Borikhamxay
Quốc lộ 13 là con đường nối liền Vientiane và các khoéng (tỉnh) phía nam nước Lào, chạy ngang qua Savaunakhet, rồi xuống tận biên giới Lào - Campuchia.
Nhìn trên bản đồ, Borikhamxay là vùng đất nằm ngay trung tâm Lào. Borikhan là tên cũ trước 1975 của Borikhamxay, gồm sáu mường: Tha Phabath, Pakkađing, Borikhan, Khamkeuth, Viêng Thong và thủ phủ Paksane (đọc là Pạc- Săn). Borikhamxay nằm ở hướng nam Vientiane, địa hình thuộc vùng trung du, rừng nhiệt đới với nhiều thác ghềnh ngoạn mục. Phía đông giáp Việt Nam, qua biên giới Lào - Việt bằng ngã Lak Sao, đường số 8, cảnh đẹp; phía Việt Nam là cửa khẩu Cầu Treo (đèo Keo Nứa) gần thành phố Vinh, Nghệ An. Phía tây giáp Thái Lan biên giới là sông Mêkông, thuộc tỉnh Beung Kan.
Diện tích của tỉnh này là: 14.863 km2 (Borikhamxay hiện nay bằng diện tích của Borikhan (cũ) cộng với một phần Vientiane và một phần Xiêng Khoáng, sau 1975).
Dân số (2004): 164.900 người (chiếm 3,41% tổng số dân toàn quốc) Borikhamxay gồm nhiều bộ tộc thuộc nhóm tộc Lào - Thái (77.51%), đặc biệt kể từ đầu thập niên 1970 khi không quân Mỹ tăng cường oanh tạc và san bằng Xiêng Khoáng, người Phuôn ở Xiêng Khoáng lánh nạn về đây, ước tính khoảng 12.000 người, nay là bộ tộc đông nhất ở Borikhamxay.
Thủ phủ Paksane
Mương Paksane được thành lập từ năm 1890, cách Vientiane 147 km về hướng nam, nằm ở ngã ba sông Nam San và sông Mêkông, với số dân hiện nay là 35.000 người. Paksane vừa là trung tâm hành chính và thương mại của Borikhamxay, vừa là trục thông thương và trạm nghỉ chân của hầu hết các tuyến xe khách hai chiều (hay các phương tiện đường bộ khác) giữa Vientiane và các tỉnh phía nam, đặc biệt từ thập niên 1980 sau khi quốc lộ 13 được chính phủ Thụy Điển đài thọ việc nâng cấp, tráng nhựa - đoạn Vientiane-Paksane; Trung Quốc tài trợ: đoạn Paksane-Khammouane; Nhật Bản tài trợ: đoạn Khammouane- Champassak.
Là một thủ phủ, tuy không quá xa thủ đô nhưng Paksane vẫn mang sắc thái đậm nét thôn quê trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày của người dân. Paksane là một thủ phủ đặc thù vì được chia ra thành nhiều bản, nhiều làng, do đó khách viếng Paksane sẽ không có cảm tưởng chia cách giữa tỉnh thành và làng quê.
Ở Paksane, tập quán “phép vua thua lệ làng” được thể hiện một cách rõ nét. Bất chấp mọi sự thay đổi về chính trị, Paksane vẫn giữ mô hình tổ chức xã hội Bản - Mường (nhiều bản hợp lại thành một mường) được tập hợp theo hai quan hệ: quan hệ huyết thống và quan hệ láng giềng. Ở đây vai trò chủ đạo là quan hệ láng giềng mà người Lào gọi chung là Phì Noỏng (bà con). Nai bản (trưởng làng) hay Phò bản (bố làng) là người đứng đầu bản và lục bản (con làng) là dân ở trong làng, ứng xử theo quan hệ gia đình mở rộng và điều hành theo ''hịt bản khong mương'' (có thể hiểu là tập quán pháp). Cụ thể, sau 1975, Lào là Cộng hoà Dân Chủ Nhân dân nhưng Borikhamxay nói chung, Paksane nói riêng vẫn là dân chủ công xã nghĩa là chế độ già làng. Người đứng đầu làng thi hành các quyết định của hội đồng già làng, khi có việc hệ trọng thì mở hội nghị toàn thể thành viên. Ruộng đất thuộc về của công mà ông phò bản là người đại diện, do đó mới có câu ''đình a nha, na phò bản '' (đất của quan, ruộng của bố làng). Nguyên tắc quyền sở hữu đất đai ở Lào là đất đai có chủ nhưng để hoang không khai khẩn một thời gian sẽ trở thành đất công của làng đó và ông phò bản có toàn quyền phân phối cho người dân trong làng. Ví dụ, những năm 1977-1980 phong trào qua sông tị nạn ''ải nỏng'' (anh em tức cộng sản) đã làm cho Paksane trở nên thưa thớt. Đến năm 1998, chính chảo mương (thị trưởng) Mương Paksane, với sự đồng ý của các phò bản, lên tiếng chiêu tập dân cư vùng Luang Prabang và PhongSaly về đây chia ruộng cho làm kế sinh nhai. Năm 1999 có 48 hộ gồm 344 người đến từ Luang Prabang. Tháng 3 năm 2000 có 700 hộ đến từ PhongSaly trở về.
Câu cửa miệng của người Lào nói chung là “bò pền nhắng” (không sao cả), ở Paksane triết lý ''bò pền nhắng'' càng rõ nét hơn trong mọi hoàn cảnh giữa người với người: Tương ái, tương dung, hương nhượng, tương kính nhưng không qụy lụy và tuyệt đối không chấp nhận áp đặt. Sự áp đặt nếu vì lý đo nào đó trong nhất thời họ phải chấp nhận thì nhanh chóng, bằng mọi cách, họ sẽ lật ngược lại hết sức nhẹ nhàng.
Vatphabat Phnonesane và Dấu chân Đức Phật
Chùa Phabat Phonsan được xây dựng vào năm 1933, cách thủ đô Vientiane 70 km, thuộc địa phận Paksane. Cũng như mọi ngôi chùa khác khắp xứ Lào, cảnh quan chùa Phabat Phonsan rất đẹp với lối kiến trúc đặc thù của vương quốc Lào, xa xa trùng điệp núi rừng. Chùa Phabat Phonsan là linh địa hành hương của cư dân Borikhamxay và Vientiane vì nơi đây có dấu tích bàn chân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Dấu chân Phật đã được phóng đại dài 40 cm, sâu 1.20 cm, móng chân dài 2.40 cm, có hình bánh xe luân hồi, hoa sen và 108 loài vật dưới lòng - bàn chân, hoàn toàn mang tính cách biểu tượng.
Ngoài ra, trong ngôi chùa này còn có một bức tượng phật nằm rất lớn, sơn son thếp vàng, sống động sắc xảo chứng tỏ một tài nghệ đúc khắc cao. Dấu vết bể dâu là những đường nứt nhỏ, chẳng khác gì những lớp xếp mờ tỏ trên trán khách sau 30 năm dâu bể.
Vùng phụ cận của Paksane
Pak Kađing vừa là tên một trong sáu mường (Mường Pak Kađing) thuộc Borikamxay vừa là tên làng (Bản Kađing) gần Paksane, cách khoảng 50 km về phía đông. Pak có nghĩa là miệng, Kađing là tên con suối (hay nhánh sông) chảy ra sông Mêkông, là trạm dừng chân của mọi phương tiện giao thông đường bộ đi-về giữa Vientiane và các tỉnh miền Nam. Nam Kađing nổi tiếng có nhiều loại cá ngon, cách thức chế biến, gia vị cũng đặc trưng.
Ngoài ra, chung quanh Pak Kađing còn có bản Nakay-Nam Thun, bản Nahin và Phou Pha Mane với một vùng núi rừng rộng lớn, kỳ
vĩ - 3700 km2 - nhất là khoảng thời gian về chiều. Đây chính là một Khu Bảo tồn đa dạng sinh học Quốc gia (National Biodiversity Conservation Area, NBCA) và được Quỹ bảo trợ cuộc sống hoang dã thế giới (World Wildlife Fund) bảo trợ, nơi còn khá nhiều loài thú có nguy cơ tuyệt chủng như gấu đen, báo, voi, cọp, mang lớn, sao la.