Tài liệu: Lào - Lào - sức cám dỗ của đất nước hiền hòa

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Đông Dương - vùng đất rộng nằm ngoài những bước nhảy hiện đại hóa của thế giới suốt mấy thập kỷ,
Lào - Lào - sức cám dỗ của đất nước hiền hòa

Nội dung

Lào - sức cám dỗ của đất nước hiền hòa

Đông Dương - vùng đất rộng nằm ngoài những bước nhảy hiện đại hóa của thế giới suốt mấy thập kỷ, nay đang trở thành những địa chỉ du lịch mới hấp dẫn nhất, trong đó, Lào là xứ sở đầy quyến rũ. Lawrence Egan viết trên tờ Việt Nam News mới đây: ''Nhiều người nước ngoài nói nếu được chọn nơi sống sẽ chọn Lào và Vientiane, chứ không phải Bangkok hay Singapore, Hồng Kông''.

Nước Lào quyến rũ bởi bầu không khí êm ả bí ẩn của nó, bởi tập quán hiền lành, con người vui vẻ, ân cần và hiếu khách. Điều đầu tiên gây ấn tượng đối với du khách là sự thưa thớt dân cư. Với diện tích gần bằng 1/2 diện tích của Thái Lan, Lào chỉ có 4 triệu rưỡi dân, chưa bằng 1/10 dân số của Thái. Vientiane, thành phố thủ đô có 250.000 dân, ngoài kiến trúc đặc trưng của mình còn những di tích văn hóa thời Pháp thuộc với những biệt thự kiến trúc kiểu Pháp, những đại lộ 3 làn xe được trồng cây cao hai bên, những quán cà phê và bánh mì sừng bò và cả những quán bia ngoài trời, khách ngồi nghe nhạc êm dịu, ngắm hoàng hôn trên sông Mê Kông. Khách sẽ cảm thấy sự yên tĩnh dễ chịu trong không khí mát mẻ thoang thoảng hương hoa nhài của đêm Vientiane.

Để khám phá truyền thống văn hóa thật sự của nước Lào, khách phải đi 250 dặm lên phía Bắc, đến cố đô Luang Prabang. Nằm ở nơi hợp lưu những con sông nhỏ với sông Mêkông, bao quanh bởi những đồi cây, Luang Prabang vốn là thủ đô của Lan Xang, vương quốc đầu tiên của Lào (1350 - 1545). Là trung tâm truyền thống quan trọng của nghệ thuật và tôn giáo, Luang Prabang có đến 30 ngôi chùa chạm khắc rất đẹp. Luang Prabang có vẻ đẹp mơ màng, thời gian như ngưng đọng. Sáng sớm tinh mơ, dưới sông thuyền bè hiện ra trong sương mù, đổ lên bờ các thứ gạo, rau, heo, rượu. Và cũng ở đây có những chiếc thuyền đưa du khách đến hành hương Pak Ou có những hang động đá vôi nằm trên sông, chứa đầy Phật tích.

Một địa chỉ không kém hấp dẫn là Cánh đồng Chum ở Xiêng Khoảng, một tỉnh ở Đông - Nam Luang Prabang, một vùng bị oanh tạc nặng nề trong chiến tranh. Trên cánh đồng rộng còn đầy hố bom đó, rải rác khá nhiều những cái chum đá lớn mà nguồn gốc còn là điều bí ẩn từ nhiều ngàn năm nay. Các chum đá ấy có thể là những cái quách hoặc thùng chứa rượu, chứa thóc của người xưa. Hiện nay nó là điểm thu hút khách du lịch lớn nhất trong vùng. Cũng thu hút khách du lịch không kém là những làng dân tộc thiểu số phía Đông hay Đông - Bắc, về phía Sầm Nưa. Vùng Nam Lào cũng có những địa chỉ đáng bỏ công tìm đến như cao nguyên Boloven, xứ sở của những vùng trà và cà phê bát ngát, những rừng hoang dã phong phú, ''bốn ngàn đảo'' nhỏ của sông Mêkông giáp biên giới Campuchia và di tích đền cổ Khmer Wat Phu.

Du Xuân đến xứ Triệu Voi

Lẽ thường du xuân, thiên hạ thường tìm đến những chỗ ''ngựa xe như nước, áo quần như nêm'', ai lại qua Lào, xứ sở ít thắng cảnh và còn nghèo nàn! Cách nghĩ này chỉ đúng một phần. Du lịch Lào rất kén khách, không hợp với những người ồn ào, hời hợt. Đến với Lào là đến với những nét văn hóa đặc trưng chân chất, là về với nguồn cội thiên nhiên để tìm thấy bản ngã chính mình giữa bao la trời đất, giữa đời và Phật.

Đến Lào như thể về nhà

Vientiane (Vạn Tượng) là một thủ đô hiền hòa và ít dân nhất châu Á, khoảng 600.000 người. Không có nhà cao tầng; nhà gần như không số nhưng thường có vườn và phố rất nhiều cây, nhất là cây sứ (champa). Hầu hết các thành phố ở Lào đều nép mình bên dòng Mêkông thơ mộng, hùng vĩ với tổng chiều dài gần 1.900km. Không thấy người ăn xin, người bán hàng rong chèo kéo, không thấy cảnh sát giao thông. Lề đường ở đây đều có lối đi cho người tàn tật. Qua các ngã tư, đèn xanh chỉ cho phép một chiều lưu thông, ba chiều còn lại cứ trật tự chờ đến lượt, ngày đêm cũng vậy.

Người Lào nổi tiếng hiếu khách và bộc trực. Nếu quen có thể được mời vào nhà uống fanthong (rượu cần), lao lao, nam sa (trà nhạt)... hoặc thưởng thức cơm lam (nướng ống tre), cơm nếp và nhiều loại thức ăn nướng từ rau củ, gia vị đến cá thịt. Cơm nếp ở Lào nấu cách thủy, rất dẻo và không bao giờ dính tay nên cứ bốc ăn thoải mái. Du khách còn có thể được thưởng thức nhiều món lạ như ớt chiên dòn, ớt nướng, dừa nướng, cơm mẹo, lap, mắm cheo, gỏi tammahung...

Với Việt Nam, nhân dân Lào có mối thiện cảm trên cả đặc biệt. Mọi du khách luôn cảm nhận được sự thân thiện, cởi mở như trên quê hương mình.

Đi tìm bản ngã

Dọc tuyến biên giới Việt - Lào, tỉnh nào cũng có cửa khẩu với đường giao thông khá tốt. Đường số 8 qua cửa khẩu Cầu Treo nối Quốc lộ 1 (xuyên Việt) và Quốc lộ 13 (xuyên Lào) là một trong những tuyến đường đẹp nhất Đông Nam Á, bạt ngàn rừng nguyên sinh nhiệt đới. Trùng điệp núi đá vôi với vô vàn hình thù độc đáo, ẩn chứa nhiều hang động kỳ bí. Đan xen là những cánh đồng màu mỡ, những xóm làng đẹp như tranh vẽ. Nhà sàn ở Lào sạch sẽ, hầu hết lợp ngói gỗ hoặc ngói tre rất độc đáo. Đường đi Luang Prabang, đi Xiêng Khoảng cũng vậy. Có những quả đồi, những ngọn núi vàng rực dã quỳ hệt như những tấm thảm diệu kỳ vừa rơi từ trời xuống. Lào có nhiều loại phong lan quý, nhiều thác đẹp mê hồn. Thác nào cũng có bãi tắm, nước xanh trong hơn ngọc bích, mát đến rợn người, thấy là không cưỡng được.

Đến Lào là đến với đất Phật. Du khách nên mang ít hoa vào lễ chùa Simuong - ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng nhất rồi nhờ sư thầy buộc chỉ tay chúc phúc. Có thể gửi lời khấn nguyện cho người thân rồi mang ít lộc về nhà với những sợi chỉ buộc tay may mắn.

Sau đó du khách sẽ đến chùa Sisakhet chiêm ngưỡng và tìm hiểu gần 7.000 tượng Phật đủ dáng vẻ và qua nhiều thời đại. Buổi chiều ghé thăm Công viên Bãi Phật (Siengkhuan) để suy gẫm và đắm mình với những quần thể tượng tạc theo Phật thoại. Rồi đến viếng That Luong biểu tượng của quốc gia hoặc leo lên đỉnh đài Chiến Thắng nhìn thủ đô dưới chân mình êm ả. Tối du khách có thể rủ nhau đi tắm hơi dân dã bằng các loại dược liệu của rừng để giũ sạch ưu tư phiền muộn.

Khi đến Nam Lào du khách sẽ được chiêm ngưỡng chùa Wat Phu - di sản văn hóa thế giới ở Pakse, tỉnh Champasac. Đây là ngôi chùa được xem là vĩ đại nhất ở Lào thờ thần Hindu; hòa lẫn giữa Ấn Độ giáo, Phật giáo và tín ngưỡng vật linh. Đến Xiêng Khoáng du khách sẽ khám phá cánh đồng Chum với hàng trăm chum đá kỳ bí. Khi đến Luang Prabang - di sản văn hóa thế giới du khách đến viếng chùa Xiêng Thong (Thành Phố Vàng), chùa đẹp nhất của Lào, cả vị trí và kiến trúc; chùa Mai (chùa mới) gần chợ Hmong, thăm Hoàng cung nay là Bảo tàng Quốc gia với nhiều hiện vật cổ. Buổi chiều du khách có thể leo lên đỉnh Phousi ngắm toàn cảnh cố đô, chiêm nghiệm cuộc đời khi những vệt trắng cuối cùng hòa lẫn vào dòng Mêkông huyền thoại. Đêm, dạo chơi phố cổ Luang Prabang mang dáng vẻ châu Âu pha lẫn Á Đông. Sáng sớm, du khách sẽ được chứng kiến cảnh từng đoàn sư sãi khất thực. Người Lào thích tích đức bằng các hoạt động thiện nghiệp, vừa giúp chùa vừa giúp đời.

Chùa ở Lào chỉ thờ Phật Thích Ca và kiến trúc mỗi chùa một vẹo đặc thù, mang nhiều ẩn dụ tinh tế. Dân lào ăn Tết 4 mùa: Tết Tây (tháng 1), Tết Nguyên đán (của Việt Nam, Trung Quốc - tháng 2), Tết Bunmimay (tháng 4), Tết Hmong (tháng 12). Vào tết Nguyên đán nhiều nhà làm bánh chưng, giò thủ, hạt dưa và cả thói quen hái lộc, lì xì đầu năm...

Du Xuân xứ Triệu voi luôn thắm tươi nồng đậm, thủy chung đón khách gần xa.

Cảnh đẹp, người dễ thương

Sản phẩm du lịch là danh lam thắng cảnh. Điều ấy đúng, du khách đến để ngắm, sờ, thấy, chụp ảnh. Nhưng cũng có những ''sản phẩm'' khác: con người. Du khách đến, đi, nhớ và quay lại đôi khi không phải vì cảnh đẹp, mà là tình người.

Nếu dựa trên tiêu chí xem, ngắm, mua bán, sử dụng dịch vụ ''độc'', nước Lào chẳng có gì đáng kể. 70% diện tích nước Lào là núi và cao nguyên. Rừng bao phủ 2l3 quỹ đất. Ở Lào không có những công trình đồ sộ như Angkor Wat ở Campuchia, tòa tháp đôi ở Malaysia, bãi biển thần tiên ở Bali (Indonesia)... Người ta đến vì Lào thích sự êm đềm của thiên nhiên và nhớ sự thật thà, cởi mở của con người mang đậm bản sắc dân tộc.

Nếu nói về thắng cảnh, Lào là nước có ít sản phẩm du lịch nhất. Chẳng thế trong số các cuốn cẩm nang du lịch của Lonely planet về Đông Nam Á, cuốn về Lào là mỏng nhất, chỉ bằng 114 các cuốn khác về số trang. Lý do đơn giản là chẳng có gì nhiều để viết. Số lượng nơi có thể coi là thắng cảnh có thể đếm trên đầu ngón tay trên một bàn tay: cố đô Luông Prabăng, Viên Chăn, Cánh đồng Chum, đường mòn Hồ Chí Minh...

Nếu hỏi bất cứ du khách nào đã từng đến Lào, cái quý giá nhất của du lịch Lào là gì, tất cả sẽ trả lời rằng đó là ''người Lào''. Người Lào theo nhận xét chung rất thân thiện, thật thà và thoải mái.

Ở Lào, du khách sẽ không phải lo nạn lừa đảo, trộm cắp, đeo bám bán hàng hay chèo kéo khách ngay cả ở những trung tâm du lịch lớn như Luông Prabăng. Đồ đạc để trên nóc xe buýt, nhà trọ không bao giờ suy suyển.

Khi đến Nam Lào du khách sẽ được hưởng những giây phút bình yên ngắm hoàng hôn trên sông Mêkông, ngắm lũ trẻ tắm sông, ngắm người dân chài lưới, đạp xe chầm chậm trên sườn đê trong khung cảnh bình yên... Không có gì để kể lại nhiều nhưng cảm giác thư giãn khiến nhiều du khách quay trở lại Lào vài ba lần và không ngừng ca tụng Lào như mảnh đất bình yên còn sót lại trong khu vực Đông Nam Á.

Tất cả các phương tiện giao thông công cộng, dịch vụ đều áp dụng một khung giá duy nhất cho người địa phương hay du khách. Visa được cấp ngay cửa khẩu với thủ tục thuận lợi chứ không như visa vào Việt Nam đề rõ ngày vào, ngày ra khiến du khách lúng túng trong việc sắp xếp thời gian.

Cần thời gian để xem liệu Lào có thể duy trì, khỏi bị cuốn vào vòng phát triển du lịch như Thái Lan hay Campuchia. Nhưng rõ ràng, sản phẩm du lịch đáng giá nhất ở Lào chính là con người Lào. Thế cũng đã đủ lôi cuốn với khách du lịch rồi!

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2955-02-633560268890781250/An-tuong-dat-nuoc-Trieu-Voi/Lao---suc-cam...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận