Thủ đô Viên Chăn
Thông tin khái quát
Dân số: 464.000 người
Diện tích: 180 km2
Viên chăn là trung tâm văn hóa, thương mại và hành chính của Lào.
Các ngành nghề thế mạnh Du lịch, thương mại, công nghiệp.
Một số danh lam thắng cảnh nổi tiếng:
Thát Luang, Patousai (khải hoàn môn), chùa Vat Phra Keo, đền Vat Sisaket.
Các lễ hội đặc sắc: Lễ hội té nước vào tháng 4.
Lịch sử
Là thủ đô của Lào, nằm trên vùng đất màu mỡ dọc theo sông Mêkông, Vientiane , một trung tâm kinh tế chính trị, văn hóa và địa điểm du lịch hấp dẫn với nhiều thắng cảnh nổi tiếng.
Vientiane có đến hai tên: Vientiane- thủ đô và Vientiane-thị trấn. Mộ-bi thời Sai Fong đã chứng minh địa phận Vientiane xưa vốn thuộc vương quốc Khmer và sử biên niên của Lào có ghi vua Fa Ngụm đã đánh chiếm hai vùng đất này vốn kề nhau.
Vientiane trở thành thủ đô Vương quốc Lào từ 1563 dưới triều vua Setthathirat. Cả hai Vientiane gộp lại rộng 19.837 km2 với dân số 1.066.600 người (năm 2004). Vientiane chia ra bốn khu chính: Chanthaboury và Saysettha là trung tâm; Sikhottabong phía Tây và Sisattanak phía Nam.
Danh lam thắng cảnh
Lào là đất nước của những ngôi chùa, tổng cộng cả nước có tới 1.400 ngôi chùa. Do đó, đến Vientaine bạn nên viếng Thặm mấy cảnh chùa (Vat) nổi tiếng như cảnh quan That Luang và chùa Phra Keo, chùa ông Tự, chùa Sí Mương, chùa Sisaket, Suôn Xiêng Khuôn (tục gọi là Suốn Phật tức Vườn Chư Phật), quần thể hàng trăm bức tượng đúc theo Phật thoại, trong vùng Thà – Đừa, cách Vientiane khoảng 25 km, gần cầu Hữu nghị Lào - Thái. Chính vua Setthathirat đã ,cho xây dựng cảnh quan That Luang với ngôi chùa và đại tháp cùng tên (năm 1566) và Chùa Phra keo (năm 1565), nổi danh cho đến ngày nay.
Ở Vientiane có một ngôi chùa Việt tên là Bàng Long, khá nguy nga. Đây là địa điểm không thể thiếu trong chuyến tham quan ở thủ đô Vientiane của các đoàn du khách đến từ Việt Nam.
Đài tưởng niệm Anou Savary: Từ chợ sáng trên đại lộ Lan Xang, bạn đã thấy sừng sửng đài Anou Savary (đài chiến sĩ vô danh), sau 1975 được đổi tên thành Patousay (Khải Hoàn Môn), toạ lạc giữa bùng binh giới ranh phố Vientiane và khu vực That Luang. Đài Anou Savary được tạo dựng từ 1958, phần dưới và ngoài mô phỏng theo đài Arc de Triumphe tại Paris, phần trên và trong gồm những nét kiến trúc, phù điêu đặc thù của nghệ thuật Lào.
Đứng trên tầng cao nhất của Anou Savary ta có thể thấy toàn diện cảnh quan Vientiane. Con đường huyết mạch ở Vientiane là đường Sí Mương-Samsenthay, sầm uất trù phú, dấu ấn kiến trúc còn lại của thực dân Pháp chạy xuyên suốt từ khu That Khao lên trung tâm Ô-Điên - SengLao, ra đến vùng Si Khay - Wattay, rồi bỗng dưng ngừng lại, nhường cho kiến trúc cổ truyền Lào: những ngôi nhà sàn. Đúng là thực dân Pháp chỉ ''khai hoá'' thành công các phố thị Lào và đã thất bại hoàn toàn đối với hương thôn xứ này.
Vientiane nằm thoai thoải ven sông Mêkông. Bên kia bờ là tỉnh Nong Khai (Thái Lan). Trên khúc sông này, năm 1994 chính phủ Úc đã tài trợ xây chiếc cầu Hữu nghị Lào-Thái (Lao-Thai Friendship Bridge) dài 1240m. Bờ sông Vientiane chưa được khai thác đúng mức, chủ yếu mới ở mặt hàng ăn, quán cóc.
Quán cóc ven bờ sông Vientiane rất đa dạng về thực phẩm, bạn có thể gọi bất cứ món ăn Lào nào, lạ miệng, ngon mà giá lại quá phải chăng so với các nhà hàng nổi tiếng trong thành phố. Du khách khi cùng nhau đi viếng cảnh thủ đô, có thể ra bờ sông gọi vài chai bia Lào hay vài trái dừa nướng ướp lạnh, gắp thịt gà nướng, đĩa Tằm Mạc Hùng (nộm đu đủ), đĩa lạp bò chín hay tái (gỏi thịt), tô canh chua gà hay cá, đĩa xôi trắng dẻo hay nếp lam nướng trong ống tre... Không khí ấy sẽ khiến cho tâm hồn du khách thanh thản và nhẹ nhõm lạ thường.
Nói đến thủ đô Vientiane không thể không nhắc tới Lễ hội hay Hội chợ That Luang (Boun That Luang).
Cảnh quan That Luang (Đại Tháp, tên chữ nguyên văn là Phra Chedi okatiounlamani, tạm dịch là Hoàn Vũ Đại Đỉnh Phật Tích) toạ lạc cách thủ đô Vientiane 3 km2, về hướng Đông, được tôn tạo từ 1566 dưới triều vua Setthathirat. Theo truyền thuyết, trong tháp này có lưu giữ xá lợi của Đức Phật là một sợi tóc và rất nhiều châu báu. That Luang gồm tháp chính cao 45 thước, bao quanh là các tháp phụ, sơn thếp vàng rực rỡ, uy nghiêm dưới trời xanh trong.
Người Lào gọi lễ hội là Bun, Bun có nghĩa là phước, làm Bun = làm phước để được phước. Lễ hội That Luang được tổ chức hàng năm vào ngày 13 đến 15 tháng 12 lịch Lào (tháng l1 dương lịch), gồm phần Lễ và phần Hội.
Phần lễ trong Boun That Luang
Lễ là nghi thức tế tự do chính con người tưởng tượng ra để giao cảm với thần linh. Ngoài tính chất là một tín ngưỡng dân gian như nghi thức rước Phí Mương (thần bảo hộ tỉnh) từ Chùa Sí Mương đến That Luang, phần lễ trong Boun That Luang còn mang ý nghĩa chính trị của ''một ngày hội thề. Từ thời vua Fa Ngum (thế kỷ XIV) cho đến 1975, lễ này do Quốc vương Lào làm chủ tế. Trong lễ hội thề người ta thấy có mặt đầy đủ chức sắc, đại biểu, tỉnh mường, già làng trưởng bản được mời về bàn việc nước... và mỗi vị được ngồi trên một cái kiệu bằng sáp ong (hò phơng), xếp thành hàng ngang trước nơi hành lễ. Nhà sư chủ trì cầm một cuộn dây bằng sợi vải trắng đi vòng nối các tỉnh mường, làng bản lại với nhau. Biểu tượng này phản ánh sự cam kết trung thành, thống nhất, đoàn kết quốc gia, cấm chia rẽ.
Phần hội trong Boun That Luang
Câu cửa miệng của người Lào là “khôn Lao mặc muồn” (người Lào thách vui) được thể hiện rõ nét trong phần hội. Hội chủ yếu là vui chơi, giải trí dưới nhiều hình thức từ ẩm thực đến văn nghệ, văn hoá, thể thao, mua bán, triển lãm. Đặc biệt Boun That Luang cũng là thời điểm diễn ra Hội chợ triển lãm tầm vóc quốc tế kéo dài ba ngày, ba đêm.
Đất nước Lào có một nguồn văn nghệ dân gian, cổ truyền phong phú, và độc đáo. Trong dịp lễ hội này, mọi thể loại tiêu biểu từ Lăm Lưởng (hát truyện thơ), I Kể (giống cải lương) đến nhiều hình thức hò, ngâm như khắp, xưởng, cạp, còn ...; đối đáp giao duyên như lăm (hò) vạy, lăm loòng, lăm tơi; các loại lăm có tính địa phương như lăm Sa La Văn, lăm Si Phăn Đon (Nam Lào), lăm Tằng Vạy (Trung lào) vũ điệu quốc gia như Lamvôông, Natasine... đều được phô diễn, hài hoà vui nhộn trong tiếng khèn, tiếng la-nạt (bộ đàn gõ), tiếng khui (sáo), tiếng Koong (trung) ... “Ti Khi” là một trò chơi không thể thiếu trong Boun That Luang, nó vừa có tính chất thể thao vừa phản ánh nội dung tín ngưỡng. Ti Khi là lối chơi đánh cù trên sân cỏ, nguồn gốc của môn Polo rất thịnh hành tại Ấn Độ và Anh, với chút khác biệt là người chơi Polo ngồi trên lưng ngựa, còn người chơi Ti Khi thì đi bộ.
Người tham gia trò chơi Ti Khi được chia ra hai phe. Phe áo đỏ tượng trưng cho quan chức (nay là cán bộ cao cấp); Phe áo trắng hay phe cởi trần là nông dân. Ti Khi không có luật lệ, không có trọng tài. Một trận đấu được chia làm 3 hồi, mỗi hồi 20-30 phút. Mục đích của đôi bên là làm thế nào dùng cù đánh văng trái banh gỗ (loukkhi) cho quá làn ranh nửa phần sân bên kia. Sau ba hồi, phe nào có điểm cao hơn là phe thắng. Theo tín ngưỡng dân gian, nếu năm nào phe áo đỏ (phe quan chức) thắng phe nông dân thì đất nước sẽ khó được yên, nhân dân sẽ bị khổ. Do đó, hầu như năm nào phe áo trắng hay phe cởi trần cũng thắng cả. Ngoài ra, Ti Khi còn có thêm ý nghĩa cầu nắng vì vào tháng này việc nông tang, đồng áng đã xong.
Sẽ vô cùng thú vị khi hành trình tham quan thủ đô Vientiane của bạn đúng vào dịp diễn ra lễ hội That Luang, bạn sẽ có cơ hội trực tiếp tham gia vào không khí náo nhiệt và những trò chơi độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất kinh đô này.
Khách du lịch ở các nước chủ yếu đến đây bằng đường hàng không. Thủ đô Vientiane có hai sân bay kề sát bên nhau trong địa phận Wattay, cách trung tâm thành phố độ 4 cây số, một sân bay quốc tế và một sân bay nội địa. Thủ tục nhập cảnh ở các sân bay này rất đơn giản, nhanh chóng và du khách sẽ không gặp phải những rắc rối trong vấn đề làm thủ tục thị thực visa, kiểm tra hành lý...