THẦN RƯỢU NHO ĐIÔNYXÔX
Thần Dớt yêu một người con gái người trần xinh đẹp tên là Xêmêlê, con gái của Cađmôx, vua thành Thêbai. Một hôm, trong lúc tình tự, thần Dớt hứng chí thề thốt với nàng rằng thần sẽ đáp ứng mọi điều ước của nàng. Thần đã viện đến cả nữ thần sông Xtycx dưới Âm Phủ để chứng giám cho lời thề của mình. Và khi đã viện dẫn đến nữ thần sông Xtycx thì mọi lời thề sẽ trở thành linh thiêng không thể nuốt lời. Xêmêlê còn đang phân vân chưa biết ước gì thì nữ hoàng của muôn loài Hêra, do ghen tuông với thần Dớt chồng mình, đã tỉ tê xúi giục Xêmêlê:
- Nàng có muốn ngắm nhìn dung nhan thần thánh của thần Dớt, vị chúa tể của sấm sét không? Vậy nàng hãy xin thần cho mình được chiêm ngưỡng nguyên hình dung nhan hùng vĩ của thần đi! Nếu thực sự thần yêu nàng thì thần sẽ đáp ứng nguyện vọng của nàng.
Lúc đó nàng Xêmêlê đang có thai với thần Dớt. Nghe lời xúi bẩy của nữ thần Hêra, nàng khẩn khoản xin thần Dớt cho mình được ngắm nhìn hình ảnh thật của thần mà không hề nghi ngờ mối nguy hiểm đang chờ đón nàng. Biết là sẽ đem lại tai hoạ cho nàng, nhưng thần Dớt không thể chối từ, bởi vì thần đã thề trước nữ thần sông Xtycx rồi. Thế là thần Dớt ngậm đắng nuốt cay hiện nguyên hình vẻ hùng vĩ sấm sét của vị chúa tể muôn loài. Một ánh chớp phóng ra kèm theo một tiếng sét làm rung chuyển cả cung điện của ông vua Cađmôx. Sấm sét làm bốc cháy toàn bộ lâu đài và cung điện của nhà vua. Mọi vật sụp đổ tan tành. Xêmêlê hoảng hồn ngã gục xuống đất và nàng hiểu rằng lòng ghen tuông của Hêra đã dẫn nàng đến với cái chết.
Trước khi chết Xêmêlê đã đẻ non ra một đứa trẻ vô cùng yếu ớt. Lửa vẫn bốc cháy đùng đùng xung quanh. Nhưng chẳng lẽ một người con của thần Dớt vĩ đại lại bị chết thiêu một cách dễ dàng như vậy sao? Thế là bất ngờ từ dưới đất mọc lên một đám dây trường xuân. Đám xanh tốt bao bọc lấy đứa trẻ tránh cho nó khỏi bị lửa thiêu cháy.
Thế là đứa trẻ đã được cứu thoát. Thần Dớt nhặt đứa trẻ lên và đặt tên cho nó là Điônyxôx. Nhưng Điônyxôx quá yếu đuối có nguy cơ không thể sống nổi, nên thần Dớt đã rạch đùi mình giấu nó vào trong để nuôi tiếp. Sống trong cơ thể cha, thần Điônyxôx được tiếp thêm sức mạnh và sau khi đủ chín tháng mười ngày thần được sinh ra lần thứ hai từ bắp đùi thần Dớt. Thần Dớt liền cho gọi thần đưa Tin Hermêx đến rồi sai thần này đem cậu bé Điônyxôx về cho em gái của Xêmêlê là nàng Inô, có chồng là Athamax, vua thành Orkhômênôx, để cho hai vợ chồng họ nuôi dưỡng đứa bé.
Lớn lên Điônyxôx là một chàng trai trẻ đẹp khoẻ mạnh và trỏ thành thần Rượu Nho. Thần dạy loài người cách trồng nho và cất rượu nho, đem lại cho đồng ruộng sự phì nhiêu, cho loài người sức mạnh và niềm vui sảng khoái.
Trở thành một vị thần vui tính, thần Điônyxôx đi chu du khắp đó đây. Thần đội một chiếc vành kết bằng dây nho trên đầu, trong tay cầm một cây gậy có núm bằng quả thông và quấn dây trường xuân xung quanh. Theo sau thần là các nữ thần sông núi Mainađêx và các vị thần đồng quê Xatirôx vui nhộn đội trên đầu những chiếc vành hoa lá vừa đi vừa uống rượu nho và múa hát vui vẻ. Các vị thần Xatirôx được mô tả là loài nửa người nửa ngựa, có sừng, chân và đuôi dê, (vì thế ở ta còn gọi là thần Dê). Trong đoàn tuỳ tùng của thần Điônyxôx còn có một ông già tên là Xilenôx, con trai của thần Pan và là một nhân vật bán thần (nửa người nửa thần). Ông có tài tiên tri và là thầy dạy học của Điônyxôx. Ông được thần Điônyxôx trọng vọng cho cưỡi trên lưng một con lừa. Ông có bộ dạng kỳ khôi và lúc nào cũng say khướt, vừa ngất ngưỡng trên lưng lừa vừa mỉm cười hiền hậu hoà cùng niềm vui với mọi người xung quanh. Đoàn người tưng bừng náo nhiệt vừa đi vừa thổi sáo múa hát vui vẻ vang động cả núi rừng, đồng ruộng. Đi đến đâu họ cũng được người dân đem rượu nho ra đón tiếp. Với phát minh rượu nho, Điônyxôx thực sự đã đem lại niềm vui cho loài người. (Trong thần thoại La Mã, thần Điônyxôx có tên gọi là Baccux, gọi theo tiếng Pháp là Bacquýt).