ÂM NHẠC THÁI LAN
Khó có thể diễn tả nổi nhịp điệu và những giai điệu du dương do các nhạc cụ Thái Lan tạo thành. Chúng có thể là những giai điệu độc đáo trữ tình hay đầy phấn khích cuốn hút người nghe.
Sự khéo léo của các nghệ nhân Thái Lan đã góp phần tạo nên những âm thanh quyến rũ cùng với các loại cụ độc đáo. Họ biến các loại nhạc cụ thông thường thành các tác phẩm nghệ thuật có giá trị trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Kỹ thuật làm nhạc cụ được tích lũy, kế thừa và phát triển từ thời xa xưa. Dường như người Thái là những người luôn yêu âm nhạc. Một số nhạc cụ thường được sử dụng như những ống gõ, cồng, chiêng, trống cơm. Một số khác có âm điệu du dương hơn như sáo, kèn. Khi người Thái di cư đến bán đảo Đông Dương họ được tiếp xúc với nhiều nét mới trong văn hóa Ấn Độ, trong dó gồm có cả các loại nhạc cụ. Với bản chất yêu âm nhạc, người Thái đã dễ dàng tiếp nhận loại hình âm nhạc mới đồng thời kết hợp với âm nhạc truyền thống của người Môn và người Khmer. Đây là tiền đề tạo nên sự phong phú, đa dạng trong kho tàng âm nhạc Thái Lan.
Nhạc cụ Thái Lan được chia thành 4 nhóm, bao gồm:
1. Đàn có dây loại 1: Là loại nhạc cụ có dây căng. Khi người chơi dùng một miếng gẩy đầu tròn đánh vào đây đàn sẽ tạo ra âm thanh. Loại đàn này gồm đàn vidông, đàn tranh, đàn tỳ bà,.. .
2. Đàn có dây loại 2: Là nhóm các nhạc cụ mà âm thanh, nốt nhạc được phát ra do sự va chạm của cái vĩ hình đuôi ngựa lên các dây đàn. Dây đàn rung tạo ra những giai điệu du dương, ngọt ngào. Loại này bao gồm: đàn Saw-oo, đàn Saw-sam-sai và đàn Saw-duang.
3. Bộ gỗ gồm các loại truyền thống Thái Lan. Đây là nhóm nhạc cụ có số lượng lớn nhất và không ngừng được cải tiến bao gồm: cồng, chiêng, trống,...
4. Bộ nhạc hơi: Là nhóm nhạc cụ mà các nốt nhạc được tạo ra bằng cách thổi luồng hơi qua lỗ nhỏ trên nhạc cụ đó; âm thanh cao, thấp, nhẹ nhàng hay mạnh mẽ phụ thuộc vào từng loại nhạc cụ khác nhau. Loại này được chia thành hai nhóm nhỏ: Loại nhạc cụ có lưỡi gà và không có lưỡi gà như: sáo, kèn trumpét, tù và,…