Công nghiệp
Cùng với Đức và Anh, Pháp là một trong những nước công nghiệp hàng đầu của Liên minh châu Âu. Lực lượng lao động của Pháp có gần 25 triệu người. Cũng như các nước phát triển khác, hiện nay ngày càng nhiều lao động Pháp rời bỏ nông nghiệp và ngành sản xuất để chuyển sang các ngành dịch vụ. Lĩnh vực công nghiệp cung cấp nhiều việc làm nhất là ngành sản xuất, tiếp đến là các ngành dịch vụ bán lẻ và dịch vụ chuyên môn.
Trong lĩnh vực sản xuất, các hoạt động đứng đầu là: 1. Thực phẩm; 2. Thép và các kim loại khác; 3. Thiết bị điện và điện tử; 4. Thiết bị vận tải, gồm cả ô tô; 5. Máy móc. Các hoạt động khác nhau này cho thấy Pháp có cơ cấu công nghiệp đa dạng điển hình của một quốc gia phát triển, giàu có. Thế nhưng vào những năm 1990, tỷ lệ thất nghiệp của Pháp là 1- - 12% do có sự điều chỉnh để thay đổi công nghệ, sản phẩm và thị trường.
Năm 1960, công nghiệp tập trung hầu hết trong một vùng kéo dài từ Paris đến Strasbourg. Từ Nantes đến St Nazaire (Bretagne), từ Lyon đến Grenoble (Rhône-Alpes) và từ Marseille đến Toulon (bờ biển Địa Trung Hải) cũng đều có các cụm công nghiệp. Ngoài ra, hầu hết các thành phố ở mỗi vùng đều có các ngành công nghiệp chuyên biệt, ví dụ như sản xuất gốm ở Limoges hay lốp ôtô ở Clermont-Ferrand. Hai đặc điểm quan trọng nhất của công nghiệp Pháp là vai trò chủ đạo của vùng Paris và sự tập trung vào ngành công nghiệp nặng truyền thống: than, sắt thép, đóng tàu, máy móc, hóa chất và dệt.
Giữa những năm 1980, 50% nền công nghiệp Pháp vẫn nằm ở vùng bồn Paris, vùng Nord, Lorraine và Rhône - Alpes. Tuy nhiên, sự phân bố và cơ cấu của nền công nghiệp có những thay đổi lớn. Trong 40 năm qua, thay đổi chính đã diễn ra:
1. Nền công nghiệp nặng và già nua suy thoái.
2. Chuyển từ công nghiệp sản xuất sang nền kinh tế với các ngành dịch vụ chiếm ưu thế.
3. Các ngành công nghệ cao phát triển, chẳng hạn như công nghiệp vũ trụ.
4. Các chính sách vùng tập trung khôi phục các khu vực đang suy thoái, mở rộng phát triển công nghiệp xa Paris.
5. Xu hướng phát triển các công ty lớn thông qua quốc hữu hóa, sáp nhập công ty và hình thành thêm các tập đoàn đa quốc gia.
6. Đẩy mạnh sử dụng các hệ thống tự động hóa và máy tính điện tử.
7. Liên tục tăng tỷ lệ và số lượng phụ nữ tham gia lao động.