Tài liệu: Lào - Kỳ bí Đồng Chum

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Cánh đồng Chum thuộc tỉnh Xiêng Khoảng ở Bắc Lào là di tích lịch sử nổi tiếng ở Lào.
Lào - Kỳ bí Đồng Chum

Nội dung

Kỳ bí Đồng Chum

Cánh đồng Chum thuộc tỉnh Xiêng Khoảng ở Bắc Lào là di tích lịch sử nổi tiếng ở Lào. Những truyền thuyết và sự bí ẩn của Cánh đồng Chum mỗi năm thu hút hàng nghìn du khách nước ngoài đến tham quan.

Khu di tích lịch sử Cánh đồng Chum là di sản có giá trị của mường Puôn xuất hiện từ thời đồ đá và do bộ tộc Puôn, một trong 3 bộ tộc lớn nhất ở Lào, kỳ công làm nên.

Khu di tích có 335 cái chum, có chum miệng vuông, chum miệng tròn, miệng lồi, chum hình quả dưa... Trung bình chum có đường kính 0,8m, cao 2,25m. Chum cao nhất 3,37m. Những chum to nhỏ khác nhau thể hiện sự giàu nghèo của người Puôn thời đó. Lại có truyền thuyết cho rằng ngày xưa thủ lĩnh của bộ tộc Puôn là Thạo Chương đã sai quân lịch đục đá làm chum ủ rượu cần để khao quân ngày chiến thắng.

Năm 1930, nhà khoa học Pháp Madeaine Colani đã có mặt tại Cánh đồng Chum và trong công trình nghiên cứu “Mégalithes du Haut-laos'', Colani viết: ''Tuổi của 335 cái chum này vào khoảng 2.500-3.000 năm. Đây không phải là những chum ủ rượu vì không thấy đấu vết nào có thể chứng minh”. Đến khi phát hiện những nồi đất đựng sọ và xương người có nấp đậy cẩn thận được chôn xung quanh những chum này, Colani khẳng định: “Chum là vật đựng tất cả những di vật (quần áo, đồ dùng, rìu, nỏ, cung, kiếm) của người Puôn sau khi chết đúng theo phong tục của bộ tộc này”.

Cánh đồng Chum từng là khu vực của bọn lính đánh thuê và bọn phỉ Vàng Pao. Năm 1961, bộ đội Phathet Lào và quân tình nguyện Việt Nam đã giải phóng Cánh đồng Chum, nhưng từ năm 1964 máy bay Mỹ đã oanh tạc dữ dội vùng cao nguyên này. Đến nay vẫn còn những hố bom sâu rải rác bên cạnh những chiếc chum (có nhiều chiếc đã bị bom phá hủy). Năm 1992 Cánh đồng Chum được Bộ Văn hóa Lào công nhận là di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt từ khi có sân bay Cánh đồng Chum (cách nơi đây 1km) thì khu di tích này được đầu tư để khôi phục, mở rộng thành khu du lịch. Từ đó Cánh đồng Chum trở thành khu di tích lịch sử văn hoá thứ ba của Lào sau Luông Prabang và Chùa tháp Chămpa Sắc, thu hút 4.000 du khách mỗi năm, trong đó có nhiều khách đến từ các nước châu Âu, Mỹ...

Hiện Cánh đồng Chum đang được các chuyên gia thuộc Tổ chức UNESCO nghiên cứu, khảo sát lại vị trí, đánh dấu toàn bộ số chum để có thể trở thành di sản văn hoá thế giới-một di sản bằng đá trên nóc mái nhà Đông Dương.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2955-02-633560270078281250/An-tuong-dat-nuoc-Trieu-Voi/Ky-bi-Dong-Ch...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận