Một ngày ở Vientiane
Vườn Phật tổ là một khu vườn có nhiều bức tượng Phật. Xuôi dòng sông Mêkông lấp lánh bụi vàng, hai bờ là những đền dài sáng đến chói mắt, đến Lào bạn sẽ được chào đón bởi một đất nước mà sự giàu có được đo bằng những khung cảnh thiên nhiên đẹp đến nghẹt thở, những con người thân thiện và những di sản tráng lệ tuyệt diệu.
Bao quanh bởi Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Việt Nam, đất nước Lào trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, cả trong quá khứ và hiện tại. Mặc cho lịch sử đầy máu và nước mắt ấy, khách du lịch ngày nay vẫn được đón chào bằng thái độ lạc quan hướng tới tương lai của những người dân địa phương.
Không cần phải ở thủ đô Vientiane lâu du khách vẫn có thể nhận thấy rằng đây là một thủ đô tĩnh lặng, dễ mến. Để đi một vòng quanh thành phố, bạn cần có một chiếc xe đạp mà với nó chỉ trong vòng 1 ngày bạn có thể ngắm toàn cảnh Vientiane.
Ôm lấy những khúc quanh co của dòng Mêkông đục màu phù sa, khắp Vientiane tràn ngập một không khí êm ả lặng lẽ. Các biệt thự đổ nát từ thời Pháp thuộc và các ngôi đền vàng chói lọi hay còn gọi là các ''wat'' làm đẹp các đại lộ được viền bằng hai hàng cây xanh, phủ lên một không khí quyến rũ trầm lắng không giống như bất cứ thủ đô nào của các nước châu Á.
Phần lớn trong số các ''wat'' này là tài sản để lại của vua Setthathirat, người từ năm 1547 đã đem đến Vientiane không khí sùng đạo Phật. Cũng chính vua Setthathirat là người đã quyết định xây dựng các tháp của các vị sư một cách hết sức trang trọng, còn gọi là ''Pra Thát Luông'', trong đó phải kể đến chiếc tháp vàng chói lọi được tin là có chứa hài cốt của Phật tổ cao tới 3m, một ví dụ hiếm hoi cho thấy nghệ thuật Lào hầu như không chịu ảnh hưởng của phong cách kiến trúc Thái tan.
Tới Vientiane du khách không thể không ghé qua Nam Phu. Nằm giữa trung tâm Viên Chăn, khu vực khiêm tốn này tạo nên một trung tâm về đêm của Vientiane giống như đường Đồng Khởi của Sài Gòn, chỉ khác trong sự cảm nhận bằng trực giác và cảm quan của mỗi người.
Đối lập với các ngôi đền hào nhoáng là những kiến trúc Pháp đã bị mai một. Dù vậy, du khách vẫn nhận ra nhiều ngôi biệt thự cổ từ thời thuộc địa còn được bảo tồn như các nhà hàng ở khu trung tâm bao quanh Nam Phu trong không khí cuộc sống rất đời thường. Nhưng khi trời chập choạng tối, cuộc sống nơi đây lóe lên thứ ánh sáng cổ tích khi giới tri thức địa phương cùng các khách du lịch tụ tập trong những bữa nhậu hay những bữa ăn rẻ tiền. Nếu gặp nhau trong một góc nào đó, người dân địa phương sẽ rất sẵn lòng mà cởi mở bắt chuyện với các khách du lịch.
Bên lề một khu chợ sớm buổi sáng, trên một nền đất rộng có bày bán đủ các loại sạp hàng: các loại sợi dây màu mè, các loại giỏ, những đồ lặt vặt và đồ trang sức bằng bạc, Vientiane vẫn duy trì được sự thu hút mà hiện đang dựa chủ yếu vào sự độc đáo. Tượng đài Chiến thắng được xây dựng năm 1958 là một công trình khổng lồ lấy mẫu theo kiểu Arc de Triomphe của Paris, là nơi lý tưởng để thấy rõ nhất vẻ đẹp của Vientiane. Phía xa xa thành phố, bên ngoài dòng Mekong là khuôn viên vườn Phật tổ, cũng được xây dựng năm 1958. Khu vườn bao gồm hơn 90 bức tượng kỳ lạ và thú vị được sáng tác theo phong cách của đạo Hindu và đạo Phật.
Nhưng có lẽ, ấn tượng sâu sắc nhất của du khách trong hành trình ở Vientiane là khi ghé qua Luang Prabang lúc bình minh. Khi tia sáng đầu tiên bắt đầu chiếu lên cửa đền, hàng trăm vị sư khất thực đi khắp các ngách phố nhận đồ cúng chùa hàng ngày của dân địa phương. Là một truyền thống không phai nhạt đi trong nếp sống của những người dân Lào, sự tôn trọng lẫn nhau giữa dân địa phương và các nhà sư biểu hiện sự giàu có lòng hảo tâm làm đầy ắp đất nước này, vốn được thế giới biết đến phần nhiều hơn là vì sự nghèo khó và những cuộc chiến tranh.