Tài liệu: Thái Lan - Lược sử Thái Lan

Tài liệu
Thái Lan - Lược sử Thái Lan

Nội dung

LƯỢC SỬ THÁI LAN

 

kì lịch sử

Cho đến nay, người ta không biết được gì nhiều về thời tiền sử của Thái Lan. Những chứng cứ có được còn quá ít. Một số nhà khoa học tin rằng một vài vùng thuộc lãnh thổ Thái Lan ngày nay đã có những người đầu tiên đến định cư vào thời kì đồ đá. Người ta đã khai quật được những bộ xương có niên đại từ thời kì đồ đá ở tỉnh Kanchanaburi, hay những bức họa bí ẩn tìm được trên những vách đá gần ngã ba biên giới Thái-Lào-Campuchia cũng như tại Ko Kian vùng Phang Nga. Nhưng ngoài việc đoán ước những bức họa này có niên đại ít nhất cũng đến 3.000 năm ra thì các nhà khoa học không biết được gì nhiều về các họa sĩ đã vẽ ra chúng.

Những nơi định cư đúng nghĩa đầu tiên - nơi người ta tụ thành nhóm, trồng trọt cấy hái, làm đồ gốm và dệt vải - là trên các sườn đồi núi. Khoảng 2000 năm trước Công nguyên (TCN) đã có nhiều nơi định cư như thế rải rác khắp đất nước. Quan trọng nhất là hai vùng định cư ở vùng cực Bắc - Nam Nok Tha và Ban Chiang. Vùng định cư Ban Chiang được giới khoa học rộng rãi công nhận là đã hình thành vào khoảng 3.500 năm TCN. Vào khoảng 1.000 năm TCN, nơi đây đã có một nền văn hóa khá phát triển, sản xuất ra được những sản phẩm gốm rất nổi bật. Vào cuối thời kì này, khoảng 300 TCN đến 300 Công nguyên (CN) nơi đây đã đạt đến đỉnh cao trong các nghề chế tác gốm sơn, chế tạo công cụ sắt và đồng, nữ trang bằng đồng thanh và thuỷ tinh. Người ta đã phát hiện được nhiều thứ vật dụng như vậy trong khi khai quật những nghĩa địa cổ, nơi cư dân Ban Chiang thời xưa chôn cất người chết cùng với số lượng lớn của cải.

Những người Ấn Độ di cư đầu tiên đến bán đảo Malay là từ thế kỉ VII TCN. Theo các sử liệu ghi chép của Trung Hoa thì vào khoảng thời gian Đức Chúa Giê-su ra đời, ở nơi đây người ta đã lập nên 10 thành bang, trong đó quan trọng nhất là thành phố Nakhon Si Thammarat.

Các vị vua Sukhothai cai trị bằng một bộ luật gọi là Thammasat. Bộ luật này tuyên bố một nhà vua lí tưởng cần phải tuân theo “10 đức hạnh của đấng quân vương, ngài phải là quả quyết, hòa nhã, biết thương xót, rộng lượng, sùng đạo, không bạo ngược, không giận dữ, không hận thù, phải làm phúc và đặt lợi ích của thần dân lên trên hết”.

Khi người Mon, một tộc người có nguồn gốc từ miền Nam Trung Quốc di cư đến vùng lòng chảo Mae Chao Phraya, họ chiếm lấy những vùng đất đã khai hóa cũng như những tư tưởng tôn giáo và nghề thủ công của người Ấn Độ. Họ cũng đã thiết lập triều đại Dvaravati ở Nakhon Puthon vào thế kỉ VI. Về sau, họ bành trướng lên phía Bắc đến Haripunjaya (bây giờ là Camphun) xuống miền Nam đến bán đảo Malay, sang phía Tây đến Miến Điện, nơi họ đã lập ra Nhà nước Pegu hùng mạnh một thời. Quyền lực của người Khmer đã đạt đến đỉnh cao vào thế kỉ XI, cho đến khi vua Anawrahta người Miến Điện đuổi họ ra khỏi đất nước của mình và thậm chí chiếm luôn cả vùng Đông Bắc trung tâm trong một thời gian ngắn.

Những nhóm người Thái có lẽ đã bắt đầu di cư đến vùng đất ngày nay là Thái Lan từ thế kỉ thứ VIII. Nhưng phải đến thế kỉ XlII họ mới thực sự có được quyền lực. Năm 1238, người Thái ở Sukhothai không chỉ từ chối đóng thuế sử dụng nước cho những lãnh chúa người Khmer mà họ còn đánh đuổi luôn những lãnh chúa đó ra khỏi vùng đất này và thiết lập nên một nhà nước mới. Vị thủ lĩnh mới là Sri Indradia lên ngôi.

Thời kì Agutthaya (1350-1767)

Đến cuối thế kỉ XIV một nhà nước mới đã ra đời: vương quốc Agutthaya (tức Xiêm La) và trở thành nhà nước hùng mạnh nhất trong số tất cả những vương quốc Thái từng tồn tại cho đến bây giờ. Cuối thế kỉ XVI, Xiêm đứng trước hiểm họa xâm lược của Miến Điện. Năm 1569, Xiêm trở thành lãnh thổ của Miến Điện cho đến tận năm 1584, khi Hoàng tử Naresuan nắm lấy cơ hội từ cuộc chiến tranh ở Miến Điện, ông đã tuyên bố độc lập. Năm 1590, ông lên ngôi cai trị một vùng đất rộng mênh mông bao gồm tất cả các vùng lãnh thổ miền Bắc và một phần của Lào.

Đến năm 1787, người Miến Điện lại xâm lược và chiếm được Agutthaya. Mặc dù chiến thắng áp đảo nhưng người Miến Điện không duy trì được lâu sự kiểm soát của mình đối với người Xiêm. Một vị tướng trẻ tuổi là Phya Taksin cùng các tướng lĩnh của mình đã chọc thủng vòng vây của Miến Điện rồi chạy thoát tới Chantaburi. Bảy tháng sau khi vương triều Agutthaya sụp đổ, ông cùng lực lượng của mình đã giương buồm trở lại thủ đô và đánh tan quân Miến Điện chiếm đóng.

Thời kì Thon Buri (1767-1772)

Tướng Taksin quyết định dời kinh đô từ Agutthaya tới một vị trí gần bờ biển hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho ngoại thương, bảo đảm việc mua vũ khí, dễ phòng thủ và rút lui trong trường hợp Miến Điện quay lại tấn công. Ông đóng đô ở Chao Phraya. Nhưng sau đó chế độ cai trị của Taksin không thuận lợi. Sau khi ông qua đời năm 1782, tướng Chakri lên cầm quyền và thiết lập vương triều Rama trị vì đến ngày nay.

Trong các thế kỉ tiếp theo, dưới sự trị vì của vương triều Chakri, Vương quốc Xiêm La bắt đầu thu hút sự chú ý của người phương Tây. Ngay từ đầu thế kỉ XVI, thương nhân Hà Lan đã đến đây buôn bán, nhưng ngoài mục đích kinh tế, các quốc gia phương Tây còn mang theo mưu đồ chính trị muốn làm chủ mảnh đất rộng lớn.

Thời kì Rama

Giữa thế kỉ XIX, ở Xiêm đã xuất hiện những mầm mống kinh tế của quan hệ tư bản chủ nghĩa, quan hệ buôn bán với các quốc gia phương Tây cũng được khôi phục sau hơn ba thế kỉ đóng cửa. Đây cũng là thời kì các nước tư bản đã cơ bản hoàn thành xong công cuộc xâm lược các nước ở Á châu: Anh chiếm xong Ấn Độ, một phần Mã Lai và Miến Điện; Pháp chiếm xong Đông Dương. Chính vì thế để tránh một cuộc đối đầu quân sự không cân sức vua Xiêm là Mông cút (Rama IV) đã buộc phải kí với Anh hiệp ước không bình đẳng đầu tiên (4-1855) với rất nhiều ưu đãi cho hàng hóa của Anh xâm nhập vào thị trường trong nước. Năm sau, Xiêm lại lần lượt kí một loạt hiệp ước bất bình đẳng với các nước Mĩ, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Đức, Thụy Điển, Na Uy, Bỉ... và năm 1867 kí với Pháp. Chủ định của nhà cầm quyền Xiêm là muốn lợi dụng sự có mặt của các nước tư bản ở Xiêm để chúng mâu thuẫn và kiềm chế lẫn nhau. Nhưng hậu quả của những hiệp ước bất bình đẳng đó đối với kinh tế, xã hội Xiêm hết sức nặng nề. Với các hiệp ước đó, Xiêm bị biến thành nơi cung cấp lương thực, nguyên liệu rẻ mạt và thị trường tiêu thụ hàng hóa cho các nước tư bản. Nền kinh tế trong nước bị lệ thuộc nặng nề vào nước ngoài, hàng xuất khẩu tăng nhanh trong khi đó đời sống nhân dân lại ngày càng khó khăn.

Chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, các đế quốc phương Tây đã tiếp tục tăng cường xâm chiếm và thôn tính các nước còn giữ được độc lập. Với việc kí kết các hiệp ước, thỏa hiệp Anh và Pháp đã phân chia xong khu vực ảnh hưởng ở Xiêm và biến Xiêm thành một khu đệm và nước phụ thuộc vào hai đế quốc này.

Trước tình hình đó, vua Xiêm là Chulaloongcon (Rama V) đã tiến hành một công cuộc cải cách, xóa bỏ các hiệp ước bất bình đẳng, nhằm dần dần đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bị lệ thuộc. Với một loạt cải cách trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, tài chính, bộ mặt của đất nước có những chuyển biến quan trọng. Nền kinh tế có bước phát triển mới, thu hút được sự đầu tư mạnh mẽ của các nhà tư bản từ Đức, Anh, Pháp, Hà Lan...  Trên bình diện ngoại giao, chính phủ Xiêm cũng tiến hành nhiều cuộc thương lượng để xóa bỏ dần các hiệp ước không bình đẳng đã kí trước đây.

Với những kết quả đó, trên danh nghĩa Xiêm vẫn giữ được nền độc lập chính trị chứ không trở thành thuộc địa của các đế quốc phương Tây như các nước khác trong khu vực, nhưng trên thực tế đất nước này vẫn rơi vào tình trạng phụ thuộc về tài chính và ngoại giao.

Dưới thời Rama VII, cuộc khủng hoảng chính trị của Xiêm đã lên đến đỉnh điểm. Năm 1932, một nhóm sĩ quan và trí thức được đào tạo ở châu Âu đã đảo chính cướp chính quyền và tuyên bố thành lập nhà nước quân chủ lập hiến, họ muốn bằng cách đó giới hạn quyền lực của nhà vua. Ngoài việc tuyên bố thành lập nền quân chủ lập hiến, những nhà cầm quyền mới đã ngay lập tức mở rộng giáo dục, củng cố nền hành chính quốc gia, đổi tên nước từ Xiêm thành Thái Lan - có nghĩa là miền đất tự do, tuyên bố thoát khỏi sự ràng buộc của các đế quốc phương Tây qua các hiệp ước bất bình đẳng được kí kết trong thế kỉ XIX.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2744-02-633544959060312500/Lich-su-va-van-hoa/Luoc-su-Thai-Lan.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận