải liên quan ít nhiều tới thiên nhiên; nhưng điều đó cũng không ảnh hưởng gì tới thuyết vật linh và thuyết đa Thần của Nhật Bản... Đối với tôi, thiên nhiên có liên quan đến vùng đất thiêng liêng chính là thiên nhiên nhân tạo hay còn gọi là thiên nhiên được kiến trúc hóa. Tôi tin rằng, khi cây lá hoặc nước, ánh sáng hoặc gió bị tách rời khỏi thiên nhiên vốn có theo ý muốn của con người thì nó sẽ trở nên thiêng liêng''.
Càng về gần đây, người ta càng cảm thấy Tadao Ando đã chiếm lĩnh lĩnh vực nhà công cộng cũng thành công vang dội không kém lĩnh vực nhà ở và nhà thờ.
Khu nhà Raika ở Tây - Nam Osaka là một ví dụ tiêu biểu cần nhắc đến. Đó là một công trình chính của cả khu vực nhà sản xuất. Nó là một công trình văn phòng kiểu ''Ngôi nhà thông minh'', nhằm tạo nên những khung cảnh làm việc tối ưu và tạo nên những môi trường giao tiếp thuận lợi nhất cho con người. Ngôn ngữ kiến trúc ở đây thể hiện tính nhất quán của Tadao Ando: cùng những khối vuông ở tư thế khác nhau nhưng khá lớn ôm lấy một khối trụ tròn đồ sộ (đường kính 40m).
Tòa nhà triển lãm Nhật Bản ''EXPO, 92'' ở Sevilla (Tây Ban Nha) được Tadao Ando sáng tạo theo chủ đề chung "kỷ nguyên mới của sự khám phá'' nhân kịp kỷ niệm 500 năm Colombo tìm ra Châu Mỹ và năm các nước EC hợp nhất thị trường.
Công trình phải giới thiệu được nền văn hóa Nhật Bản nói chung và nền kiến trúc Nhật Bản nói riêng. Công trình có những đặc điểm như giải thích cách xây dựng truyền thống Nhật Bản là dùng cấu trúc gỗ, tường sơn vôi trắng... Nhưng trừ công nghệ ra vật liệu gỗ và chế biến gỗ, dụng cụ kim loại, cách chế biến đều lấy từ các nước Châu Âu. Cách làm này nói lên sự quan trọng trong xây dựng hiện đại là chuyển giao công nghệ xuyên quốc gia.
Các thông số của công trình là dài 68m, rộng 48m, và cao 20m, số tầng là 4. Tỷ lệ của công trình rất chuẩn xác: mặt chính được phân vị theo các hình tương tự và hình khẳng định, mặt bên được chia cắt theo tỷ lệ vàng.
Tadao Ando - có lẽ là một hiện tượng mà toàn thể chúng ta còn phải khám phá và tiếp tục khám phá nữa. Điều mà con người và tác phẩm của Tadao Ando tác động đến tôi có thể tóm tắt trong hai chữ ''Bất ngờ''.