TẠI SAO CÓ ĐOÀN TẦU ĐƯỜNG SẮT TRÊN CAO
LẠI CHẠY TRÊN HAI CẠNH CỦA RẦM THÉP?
Bạn đã nhìn thấy tàu đường sắt trên cao chạy trên hai cạnh của rầm thép chưa? Hiện nay Mỹ đang khai thác, thử nghiệm loại phương tiện giao thông trên cao kiểu mới này. Nó được mệnh danh là “hệ thống 21”, rõ ràng là hướng về kiểu tầu hoả thiết kế cho thế kỷ 21.
Điểm khác nhau lớn nhất của của nó với giao thông ray nhẹ truyền thống là tàu của ''Hệ thống 21'' chạy trên hai cạnh của ray thép. Đỡ ray thép là một hệ thống cột bê tông cách nhau 24,7m, mỗi đầu tầu kéo theo 2 ~ 4 toa, tốc độ là 96,5 km/h, có thể có một nhân viên lái tầu hoặc điều khiển bằng máy tính. Mỗi toa xe gồm một đôi bánh thép nối liền với rầm thép, đồng thời chạy đường ray nằm ở phần đáy của rầm thép. Để phòng ngừa toa xe trật bánh hoặc lật nghiêng, hệ thống này sử dụng giá đỡ treo được chế bằng thép. có các móc an toàn, nối chặt phần đỉnh của từng toa xe và đỉnh của rầm thép, đảm bảo an toàn ổn định cho tàu, ngồi trên tàu thoải mái dễ chịu. Do nhà ga được thiết kế theo tiêu chuẩn hoá, hầu như có thể đặt ở bất kỳ điểm nào dọc theo tuyến đường... Hành khách có thể lên xuống tầu bằng thang cuốn tự động hoặc máy lên xuống.
Ưu điểm chủ yếu của thiết bị giao thông trên cao này là: chiếm dụng đất rất ít, vừa có thể giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông trên mặt đất, vừa có thể tiết kiệm kinh phí xây dựng. Giá xây dựng nó là mỗi kilomet đường mất 12,4 ~ 15,5 triệu USD, mà hiện nay hệ thống vận chuyển của một số thành phố đã xây dựng cũng mất đến hàng trăm triệu USD/1 km đường. Thứ hai là hệ thống đường sắt trên cao có thể xây dựng ở ngoài công trường thi công, sau đó mới nhanh chóng lắp đặt trên tuyến đường, nhờ đó mà giảm bớt thời gian gián đoạn giao thông do thi công gây nên, có thể giảm tới mức thấp nhất nhiễu mà nó gây ra cho các khu vực mà tuyến đường đi qua. Dầm thép cao và hẹp còn có thể giảm thiểu sự cản trở thị giác do đường sắt trên cao tạo nên. Tàu hoả chạy trên đường sắt trên cao có thể chuyển hướng ở đường vòng có bán kính 27,4m, điều đó có nghĩa là đường ray hầu như có thể ngoặt theo góc vuông tại các điểm nút giao thông, đồng thời có thể tiếp tục vươn dài dọc theo các tuyến đường sắt thành phố hiện có, từ đó mở rộng tuyến đường giao thông thuận tiện, dễ dàng mở thêm các tuyến đường nhánh. Về phương điện an toàn giao thông, đường sắt trên cao cách mặt đất khoảng 5m, có thể chống lại gió lốc lớn với tốc độ 193,1 km/h, vừa không gây tai nạn giao thông, vừa có khả năng chống động đất nhất định.