THẦN ĐỒNG QUÊ PAN
Trong đoàn tuỳ tùng của thần Điônyxôx đôi khi còn có một vị thần nữa có tên gọi là Pan. Pan là con trai của thần Hermêx có với nữ thần sông núi Đriôpê. Khi cậu bé Pan mới sinh ra, Đriôpê nhìn thấy con mình liền hoảng sợ bỏ chạy. Thần Pan ra đời có một hình thù rất kì dị: Nửa người nửa vật. Thần có đôi chân và đôi sừng dê, và ngay khi ra đời đã có một bộ râu dê rất dài. Nhưng Hermêx cha thần thì lại rất vui. Chàng đem Pan về cho các vị thần trên núi Ôlympôx xem. Tất cả các vị thần trên núi Ôlympôx đều vui mừng đón nhận sự ra đời của thần Pan, và họ cất tiếng cười sảng khoái khi nhìn thấy cái hình hài kì dị của Pan.
Lớn lên thần Pan không ở lại sống với các vị thần núi Ôlympôx, mà thần thích đi chu du khắp núi khắp rừng. Nhìn thấy ông, thần ái Tình Êrôx nảy ra một ý nghĩ tinh nghịch. Thần liền nảy dây cung găm vào tim ông một mũi tên thức tỉnh yêu đương.
Ở miền Arcađia có một nữ thần sông núi vô cùng xinh đẹp tên là Xyrincx. Cũng giống như nữ thần Artêmix, nàng rất kiêu hãnh và khước từ tình yêu của bất cứ ai. Và cũng giống Artêmix, săn bắn là một thú vui ưa thích của nàng. Với bộ váy áo cắt ngắn gọn gàng, với ống tên đeo trên vai và cây cung cầm trên tay, và với sắc đẹp trẻ trung rạng ngời, nhiều khi người ta tưởng nhầm nàng chính là nữ thần Artêmix, hai người giống nhau như hai giọt nước. Chỉ có điều cây cung của Xyrincx được làm bằng sừng chứ không phải bằng vàng như cây cung của nữ thần Artêmix vĩ đại.
Vậy là một hôm số phận xui khiến cho thần Pan được nhìn thấy nàng Xyrincx. Mũi tên của Êrôx găm trong tim đã làm cho thần phải lòng nàng ngay tức khắc. Nhưng nhìn thấy ông, nàng Xyrincx hoảng hốt bỏ chạy. Pan vội vàng đuổi theo. Xyrincx chạy được một quãng đường thì gặp một con suối sâu: Biết chạy đâu bây giờ? Nàng liền đưa tay về phía dòng suối cầu xin thần suối cứu nàng. Thần suối nghe lời liền biến nàng thành một cây sậy. Đuổi đến nơi, thần Pan đưa tay ra định ôm lấy nàng thì chỉ thấy một khóm sậy uốn mình xào xạc. Pan đứng lặng đi một lúc lâu rồi thở dài thương tiếc. Bỗng nhiên trong tiếng xào xạc êm ái của khóm sậy thần nghe thấy như có giọng nói của nàng tiên nữ thân thương vừa biến mất khỏi tay thần. Thế là thần Pan chặt lấy vài thân cây sậy, tiện thành những đoạn dài ngắn khác nhau, zu, Pan đã đặt tên cho cây sáo của mình là Xyrirlcx. Từ đó thần Pan chỉ thích đi lang thang một mình trong rừng để thổi sáo Xyrincx tưởng nhớ người yêu.
Nhưng thần Pan chẳng mấy khi được thổi sáo một mình với kỉ niệm của người yêu. Nghe thấy tiếng sáo của ông, các nữ thần sông núi liền chạy lại nhảy múa quanh ông, làm cho cảnh thiên nhiên trở nên náo nhiệt rộn ràng. Đôi khi ông còn gia nhập đoàn tuỳ tùng của thần Điônyxôx, mang tiếng sáo của mình góp vui cho mọi người. Đến giữa trưa, khi tiết trời trở nên nóng bức, Pan thường lui vào rừng sâu, hoặc trốn vào một chiếc hang mát mẻ để nghỉ ngơi. Những lúc như vậy, vô phúc cho người nào quấy rầy giấc ngủ của thần. Thần Pan rất hay nổi cáu và thần có khả năng đem đến cho mọi người những giấc mơ đen tối hãi hùng, hoặc thần có thể bất đồ xuất hiện trước mặt mọi người làm cho người ta giật mình kinh sợ. Người nào yếu bóng vía sẽ phải bỏ chạy bán sống bán chết. Có lần thần đã gây ra một nỗi hoảng loạn như vậy cho cả một đoàn quân. Người ta hiểu rằng không nên chọc tức Pan, vì khi thần nổi cáu thì thật đáng sợ. Còn khi thần không có lí do gì để giận thì thần tỏ ra rất hiền từ, Thần giúp đỡ rất nhiều cho dân mục phu. Thần được coi là người bảo vệ cho các bầy gia súc nuôi ngoài đồng. Vì thế thần được gọi là thần Đồng Quê. (Trong thần thoại La Mã thần Pan được đồng nhất với thần Faunux)