Tài liệu: Lào - Xiêng Khoáng

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Xiêng Khoáng nằm ở hướng đông bắc Lào, cách Vientiane 435 km, với địa thế núi non trùng điệp.
Lào - Xiêng Khoáng

Nội dung

Xiêng Khoáng

Xiêng Khoáng nằm ở hướng đông bắc Lào, cách Vientiane 435 km, với địa thế núi non trùng điệp. Xiêng Khoáng ngự trị trên cao độ là 1.500 đến 2.000m, do đó khí hậu mát mẻ quanh năm.

Diện tích: 15.880 km2

Dân số (2004): 262.200 người (4.5% tổng số dân toàn quốc).

Xiêng Khoáng được chia ra thành 6 Mương. Thủ phủ hiện nay là Mương Phonesavanh (với số dân 57.000 người). Trước đây Mương Khoáng là thủ phủ của Xiêng Khoáng nhưng đã bị không quân Hoa Kỳ san thành bình địa bằng đủ loại bom vào những năm 1964-1973. Địa phận Xiêng Khoáng có chung biên giới với Việt Nam và đã từng là nội thuộc Việt Nam (1434), một giai đoạn đã bị sáp nhập vào Việt Nam đước cái tên Trấn Ninh (l479). Sau khi vua Souriya Vongsa băng hà (1694), Lào bị chia ra ba vương triều, Xiêng Khoáng thuộc địa phận của Việt Nam lần nữa. Năm 1893, hiệp ước Pháp-Xiêm được ký kết, Xiêng Khoáng mới trở lại của Lào thuộc Pháp.

Suối nước nóng

Ở Xiêng Khoáng có hai nguồn nước nóng (tới 600C) là Bò Nhày (nguồn lớn), Bò Nỏi (nguồn nhỏ), thuộc Mương Kham, cách Phonesavanh khoảng 50 km về hướng bắc. Ở Bò Nhày có vài chỗ chỗ tắm. Suối nước nóng ở đây có thể trị được một số bệnh (nhất là bệnh ngoài da) nên giá cả tương đối cao.

Thặm Piu (động Piu)

Gần Mương Kham có Thặm Piu thuộc Bản Na Mơn, cách Phonesavanh 33 km. Thặm Piu được thế giới biết đến từ năm 1969, sau sự kiện không quân Hoa Kỳ đã phóng rocket vào giết cùng một lúc 400 đàn bà, trẻ em, và người già đang trốn bom trong đó.

Là một thủ phủ mới được kiến thiết lại nên địa điểm này vẫn còn khá ngổn ngang. Ở đây nổi tiếng với những đặc sản thịt thú rừng từ hươu, nai, sóc, lợn rừng, trĩ, đa đa (gà gô) ...

Cánh đồng Chum

Cánh Đồng Chum là tên dịch từ tiếng Lào Thuôồng Háy Hín, (tiếng pháp: Plaine des Jarres; tiếng Anh: Plains of Jars). Điều lạ lùng là Chum nằm rải rác khắp địa phận Xiêng Khoáng (nơi khác không có). Nhưng cho tới nay, du khách chỉ được phép đến Thăm 3 địa điểm quanh Phonesavanh: Địa điểm 1 hay Bản Ang, địa điểm 2 hay Lắt Sén và địa điểm 3 hay Bản Sua, cách Phonesavanh theo thứ tự 12, 23 và 28 km, tổng cộng diện tích 1.000 km2.

''Một số truyền thuyết kể lại rằng, ngày xưa, khi Xiêng Khoáng còn là lãnh địa tự trị của bộ tộc Phuôn, Chao Angka là lãnh chúa mường Pa Kăn quá ác độc đến nỗi dân Phuôn chịu không nổi phải đi cầu cứu với Khoun Chương, là một lãnh chúa hiền từ về giải phóng họ. Khoun Chương đưa quân về đánh đuổi được Chao Angka và ra lệnh cho quân sĩ đục đá làm chum ủ rượu cần ăn mừng ngày chiến thắng đến 7 tháng. Sự kiện này cách đây đã 1.500 năm''.

 Ngoài ra, còn có truyền thuyết ghi rằng: “Chum đá là các chum rượu của người  Kh'mú để uống trong lễ cầu hồn các chiến sĩ trận vong trong chiến tranh...''.

Địa điểm số 1 hay Bản Ang

Địa điểm số 1 nằm trên một ngọn đồi lộng gió, cao 1.000 m, ít cây cối xung quanh là một khu rừng thưa (vì bị bom tàn phá), xa xa là dãy Trường Sơn chập chùng trong nắng sớm. ở đây có một khoảng đất trống làm chỗ đậu xe, sâu hơn một chút là quán nước đồng thời là trạm bán vé tham quan, 5000 Kips/người. Lối lên đồng chum là những bậc thang thoai thoải được nện đá núi cẩn thận, mưa xuống cầu thang không bị trơn hay lầy lội. Đứng từ quán nhìn lên, qua hàng phi lao, ta thấy thấp thoáng những cái chum khá lớn dáng nghiêng nghiêng.

Bước qua bậc thang cuối cùng phía trên là cả một cánh đồng rất nhiều chum, rãi rác từng nhóm mười cái có 5, 7 cái có, riêng lẻ có, to nhỏ cao thấp không đều, với những hình dạng khác nhau: cái miệng vuông, cái miệng tròn, miệng lồi... đứng phơi dưới nắng hay nằm ẩn hiện dưới những tán cây xanh; cái đứng hẳn trên mặt đất, cái lún một phần thân dưới đất.

Hiện nay tổng cộng số chum tìm được là 700 chiếc. Địa điểm Bản Ang có 250 chum, nổi tiếng nhất. Chum được làm từ đá vôi, đá ong, đá cẩm thạch. Đường kính trung bình là 0.8m, cao 2.5m, nặng 6 tấn. Chum cao nhất là 3.25m. Số chum này đã được các nhà khảo cổ xác định có niên đại cách nay 3.000 năm.

Theo nhà khảo cổ người Pháp, Henri Parmentier, người đã từng đến cánh đồng chum vào năm 1923, thì chính ông Vinet, một quan thuế Pháp, là người phát hiện và cho thế giới phương Tây biết tới những chiếc chum khổng lồ này từ năm 1909.

Năm 1930, bà Madelelne Colani thuộc trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (Ecole Francaise d'Extrême-Orient) đến Cánh đồng Chum nghiên cứu một cách tận tường. Trong 2 cuốn sách ''Mégalithes du Haut-Laos'' (Cự Thạch Cổ của Bắc Lào, 1935) và ''Madeleine Colani'' (gọi Xiêng Khoáng là Trấn Ninh) bà đã khẳng định ''những chiếc chum khổng lồ này không phải là những chum ủ rượu vì không có dấu vết nào chứng mình điều đó cả. Chẳng ai lại mất công đục đá tảng làm những cái chum khổng lồ và chỉ để ủ rượu ăn mừng chiến thắng. Làm được từng này chum chắc chắn phải mất vài chục năm. Ai lại ăn mừng chiến thắng sau vài chục năm?''. Bà đưa ra giả thuyết mỗi cái chum là một cái quách chôn người chết. Giả thuyết của bà càng được củng cố khi bà phát hiện ra những dấu vết xương, răng người; những vòng tay bằng đồng thau, những chuỗi hạt bằng thủy tinh và đá carnelian ... trong những chiếc chum khổng lồ, những nồi đất đựng xương người chôn chung quanh chum, cộng thêm một cái động trong đồi đá vôi gần Bản Ang, lòng động xuyên thẳng lên đỉnh đồi như hai ống khói tự  nhiên, vết nám đen trên vách... bà cho đó là một cái lò hoả thiêu người chết.

Sau đó Colani còn nghiên cứu về bộ tộc Phuôn, cư dân của vùng đất này và phát hiện thêm phong tục chôn người chết trong chum (mộ chum) theo truyền thống của người Phuôn trùng hợp với thời kỳ cánh đồng chum hình thành. Có điều, khi nghiên cứu, phân tích bằng phương pháp carbone những xương trong chum, trong nồi các nhà khoa học ngạc nhiên nhận ra rằng tuổi xương còn cao hơn tuổi chum!

Tuy nhiên, đến nay giả thuyết Cánh đồng Chum là một nghĩa trang khổng lồ vẫn được các nhà khảo cổ học thừa nhận. Câu hỏi còn bỏ lửng về những cái chum khổng lồ này là: Ai làm ra? Làm thế nào người xưa có thể vận chuyển các chum lên đây khi mà loại đá dùng làm những chum này chỉ có ngoài địa phận Xiêng Khoáng đến 40 km?

Địa điểm số 2 và số 3

Địa điểm số 2 hay Lắt Sén có khoảng 100 chum, và địa điểm số 3 hay Bản Sua cũng có khoảng từng ấy chum. 250 chum còn lại nằm rải rác ở ba địa điểm còn đang được rà dọn mìn. Có lẽ hai địa điểm 2 và 3 do đường xá chưa được nâng cấp, bụi đỏ, ít người đến Thăm, nên cảnh quan hơi âm u, cây cối mọc um tùm. Ở giữa những chum bị thủng đáy, theo thời gian, là những rễ, những gốc cây to lớn đâm xuyên qua.

Sau thời bà Madeleine Colani (1866-1943) việc nghiên cứu về cánh đồng chum bị bỏ quên, rồi chiến tranh, rồi giải phóng, rồi đóng cửa ... mãi đến 1989, cánh đồng chum mới thấy lại bóng người. Và cánh đồng chum đã trở thành khu di tích lịch sử văn hoá của đất nước Lào, đồng thời mỗi năm là địa danh kỳ bí thu hút nhiều ngàn lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Hiện nay UNESCO đã và đang nghiên cứu, khảo sát, đánh số các chum. Việc nâng cấp hạ tầng cơ sở cho Phonesavanh cũng đã và đang được ráo riết thực hành. Trong một thời gian gần cánh đồng chum sẽ được nằm trong danh sách di sản văn hoá của thế giới như cố đô Luồng Prabang (1995) và quần thể Wat Phou ở Champassak, nam Lào (2001).

Một điểm đặc biệt là trong cả ba địa điểm, Chum nhiều mà nắp chum quá ít. Có thể nắp chum (không quá nặng) đã được người ta đưa về nhà hay đưa ra nước ngoài bảo lưu?

Cũng giống như các tỉnh và thành phố khác ở đất nước Lào, Xiêng Khoáng là nơi sống chung của nhiều phầu (bộ tộc), trong đó 2 bộ tộc Khuôn và Hmông-Dao chiếm đa số (70%).

Bộ tộc Khuôn

Theo thống kê năm 2004 của ủy ban dân tộc Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, bộ tộc Phuôn có 112.800 người, chủ yếu sinh sống ở miền bắc. Họ tự nhận là hậu duệ của người Thái, qua Lào từ thế kỷ XIII, nói tiếng Phuôn, thuộc nhóm ngôn ngữ Thái-Kađai. Người Phuôn thích sống trong các làng bản nhỏ, gần lưu vực; đơn vị xã hội căn bản là gia đình, theo thiết chế tộc trưởng nhưng liên hệ vợ chồng rất hoà thuận. Nghề chủ yếu của người dân ở đây là nông nghiệp, không có phân biệt nam nữ trong lao động (đàn ông vẫn thường xuyên giúp vợ làm công việc nhà, chăm sóc con cái và phụ nữ cũng được tham gia vào những lĩnh vực mà trước đây chỉ có đàn ông đảm nhận). Người dân nơi đây luôn cần kiệm, ngay thẳng, 96% là thứ Phụt (tin Phật). Hiện nay trong các bản làng của bộ tộc Phuôn vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán độc đáo thu hút khách du lịch tìm hiểu, khám phá.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2954-02-633560267355625000/Thang-canh-du-lich/Xieng-Khoang.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận