Các chính sách của chính phủ
Năm 1970, chính phủ Pháp phải đối mặt với ba vấn đề kinh tế chính: những dấu hiệu suy thoái trong các ngành công nghiệp nặng truyền thống, sự tập trung dày đặc quanh Paris, tình trạng kém phát triển ở phía Tây và phía Nam Pháp. Để giải quyết các vấn đề này, chính phủ Pháp đã thực hiện hai chính sách chính: phát triển vùng và quốc hữu hóa.
Phát triển vùng
Chính sách phát triển vùng chủ yếu là tạo ra các cực tăng trưởng. Các cực tăng trưởng và các thành phố được chính phủ Pháp khuyến khích và EU tài trợ để trở thành trung tâm thúc đẩy sự phát triển cùng vùng (xem bản đồ dưới). Các thành phố này được gọi là các trung tâm cân bằng vì chúng tạo ra sự cân bằng địa ký nhằm giảm ưu thế của Paris.
Các cực tăng trưởng thành công nhất là Rennes, Nantes và St Nazaire ở Bretagne; Toulouse ở Aquitaine; Lyon, St Etienne và Glenoble ở Rhône-Alpes; Marseille và Fos ở bờ biển Địa Trung Hải. Trong 30 năm qua, mỗi thành phố trên đều đạt mức tăng trưởng ít nhất là 30%. Việc chuyển ngành công nghiệp ôtô ra xa Paris đã giúp Rennes và Lyon phát triển. Sự tăng trưởng có được còn dựa trên hiện đại hóa các ngành công nghiệp quan trọng, ví dụ như xây dựng các công trình cảng tại Fos. Chính vì vậy, nhà máy lọc dầu, nhà máy hóa chất và nhà máy luyện thép cũng được xây dựng ở đây. Các thành phố khác thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao. Ví dụ, Marseille là nơi đặt trụ sở của 25 công ty viễn thông và và trung tâm của Nam Âu. Tại trung tâm thành phố Marseille, xây dựng Châu Âu Địa Trung Hải (Euromediterranée) gồm hơn 300 hécta văn phòng, khu thương mại, khách sạn và nhà ở.
Các ngành công nghệ cao và dịch vụ
Gần đây, nơi nào thu hút được các ngành công nghệ cao và dịch vụ thì ở đó có tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao nhất. Ví dụ, thành công của thành phố Toulouse dựa vào ngành công nghiệp vũ trụ và nghiên cứu. Đây là nơi đặt trụ sở chính của hãng Airbus. Lyon và Grenoble sử dụng môi trường chất lượng cao của mình để thu hút các hãng điện tử, doanh nghiệp tài chính và các công ty sản xuất thiết bị nghiên cứu và phát triển (R&D) thường gắn với các trường đại học.
Ví dụ, hãng Renault (ôtô), Rhône Poulenc (dược phẩm), Elf (dầu mỏ) và Thomson (điện tử) đều là các công ty lớn của vùng trong lĩnh vực R&D. Nhiều ngành công nghệ cao nằm tại các công viên khoa học (được gọi là các cực công nghệ) với môi trường làm việc hấp dẫn. Các công viên khoa học là một đặc điểm về tăng trưởng ở nhiều nơi trên nước Pháp. Mặc dù gần đây đã phát triển, song 213 hoạt động R&D vẫn tập trung ở vùng Paris. Paris vẫn là trung tâm công nghiệp lớn nhất nước Pháp.
Suy thoái và hồi phục
Các cực tăng trưởng ở các vùng công nghiệp truyền thống đang suy thoái như vùng Nord và Lorraine không có được thành tựu như các vùng ở miền Nam. Tỷ lệ thất nghiệp cao đến mức các ngành công nghiệp mới tạo ra khá nhiều việc làm (như nhà máy BMW ở Arras, các ngành công nghiệp lắp ráp và dịch vụ) song vẫn chưa đủ.
Tuy vậy, vẫn có những dự án thành công, ví dụ các dự án mở rộng cảng Dunkerque và chấn hưng công nghiệp ở Lille. Cũng có một vài thành công trong việc đưa các ngành công nghiệp mới đến những thành phố có các công ty đơn lẻ chiếm ưu thế (xem trường hợp Clermont-Ferrand dưới đây).
Clermont-Ferand: một cực tăng trưởng của vùng
Clermont – Ferrand nằm ở rìa phía bắc dãy núi Massif Central. Hàng trăm năm nay, đây là một thành phố tiêu thụ quan trọng cho toàn vùng Auvergne. Trong thế kỷ XX, Clermont-Frrand trở thành một thành phố công nghiệp với 350.000 dân, dựa vào sự phát triển của công ty Michelin. Năm 1914, Michelin chỉ là một công ty gia đình với 5000 công nhân. Năm 1985, công ty có 30.000 lao động và cung cấp 1/3 số việc làm ở Clermont-Ferrand. Năm 1997, số công nhân giảm xuống còn 20.000, nhưng Michelin vẫn là công ty lớn nhất của thành phố.
Trái ngược với thành phố này, dân số vùng phụ cận Auvergne lại đang giảm dần. Năm 1964, Clermont-Ferrand được chỉ định là cực tăng trưởng nhằm cải thiện tình hình kinh tế của vùng. Vai trò là cực tăng trưởng cũng mang lại lợi ích cho thành phố khi công ty Michelin sử dụng nhân công ít đi. Một công ty viễn thông và một công ty dược, mỗi công ty thuê hơn 1.500 lao động.
Các ngành dịch vụ phát triển mạnh nhất, tới năm 1997 đã cung cấp hơn 70.000 việc làm. Phạm vi hoạt động khá rộng: xuất bản, quảng cáo, bán lẻ, nghiên cứu và quản lý hành chính. Điều này giúp mở rộng các ngành của vùng, nhờ đó vùng không còn phụ thuộc quá nhiều vào công ty Michelin. Phạm vi ảnh hưởng của cực tăng trưởng này trải rộng ít nhất 50km bên ngoài thành phố chính. Đường sá được nâng cấp, một sân bay mới được xây dựng và các doanh nghiệp được thành lập quanh các thị trấn và làng. Đầu tư và thu nhập tăng. Tập đoàn Michelin sử dụng lao động nhiều nhất ở Clermont-Ferrand.
Chấn hưng vùng Nord
50 năm trước, vùng Nord/Pas-De-Calais là trung tâm công nghiệp nặng của Pháp. Sự phát triển của vùng dựa vào tài nguyên than và quặng sắt, và ngành dệt truyền thống. Các ngành công nghiệp chính là khai thác than, sắt thép, sản phẩm kim loại, hóa chất và dệt. Năm 1950, vùng này sản xuất gần 30 triệu tấn than nhưng đến năm 1991, mỏ than cuối cùng đóng cửa. Vào những năm 1970, ngành luyện thép giảm 10.000 việc làm. Năm 1950, ngành dệt có 100.000 công nhân; đến năm 1998 chỉ còn 20.000. Nhìn chung, từ năm 1970 đến năm 1990, số việc làm trong ngành công nghiệp giảm 1/3. Tại nhiều nơi, hơn 20% số công nhân bị thất nghiệp. Dân số giảm do người dân chuyển đi.
Với sự hỗ trợ của Liên Minh châu Âu, chính phủ đã có nhiều cố gắng để chấn hưng vùng Nord theo các hướng sau:
- Nâng cấp các hệ thống đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Mục đích là cải thiện khả năng tiếp cận của vùng tới mọi miền nước Pháp và tận dụng lợi thế gần với các quốc gia Liên minh châu Âu khác.
- Hiện đại hóa các ngành công nghiệp hiện có. Ví dụ, từ năm 1970, việc xây lắp các phương tiện, thiết bị mới cho cảng nước sâu mới ở Dunkerque đã tạo điều kiện để các xưởng luyện thép hiện đại và nhà máy hóa chất phát triển.
- Thu hút các ngành công nghiệp mới bằng hỗ trợ tài chính và đưa ra một vài hạn chế trong quy hoạch. Ví dụ, trong những năm 1980, hãng Peugeot được yêu cầu đặt nhà máy ở Valenciennes, một thị trấn bị tác động mạnh do việc đóng cửa các mỏ than và lò luyện thép. Năm 1995, hãng BMW đã xây dựng hoàn tất một nhà máy ở Arras.
- Cải thiện môi trường để thu hút các công ty nước ngoài và phát triển các ngành dịch vụ, ví dụ phục hồi những điểm khai mỏ bỏ hoang và đổi mới các trung tâm thành phố.
- Đào tạo lại tay nghề cho số công nhân dư thừa để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp phát triển.
Mặc dù có một vài dự án thành công song tỷ lệ thất nghiệp trong vùng vẫn cao hơn mức trung bình của Pháp. Giá nhân công cao khiến các công ty dệt muốn tồn tại được phải tăng cường sử dụng các nhà máy ở Bắc Mỹ và Đông Âu có giá nhân công rẻ.
Tác động quốc tế
Yếu tố quốc tế đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp Pháp và được thể hiện dưới ba hình thức sau đây:
1. Các công ty Pháp bán hàng và đặt chi nhánh khắp thế giới, ví dụ hãng Renault kiểm soát các công ty Nissan (Nhật Bản), Elf và Michelin.
2. Các công ty của Pháp tham gia vào các dự án liên doanh với công ty nước ngoài. Ví dụ, hãng Airbus lắp ráp máy bay ở Toulouse với các bộ phận được sản xuất ở Anh, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha và một số nơi trên đất Pháp.
3. Các công ty nước ngoài đầu tư vào Pháp. Ví dụ, năm 1997, 28 tập đoàn đa quốc gia có trụ sở chính tại Paris, biến Paris thành thành phố được ưa chuộng thứ ba trên thế giới để đặt trụ sở chính của công ty (sau Tokyo và London). Hãng Ford có các nhà máy tại Charleville (vùng Nord) và Bordeaux (Aquitaine). Hãng Fiat có 13 nhà máy nằm rải rác khắp nước Pháp. Hãng Sony có nhà máy ở Bayonne và Dax, phía Tây Nam Pháp.
Trên đây là các ví dụ về toàn cầu hóa việc làm. Tất cả các ngành công nghiệp và các công ty lớn của Pháp hiện nay, cũng như nền kinh tế Liên minh châu Âu dầu là bộ phận của nền kinh tế toàn cầu. Lợi ích của việc này là sản xuất quy mô lớn và cơ hội tiếp cận các thị trường lớn hơn.
Quốc hữu hóa và tiến tới công ty hợp danh
Quốc hữu hóa và quá trình chính phủ nắm quyền kiểm soát một công ty hoặc một ngành công nghiệp. Lý do chính khiến chính phủ Pháp tiến hành quốc hữu hóa, nhất là trong những năm 1970 và 1980, và để hiện đại hóa và nâng cao sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp chủ chốt. Trong 30 năm qua, có những thời điểm các ngành công nghiệp than và năng lượng, đường sắt, sắt thép và công nghiệp ô tô đều do chính phủ kiểm soát.
Do Liên minh châu Âu ngày càng lớn hơn nên chính phủ Pháp chuyển từ chính sách quốc hữu hóa sang chính sách hợp danh với các công ty tư nhân. Như vậy, cũng như nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu, trong những năm 1990, Pháp quay lại với chế độ sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, để giữ quyền kiểm soát nhất định trong các ngành công nghiệp quan trọng đối với nền kinh tế Pháp, chính phủ vẫn sở hữu một phần các công ty lớn và hoạt động như một cổ đông của doanh nghiệp. Ví dụ, năm 2001, chính phủ Pháp và cổ đông của các công ty Elf (dầu mỏ), Renault (ô tô), SNCF (đường sắt) và Airbus (hàng không vũ trụ).
Ngành sắt thép là một ví dụ điển hình về quốc hữu hóa ở Pháp. Vào những năm 1970, Pháp có rất nhiều nhà máy thép. Giá thành cao và sản phẩm không mang tính cạnh tranh. Chính phủ khuyến khích các công ty sáp nhập. Năm 1980, 80% sản lượng thép của Pháp do hai tập đoàn lớn (Usinor và Sacilor) sản xuất. Sau đó, ngành công nghiệp này được quốc hữu hóa. Sản lượng thép tập trung vào một vài nhà máy thép lớn, hiện đại như Dunkerque ở miền Bắc, Fos ở miền Nam và hai nhà máy ở Lorraine. Từ năm 1975 đến năm 1995, số công nhân giảm từ 150.000 người xuống còn 15.000 người. Tuy nhiên, sản lượng thép lại giảm rất ít, từ 15,5 triệu tấn xuống 13,5 triệu tấn. Hiện nay, ngành công nghiệp này có năng suất cao hơn và chính phủ chỉ là một đồng sở hữu.