CÁC SẮC TỘC Ở SINGAPORE
Singapore là một đất nước nhỏ mở cửa trước ảnh hưởng của phương Tây thông qua ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh và chịu những tác động hiện đại hóa và công nghiệp hóa, do đó sự hiện hữu của các sắc tộc riêng lẽ ngày càng phai nhạt đi. Tuy nhiên, ngược theo dòng lịch sử, đất nước này vốn là kết quả của sự phối hợp giữa dân nhập cư từ nhiều nơi khác và một số dân ở vùng Eo Biển. Theo chính quyền ở đây, người Singapore là tập hợp của những nhóm sắc tộc khác nhau. Trong các hồ sơ về hành chính, mỗi công dân Singapore đều được phân loại theo sắc tộc gốc của họ. Những ngày lễ tết của Singapore phản ánh những nét văn hóa truyền thống khác biệt của từng nhóm sắc tộc, thể hiện qua trang phục, các bài hát và các điệu múa. Học sinh phổ thông đều có những môn học theo đặc trưng về sắc tộc và tôn giáo: Khổng giáo cho người Hoa, đạo Hồi cho người Malay, đạo Hindu cho người Ấn.
Nhà nước Singapore có các chính sách củng cố ranh giới giữa các sắc tộc. Bản sắc riêng của những sắc tộc này thường được phát huy qua hoạt động của mạng lưới các hội đoàn. Những hội đoàn này có các nhà thờ dành cho tôn giáo của dân tộc họ, chẳng hạn nhà thờ Hồi giáo dành cho người Malay, nhà thờ Hindu dành cho người gốc Ấn. Tất cả các sắc tộc đều có những hội giáo dục và hội từ thiện riêng của họ, và cả những tổ chức cao hơn cấp hội đoàn, trong đó những quan chức đứng đầu được coi như người lãnh đạo của cộng đồng. Luật pháp Singapore đòi hỏi những hội đoàn có mười người trở trên phải đăng ký với chính quyền vì nhà nước có toàn quyền giám sát hay giải thể các hội đoàn này. Tất cả các nghiệp đoàn, các tổ chức về tài chính, giáo dục và tôn giáo đều chịu sự giám sát của một trong những cơ quan hữu quan của nhà nước. Chính quyền Singapore rất quan tâm và kiểm soát rất chặt chẽ cả những sinh hoạt ngoài phạm vi hành chính.
Người gốc Hoa có số lượng hội đoàn lớn nhất, bao gồm hàng ngàn những thị tộc, hội đồng hương, hội nghề nghiệp, hội tôn giáo và hội giải trí. Thành viên trong một hội đoàn thường là những người nói cùng một thứ tiếng địa phương hoặc gốc gác xưa kia ở cùng một khu vực tại đất mẹ Trung Quốc. Cấp nhỏ nhất của hội đoàn là các thị tộc, rồi nhiều thị tộc này hợp thành liên đoàn, dựa trên đơn vị hành chính hay khu vực ngôn ngữ ở Trung Quốc. Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa kiều Singapore được thành lập năm 1906 là một loại hội đoàn bao trùm nhất, đại diện cho toàn bộ cộng đồng người Hoa ở đây.
Chức năng và hoạt động của các hội đoàn này rất đa dạng, tùy theo ý kiến của các thành viên và người lãnh đạo. Thường thì họ có các hoạt động tương trợ lẫn nhau, hoạt động bảo hiểm, thành lập các trường học, bệnh viện, nghĩa trang, đóng góp cho các dự án tương tự như vậy đối với địa phương gốc ở Trung Quốc, dàn xếp những tranh chấp giữa các hội viên, làm người phát ngôn cho cộng đồng đối với chính quyền,... Lãnh đạo của các hội đoàn này thường là những doanh nhân giàu có, giữ vai trò chính trong việc gây quỹ và quản lý các hoạt động của hội. Sự thành công trong kinh doanh giúp cho những người này vừa có thời gian vừa có tiền của để cống hiến cho các hoạt động của hội. Với uy tín, cơ chế lãnh đạo và chiều hướng nghiêng về hoạt động từ thiện và trợ giúp (xây trường học, bệnh viện, lập quỹ học bổng, giới thiệu việc làm hoặc giới thiệu vay nợ ngân hàng,...), các hội đoàn này đã củng cố thêm sự gắn bó trong phạm vi sắc tộc đối với cả người giàu lẫn người nghèo.
Đối với chủ nhân và công nhân trong những doanh nghiệp vừa và nhỏ của người Hoa, sự gắn bó liên tục trong phạm vi những người cùng một thổ ngữ hoặc cùng một địa phương gốc đã đem lại cho họ nhiều lợi ích thiết thực và là yếu tố giúp họ thâm nhập vào nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau. Mặc dù những cộng đồng về thổ ngữ đó không hẳn là những người làm chung một nghề, sự đoàn kết xã hội trong cộng đồng là rất có lợi về mặt kinh tế. Hầu hết các hoạt động trong khu vực kinh tế truyền thống của người Hoa đều phụ thuộc vào uy tín và mối quan hệ cá nhân một người có thể lấy được lòng tin của người khác.