Tài liệu: Phải chăng chàng là người duy nhất trên đời

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Chuyện cổ kể rằng, xưa kia con người lưỡng tính, vừa là nam vừa là nữ. Khoẻ mạnh và oai hùng, con người không cần gì hết ngoài quyền lực, dám tranh quyền với các thánh
Phải chăng chàng là người duy nhất trên đời

Nội dung

Phải chăng chàng là người duy nhất trên đời

Chuyện cổ kể rằng, xưa kia con người lưỡng tính, vừa là nam vừa là nữ. Khoẻ mạnh và oai hùng, con người không cần gì hết ngoài quyền lực, dám tranh quyền với các thánh. Đức Ngọc Hoàng tức giận bèn xẻ con người ra làm đôi thành đàn ông và đàn bà. Từ đó mỗi người chỉ còn một nửa, buộc phải lang thang trên thế gian đi tìm “nửa kia của mình, để sáp lại thành nguyên vẹn như cũ.

Đấy là huyền thoại, nhưng quả thực hiện nay hàng triệu hàng triệu con người vẫn đang đi tìm “nửa của mình và nhiều người đã tìm thấy, trở thành những cặp hạnh phúc, ăn ý với nhau hoàn toàn như một thể. Tuy vậy còn rất nhiều cặp không ổn. Tại sao vậy? Bởi theo huyền thoại trên kể thì mỗi nửa phải tìm đúng nửa kia của mình mới thành cặp thống nhất. Trên đời chỉ có một nửa kia đúng của anh ta hay chị ta mà thôi. Nó là duy nhất. Tìm được đúng “nửa kia của mình” là một may mắn gần như trúng số độc đắc.

Nếu không tìm thấy, đành chịu sống với “nửa không phải đúng là của mình”, đành chịu số kiếp của kẻ thất tình đau khổ, không được hưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn, đủ đầy. Biết làm sao bây giờ? Đau đớn và tuyệt vọng chăng? Hay mặc kệ tất? Hoặc cố tìm? Nhưng cuộc đời ngắn lắm, liệu kiếp này có gặp được hay không?

Thật ra vần đề không đến nỗi khó khăn như vậy. Trong quan hệ giữa những đôi yêu nhau, vai trò quan trọng không phải chỉ là xúc cảm. Tất nhiên xúc cảm là yếu tố đầu tiên tạo nên tình yêu. Nhưng còn nhiều yếu tố khác: những mối quan tâm chung, tính tình học vấn, trình độ văn hoá, vân vân và vân vân. Khắc phục được những khác biệt ấy chúng ta sẽ thành những cặp “ăn ý” và thực sự hạnh phúc.

Lựa chọn đối tượng tình yêu, không phải chúng ta chỉ cần tìm những cái chung trong lợi ích, tính tình, học vấn... mà còn cần tìm những cái “khác nhau”. Nam nữ là hai giới tính trái ngược nhau, họ cần đến nhau nhưng không phải hoàn toàn giống nhau. Sự trái ngược đó là do thiên nhiên định ra cho mỗi giới tính những chức năng khác nhau. Vai trò sinh học của đàn ông là che chở bạn nữ - mẹ của con cái họ, bảo vệ bạn nữ chống lại những tác động có hại của thế giới bao quanh, kiếm thức ăn... Vai trò của nữ giới là duy trì nòi giống, tạo không khí gần gũi về mặt tâm hồn, chăm sóc con cái.

Sau đây là bảng so sánh tính cách của nam và nữ

Tính cách chủ yếu của nam                   Tính cách chủ yếu của nữ

Kiên quyết                                                          Mềm mại

Lý trí                                                                  Tình cảm

Uy quyền                                                            Phục tùng

Năng nổ                                                             Nhẫn nại

Thực tế                                                               Mơ mộng

Cặp vợ chồng lý tưởng là khi tính kiên quyết của nam được bổ sung bằng tính uyển chuyển của nữ, và tính mềm mại của nữ được bổ sung bằng tính kiên quyết của nam. Giống như lý trí được tình cảm tạo cho thành cân bằng. Uy quyền đi với phục tùng. Năng nổ đi với nhẫn nại. Thực tế đi với mơ mộng. Chính những cặp tính chất trái ngược ấy bổ sung nhau khiến cho cả hai bên nam nữ đều thấy không thể thiếu nhau. Từ chỗ cần đến nhau họ yêu nhau. Tình yêu nam nữ chính là một hoà âm, có bè cao, bè trầm. Duy có điều mỗi âm cao nào đều cần một âm trầm tương ứng mới tạo thành một cặp hoà âm êm tai.

Cảm tình xuất hiện qua những sắc thái cảm xúc tinh tế của hai tâm hồn khi bộc lộ, khi lắng xuống, dần dần được củng cố và tạo thành luồng tình cảm mãnh liệt. Một mối liên hệ xuất phát từ tiềm thức và mang tính bí hiểm bao gồm vô vàn yếu tố. Thoạt đầu tưởng như chúng không liên quan gì đến tình cảm nhưng cuối cùng lại tạo nên tình cảm.

Chúng ta thử phác lên bức tranh sau đây. Bạn ngồi sau tay lái xe hơi giữa một đô thành chưa quen biết, xung quanh là một mạng lưới phố xá rối rắm. Xem bản đồ bạn biết nơi cần phải đến. Nhưng bạn chưa biết theo đường nào nhanh nhất. Nếu như thành phố quen thuộc thì bạn biết rõ cứ đi theo phố này sẽ thấy nơi cần đến. Nhưng lần này thành phố lạ lắm, bạn rất lúng túng. Nếu bạn cứ đi bừa thì rất có thể bạn bị cánh sát giao thông chặn lại phạt hoặc bạn gặp tai nạn. Nhưng nếu cứ căn cứ trên bản đồ, chịu khó nhìn kỹ những biển chỉ đường và nếu cần, đỗ xe vệ đường hỏi thăm dân sở tại bạn sẽ đến được địa điểm cần thiết mà không gặp chuyện rắc rối hay tai nạn nào. Biển giao thông cũng như lời khuyên của khách qua đường tưởng như không liên quan gì đến mục tiêu cần đến nhưng lại rất bổ ích cho bạn. Bạn nên tuân theo, đừng cưỡng lại.

Trong suốt lịch sử hàng ngàn năm, nhân loại đã tạo nên vô vàn “biển giao thông”, “đèn hiệu” giúp chúng ta định hướng trong các hoàn cảnh mới mẻ, xa lạ.

Những “biển giao thông” và “đèn hiệu” này tinh vi phức tạp hơn nhiều so với biển giao thông và đèn hiệu trên đường phố dùng cho khách đi đường.

Thứ chúng ta chú ý đầu tiên khi gặp người đàn ông mới quen là hình dạng bên ngoài và áo quần anh ta. Áo quần nói chung cung cấp khá nhiều thông tin về người mặc nó. Qua cách thức ăn mặc bạn có thể đoán khá chính xác về nghề nghiệp (nhà kinh doanh, nhân viên hoả xa, quân nhân...) và thậm chí biết được cụ thể hơn: ví dụ quân nhân thì cấp bậc gì, binh chủng nào v.v... Qua quần áo ta cũng có thể đoán ít nhiều về tính nết con người nghiêm túc hay luộm thuộm, cách nghĩ cổ hay mới, huênh hoang hay kín đáo... Bạn chắc còn nhớ thám tử Sherlork Holmes đã căn cứ vào cách ăn mặc mà đoán người chính xác đến mức nào.

Tiếp theo là cách đối xử, điệu bộ cũng cung cấp thêm một loại thông tin. Thái độ cư xử bộc lộ tính tình con người: nhanh nhẹn hay lờ đờ, hấp tấp hay điềm đạm, kiêu căng hay khiêm tốn, thích khoe mẽ hay lủi vào bóng tối, thô lỗ hay lịch thiệp, hung hăng hay ôn hoà v.v... và v.v... Tuy nhiên cũng cần phải tinh ý khi xét đoán, bởi nhiều khi thái độ bên ngoài là để che giấu tính tình thực bên trong mà ta thường gọi là “ngầm”. Có người vẻ ngoài khiêm tốn nhưng thật ra rất kiêu căng. Thanh niên trẻ làm ra vẻ ngơ ngáo thật ra nhiều khi để che giấu sự thiếu tự tin vào bản thân. Có người bình thường điềm đạm nhưng nổi nóng lúc nào không biết và khi đó còn hung dữ hơn người khác. “Người lành hay cục” mà lại! Câu tục ngữ quả chí lý!

Chúng ta chỉ coi biểu hiện ra ngoài  thứ đề tham khảo, đừng vội vã đoán ngay. Chẳng thế mà phương ngôn có câu: quen nhau vì quần áo, thân nhau vì đầu óc! Hoặc một câu khác cũng bồ ích: có thức lâu mới biết đêm dài? Bạn mới gặp anh ta một lần rất có thể hôm đó anh ta đang tâm trạng không bình thường, anh vừa gặp chuyện vui hoặc buồn gì chăng?

Chúng ta ai cũng có lần bị đau răng. Có mấy ai phát hiện răng sâu đã vội đến bệnh viện nhổ? Thông thường chúng ta trì hoãn, thử súc miệng nước muối một ngày, hai ngày xem có đỡ không. Rồi một đêm mất ngủ, hai đêm, cho đến khi không chịu nổi cơn đau ta mới vội chạy ra đường để đến bệnh viện...

Nhưng đến cửa đau quá, chúng ta đành phải đứng lại một lát. Vừa định chạy đi thì một anh chàng hàng xóm hồ hởi bước tới gọi. Anh ta vốn thích nói chuyện, kể hết chuyện này đến chuyện khác, và cũng sẵn sàng nghe bạn kể. Anh ta vui vẻ vỗ vai bạn: “Chào người đẹp? Đi đâu sớm thế? À, đau răng phải không? Quên đi, quên cái răng và quên cả cái bệnh viện răng đi! Nghe tôi kể đêm qua tôi mơ thấy gì, lạ lắm nhé!...”

Bạn ứng xử thế nào? Tất nhiên bạn đứng lại và nghe anh ta nói. Anh ta kể giấc mơ kỳ quái đêm qua. Bạn cười. Anh ta cũng cười, bạn còn vỗ vai anh ta nữa... Chắc chắn lúc đó bạn thầm băn khoăn không biết nên làm thế nào bây giờ. Cái răng vẫn nhức khủng khiếp. Nhưng không thể xin lỗi anh ta vì anh ta rất có thể sẽ cho là bạn ích kỷ, coi cái răng quý hơn con người. Bạn và anh hàng xóm hiểu vấn đề theo hai cách trái ngược. Và tất nhiên anh ta sai nếu vội kết luận bạn là không biết quý hàng xóm. Cho nên chúng ta không nên vội kết luận về một người nào đó mới trong lần tiếp xúc đầu tiên. Hãy cố đừng để cái ấn tượng ban đầu ăn sâu trong trí óc về một con người nào đó.

Một người đang buồn, tất nỗi buồn đó ảnh hưởng đến vẻ mặt, cách cư xử của anh ta. Tuy nhiên có người lúc nào cũng nhăn nhó, không có chuyện gì đáng bực bội cũng cố moi ra một điều nào đó để nhăn: qua nhiều lần bạn đã thấy như vậy, anh ta chỉ nghĩ đến bản thân và luôn bực tức với đủ mọi thứ. Nhưng ngay những người mắc cái thói ấy chưa phải đã hết hy vọng. Bởi vì trên đời lại có những người quan tâm đến anh ta. Hoặc là những người “thích hy sinh vì người khác”, thích gần những ai trái tính nết để giúp đỡ! Hoặc có những người có nghị lực rất mạnh, tin rằng có thể thay đổi tính tình người khác.

Có lẽ loại người chúng ta hay gặp nhất là loại người “ích kỷ”, hiếu thắng. Họ thường có tài khắc phục rất nhanh và dễ dàng những khó khăn chợt đến khiến xung quanh ai cũng cảm phục và ca ngợi. Đại đa số những người đó đã lầm, coi thói hiếu thắng của anh ta là ưu điểm: hồ hởi, nhiệt tình, tháo vát... Thậm chí nhiều người coi anh ta như một anh hùng, muốn học tập anh ta. Nhưng đến khi hiểu ra, cảm tình và lòng khâm phục sẽ nhanh chóng biến thành sự khinh ghét.

Khám phá thói ích kỷ hiếu thắng của con người không khó gì lắm. Nếu nhiễm thói ấy, họ luôn chê bai mọi thứ mà họ cho là chưa hoàn toàn đúng. Họ lên giọng kiêu căng bình phẩm về mọi thứ. Họ rất trịch thượng mặc dù bản thân họ nhiều khi không đóng nổi cái đinh cho hẳn hoi. Họ rất giỏi tán dóc, có ý kiến về đủ mọi vấn đề mà lúc nào cũng tỏ ra thông thái, nhưng trí thông minh của họ lại không đủ giải một bài đố ô chữ. Họ biết cách gây cảm tình những ai họ cần, nhưng đối với ai không cần thì họ kênh kiệu, khinh rẻ và thô lỗ. Trong cuộc sống vợ chồng, những “chàng có tính này dễ đẩy không khí gia đình đến tình trạng căng thẳng và đôi khi nguy kịch.

Một loại nam giới khác hẳn loại này có ý thức phát triển rất cao. Người thuộc loại này bình tĩnh và tế nhị ngay cả khi gặp tình huống phức tạp nhất trong cuộc sống, loại này chúng ta có thể dựa và tin cậy mọi thứ. Họ không bao giờ làm ta thất vọng. Thông thường loại người này sẽ trở thành những người chồng và cha tuyệt vời

Nói như thế chưa có nghĩa đàn ông chia ra thành hai loại tốt và xấu một cách rành rọt. Trong những người được gọi là tốt cũng có những khiếm khuyết mà chúng ta phải chịu đựng. Ngược lại, người thông thường được coi là xấu cũng có những ưu điểm chúng ta có thể khai thác để tạo nên được cuộc sống gia đình hạnh phúc. Nhưng đó lại là vấn đề chúng tôi sẽ đề cập đến trong một dịp sau.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4300-02-633737387014219772/Chon-ban-doi/Phai-chang-chang-la-nguoi-du...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận