Tài liệu: Tình yêu phải chăng là ma thuật

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Do sử dụng thường xuyên nên từ ngữ thường bị “mòn đi” mất ý nghĩa ban đầu của nó, trong khi một số cụm từ lại bám chắc vào ý thức chúng ta đến nỗi chúng ta nói mà không hề suy nghĩ: “Anh ta yêu tôi như điên”,
Tình yêu phải chăng là ma thuật

Nội dung

Tình yêu phải chăng là ma thuật

Do sử dụng thường xuyên nên từ ngữ thường bị “mòn đi” mất ý nghĩa ban đầu của nó, trong khi một số cụm từ lại bám chắc vào ý thức chúng ta đến nỗi chúng ta nói mà không hề suy nghĩ: “Anh ta yêu tôi như điên”, “Tôi yêu anh ấy đến cuồng dại”, “Anh ấy thu hết hồn vía tôi” v.v... Khi nói những câu như vậy, chúng ta không hề nghĩ đến chuyện phải khẩn cấp gọi điện đến bệnh viện hoặc gọi xe cấp cứu. Nhưng vì sao trong ngôn ngữ của một dân tộc đều có thể gặp những câu nói đó và tương tự như vậy, những câu nói mà nếu lấy lại ý nghĩa ban đầu thì chẳng thấy gì làm vinh dự cho những kẻ đang yêu?

Ta hãy thử cùng phân tích. Trước hết ta hãy chú ý đến một sự thật là tất cả những kẻ đang yêu đều xử sự quả thật có phần kỳ quái (liệu có thể diễn đạt nhẹ hơn được không?). Họ ngủ không yên, ăn không ngon, tim đập nhanh hơn; lúc thì họ tái mặt, lúc thì họ đỏ mặt, lúc thì như sắp ngất đi, nói chung, trông họ như người ốm thực sự. Cả tâm lý của họ cũng hết sức không ổn định: lúc thì họ vui vẻ vô cớ, lúc thì họ rầu rĩ, họ không nghe thấy người xung quanh nói gì với họ, hoặc chợt nổi xung lên và nói với người thân những điều xấc xược chỉ vì một chuyện vớ vẩn nào đấy. Chẳng có gì ngạc nhiên nếu vào thời xưa, cách xử sự khác thường như vậy của những kẻ đang yêu bị gán cho tác động của thuốc mê hoặc ma thuật.

Tiện đây xin nói về ma thuật. Từ xa xưa, các cô gái đã cố tìm cách thu hút sự chú ý của người mình yêu. Nhiều nghi lễ dân gian truyền lại đến thời đại chúng ta dưới dạng huyền thoại và truyền thuyết chính là một “bộ quy tắc” được soạn thảo rành mạch để nhờ đó có thể mồi chài được người yêu, những dấu vết của những nghi lễ thần bí, các đơn thuốc bùa yêu v.v... được tìm thấy trong tất cả các nền văn hoá mà chúng ta đã biết, mặc dù do điều kiện và truyền thống của từng địa phương khác nhau mà tất nhiên nghi lễ và đơn thuốc ấy cũng khác nhau rõ rệt. Việc áp dụng cổ điển loại nước uống chứa bùa yêu ấy chúng ta có thể tìm thấy trong truyền thuyết cổ về Tơrixtăng và Idơn. Ta hãy nhìn câu chuyện về mối quan hệ của đôi trai gái này bằng con mắt của tâm lý học hiện đại.

Một ông vua đang về già bỗng cảm thấy tình yêu bùng cháy với nàng Idơn trẻ tuổi và muốn cưới nàng làm vợ. Cơ hội thành công của nhà vua rất thấp, bởi vậy, để không mạo hiểm, nhà vua không tự mình đến cầu hôn mà phái người hiệp sĩ trung thành của mình là Tơrixtăng đi thay. Nhà vua hoàn toàn không trông cậy vào sự giàu có cũng như tuổi tác của mình (là người khôn ngoan, nhà vua hiểu rất rõ rằng với tuổi tác và với vẻ ngoài của ông ta khó mà đánh thức được tình cảm đáp lại trong tâm hồn cô gái lãng mạn) mà dựa vào thứ thuốc bùa yêu đã được chế theo lệnh của nhà vua.

Ở Tây Âu vào thời trung cổ người ta chẳng giấu giếm việc người đàn ông dùng pháp thuật để chinh phục thiện cảm của cô gái mình yêu, và bởi vậy, để cho thật chắc chắn, nhà vua gửi kèm theo sứ giả của mình một lọ nước hoa yêu. Chàng hiệp sĩ trẻ tuổi tận tâm thực hiện sứ mệnh làm mai mối mà nhà vua giao cho. Chàng thuyết phục được cô gái xinh đẹp kia tin rằng nàng không thể mơ ước đến một đám nào tốt hơn nhà vua của chàng, rồi chàng trở về kinh thành cùng nàng Idơn. Dọc đường khi đi thuyền, đôi trai gái cảm thấy khát và uống lầm phải thứ nước bùa yêu kia. Lầm lẫn đó bị cô hầu gái của Idơn phát hiện (cô hầu gái này được lệnh không được rời mắt thứ nước kia), và tuy đã muộn, không thể thay đổi được gì nữa, cô vẫn lớn tiếng trách móc đôi trai gái. Đôi trai gái lập tức nhìn nhau bằng con mắt mới và cảm thấy say đắm nhau.

Chuyện gì đã xảy ra trong thực tế, thứ nước bùa kia đã tác động đến họ hay lời trách mắng của cô hầu gái đã đẩy họ đến với nhau? Hay có lẽ toàn bộ vấn đề ở đây là lý tưởng “tình yêu vĩnh viễn” mà cả Tơrixtăng lẫn Idơn đều đã được giáo dục theo tinh thần đó? Đương nhiên, việc họ đột nhiên say đắm nhau là do tác động của cả việc giáo dục, cả lời trách mắng của cô gái, mặc dù đóng vai trò tâm lý quan trọng trong việc này là thứ nước bùa họ uống phải. (Hiện tượng như vậy hiện đang được y học hiện đại sử dụng. Người bệnh được cho uống một chất vô hại hao hao giống một thứ thuốc nổi tiếng và thế là bệnh qua khỏi, tuy là do sức lực của chính cơ thể người bệnh).

Để nghiên cứu một cách khoa học mối quan hệ giữa Tơrixtăng và Idơn, chúng ta thiếu mất “phép thử kiểm tra”: chuyện gì sẽ xảy ra nếu đôi nam nữ trẻ tuổi uống bùa yêu mà vẫn tin chắc rằng họ uống loại rượu bình thường? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cô hầu gái không kêu lên và trách móc họ? Liệu tình yêu bột phát của họ có chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh mà họ không được phép yêu nhau hay không? Bởi bất kỳ thứ cấm kỵ nào, như ta đã biết, đều có vị ngọt của trái cấm?

Chúng ta không nên quên rằng cả Tơrixtăng lẫn Idơn đều trẻ, đẹp, đều hướng tới một lý tưởng chung trong tình yêu và ở một thời gian khá dài bên nhau, điều này tất nhiên cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa họ. Tơrixtăng tuy hành động nhân danh nhà vua, nhưng lại vượt quá nhà vua trong nghệ thuật xử sự hào hoa phong nhã, và có thể giả thiết rằng chàng đã vô tình say đắm Idơn ngay từ khi thuyết phục nàng lấy nhà vua của chàng làm chồng. Tiếng kêu của người hầu gái chỉ làm tình yêu của chàng trở nên có ý thức, còn thứ nước bùa kia chỉ là cái cớ để chàng bào chữa trước lương tâm mình và trước xã hội: đấy, tội lỗi gì đâu, mọi tội lỗi đều do thứ nước uống tai hại kia?

Nhưng chúng ta hãy trở lại vấn đề ma thuật. Chúng ta hãy thử lấy thí dụ trong cuốn “Ma thuật trong tình ái” và đọc. Lấy một con dơi đang còn sống, bỏ vào chiếc hộp có đục lỗ rồi đem vùi trước tổ kiến. Đúng ba tuần trăng, lấy ra. Con dơi chỉ còn xương. Xương đó làm bùa không chỉ để chàng yêu mà muốn giữ tình yêu ấy kéo dài bao nhiêu cũng được.

Đọc nghe đúng là thứ vớ vẩn. Thế nhưng thứ vớ vẩn ấy lại chứa đựng nguyên nhân tâm lý quan trọng. Mụ phù thủy hiểu rất rõ vai trò của thời gian trong tình yêu. Bà ta bắt cô gái phải kiên nhẫn đợi những ba tháng, nếu là tình yêu thực sự thì trong ba tháng ấy, cô đã đủ thời gian làm cho “chàng nhận thấy tình cảm tha thiết của mình, trong trường hợp trái lại, đấy chỉ là chuyện “tình si” nông nổi thì ba tháng sau, khéo chính cô đã nguội đi rồi.

Nhân đây ta thấy thời gian và sự kiên trì quan trọng đến mức nào trong tình yêu, Có thể nói thời gian là thứ thử thách củng cố thêm tình yêu chân chính và đánh tan ngay thứ tình yêu giả tạo hay hời hợt. Đồng thời chúng ta cũng thấy thêm cái “bùa yêu”, “ma thuật” thực ra đều có tác dụng đánh vào tâm lý cả.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4300-02-633737386647321292/Chon-ban-doi/Tinh-yeu-phai-chang-la-ma-th...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận