Quần áo và trang phục
v VÌ SAO NGƯỜI TA MẶC QUẦN ÁO?
Thoạt tiên con người mặc quần áo để giữ ấm. Suốt thời kỳ băng giá ở châu Âu khoảng 30.000 năm trước, con người dùng da thú săn được làm quần áo. Ở những vùng khí hậu nóng, người ta mặc chủ yếu để trang trí.
Papua New Guinea: Người Papua sống ở cao nguyên của Papua New Guinea dùng vỏ cây bản địa để làm vật liệu may quần áo. Lông chim thiên đường và của các loài chim có bộ cánh sặc sỡ khác được dùng làm mũ.
Bắc Mỹ: Người Inđian (thổ dân da đỏ) ở Bắc Mỹ thường mặc xà cạp làm bằng da bò rừng ''bizon'' hoặc da hươu. Họ dùng lông chim để trang trí mũ đội và mang giầy da màu sáng gọi là ''moccasin'' để chân khỏi bị đá sắc nhọn và gai xương rồng gây thương tích.
Lapland: Sống ở vùng cực bắc lạnh giá của thế giới, người Lapland phải nhờ vào quần áo để giữ ấm. Họ mang ủng bằng da sống của tuần lộc và găng tay bằng lông tuần lộc. Người đàn ông đội chiếc mũ sặc sỡ gọi là ''mũ tứ phương''. Nếu nghiêng chóp trên mũ ngả về trước, điều đó có nghĩa là người đó còn độc thân.
v TRANG PHỤC BUỔI ĐẦU VÀ NHỮNG NỀN VĂN MINH
Từ thuở sơ khai, các nền văn hóa khác nhau đã có những kiểu trang phục khác nhau. Điều này gắn liền với cách sống của con người. Những vật liệu hiếm và xa xỉ như tơ lụa được dùng để may quần áo cho những kẻ giàu sang, còn thường dân thì mặc những thứ rẻ tiền theo tiêu chuẩn. Hàng ngàn năm trước đã có sự thay đổi của thời trang, do lối sống của con người thay đổi.
Người Hy Lạp: Người Hy Lạp cổ đại hẳn đã mặc một bộ peplo được giữ sau vai bằng các đinh ghim đặc biệt. Nhưng sau khi một chiến binh bị đâm chết bằng những đinh ghim giống như dao găm đó, peplo được thay thế bằng trang phục chiton. Nó được buộc vào vai và quanh thắt lưng, với phần dưới trông giống như chiếc váy.
Người La Mã: Mặc dầu người La Mã hay mặc một chiếc áo dài thắt ngang lưng, nhưng chính chiếc toga mới là dấu hiệu để nhận biết cư dân thành Rome. Toga có kiểu cách đơn giản, dùng mảnh vải dài phủ qua vai. Vào thời kỳ cuối của đế chế La Mã, toga được dùng chủ yếu cho các mục đích lễ lạc. Dải màu tím trên các bộ toga là dấu hiệu để nhận biết các quan chức trọng yếu.
Người Celt và cướp biển Viking: Ở Bắc Âu người ta rất cần quần áo ấm. Đàn ông thường mặc quần len và áo vải, với một chiếc áo dài ở ngoài giữ bằng nịt lưng. Đàn bà cũng mặc áo dài nịt lưng và vớ len. Những đồ trang sức kim loại đặc biệt là vòng đeo tay rất đặc biệt là vòng đeo tay rất được ưa chuộng trong khi gạc nai và xương thú được chạm khắc thành lược chải tóc.
Người Ai Cập: cây lanh được trồng ở Ai Cập để làm vải sợi đã có từ hàng ngàn năm. Các vua Pharaoh cổ đại, những người thống trị đất nước và triều đình của họ đều mặc quần áo may bằng vải lanh. Thứ vải này giúp người ta dễ chịu trong tiết trời nóng bức. Cói lác được bện thành giầy dép.
Người Aztec: Người Aztec ở Trung Mỹ trước đây thường dùng bông vải để may phần lớn quần áo của họ, đôi khi còn mặc đồ nhồi bông. Những người Aztec thượng lưu mặc trang phục có đính vàng hoặc lông thú hoặc trang trí bằng đuôi của chim đuôi seo, loạt chim rất quan trọng trong nền văn hóa người Aztec.
v TRANG PHỤC ÂU HÓA
Do con người bắt đầu du lịch đến các nước khác nên quần áo căn bản ngày càng trở nên ''quốc tế hóa''. Quần áo bền, tiện và nhiều màu sắc hơn giờ đây rất được ưa chuộng, dùng để mặc hàng ngày.
Jeans
Quần áo được may từ vải jean là chất liệu vải nền cotton sợi chắc. Người ta bắt đầu mặc jean từ 500 năm trước. Jeans được phổ biến nhờ một người đào vàng ở California, Mỹ nhận ra nó là chất liệu lý tưởng cho các trang phục bền chắc cần thiết của những người đào vàng và những cao bồi (người chăn bò). Màu xanh là màu nguyên thủy của jean. Người ta cho rằng từ ''jean'' có nguồn gốc từ thành phố cổ Genoa Janus, một trong những nơi sản xuất vải jean sớm nhất.
Vải bông chéo (Denim): Được gọi tên từ loại vải senge de Nimes đến từ vùng Nimes, miền Nam nước Pháp. Loại vải này đã trở nên một chất liệu cổ điển và được mặc ở khắp nơi trên thế giới.
Trang phục cổ điển: Vào những dịp quan trọng hoặc các buổi họp, doanh nghiệp người ta thường mặc bộ com-lê. Bộ com-lê đầu tiên của đàn ông được may ở Pháp vào đầu thế kỷ 18, bao gồm quần, gilê và áo choàng (veston). Trang phục của phụ nữ chỉ hợp thời vào năm 1880. Sau chiến tranh Thế giới thứ hai họ bắt đầu mặc, quần tây nhiều hơn váy, là một phần của bộ com-lê.
Trang phục áo cưới: Màu vàng là màu áo cưới phổ biến vào thời La Mã. Màu trắng được ưa chuộng hơn suốt thế kỷ qua. Chiếc áo cưới truyền thống gồm một mạng che mặt và một áo dài có đuôi quét đất. Chú rể có thể mặc áo đuôi tôm, quần sọc xám và đội mũ chóp cao.
v TRANG PHỤC TRUNG ĐÔNG
Tôn giáo chiếm ưu thế của khu vực Trung Đông là đạo Hồi. Trang phục truyền thống của một thiếu nữ đạo Hồi là chiếc váy dài bằng vải bông phủ hết từ đầu đến chân, chỉ chừa kẽ hở cho đôi mắt. Các cô bé chưa đến 9 tuổi không phải che mặt theo cách này.
Mạng che mặt của người Thổ Nhĩ Kỳ
Đàn bà Thổ Nhĩ Kỳ mang mạng che mặt bằng muslin mỏng, dài, hẹp gọi là “yasmak”. Mặt của họ được che mặt nạ làm bằng chất liệu mỏng, đan thành lưới.
Mạng của phụ nữ Iran: Ý tưởng dùng áo choàng và mạng để che kín người phụ nữ trở nên phổ biến vào những năm 700. Phụ nữ Iran thường mặc áo choàng có kiểu đơn giản gọi là chadri, làm bằng vải màu đen. Tấm áo choàng được phủ quanh người, quanh tay và tạo ra mạng che lấp một phần khuôn mặt.
Khăn quàng đầu: Đàn ông ở Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ dùng khăn quàng đầu. Đó là dấu hiệu của tín ngưỡng đạo Hồi. Khăn được làm từ dải vải dài quấn quanh đầu.
Áo khoác: Ở một số vùng thuộc Trung Đông như Afghanistan, thời tiết rất lạnh, đặc biệt là mùa đông khắc nghiệt trên miền núi. Đàn ông và đàn bà mặc áo khoác dài bằng len gọi là chupan. Chúng thường có màu trắng, có thể quấn quanh người hoặc phủ ngoài các quần áo khác để giữ ấm.
Phụ nữ Turkmenistan: Ở Turkmenistan gần Trung Đông phụ nữ đeo nhiều trang sức bằng bạc, quà tặng cổ truyền của chồng họ. Phụ nữ Turkmenistan đeo vòng tay và nhẫn nối với nhau có chuông réo inh ỏi vào dịp quan trọng. Ở vùng này, cài trâm bạc vào cổ áo cũng được coi là kiểu mẫu dân gian, hai chiếc giày đều có cùng hình dạng, có nghĩa là bạn muốn xỏ chân vào chiếc phải hay chiếc trái đều được cả.
Kilim. Ở Thổ Nhĩ Kỳ và các miền Tây Á, kilim - loại chăn để đắp hoặc để khoác là một sản phẩm thủ công truyền thống. Đàn ông hay mặc kilim.
v TRANG PHỤC CỦA NGƯỜI CHÂU PHI
Khí hậu châu Phi phần lớn là nóng và khô nên váy dài rộng thoải mái làm con người mát mẻ hơn Khăn trùm đầu giúp chống say nắng bởi độ nóng của sa mạc châu Phi thật khắc nghiệt.
Người Ả Rập du cư: Nhiều người ở Bắc Phi là dân du cư di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Phụ nữ đã kết hôn mặc quần áo thêu đỏ, thường đính tiền đồng bằng bạc quanh mạng che mặt. Thiếu nữ thường dùng trang phục trang trí bằng các đường thêu (đan) màu xanh.
Quần áo bảo hộ: Đàn ông thường mặc áo dài rộng có thể làm từ lông lạc đà. Họ thường trùm đầu bằng vải sặc sỡ, giữ chặt bởi hai vòng cuộn bằng len đen. Mũ trùm đầu có thể được gấp nếp quanh đầu để tránh cát rơi vào mắt khi có bão cát.
Người Tuareg sống ở vùng sa mạc Sahara châu Phi thật khác thường vì chính đàn ông mới dùng mạng che mặt. Tấm mạng bằng cotton màu xanh độc đáo đó gọi là ''tagilmus'', dài đến 3m nếu không buộc lại. Chiếc tagilmus che phủ hết đầu và mặt người đàn ông, chỉ chừa lại kẽ hở nhỏ cho đôi mắt. Khi ăn, họ phải vén phần dưới tấm mạng lên.
Màu xanh: Người Tuareg thường mặc màu xanh vì tin rằng màu đó sẽ xua đuổi các côn trùng. Thuốc nhuộm dùng để làm xanh quần áo của họ thường hay bị thôi màu và bám vào da.
v TRANG PHỤC ẤN ĐỘ VÀ ĐÔNG NAM Á
Phụ nữ Ấn Độ mặc một mảnh vải dài gọi là sari, quấn quanh mình. Kiểu trang phục này chịu ảnh hưởng của chiếc palla của người Hy Lạp cổ, khởi thủy từ Alexander đại đế của Hy Lạp mang quân sang xâm lược Ấn Độ. Chiếc áo cổ truyền của đàn ông Ấn Độ cũng bắt nguồn từ chiếc chiton của người Hy Lạp.
Sari: Sari có rất nhiều kiểu, được may bằng nhiều chất liệu khác nhau, cotton, lụa và nylon. Dưới sari là chiếc choli với cái yếm dài buộc ngang eo. Một đầu của tấm sari gọi là pallu được choàng qua vai trái.
May sari: Một chiếc sari tốn từ 3 đến 5 mét vải, thường nhuộm màu sáng và có thể trang trí hình cây cỏ chim chóc. Cô dâu trong ngày cưới thường mặc chiếc sari đặc biệt màu đỏ với choli màu xanh lục và mạng che mặt dài màu đỏ phủ qua đầu.
Bộ Punjabi: Các thế hệ thiếu nữ trẻ Ấn Độ mặc bộ Punjabi - quần và áo dài thêu hợp màu.
Batik: Lối in trang trí trên vải này được dùng ở Java - hòn đảo ngoài khơi bờ biển đông nam châu Á - từ hơn 1200 năm trước. Batik là từ trong tiếng Java để chỉ lối in hoa bằng sáp. Sáp ong nóng chảy được bôi lên cotton hoặc lụa. Sáp nguội dần và làm vải cứng lại. Sau đó, khi nhuộm những phần có sáp ong sẽ không bị thấm thuốc nhuộm. Bằng cách này người ta tạo ra nhiều đường nét trang trí đẹp mắt trên vải.
Trang phục đặc biệt. Nhảy múa là nét văn hóa quan trọng của các dân tộc châu Á. Trang phục biểu diễn thường rất lộng lẫy, công phu và nhiều màu sắc. Ở Thái Lan nơi sản xuất ra lụa đã gần 2000 năm, chất liệu này thường hay kết hợp với trang sức bạc vàng để tạo ra thời trang. Các bộ quần áo đó khá nặng bởi số lượng đá quý được gắn vào.
v TRANG PHỤC CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC
Khi người Cộng sản lên nắm chính quyền Trung Quốc năm 1949, có nhiều nỗ lực tạo ra để đưa mọi người Trung Quốc đến cách mặc giống nhau, gồm một quần tây và một chiếc áo ngoài bằng cotton màu xanh giản dị. Từ đó, người Trung Quốc theo những cách ăn mặc mang tính cá nhân hơn, ví dụ như bộ quần áo bằng lụa.
Biểu tượng con rồng: Con rồng đã đi vào quần áo của người Trung Quốc hơn 1000 năm. Hoàng bào trở nên nổi tiếng suốt triều đại nhà Thanh từ 1644 - 1911. Màu vàng rất quan trọng, đó là màu dành riêng cho hoàng đế.
Bó chân: Tục bó chân xuất hiện ở Trung Quốc ngót nghìn năm. Từ 6 tuổi, các bé gái đã bị bó ngón chân cụp xuống lòng bàn chân. Điều này khiến cho chân teo lại như bàn chân cụt, để có thể ép vào chiếc giày nhỏ xinh xắn. Tập tục tàn nhẫn này tiếp tục đến năm 1911 thì chấm dứt.
v TRANG PHỤC CỦA NGƯỜI NHẬT
Trang phục của người Nhật - chiếc kimono bắt nguồn từ loại áo cung đình đầu tiên của Nhật, dựa trên những đường nét trang phục dưới triều đại nhà Đường ở Trung Quốc cách đây 1200 năm. Những mảnh lụa khổ rộng khoảng 45 cm được khâu lỏng lẻo với nhau. Chiếc Kimono không dùng rút được giữ bằng một khăn thắt lưng gọi là obi, quấn quanh eo và cột lại ở phía sau.
Chiến binh Samurai: Sarnurai - chiến binh Nhật - mặc bộ áo giáp nhẹ đặc biệt. Các phần được buộc vào nhau và cân nặng chừng 11 kg. Tự do di chuyển là yếu tố quan trọng, phần áo giáp dưới thắt lưng trông giống như chiếc váy, chia làm 4 mảnh. Phần tay phải không được che chắn giúp cho chiến binh dễ dàng sử dụng thanh kiếm. Samurai còn đội chiếc mũ sắt sáng bóng đáng sợ.
v PHỤ NỮ THỜI ELIZABETH
Các bà mệnh phụ lẫn thiếu nữ thượng lưu ở châu Âu hẳn sẽ thấy bất tiện với trang phục dưới thời Elizabeth (1558 - 1603). Vạt trên của áo giữ chắc hình dáng phần trên của thân hình. Chiếc áo phồng to ra ở bên dưới nhờ khung vòng bên trong làm bằng mây hoặc xương cá voi. Ý tưởng về chiếc váy phồng phát sinh từ Tây Ban Nha.
Nữ hoàng Elizabeth thứ nhất khởi đầu xu hướng dùng tóc giả màu đỏ hoặc vàng được làm bằng tóc người hoặc tơ lụa; Mũ đính châu báu; Cổ áo thắt dây kim loại, Cổ áo xếp mép; Đồ trang sức, đặc biệt là ngọc trai, áo choàng không tay, Tay áo độn rất dày, Vạt trên tách rời khỏi váy, Áo ngực váy phồng gồm nhiều vòng tròn bằng xương cá voi; Quần trong thêu hoa văn và túm lại cài nút, Mặt vải được trang trí bằng rất nhiều đá quý và đường thêu đan.
Đồ phụ trợ: Có thể gồm găng tay, thường chừa khoảng cách để lộ ra nhẫn ở các ngón tay; khăn tay và đồng hồ quả quít móc vào nịt thắt lưng. Các vật khác là một chiếc gương treo ở thắt lưng và chiếc quạt xa xỉ, phung phí.
Giày: Giày có gót xuất hiện đầu tiên dưới thời Elizabeth. Trước đó chỉ có giày đế bằng mũi nhọn. Quai da giúp giày khít vào chân. Giày thường được may từ vải hoặc da và hay nhuộm màu sáng.
Nam nhân thời Elizabeth : Trang phục của quý ông dưới thời Elizabeth (1558- 1603) rất lịch thiệp và trang nhã, lạm dụng hoa văn thêu và đá quý. Đàn ông để tóc ngắn, râu hàm và quai nón, thường xức nước hoa.
Mũ hoàng gia; Cổ áo xếp nếp; Cánh vai, Áo choàng không tay, Áo chẽn theo kiểu Peascod, Áo bằng cotton; Bít tất dưới, Bít tất;
Bít tất:Vớ dệt kim rất hợp mốt vào thời Elizabeth. Trước thời điểm này đã có vớ may từ vải với lụa màu và tơ vàng trang trí.
Giày: Vào cuối thời Elizabeth, giày nam có mũi vuông, có thể làm bằng da, lụa, nhung hoặc vải thô. Đế giày làm bằng da thú hoặc gỗ bần. Giày có gót chỉ mới trở nên thời thượng - trước đó người ta chỉ mang giày đế bằng. Giày thường được tô điểm bằng ruy băng.
v NGƯỜI MAORI
Người Maori từ quần đảo Polynesia Thái Bình Dương đến New Zealand khoảng 1.000 năm trước. Họ mặc quần áo đơn giản bằng vỏ cây gọi là ''tapa'', làm từ loại giấy lấy từ cây dâu tằm. Nhưng cây này không phát triển tốt ở New Zealand.
Áo choàng Maori: Người Maori buộc phải may áo choàng để chống lại mưa và cái rét ở New Zealand. Nguyên liệu thường dùng là vải lanh dệt nhưng áo choàng giá trị nhất được may bằng da chó hoặc lông vũ. Đinh ghim đặc biệt để giữ cho chiếc áo yên vị quanh vai. Đinh làm bằng mẩu vỏ sò, xương hoặc gỗ, đôi khi bằng răng cá nhà táng.
Trang điểm trên người: Người Maori thường tự xăm mình bằng cách dùng một mẩu xương nhọn hình kim châm vào mặt và cơ thể nhiều lần. Quá trình đau đớn này tạo ra những đường nét vĩnh viễn trên da.
v TRANG PHỤC BẮC MỸ
Những người đầu tiên định cư ở Bắc Mỹ đều từ châu Âu băng sang khoảng 25.000 năm trước khi hai lục địa này còn dính liền nhau. Dân Anh-điêng (Indian) bản xứ châu Mỹ thường được người châu Âu gọi là dân ''da đỏ''. Nguyên nhân là do một số thổ dân Indian bôi bột màu đỏ lên mình. Họ cũng thường dùng các màu khác để tự trang điểm.
Da thú: Người Indian làm quần áo bằng da thú. Da được nhuộm đỏ, buộc lại, dùng gân động vật thay cho chỉ.
Đi săn để làm quần áo: Nhiều loài thú bị săn bắt để lấy da và lông, từ nai, hải ly đến gấu và cáo. Gai nhọn của nhím cũng là vật trang sức giá trị. Họ nhai gai nhím để làm cho nó mềm đi và đem nhuộm màu để dùng làm thêm đồ trang sức.
Người Inuit: Ở cực bắc lục địa châu Mỹ, thời tiết rất khắc nghiệt. Người Inuit cư ngụ ở đây phụ thuộc vào quần áo làm bằng lông thú để giữ ấm. Phụ nữ có nhiệm vụ may quần áo - áo có mũ trùm đầu và găng tay - cho cả gia đình. Họ dùng da hải cẩu làm ủng do đặc tính không thấm nước.
Cao bồi hành sự: Hầu như ở ngoài trời suốt cả ngày dưới cái nắng gắt, các chàng cao bồi phải đội nón rộng vành. Cao bồi quàng khăn cổ, thắt vòng quanh mặt để tự bảo vệ khi có bão cát. Họ thường mặc áo sặc sỡ và áo khoác lông, quần jeans. Để bảo vệ thêm, nơi những vùng hay cọ xát với cây cỏ và gai nhọn, cao bồi thường mặc quần da bên ngoài gọi là ''chap'' để bảo vệ chân.
v TRANG PHỤC NAM MỸ
Đa số quần áo ở vùng này đều có màu sắc sặc sỡ. Người Guatemala ở Trung Mỹ dùng thuốc màu tự nhiên như phẩm son lấy từ bọ hung để nhuộm màu quần áo. Loại thuốc nhuộm quý này vẫn còn được xuất sang châu Âu. Khi trộn với thiếc, phẩm son tạo cho quần áo một màu đỏ tươi hoặc màu đỏ thường khi dùng chỉ riêng nó.
Quần áo Peru: Ở nhiều nơi thuộc Peru - Nam Mỹ, phụ nữ thường mặc váy đen. Truyền thống này lúc đầu như một kiểu khóc than cái chết của Tupac Amaru I - thủ lĩnh Inca cuối cùng của họ bị người Tây Ban Nha giết chết năm 1541. Váy đen thường được trang trí viền màu theo vạt váy.
Giữ ấm: Đàn ông Peru thường mặc quần đen, có thể dài hoặc chỉ dài đến dưới gối. Để giữ ấm họ khoác áo choàng sặc sỡ hay còn gọi là pancho quanh mình.
Gaucho: ở miền Nam Mỹ, có nhiều đồng cỏ rộng lớn được dùng để chăn thả gia súc. Kiểu mẫu quần áo ở đây bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nhu cầu cưỡi ngựa. Những chàng cao bồi vùng này được gọi là gaucho. Ở Argentina, đàn ông mặc quần thụng gọi là bombacha, có thể được nhét vào ủng.
Cư dân rừng nhiệt đới: Trời nóng và ẩm trong rừng nhiệt đới và cư dân ở đây trang điểm cơ thể thay vì mặc nhiều quần áo. Phấn màu được làm từ nhiều loại nguyên liệu có cả đất và cây cỏ. Các màu sáng là phổ biến chất. Cư dân rừng nhiệt đới còn dùng lông vũ và lá cây để làm mũ.
Mũ Nam Mỹ: Len lấy từ lông lạc đà không bướu Ilama và alpaca thường được sử dụng để đan mũ màu đen, màu nâu đặc sắc. Người Nam Mỹ đội mũ để chống lạnh. Nếu mũ của một thiếu nữ có tô điểm các bông hoa có nghĩa là cô đang tìm ý trung nhân. Kiểu mũ quả dưa ở đây rất thịnh hành.
v NGUỒN NGUYÊN LIỆU THIÊN NHIÊN
Con người vẫn thường tận dụng những chất liệu sẵn có vùng họ sinh sống, cả động vật lẫn thực vật để tạo ra trang phục. Da thú được làm thành da thuộc, các thứ khác từ cỏ đến len, lụa đã trở thành chất liệu may quần áo từ thuở lịch sử chưa hề được gọi tên.
Quần áo tơ lụa: Tơ lụa do tằm bướm đêm tạo ra khi nó xoay quanh kén. Tơ được hình thành ở dạng một sợi chỉ dài liên tục, có thể lên đến hơn 1000m. Người Trung Quốc đã tìm ra cách lấy tơ lụa hơn 8000 năm trước, họ nuôi tằm trong những vườn dâu và giữ gìn bí quyết của mình. Nhưng đến năm 550 sau Công Nguyên, hai lãng tử người Ba Tư đã mang lậu một số trứng bướm đêm khỏi Trung Quốc và bán cho Hoàng đế La Mã Justinian cùng với chi tiết về cách lấy tơ. Kén tằm trước tiên được xổ ra, chỉ tơ được se vào khung cửi, dệt thành sợi tơ tằm dùng để may nhiều loại quần áo.
Len cừu: Cừu là nguồn cung cấp len quan trọng nhất. Giống cừu chính giữ được chất lượng len là merino. Lấy len bằng cách xén lông cừu với kéo xén đặc biệt.
Len đặc biệt: Những giống dê như angora và cashmere được đánh giá cao về chất lượng len. Ở Nam Mỹ, lạc đà không bướu llama và alpaca cung cấp len đẹp, mềm mại.
Sợi cỏ cây: Cotton được xe từ sợi trắng, mềm bao phủ hạt cây bông khi mầm hạt chín. Sợi cây lanh phơi khô được se và dệt thành vải lanh.
Săn bắt thời trang: Sóc chichilla bị săn bắt để lấy lông đến gần tuyệt chủng. Nó có bộ lông mềm, dày để chống chọi với cái rét miền núi Nam Mỹ, vùng nó sinh sống. Gần đây nhất thay vì săn bắt những loài bò sát như thằn Lằn, rắn và cá sấu để lấy da may quần áo và túi xách, một số loại động vật này được phối giống ở nông trại.
v VẬT LIỆU TỔNG HỢP
Sợi tổng hợp được tạo ra từ hóa chất thay vì sản phẩm tự nhiên như cotton. Những nỗ lực tạo ra vải nhân tạo đầu tiên vào năm 1664. Nhưng mãi đến năm 1884, Com te Hilaire de Chardonnet (người Pháp) mới phát minh ra công thức tạo vải nhân tạo. Vật liệu mới là một dạng tơ lụa nhân tạo.
Nylon: Công ty DuPont Hoa Kỳ tạo ra nylon từ than đá vào năm 1939. Loại tơ nhân tạo này lần đầu tiên được dùng để làm vớ.
Polyester: Sau đó công ty DuPont giới thiệu một loại tơ nhẹ hơn là polyester.
Acrylic: Vào những năm 1950 acrytic được chế tạo và trộn lẫn với tơ tự nhiên như len để tăng độ ấm và nhẹ.
Cao su: Mủ cao su lần đầu tiên được dùng làm ủng cao su. Các nhà khoa học của DuPont cải tiến mủ cao su để tăng độ co giãn cho quần áo.
Lycra(): Loại vải này được dùng may trang phục hàng ngày và đồ thể thao.
Nó co giãn mà không rách, lại rất thoải mái.
v QUẦN ÁO ĐẶC BIỆT
Vải tổng hợp cải tiến đã giúp người ta sáng tạo những loại quần áo cho các mục đích đặc biệt hơn. Vải với những đặc tính cụ thể đã được dùng làm quần áo thể thao kỹ thuật cao, chuyên biệt và thoải mái.
Giữ khô và ấm: Khi bạn tập thể dục, cơ thể bạn ra mồ hôi và bạn thấy ấm hơn. Lượng nhiệt này nếu giữ mãi dưới các lớp áo sẽ làm bạn đổ mồ hôi nhiều hơn và nhanh chóng thấy khó chịu. Một loại vải gọi là Gore-tex() có khả năng không thấm nước làm cho hơi ẩm thoát ra ngoài.
Quần áo thở được: Vải Gore-tex gồm nhiều lớp nylon và polyester chống thấm với một tỉ rưỡi lỗ khí trên 1cm2 vật liệu. Điều này cho phép lượng nhiệt của cơ thể và độ ẩm thoát ra nhưng nước mưa không thể thấm vào.
Velcro: Hai mảnh nylon Velcro (một bên bám nhiều gai, bên còn lại nhẵn) được dùng thay cho khoá hoặc dây buộc giày, có thể dính lại hoặc kéo ra nhiều lần.
v TẠO MẪU QUẦN ÁO
Công nghiệp thời trang khởi sự với việc chế tạo quần áo cho từng cá nhân là chủ yếu. Ngày nay, sản phẩm của các nhà tạo mẫu được bày bán ở các tiệm thời trang ở nhiều nước khác nhau. Các nhà tạo mẫu thường dùng máy vi tính để hỗ trợ cho họ trong việc ''hiển thị'' lên màn hình những mẫu mã quần áo mới hoàn chỉnh. Máy vi tính còn xác định lượng vật liệu cần thiết, thậm chí ước lượng cả chi phí của món hàng đã hoàn thành.
Vẽ mẫu vớ: Máy vi tính giúp người thiết kế mẫu hình dung được sản phẩm đã hoàn thành.
Tạo mẫu bằng máy vi tính: Máy vi tính giúp nhà tạo mẫu hiện thực hóa ý tưởng của họ. Ví dụ, máy vi tính có thể vẽ lại hoặc lặp lại các đường nét rất nhiều lần trong một giây, tiết kiệm hàng giờ vẽ đi vẽ lại. Bằng cách này, quá trình tạo mẫu diễn ra nhanh hơn nhiều.
Những kiểu mẫu riêng: Các nhà tạo mẫu thời trang thường đi theo những lối sáng tạo đặc trưng của riêng mình. Trình diễn thời trang: Nhà tạo mẫu trình bày các bộ sưu tập quần áo mới tạo ra của họ ở các buổi trình diễn thời trang. Người mẫu đi trên sàn diễn nằm cách mặt đất để mọi người đều có thể ngắm nhìn những bộ quần áo mới.
v CÁC TRANG PHỤC LẠ ĐỜI
Quần áo tàng hình: Một bộ quần áo đặc biệt đã được phát minh, giúp cho bạn tàng hình. Bộ quần áo lạ thường được phủ hàng ngàn sợi quang tổng hợp. Những sợi quang này mang ánh sáng từ một bên cơ thể đưa sang bên kia. Kết quả là người ta có thể nhìn xuyên qua bạn.
Khâu vá: Cái đê lần đầu được sử dụng vào thời La Mã để bảo vệ ngón tay khi may vá Chúng thường được làm bằng da.
Nguồn gốc của áo khoác trùm đầu: Vào mùa đông, người Inuit ở Bắc Mỹ mặc hai áo khoác trùm đầu, cái này chồng lên cái kia. Lớp lông kế cận với cơ thể cùng với lớp ở bên ngoài sẽ giúp họ chống lạnh. Chiếc áo ấm kiểu này được gọi là ''anorak'' ở Greenland; người ở quần đảo Aleutian ngoài khơi phía đông Bắc Á gọi là ''parka''.
Chiến phục: Mũ trùm đầu bằng len “balaclava'' được gọi theo tên một bến cảng gần Biển Đen, trước kia bị quân Anh chiếm đóng trong suốt chiến tranh Crimean (1853 - 1856). Balaclava chống lạnh rất tốt và giúp nguỵ trang khuôn mặt.
Túi áo quần: Y phục nữ giới không có túi cho đến thế kỷ 19, thay vào đó, người ta mang các túi xách.
Hàng đống vật liệu: Vào những năm thập niên 1850, con người mới sử dụng tới khuy áo. Đó là khuy đai nằm bên trong lớp y phục, thường sử dụng hơn 40 mét vật liệu (để giúp cho áo bên ngoài phồng ra).
CHÚ GIẢI
Batik: Lối in hoa văn trên vải đặc trưng của Châu Á, dùng sáp ong bôi lên những phần không muốn nhuộm, từ đó tạo ra các đường nét trên vải theo ý muốn.
Bambachas: Quần thụng của những gaucho ở Argentina Nam Mỹ.
Quần cộc: Quần dài đến gối của đàn ông.
Chadri: Áo choàng từ đầu đến chân che hết cơ thể, thường là trang phục của phụ nữ đạo Hồi.
Chaps: Quần bằng da của người chăn bò.
Chiton: Áo dài thắt ở lưng của người Hy Lạp cổ đại.
Choli: Giống áo cánh mặc bên trong chiếc sari, thường có trang trí hoa văn.
Vải bông chéo Denim: Phát sinh từ miền Nam nước Pháp, nay dùng để may đồ Jeans.
Hoàng bào: Áo có thêu hình con rồng là một phần trang phục triều đình ở Trung Quốc, suốt thời Mãn Thanh.
Gaucho: Cao bồi ở Argentina Nam Mỹ.
Jean: Vật liệu cotton cứng để may đồ Jeans.
Kimono: Trang phục cổ truyền của Nhật, tay áo rộng, không nút.
Dân du cư: Người sống nay đây mai đó, đi qua một vùng thường dừng lại tìm thức ăn, nước uống.
Obi: Khăn thắt lưng mặc kèm kimono.
Palla: Một kiểu áo choàng của phụ nữ, có thể phủ qua đầu hoặc vai.
Pallu: Một phần của chiếc Sari, vắt trên vai trái.
Peplos: Áo choàng cũng có thể dùng làm chăn đắp của người Nam Mỹ.
Sari: Áo dài cũ của phụ nữ Ấn Độ.
Toga: Áo mặc vào những dịp quan trọng của đàn ông La Mã cổ đại, thường may bằng len.