Tài liệu: Lào - Luang Phrabang

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Luang Prabang, hay Louangphrabang, là một thành phố của Lào. Cũng như kinh đô Huế của Việt Nam, Luang Phrabang chính là cố đô của đất nước Lào;
Lào - Luang Phrabang

Nội dung

Luang Phrabang

Luang Prabang, hay Louangphrabang, là một thành phố của Lào. Cũng như kinh đô Huế của Việt Nam, Luang Phrabang chính là cố đô của đất nước Lào; trước kia nó từng là kinh đô của một vương quốc Lan Xang (“vương quốc Triệu voi”) từ thế kỉ XIV đến năm 1946. Thành phố Luang Prabang nằm ở phía bắc miền trung Lào, trên sông Cửu Long, cách Viêng Chăn 425 km về phía bắc. Dân số của thành phố này khoảng 22.000 người.

Cho tới khi lực lượng cộng sản tiếp quản thành phố này vào năm 1975, nó từng là thủ đô hoàng gia, trung tâm của vương quốc Lào. Ngày nay nó là một Địa điểm di sản văn hóa thế  giới của UNESCO (được công nhận vào năm 1995). Thành phố này là trung tâm hành chính của tỉnh Louangphabang. Hiện nay, Luang Prabang là địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước nhiều nhất của Lào.

Luang Prabang thuộc vùng núi miền trung bắc Lào, độ cao khoảng 700m, nằm giữa ngã ba sông Mêkông và sông Khan, nối liền với thủ đô Vientiane bằng quốc lộ 13. Quần thể Luang Prabang duỗi mình trên một doi đất có sông, có suối, có núi. Diện tích Luang Prabang và vùng phụ cận được 16.875 km2. Dân số 408.800 người (8,24% tổng số dân, 2004), bao gồm 12 bộ tộc: Lao Thơng (người Lào miệt trung du): 46% ; Lao Lùm (người Lào miệt đồng bằng): 40% và Lao Sủng (người Lào miền núi): 14%. Nội thành Luang Prabang có 20.000 người. Sau 1975, phần lớn ngoại kiều như người Việt ở lại Lào đều di chuyển về thủ đô Vientiane.

Lịch sử

Mường Xua là tên cũ của Luang Prabang sau khi nó bị một hoàng tử người Thái là Khun Lo chinh phục vào năm 698. Vị hoàng tử này đã lợi dụng cơ hội khi Nam Chiếu đang dẫn quân đi chiến đấu ở nơi khác, Khun Lo được cha mình là Khun Borom ban tặng thành phố đó Khun Bom gắn liền với truyền thuyết của Lào về việc thành lập thế giới, truyền thuyết chung của dân tộc Lào cùng với người Shan và các dân tộc khác trong vùng. Khun Lo đã lập ra một triều đại với mười lăm đời vua nối tiếp nhau cai trị vùng Mường Xua độc lập và là một giai đoạn yên ổn kéo dài một thế kỷ.

Vào nửa cuối thế kỷ thứ VIII, Nam Chiếu thường can thiệp vào công việc của các công quốc vùng trung châu thổ sông Cửu Long, dẫn tới việc xâm chiếm Mường Xua năm 709. Các hoàng tử ở Nam Chiếu và những vị quan cai trị đã thay thế các lãnh chúa quý tộc người Thái Thời gian của lần chiếm đóng này hiện chưa được biết, nhưng có lẽ nó đã kết thúc trước khi diễn ra cuộc bắc tiến của Đế chế Khmer dưới thời vua Indravarman I (năm 877 đến năm 889) và kéo dài tới tận các vùng lãnh thổ của Sipsong Pan na ở thượng lưu sông Cửu Long.

Cùng lúc ấy, người Khmer thành lập một tiền đồn ở Xay Fong gần Viên Chăn, Chămpa kéo dài tới tận miền nam nước Lào và tiếp tục hiện diện trên hai bờ sông Cửu Long đến tận năm 1070. Chanthaphanit, vị quan địa phương cai trị Xay Fong, di chuyển về phía bắc đến Mường Xua và được người dân chấp nhận một cách hòa bình làm người cai trị ở đó sau khi các vị quan của Nam Chiếu rút đi. Chanthaphanit và con trai của ông có thời gian cầm quyền lâu nhất, trong giai đoạn đó vùng này bắt đầu được gọi theo cái tên bằng tiếng Thái là Xieng Đong Xieng Thong. Cuối cùng triều đình này phải tham dự vào cuộc tranh giành giữa một số công quốc. Khun Chuang, một vị cai trị hiếu chiến có thể từng là một người Kammu (những cách đánh vần khác gồm Khamu và Khmu), ông đã mở rộng lãnh thổ của mình sau khi chiến đấu với các công quốc khác và có thể đã cai trị trong khoảng từ 1128 đến 1169. Dưới thời Khun Chuang, một dòng họ duy nhất đã cai trị một vùng lãnh thổ rộng lớn và tái lập hệ thống hành chính kiểu Xiêm từ thế kỷ thứ VII. Và vào gian đoạn này ở một số khía cạnh, Phật giáo tiểu thừa đã bị gộp vào Phật giáo đại thừa.

Xieng Dong Xieng Thong đã trải qua một giai đoạn ngắn dưới quyền bá chủ của người Khmer thời Jayavarman VII từ năm 1185 đến năm 1191. Tới năm 1180 Sipsong Panna đã giành lại được độc lập từ người Khmer, tuy nhiên năm 1238 một cuộc nổi dậy từ bên trong tiền đồn của Khmer tại Sukhodaya đã dẫn tới việc trục xuất các lãnh chúa Khmer.

Năm 1353 Xieng Dong Xieng Thong trở thành thủ đô của Vương quốc Lan Xang. Năm 1560 Vua Setthathirath I di chuyển thủ đô tới Viên Chăn, và hiện nay thành phố này vẫn là thủ đô của Lào.

Năm 1707, Vương quốc Lan Xang tan rã và Luang Prabang trở thành thủ đô vương quốc Luang Prabang độc lập. Khi Pháp sáp nhập Lào, Pháp công nhận Luang Prabang là nơi cư ngụ hoàng gia của Lào. Cuối cùng, vị vua cai trị Luang Prabang trở thành đồng nghĩa với nguyên thủ quốc gia của Nhà nước bảo hộ Lào thuộc Pháp. Khi Lào giành lại độc lập, vua Luang Prabang, Sisavang Vong, trở thành vị lãnh đạo quốc gia của Vương quốc Lào.

Các triều đại tại Luang Prabang

- Khun Lo, vị lãnh chúa đã lập ra thành phố

- Fa Ngum, hoàng tử Luang Prabang người lập ra Lan Xang

- Oan Kham, nhà vua cai trị dưới thời Pháp

- Kham Souk (Zakarine), nhà vua cai trị thời Pháp và có tư tưởng độc lập

- Sisavang Vong, nhà vua thời Pháp, và khi Pháp trao lại độc lập cho Lào, đã trở thành vua của toàn bộ vương quốc.

Vương quốc Lào dược khách du lịch trên thế giới mệnh danh là đất nước chùa tháp. Trong đó, riêng tỉnh Luang Prabang đã có 36 ngôi chùa nổi tiếng. Luang Prabang gồm 3 chữ ghép lại. Luang (đọc là luống, do vua Fa Ngum thêm vào) tức Lớn; Pra tức Phật; Bang tức Tụ Phúc, công đức. Luang Prabang có thể hiểu là tượng Phật lớn được sùng tạo từ công đức của nhiều người, tạm dịch là Tụ Đức Đại Phật Tượng.

Thắng cảnh

Luang Phrabang nổi tiếng với những nhiên: Thác Kuang Si ngọn núi Phou Si và những di tích văn hóa: Bảo tàng cung điện hoàng gia (Haw Kham); chùa  Wat Aham; chùa Wat Mai Suwannaphumaham, Wat Manorom; Wat That Luang; Wat Wisunarat; Wat Xieng Muan; Wat Xieng Thong.

Cảnh quan từ đỉnh Phou Si

Phou Si (Núi Màu) là một ngọn đồi hay núi nhỏ rộng 250m, dài 1.000m và cao 80m. Trên đỉnh Phou Si có That Chom Si (tháp trên đỉnh núi màu, cao 20m). Muốn lên Thặm cảnh Phou Si du khách phải leo 329 bậc thang bằng gạch đỏ tráng xi măng, sơn trắng. Có mấy trạm nghỉ chân. Hai bên cầu thang phần dưới đất là hai tượng rồng chầu hai bên rất linh động, dài trên dưới 10m với hàng trăm gốc Champa cổ thụ trên trăm năm tuổi, thân, cành sần sùi kỳ quái có gốc to đến 2 người ôm không xuể. Tháp được dựng từ năm 1804 dưới triều vua Anourout, được tổ chức UNESCO trùng tu nhiều lần (lần cuối cùng vào năm 1994), là biểu tượng và trung tâm văn hoá, tín ngưỡng của cố đô Luang Prabang.

Hiện nay trong khuôn viên núi Phou Si còn lại 5 ngôi chùa. Toàn cảnh trên Phou Si thật cổ kính, thanh thoát ẩn hiện giữa rừng hoa đại. Từ đây dõi mắt, thấy xa xa dòng Nam Khan uốn khúc lặng lờ dưới ánh sương mai, hai bên bờ là màu xanh của các ô vườn hoa trái, rau cỏ, chấm phá những bóng người lom khom hái rau hay qua lại tưới nước. Đảo mắt qua, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh cả khuôn viên  hoàng cung rộng lớn, vườn thượng uyển với trăm hoa vẫn khoe sắc. Bức tượng đồng vua Sisavang Vong uy nghi đứng giữa trời.

Ngoài ra, du khách còn thấy gần xa rất nhiều mái chùa như bọc quanh lấy Luang Prabang: Wat Aham, nơi có Hó Phí Khôn (miếu thần hộ trì Luang Prabang và là nơi cất giữ các mặt nạ Pu Nhơ-Nha Nhơ, biểu tượng tổ tiên người Lào), Wat Mày (Chùa Mới, nơi ở của Phra Sangkharath, tăng thống Phật giáo Lào), Wat Vi xun...

Ngắm cảnh hoàng hôn trên đỉnh núi Phou Si là một nét rất riêng. Khung cảnh vừa hùng vĩ, vừa nên thơ, là sự hòa hợp giữa trời và đất. Màn trời trắng bạc, vân xanh nhạt chuyển dần theo màu cam lửa từ cái đĩa tròn vo đang từ từ hạ xuống bên kia hai ngọn Phou Thao (núi chàng), Phou Nang (núi nàng), phản chiếu xuống dòng Nam Khan thành hai cái cùng một màu, nhưng với hai diễn biến khác nhau. Cái ở trên, nghiêm nghị uy nghi. Cái ở dưới, óng ánh lung linh, nhấp nhô theo triều nước. Cái ở trên có mây ngủ sắc vờn quanh, có cánh chim lượn tiển. Cái ở dưới có thêm dăm bóng thuyền chài soi bóng.

Dừng chân ở góc hướng tây, phóng mắt qua bên kia bờ Mêkông, ta thấy một ngọn núi có hình một người đàn bà nằm quay lưng lại, đó chính là Phou Nang (Núi Nàng), cách đó không xa là Phou Thao (Núi Chàng), dưới là bản Xiêng Men.

Thặm Tìng (Động Ẩn Sĩ)

Bản Pak U có hai cái động nổi tiếng là linh địa của tín hữu Phật giáo Lào tại Luang Prabang: Thặm Prakalay (tên một đồ đệ của Đức Phật hay Thặm Phum) và Thặm Lư Sí (Động ẩn Sĩ hay Thặm Tìng (động dưới). Pak U cách Luang Prabang 35 km phía thượng lưu sông Mêkông. Ở đây sẽ có thuyền đưa khách tới nơi nhưng vì ngược dòng nên phải mất khoảng 2 giờ và chuyến đầu tiên thường rời bến lúc 10 giờ sáng, khi đã đủ số khách.

Động Pak U nằm trong dãy núi đá vôi, bên kia bờ sông U. Có thuyền đưa qua, mất khoảng 15 phút và 1 đô la/người. Đây là nơi hành hương hàng năm của người Lào trong dịp Pimày (Tết Lào). Từ khi Lào thực hiện chính sách mở cửa, Pak U liền trở thành một địa danh thu hút đông đảo khách du lịch trên thế giới. Thặm Phum rất tối, phải cầm đuốc, nên ít người vào, nên du khách chủ yếu tham quan Thặm Tìng. Từ cầu thang nhìn vào Thặm Tìng đã thấy rất nhiều tượng Phật với đủ cỡ, đủ loại (đa số là Phật đứng, đặc điểm nổi bật của tượng Phật ở Luang Prabang) được làm từ các chất liệu như gỗ, đồng, xi-măng. Đúng là một động Phật. Phải vài thế kỉ mới tìm được từng này tượng Phật. Cảnh thạch nhũ trong lòng động cũng ly kỳ nhưng bị số tượng che mờ đi. Từ trong động nhìn ra cảnh trời nước buổi sáng thật đẹp, bên kia bờ thấp thoáng những mái nhà sàn ẩn hiện trong màu xanh của lá chuối và tre.

Năm 1996, nhóm khảo cổ Australia đã làm thống kê ở động Pak U có 8.126 bức tượng lớn nhỏ. Một bảo tàng khổng lồ như thế nhưng công tác bảo quản, giữ gìn vẫn chưa được đầu tư thích đáng (nhất là việc canh giữ ban đêm) nên tình trạng bị lấy cắp đã từng diễn ra ở đây.

Sau khi tham quan Thặm Tìng, du khách trở lại làng Pak U. Địa danh này đã thành khu du lịch nên các gian hàng rất đa dạng. Ở Pak U, ngoài những bộ tộc đã kể trên còn có người Ka Sắc người Phuôn sinh sống. Tại các gian hàng, sản phẩm mỹ nghệ đến từ Trung Quốc hầu như lấn hẳn hàng thủ công đặc thù của dân địa phương. Gần làng Pak U có làng Xang Hay nồi tiếng với một sản phẩm độc đáo là ''lậu lao'' (rượu đế Lào, không phải rượu cần), cất từ nếp trắng.

Thác Kuang Sí

Thác Kuang Sí cách Luang Prabang 30 km hướng hạ lưu sông Mêkông. Nơi đây, có bãi đậu xe cách thác độ 500 m. Tiếng thác vọng ra. Hai bên đường đất đỏ dẫn vào có mấy cái quán của người Kh'mú, trên nguồn thác có làng Hmông.

Cả một không gian rộng lớn với ba màu chính, trắng xoá là trời và nước trên núi đổ xuống, xám-nâu là màu của núi, xanh cẩm thạch là cỏ cây bao quanh và cái hồ ngay chân núi! Dưới tàng cây có đặt một hai cái ghế dài bằng gỗ cho khách nghỉ chân và ngồi chiêm ngưỡng tuyệt phẩm của tạo hóa. Có một cầu gỗ bắc ngang hồ cẩm thạch tiến vào gần chân núi. Buổi chiều, thác Kuang Si càng trở nên kì bí.

Wat Xiêng Thoong (chùa Xiêng Thoong)

Khuôn viên chùa Xiêng Thoong nằm ở bán đảo hình thành bởi ngã ba sông Mêkông và dòng Nam Khan. Được xây dựng dưới triều  vua Setthathirat năm 1559-1560, đây là ngôi chùa đẹp và quan trọng nhất của Luang Prabang với lối kiến trúc đặc thù Lào, mái cong cong buông xuống gần mặt đất. Wat Xiêng Thoong là ngôi chùa chính bao quanh là những miếu đường nhỏ có cùng một lối kiến trúc, hợp thành một cảnh quan tuyệt mỹ. Từ ngoài vào trong, trên các tường ta thấy rất nhiều phù điêu điêu khắc, chạm trổ công phu, sắc sảo nội dung dựa theo những điển tích trong cuộc đời của Đức Phật.

Mỗi năm, vào dịp Pimày Lao (Tết Lào) mọi chức sắc trong giáo hội Phật giáo Lào cũng như quan chức tại Luang Prabang đều hội tụ về chùa Xiêng Thoong hành lễ chào mừng  năm mới, rước tượng Prabang từ Viện Bảo tàng về an vị trong sân Wat Xiêng Thoong. Các chức sắc cũng như tất cả dân chúng, nối đuôi nhau tắm tượng Phật Prabang bằng nước hoa Champa suốt một ngày, biểu hiện lòng sùng tín đối với Phật giáo.

Tương truyền rằng tượng Phật Prabang do lão tăng Phía Chounla Nark Théra và 500 vị sư khác tạo bằng vàng (có trộn đồng đỏ và bạc để tăng thêm độ bền và sự bóng lóang) quyên góp được từ tín hữu tại đảo Sri-Lanka từ năm 107 trước CN. Prabang là một tượng Phật đứng, hai tay đưa ra phía trước, hơi gấp lại ở khoảng bán thân. Nặng 48 kg, cao 83 cm.

Vào thế kỷ thứ IX, vua Sri-Lanka tặng tượng Prabang cho vua Khmer - Indravarman, người cho xây Angkor Wat. Đến năm 1355, vua Khmer Paramantha Khempraja lại tặng Prabang cho con rể người Lào là Chao Fa Ngum (1316-1373), sau khi vua Fa Ngum mang quân về xoá triều Mương Xua vào năm 1353. Vua Fa Ngum đổi tên kinh đô Xiêng Dôồng- Xiêng Thoong thành đế đô Luang Prabang, lấy tượng Prabang lafm biểu tượng quốc gia, cho xây chùa Pasaman, thờ Prabang như bảo vật trấn quốc. Hiện nay bức tượng trấn quốc Prabang được an vị trong hoàng cung, nay là Bảo Tàng Quốc Gia, tại Luang Prabang( Đương nhiên đây chỉ là bức tượng nhái, bức thật đang được cất giữ một nơi bí mật.

Quần thể chùa Xiêng Thoong nằm bên tả ngạn sông Mêkông, có cầu thang xuống tận bến đò để qua bên kia bờ là bản Xiêng Men. Địa danh này nổi tiếng với huyền thoại trữ tình về hai ngọn Phou Thao (Núi Chàng) và Phou Nang (Núi Nàng), di tích chùa Long Khoan và các xưởng đồ gốm ở Bản Chăn gần đó.

Truyện kể rằng: "Xưa, có một con tinh tên Nang Kinna, sống trong một cơ ngơi khang trang rộng lớn nằm thoai thoải trên một ngọn đồi. Con tinh cái chưa chồng, chưa con, luôn luôn sống cô độc trong khu rừng trên đồi. Mỗi buổi sáng Kinna thường dạo chơi giữa rừng cây , hoa cỏ; giữa tiếng suối róc rách reo vui và chỉ quay về nhà khi đến giờ dùng bữa. Sự hiện diện của nàng trong rừng đã gây được nhiều  thiện cảm của loài dã thú. Đôi khi người ta thấy nàng đùa giỡn với các loài chim đến líu lo cho nàng nghe, ngồi trên cổ voi rừng hay vuốt ve những con hươu cái hiền lành, những con sóc xinh xinh.

Một buổi sáng, Kinna bắt gặp một chàng trai vào rừng. Chàng trai khôi ngô tuấn tú như thể Intha (thần sắc đẹp). Chàng trai mang theo một khẩu súng , một túi vải khoác chéo trên vai.Đã từ lâu Kinna hằng mơ ước có một tấm chồng nên thấy lòng rạo rực vui mừng khôn xiết. Song Kinna sợ sắc diện của nàng sẽ làm chàng trai thất vọng bèn niệm một tràng chú, tự biến mình thành một thiếu nữ tuyệt đẹp. Kinna tiến tới gặp chàng trai hỏi:

- Chàng đến đây làm gì?

Tôi đến săn thú - chàng trai trả lời ngạc nhiên hỏi lại:

- Nàng ở đây một mình à?

- Vâng tôi sống một mình với vỏ cây, muông thú.

Sắc đẹp và sự duyên dáng của người con gái mau chóng chiếm lĩnh trái tim chàng trai tuấn tú. Chàng trai tự giới thiệu tên chàng là Phoutasén và kể cho Kinna nghe gia cảnh của mình. Kinna năn nỉ Phoutasén ở lại mãi bên nàng, Phoutasén vui mừng chấp thuận.

Cuộc sống giàu sang, hạnh phúc bên mỹ nhân đã làm Phoutasén quên lãng người mẹ đang sống trong nghèo khó.

Một hôm, Kinna thổ lộ với chồng:

- Phoutasén chàng ơi, em quên chưa nói với chàng là em có một tủ sắt đầy những quả chanh xanh do ông bà em để lại. Những trái chanh này có phép nhiệm màu. Chàng đã đến vườn chanh đó chưa?

- Chưa bao giờ, thế cái vườn đó nằm ở đâu?

Cách đây độ 3 cây số thôi. Nhưng em yêu cầu chàng đừng bao giờ tới đó, nguy hiểm lắm.

Phoutasén không nói gì chỉ trầm ngâm suy nghĩ.

Một hôm Kinna có việc phải đi xa. Phoutasén bèn lợi dụng sự vắng mặt của vợ, lén tới khu vườn cấm. Chàng phát hiện một cái hố thật to, rất sâu, đầy xương người. Quá kinh hãi, Phoutasén chạy về nhà, lục lấy tất cả chanh trong tủ sắt rồi bỏ đi.

Kinna trở về nhà, không thấy chồng, không thấy chanh. Biết là Phoutasén đã phản bội, Kinna vội vàng đuổi theo, chẳng mấy chốc nàng đã bắt kịp Phoutasén. Kinna kêu gào gọi tên Phoutasén. Phoutasén càng tăng tốc độ và ném ngược lại một quả chanh, bất ngờ một ngọn lửa to lớn bùng lên Cháy một vùng đất rộng. Kinna càng gào thét. Để cản bước Kinna, Phoutasén liền ném quả chanh thứ hai, khoét thành một cái hồ mênh mông. Kinna nhảy xuống nước bơi đuổi theo. Sang tới gần bờ bên kia thì nàng kiệt sức, nước cuốn nàng đi Rút tàn hơi, nàng đã trút một lời nguyền xin trời trừng phạt người chồng phản bội, rồi mới buông xuôi vĩnh viễn.

Bị ăn năn, hối hận dày vò Phoutasén quay trở lại và bắt gặp xác Kinna vẫn còn nguyên vẹn nằm bên ven một con suối. Phoutasén vội vàng làm mọi cách để giúp Kinna hồi tỉnh, nhưng đã quá muộn. Phần quá đau đớn, quá tuyệt vọng, phần kiệt sức phoutasén gục lên xác Kinna, chết theo.

Mấy thế kỷ sau nơi có xác Kinna và xác phoutasén mọc lên hai ngọn núi huyền thoại, có tên Phou Thao (Núi Chàng) và Phou Nang (Núi Nàng) ở Luang Prabang.

Lại có chuyện kể rằng: "Phoutasén là một hoàng tử người phàm. Nàng Kang Hy là con gái của một tinh vương. Hai người sống ở hai nơi cách biệt, chưa từng quen biết nhau. Nhưng sau đó Hoàng hậu yêu tinh làm phép đưa Phoutasén đến với công chúa Kang Hy, viện cớ công chúa cần dược thảo nhưng lại muốn con gái mình ăn sống vị hoàng tử này. Hoàng hậu yêu tinh nhờ hoàng tử Phoutasén đưa đến cho Kang Hy một bức thư có câu "Con gái yêu, con phải ăn chàng trai trẻ này ngay''.

Trước khi đến nơi ở của Kang Hy, Phoutasén dừng nghỉ chân trước một cửa động. Một ẩn sĩ biết chuyện, vì thương Phoutasén bèn tráo bức thư có nội dung ác độc bằng một lá bùa yêu. Chính vì vậy khi mới gặp mặt hai người đã yêu nhau ngay rồi vội vàng làm đám cưới. Mấy tháng trăng mật trôi qua, một hôm Kang Hy đang ngủ trưa, hoàng tử Phoutasén đã lấy hết bửu bối của nàng, Kang Hy nhảy lên lưng ngựa đuổi theo, nhưng nàng không thể qua sông khi không có bửu bối.

Mòn mỏi bên này sông, công chúa Kang Hy chết với lời nguyền “Phoutasén phải trở về và gục chết trên đầu gối nàng”. Lời nguyền của Kang Hy được toại nguyện, nhưng từ trên trời, thượng đế nhìn xuống thấy, xét rằng thế nằm vợ chồng như thế không thích hợp, thượng đế bèn sửa lại, đặt đầu Kang Hy gác lên gót Phoutasén. Và hai ngọn núi Phou Thao, Phou Nang được hình thành từ đó”

Chùa Long Khoun

Tiếp tục cuộc hành trình, bạn sẽ tới Thăm chùa Long Khoun được xây dựng từ thế kỷ XVIII, không uy nghi như chùa Xiêng Thoong nhưng đã một thời là nơi quan trọng của Hoàng gia Lào. Trước 1975, bất cứ tân vương nào của nước Lào cũng phải qua đây tịnh tâm suốt ba ngày rồi mới về Luang Prabang làm lễ đăng quang. Quốc vương Lào cuối cùng qua đây tịnh tâm là vua Sisavang Vatthana (1907- 1978). Ngày nay, những di tích này đang bị thời gian tàn phá. Nếu không kịp thời trùng tu bảo quản thì những di tích Phật giáo nơi đây nhanh chóng trở thành phế tích.

Bản Phanôm

Bản Phanôm cách Luang Prabang 3 km về hướng đông, là một làng của người Lự, một bộ tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Thái-kađai, gốc vùng Síp Soóng Phăn Na (12 ngàn thửa ruộng) thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), di cư sang Lào từ thế kỷ XVII. Bộ tộc này có số dân khoảng 134.100 người, rải rác khắp miền bắc Lào. Bản Phim nổi tiếng về nghề dệt và thủ công, đặc biệt kỹ thuật làm giấy bằng bông vải.

Trai gái Lự được tự do tìm hiểu nhau rồi xin ý kiến cha mẹ để kết hôn. Con trai phải ở rể vài ba năm rồi ra ở riêng. Người Lự sống tình nghĩa, thủy chung, vợ chồng rất ít ly dị, nếu trai bỏ vợ, gái bỏ chồng đều bị phạt nặng theo tập tục. Người Lự ở nhà sàn, hai mái, mái phía sau ngắn, còn mái phía trước kéo dài xuống che cho cả hàng hiên và cầu thang. Trong nhà có hai bếp, một bếp để nấu ăn và một bếp để đun nước tiếp khách.

Đi sâu vào bản, đó đây tre xanh cao vút ven đường, rù rì như đón chào du khách. Những xấp ''máy'' (tơ lụa), những fứn sịn (váy Lào), áo cánh, phạ biềng (khăn choàng)... đủ sắc, đủ kiểu được móc trên vách trong mỗi cửa hàng nho nhỏ. Trong làng có một ngôi chợ khá khang trang, hoàn toàn là đồ dệt và các thủ công mỹ nghệ sản xuất tại bản Phanôm. Sản phẩm từ bản Phanôm chỉ dược bán tại chỗ và trong chợ đêm Luang Prabang của người Hmông.

Trong chuyến du lịch, bạn không thể không tới một nơi làm giấy. Thợ làm giấy ở đó toàn là con gái. Những khung giấy điểm hoa văn được dựng phơi trước chòi. Đồ nghề họ sử dụng chỉ là một khung lưới rộng chừng 80cm x 80cm, với những lỗ nhỏ li ti và một chậu nước cũng hình vuông to gấp đôi khung lưới. Vật liệu là bông gòn trắng phau. Có thể còn nhiều công đoạn mà họ giấu. Loại giấy này người miền xuôi gọi là giấy dó.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2954-02-633560266874375000/Thang-canh-du-lich/Luang-Phrabang.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận