Phục hồi vững chắc
Trong những năm 1960, sự tăng trưởng kinh tế của Tây Đức đã chậm lại. Đó một phần là do không thể duy trì được tốc độ của thời gian đầu, một phần vì nó đòi hỏi một lực lượng lao động mà trong nước không thể cung cấp, đặc biệt là khi Bức tường Berlin ngăn không cho nhân công từ Đông Đức vượt sang. Việc nhập khẩu các “công nhân khách” nước ngoài (Gastarbeiter) do đó được khuyến khích và con số đã tăng lên rất nhiều.
Một nền tảng công nghiệp
Di sản của những năm 1950 là một nền tảng kinh tế dựa trên công nghiệp nặng như sản xuất than và thép. Đó là động cơ thúc đẩy những ngành công nghiệp chủ yếu khác như là chế tạo xe hơi và sản xuất hàng tiêu dùng. Mặc dù các ngành công nghiệp lớn được phân bố hợp lý khắp đất nước, nhưng vùng Ruhr vẫn là vùng tập trung chủ yếu của công nghiệp nặng. Những khu công nghiệp quan trọng mọc lên dọc theo các lưu vực sông Rhine, sông Main, sông Neckar, và trong tất cả các thành phố lớn.
Chính sách kinh tế mới
Sự phát triển chậm lại của nền kinh tế vào giữa những năm 1960 đã dẫn đến thay đổi bộ máy quản lý nhà nước và đưa đến một cách tiếp cận chính sách kinh tế khác. “Đại liên minh” mới được bầu cho rằng, thay vì để các lực lượng thị trường điều tiết nền kinh tế, chính chính phủ sẽ quyết định các khuynh hướng kinh tế. Một phần quan trọng của điều thần diệu về kinh tế là “thỏa ước xã hội” giữa người chủ và công nhân, theo đó nó khuyến khích việc kiềm chế lương trong thời kỳ khôi phục mà không phải tiến hành thương lượng tập thể và sự tham gia của nghiệp đoàn. Điều này đã trở thành nhân tố then chốt để Tây Đức tạo đủ việc làm vào đầu những năm 1970.
Cạnh tranh quốc tế
Vào những năm 1980, sản lượng công nghiệp của Tây Đức chỉ kém Mỹ và Nhật Bản, nhưng cũng vào thời gian này sự cạnh tranh quốc tế tăng lên. Các công ty lớn được sáp nhập, hình thành các công ty đa quốc gia và tác động của toàn cầu hoá lần đầu tiên đã được cảm nhận. Ngành công nghiệp xe hơi khổng lồ của Đức đã chịu thách thức từ phía Nhật Bản và cũng như ở các nước khác, các ngành công nghiệp truyền thống như than và thép bắt đầu giảm lực lượng lao động. Năm 1985, số nhân công trong ngành công nghiệp nặng của Đức chỉ còn một phần tư so với mức cao điểm năm 1957.
Thành công ở phía đông
Nền kinh tế do nhà nước điều hành của Đông Đức dù sao cũng đã luôn bảo đảm tạo đủ việc làm. Nó cũng tập trung lớn vào sản xuất công nghiệp. Vài năm trước thời điểm tái thống nhất, Đông Đức vẫn luôn được xếp vào hàng mười nước công nghiệp phát triển nhất của thế giới.