NEWTON – NGƯỜI CHA CỦA CƠ HỌC
So với khoa học tự nhiên cổ đại, khoa học tự nhiên cận đại có hai điểm đặc biệt: dùng phương pháp thực nghiệm để kiểm chứng lý luận, dùng toán học để biểu đạt chính xác. Newton (1642 - 1727) nhà khoa học Anh vào thế kỷ 17, người sáng lập ra cơ học, là môn khoa học có đầy đủ hai đặc điểm đó nên môn khoa học của ông trở thành một khuôn mẫu. Newton được xem là cha đẻ của ngành cơ học, là một trong số ít các nhà khoa học có cống hiến to lớn cho lịch sử văn minh nhân loại.
Newton sinh ra từ một vùng nông thôn thuộc quận Lincoln nước Anh. Cha ông mất trước khi ông chào đời hai tháng. Năm ông lên hai tuổi mẹ đi cải giá, Newton được bà ngoại và bố dượng nuôi dưỡng thành người. Ông rất ham hiểu biết, thường đặt câu hỏi về các hiện tượng kỳ lạ của tự nhiên cho các thầy giáo. Năm 18 tuổi, ông là một học sinh giỏi được giảm học phí của Trường đại học Cambridge nổi tiếng, năm 23 tuổi ông tốt nghiệp đại học.
Mùa hè năm 1665 để tránh dịch bệnh đang hoành hành ở Luân Đôn, Newton phải tạm lánh về quê. Trong thời gian 18 tháng sống ở quê, chính là lúc Newton đã phát huy được óc tư duy sáng tạo mạnh mẽ nhất trong các lĩnh vực toán học, thiên văn học, cơ học và đều có những phát hiện mang tính thời đại. Mấy chục năm sau ông đã thu thập các sáng tạo thời trai trẻ, chỉnh lý thành một tác phẩm khoa học nổi tiếng thế giới, đó là tác phẩm ''Nguyên lý triết học tự nhiên của toán học'' là một mốc lớn trong lịch sử khoa học cận đại.
Vào thời kỳ trước Newton, người ta cho rằng chuyển động của các thiên thể trong vũ trụ khác với quy luật chuyển động của các vật trên mặt đất: một loại chuyển động theo đường tròn, một loại chuyển động theo đường thẳng. Thế nhưng Newton đã chứng minh rằng cho dù là các vật thể chuyển động trong vũ trụ hay trên mặt đất, chúng đều chuyển động theo các quy luật định luật quán tính, định luật động lực học các chất điểm và định luật tác dụng phản tác dụng, đó chính là ba định luật chuyển động của Newton. Ông còn chứng minh rằng động lực thúc đẩy các hành tinh chuyển động trên các quỹ đạo chính là lực hấp dẫn giữa các thiên thể. Vận dụng ba định luật chuyển động của Newton và định luật vạn vật hấp dẫn không chỉ tính toán được quỹ đạo của các hành tinh trong hệ Mặt Trời, chuyển động của các vệ tinh quanh các hành tinh mà còn chỉ ra quỹ đạo chuyển động của các vật khi ném đi trên mặt đất, nguyên lý phát sinh thủy triều, cũng như xác định quỹ đạo và chu kỳ chuyển động của các sao chổi. Newton cũng là người đề ra ý tưởng phóng các vệ tinh nhân tạo sớm nhất. Những thành tựu trước đây chưa hề có, do Newton sáng tạo ra, là tiêu chí để Newton sáng lập ra cơ học và thiên văn học cận đại.
Về phương diện toán học newton cũng có những cống hiến hết sức to lớn. Đồng thời với Leibnitz ông đã phát minh ra phép tính vi phân, tích phân, kết hợp phép tính vi phân, tích phân với cơ học. Dùng hình thức phương trình vi phân để mô tả chuyển đồng của các vật dưới tác dụng của lực, vạch rõ rằng lực là nguyên nhân sinh gia tốc trong chuyển động, làm cho quá trình chuyển đọng vốn được xem là rất thần bí trong một thời kỳ dài, đã trở thành rõ ràng minh bạch, kết quả tính toán và số liệu quan sát được trong thực tế không sai một li.
Newton cũng có những phát minh về quang học gây chấn động mạnh trong giới khoa học thế giới. Ông đã dùng một lăng kính tam giác chứng minh rằng ánh sáng trắng là do ánh sáng 7 màu: đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím trộn lại mà thành và cũng do ánh sáng các màu khác nhau có chiết suất khác nhau nên đã hình thành cầu vồng xinh đẹp rực rỡ sau cơn mưa. Newton cũng đã đề xuất học thuyết ánh sáng chính là các hạt nhỏ chuyển động với vận tốc rất lớn, gây sự tranh luận sôi nổi trong các giới khoa học.
Những cống hiến nhiều mặt của Newton đã có tác dụng to lớn thúc đẩy sự phát triển của khoa học tự nhiên trong vòng 300 năm trở lại đây. Ông đã viết nên những trang sử huy hoàng trong lịch sử thế giới. Thế nhưng ông vẫn thường nói một cách khiêm tốn: ''Tôi đạt được các thành tựu chính là nhờ đã đứng trên vai của những người khổng lồ''.