Tài liệu: Những thành tựu cơ bản của Unesco trong những năm qua

Tài liệu
Những thành tựu cơ bản của Unesco trong những năm qua

Nội dung

NHỮNG THÀNH TỰU CƠ BẢN CỦA UNESCO

TRONG NHỮNG NĂM QUA

 

Hoạt động chủ yếu của UNESCO là hợp tác trí tuệ phổ biến kiến thức, truyền bá văn hoá, thông tin khoa học và kỹ thuật. UNESCO là nơi thí điểm và thực hiện các ý tưởng khoa học mang tính nhân văn, xây dựng các tiêu chuẩn theo hướng cam kết toàn cầu, phục vụ hoà bình và phát triển và đồng thời hỗ trợ các nước thành viên, đặc biệt là các nước đang phát triển, xây dựng nguồn nhân lực và các thể chế Quốc gia phục vụ phát triển. Với khả năng tài chính hạn hẹp, nhưng UNESCO đã có những trợ giúp rất có giá trị, đặc biệt là cho các nước đang phát triển về mặt chuyên gia, và một phần về thiết bị và kỹ thuật đồng thời giúp huy động vốn từ các tổ chức Quốc tế khác hoặc từ một số nước thành viên phát triển.

Trải qua gần 60 năm hoạt động và phát triển, mặc dù trải qua những giai đoạn sóng gió với biết bao biến cố thăng trầm, UNESCO đã khẳng định vai trò không thể thay thế của một tổ chức hợp tác trí tuệ liên chính phủ lớn nhất trong hệ thống Liên Hiệp Quốc. Cống hiến rất có ý nghĩa của UNESCO là tác động về mặt tư duy làm cho các nước, các chính phủ, các nhà làm chính sách, các nhà hoạt động khoa học nhận thức rõ hơn về các vấn đề của Thế giới, về xu thế phát triển để từ đó các nước tự định ra con đường phát triển phù hợp với chính quốc gia mình. UNESCO không áp đặt các mô hình hoặc các quan điểm đòi hỏi các Quốc gia thành viên phải chấp nhận mà chỉ cung cấp và tư vấn những thử nghiệm và kinh nghiệm thành công cũng như thất bại để các nước thành viên tự trao đổi, phân tích đúng sai nhằm áp dụng vào thực tế hoàn cảnh nước mình.

Thành tựu trên các lĩnh vực cụ thể:

1. Giáo dục

Giáo dục là một trong những chức năng và nội dung ưu tiên hàng đầu của UNESCO ngay từ khi thành lập. UNESCO ra sức thúc đẩy sự nghiệp phát triển giáo dục trên phạm vi toàn cầu thông qua trợ giúp kỹ thuật, xây dựng một số tiêu chuẩn về giáo dục và hỗ trợ các dự án đổi mới, nâng cao năng lực và phát triển mạng lưới. Mục đích của UNESCO là thông qua các chương trình hoạt động của mình nhằm thúc đẩy sự nghiệp giáo dục tại tất cả các Quốc gia thành viên, lấy giáo dục làm cơ sở cho thúc đẩy các hoạt động chuyên môn khác.

UNESCO một mặt hỗ trợ các nước thực hiện các chương trình nâng cao dân trí, như xoá mù chữ canh tân giáo dục, đưa giáo dục bám sát với sự phát triển của Thế giới, mặt khác chủ trương phát triển nội sinh; lấy những kiến thức tiên tiến của Thế giới ứng dụng vào điều kiện thực tế của mỗi nước. Chương trình xoá đói giảm nghèo, và sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông là một trong những chủ đề xuyên suốt trong mọi chương trình hoạt động của UNESCO.

Các sáng kiến và chương trình cụ thể trong những năm gần đây gồm có: Chương trình Giáo dục cho mọi người, thực hiện từ 1990 với mục tiêu hoàn thành vào năm 2015; ''Thập kỷ Xoá Mù chữ của Liên Hợp Quốc(2003-2012); ''Thập kỷ giáo dục vì sự phát triển bền vững của LHQ'' (2005-2014). . .

Ngoài ra một trong những chương trình lớn mà UNESCO đã và đang thực hiện rất thành công hiện nay là Mạng lưới các trường liên kết (ASP net) thiết lập năm 1953. Với mục tiêu thúc đẩy hoà bình và hợp tác Quốc tế thông qua hoạt động giáo dục, UNESCO đã cho đến năm 2001, mạng lưới này gồm có trên 6700 Viện giáo dục ở 166 Quốc gia từ bậc giáo dục mầm non đến đào tạo giáo viên. Chiến lược và Chương trình hành động của Mạng lưới các trường liên kết mà UNESCO đề ra (1999-2003) nhấn mạnh mục tiêu tăng cường 4 trụ cột học tập trong Thế kỷ (học để biết, học để làm, học để sống và học để cùng chung sống) và thúc đẩy giáo dục chất lượng như đã nêu trong Khuôn khổ hành động Darkar. Với sự tham gia của Mạng lưới này, các giáo viên và học sinh sẽ có nhiều cơ hội cùng làm việc với nhau trong các hoạt động ngoại khoá và chia sẻ kinh nghiệm dạy và học cũng như triển khai các cách tiếp cận, phương pháp và tài liệu mới từ cấp độ địa phương đến toàn cầu.

2. Văn hoá:

Bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới:

Ngay từ khi thành lập, UNESCO đã thấy rõ tầm quan trọng phải bảo vệ, bảo tồn những di sản có giá trị quý báu phục vụ cho sự tồn vong và phát triển lâu dài của nhân loại. UNESCO cho rằng việc bảo tồn các di sản văn hoá và thiên thiên không chỉ là trách nhiệm riêng của từng Quốc gia mà còn là  nghĩa vụ chung của toàn thể loài người. UNESCO đã triển khai sâu rộng với hàng chục cuộc vận động quốc tế lớn nhằm kêu gọi sự ủng hộ, tham gia của cộng đồng Quốc tế đối với những di sản văn hoá lớn của nhân loại đang bị đe doạ xuống cấp, đổ nát hoặc bị lãng quên.

Nhằm đạt hiệu quả cao trong việc huy động nỗ lực chung của cộng đồng Quốc tế, UNESCO thông qua "Công ước về việc bảo vệ các di sản văn hoá và thiên nhiên Thế giới" năm 1972. Đồng thời, Uỷ ban di sản Thế giới thuộc UNESCO lập danh sách di sản thế giới trên cơ sở xem xét đánh giá các tài sản văn hoá và thiên nhiên có giá trị toàn cầu nổi bật của các Quốc gia. Đến 10/2005, UNESCO đã công nhận 812 di sản văn hoá, thiên nhiên Thế giới ở 37 nước thành viên. UNESCO đặc biệt chú trọng kêu gọi sự quan tâm và trợ giúp của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ và khôi phục các di sản thế giới đang trong tình trạng nguy hiểm, có nguy cơ tiêu vong cao. Ngoài ra, UNESCO còn thông qua ''Công ước về các biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa việc nhập, xuất khẩu và chuyển giao sở hữu tài sản văn hóa một cách trái phép'' năm 1970 nhằm bảo vệ, duy trì và phát huy giá trị các di sản văn hoá tồn tại dưới dạng động sản như các loại cổ vật…

Trong những năm gần đây, UNESCO triển khai thêm chương trình bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. UNESCO xây dựng một ''Chiến lược toàn cầu'' cho việc bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể nhằm tái khẳng định cam kết của tổ chức này đối với việc bảo vệ các di sản văn hóa, đồng thời tăng cường các mục tiêu chiến lược trong lĩnh vực văn hoá của tổ chức này. Từ 2001 đến 11/2005, UNESCO đã công bố 90 di sản tiêu biểu của Thế giới là Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Các Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại được UNESCO tôn vinh bao gồm:

1. Các hình thức biểu đạt mang tính truyền thống hoặc dân gian như ngôn ngữ, văn học truyền miệng, âm nhạc, múa, trò chơi, chuyện kể thần thoại, nghi lễ, trang phục, kỹ thuật thủ công, kiến trúc;

2. Các không gian văn hóa tức là các địa điểm, nơi các hoạt động văn hoá truyền thống và dân gian diễn ra một cách tập trung (chẳng hạn như những nơi kể chuyện, nơi diễn ra các nghi lễ, nơi họp chợ, các lễ hội, v.v…) hoặc diễn ra một cách thường xuyên (như các nghi lễ hàng ngày, các đám rước được tổ chức hàng năm).

Ngoài ra, để có thêm cơ sở khoa học và pháp lý vững chắc, trong việc thúc đẩy việc bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, UNESCO thông qua ''Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể'' tháng 11/2003 và công ước “Bảo vệ sự đa dạng các biểu đạt văn hoá” tháng 10/2005.

Cho đến 10/2005, Việt Nam có 7 di sản thế giới: Bao gồm 3 di sản văn hóa là Quần thể di tích cố đô Huế (công nhận năm 1993), Đô thị cổ Hội An (1999). Thánh địa Mỹ Sơn (1999); hai di sản thiên nhiên là Vịnh Hạ Long (công nhận 2 lần vào năm 1994 và 2000) và Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (2003); hai đi sản văn hóa phi vật thể - kiệt tác truyền khẩu của nhân loại là Nhã nhạc (Triều Nguyễn 2003) Và Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (2005).

Ngoài vấn đề bảo tồn và giữ gìn di sản Thế giới, UNESCO còn triển khai nhiều nội dung, chương trình văn hóa khác nhau nhằm nâng cao nhận thức chúng của cộng đồng Quốc tế đối với vị trí và vai trò của văn hoá trong xu thế toàn cầu hoá quốc tế hiện nay đặc biệt là các vấn đề văn hóa phục vụ phát triển và đóng góp cho việc giữ gìn hòa bình Thế giới như Thập kỷ Phát triển Văn hoá Quốc tế (1988-1997), chương trình ''Văn hoá hoà bình'', "Đa dạng văn hoá và đối thoại giữa các nền văn hoá và văn minh''…

3. Khoa học:

Các thành tựu đạt được của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, công nghệ, tin học và thông tin truyền thông trên quy mô toàn cầu trong mấy thập kỷ qua có một phần đóng góp không nhỏ của UNESCO. Thông qua một loạt các chương trình chuyên môn liên chính phủ, UNESCO đã tập hợp được một cách rộng rãi các chuyên gia đầu ngành ở nhiều Quốc gia để cùng hợp tác tham gia giải quyết các vấn đề khoa học phục vụ đời sống vì sự phát triển chung của nhân loại như bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, tài nguyên nước, phòng chống thiên tai… Các chương trình quan trọng bao gồm Chương trình liên hệ địa chất; Chương trình Hải dương học Quốc tế; Chương trình Con người và Sinh quyển; Chương trình tin học; Chương trình phát triển truyền thông quốc tế; Chương trình Nghiên cứu Thuỷ văn; Chương trình nghiên cứu công nghệ vi sinh v.v. ..

Một trong những đóng góp nổi bật nhất của UNESCO là Chương trình Nghiên cứu về Con người và Sinh quyển (MAB) đã được UNESCO đưa ra năm 1968 với mục đích đẩy mạnh mối quan hệ hài hoà giữa con người và thiên nhiên. Từ năm 1974 UNESCO xây dựng mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển Thế giới, đến nay đã có 482 khu ở 102 nước thành viên trong đó, Việt Nam có 4 khu là: Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (công nhận năm 2000), khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (2004), Quần đảo Cát Bà (2004) và Vùng đất ngập nước Đồng bằng Sông Hồng ( 2004). Khu bảo tồn sinh quyển có 3 chức năng bổ sung cho nhau: chức năng bảo tồn hệ sinh thái, phong cảnh; phục vụ phát triển kinh tế bền vững; hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đào tạo ở quy mô địa phương, Quốc gia và toàn cầu.

Trong lĩnh vực Khoa học Xã hội, việc hợp tác nghiên cứu tìm ra những nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề xã hội đang đặt ra với hầu hết các Quốc gia, phát triển cũng như đang phát triển, được UNESCO rất quan tâm. UNESCO thúc đẩy nghiên cứu một cách tổng quát những vấn đề cơ bản của Thế giới trong một bối cảnh Quốc tế đang có những biến đổi nhanh chóng và sâu sắc, từ đó đề ra những dự báo về xu hướng phát triển xã hội trong các thập kỷ tới đây. Các Vấn đề phụ nữ, thanh niên, tình trạng phân biệt đối xử về giới, sự chênh lệch về phát triển giữa các vùng nông thôn và thành thị, xu hướng đô thị hoá v.v. . . là những chủ đề nghiên cứu hết sức nghiêm túc, thu hút được sự chú ý đặc biệt của các nước thành viên.

UNESCO còn quan tâm xây dựng và phát triển ngành thông tin cho các Quốc gia thành viên và trên phạm vi toàn cầu, trong đó ưu tiên hỗ trợ các nước đang phát triển trong lĩnh vực này. Một trong những hoạt động nổi bật là hai chương trình liên chính phủ về Công nghệ thông tin và truyền thông là: Chương trình Quốc tế về phát triển thông tin truyền thông và tin học (IPDC) nhằm thúc đẩy tự do trao đổi thông tin, tăng cường cơ sở hạ tầng, đào tạo chuyên gia và các kỹ năng phân tích xử lý thông tin ở các nước đang phát triển. Chương trình Thông tin cho mọi người (Information for ALL-IFAP) tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của mọi tầng lớp, đặc biệt là phụ nữ trong việc tiếp cận và sử dụng các kỹ thuật mới về thông tin truyền thông, cố gắng giảm thiểu sự cách biệt trong lĩnh vực này giữa các nước phát triển và đang phát triển. UNESCO đang hết sức quan tâm xây dựng một xã hội thông tin cho mọi người nhằm tận dụng hiệu quả do Công nghệ thông tin mang lại đối với đời sống xã hội, pháp luật và đạo đức con người.

(VŨ TUẤN HẢI,

Vụ văn hóa - UNESCO, Bộ Ngoại giao, 1/2006)




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/169-02-633386645016406250/To-chuc-giao-duc-khoa-hoc-va-van-hoa-cua-L...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận