Tại sao người ta nói độ dài co lại?
Đo chiều dài của một vật, nghĩa là nhìn xem hai đầu của nó ở chỗ nào vào một lúc xác định (đối với một hệ quy chiếu nào đó). Nhưng chúng ta đã thấy rằng hai người quan sát đang chuyển động tương đối không nhất trí với nhau về tính đồng thời. Vì vậy, họ sẽ không nhất trí về các số đo chiều dài. Người ta có thể chứng minh rằng nếu thời gian của một hệ đang chuyển động có vẻ trôi chậm một nửa, thì chiều dài của các vật kèm theo nó có vẻ ngắn hơn hai lần theo chiều chuyển động. Hệ số co của độ dài tỷ lệ nghịch với hệ số dãn của thời gian. Nhưng một lần nữa, hai người quan sát có thể nói như nhau. Từng người thấy các vật đang chuyển động "co lại''.
Hiện tượng co bề ngoài bắt nguồn từ cách khác nhau mà các nhà quan sát đặt hai đầu của những vật này: chúng không bị chuyển động làm thay đổi, nhưng các nhà quan sát lại bất đồng về vị trí hai đầu của chúng.
Ta hãy tưởng tượng một kho thóc dài 20 m và một cái thang dài 25 m (được đo trong một hệ mà các vật ở trạng thái tĩnh). Thoạt tiên, không thể hy vọng đặt cái thang vào kho thóc. Tuy vậy, người chủ trại đã đọc Einstein, cho rằng đã tìm ra giải pháp: ông sẽ ném cái thang với tốc độ rất lớn, sao cho nó chỉ còn đo được 20 m. Bây giờ ta hãy theo quan điểm của con kiến ở trên thang. Đối với nó, kho thóc xích lại gần với tốc độ rất lớn... và chỉ dài 16 m (hệ số co giống hệt như đối với chủ trại, tức là 5/4). Người chủ trại cho rằng cái thang vào được ngay, còn con kiến cho rằng nó không hề vào. Vậy ai đúng?
Hai cách lập luận đều đúng theo hệ quy chiếu của chúng, nhưng không lập luận nào trong số đó là tuyệt đối. Đối với chủ trại, cái thang sẽ hoàn toàn ở trong kho thóc trong giây lát ngắn... trước khi phá sập tường trong cùng! Đối với con kiến, các thang không hề hoàn toàn ở trong kho thóc lúc nào: phía trước chạm vào tường trong, còn phía sau vẫn chưa lọt vào. Ai cũng có lý theo quan điểm của mình.