Bí ẩn Sêbănghiêng
Dường như để bù trừ cho việc thiếu biển, tạo hoá đã ưu đãi cho đất Triệu Voi những con sông đẹp như tranh vẽ, chẳng hạn như Sêbănghiêng rất nên thơ nhưng cũng rất hùng vĩ với những thác ghềnh và dòng nước biếc xanh…
Con sông chảy ngược...
Khởi nguồn đâu đó tận dãy Kẻ Bàng của Quảng Bình, dòng Sêbănghiêng chảy xuyên suốt tỉnh Savanakhet. Có vẻ đây là một trong những con sông hiếm hoi không tự mình tìm ra biển mà lại chảy ngược theo hướng tây, lên mãi thành phố Sa Vằn để hợp lưu cùng dòng sông mẹ Mêkông rồi mới đổ về châu thổ Cửu Long. Con sông chảy ngược dường như cũng đã kịp chia phần mình thành hai, khi ở ngay giữa thân mình rẽ thành một nhánh Sêpôn hiền hoà lững thững vượt biên giới nhập vào dòng Đakrông của đất Quảng Trị...
Chúng tôi xuôi theo dòng Sêbănghiêng trên con thuyền nhỏ làm bằng vỏ quả bom bi lớn. Nước lững lờ xanh ngắt mùa khô và nắng trong vắt. Thế mà bỗng dưng trời đổ mưa, mưa to, sấm động. Chú nai rừng vừa ghé miệng uống nước bên bờ sông hoảng hốt phóng vội vào rừng khiến những mảng lau sậy bên bờ rẽ ra như sóng. Những người bạn Lào đi cùng mỉm cười nói hai bên bờ Sêbănghiêng thú rừng không hiếm bởi người Lào hầu hết theo đạo Phật, coi việc sát sinh thú rừng là tội lỗi.
Qua những bãi đá nhô cao, đôi khi xuồng phải tắt máy, chúng tôi lội nước bì bõm để đẩy xuồng len lỏi giữa đá tai mèo. Mùa nước lớn, đấy sẽ là những ghềnh thác dữ tợn, chắc chắn hấp dẫn những ai thích cảm giác mạnh. Những bản làng người Lào Thưng - một nhánh dân tộc Lào - hai bên bờ sông thật mến khách. Bạn là ai, bạn làm gì không quan trọng, chỉ cần bạn ghé nhà sẽ có ngay món rượu nếp Lào mời khách cùng xôi = khau niêu - và món cá nướng hoặc chẻo - một loại nước chấm ăn với cơm nếp.
Đèo Phu Viêng, đường 23 và ngầm Samatẹt
Sêbănghiêng chảy từ bình nguyên Sêpôn ngược lên dãy Phu Viêng, bức tường thành tự nhiên bao bọc hai tuyến Sêpôn và Mường Phìn của Savanakhet, vòi vọi và cắt ngang đường 23, đường Souphanuvông, con đường do chính vị hoàng thân thiết kế, bằng cây cầu TaThay. Cầu xây dựng từ giữa những năm 40 nhưng giờ chỉ còn là đống đổ nát sau chiến tranh và được giữ gìn như ký ức một thời đau thương. Vào những năm 1970, đường 23 là con đường huyết mạch và cũng là con đường của tình hữu nghị Việt - Lào, khi những đoàn xe của bộ đội ta chở hàng ra tiền tuyến phải vượt đất Quảng Bình sang Tây Trường Sơn chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bây giờ những rừng chồi mọc chen giữa rừng nguyên sinh hai bên đường, đó đây những chùm phong lan trắng toả hương đầy mê hoặc. Trên con đường này nhiều tình nguyện quân Việt Nam năm xưa đã nằm lại mà đến giờ hài cốt vẫn chưa tìm thấy.
Từ cầu Tathay, đu khách xuôi đèo Phu Viêng về với thị trấn Mường Phìn và tạt vào thăm ghềnh Samatẹt, tiếng Lào nghĩa là ghềnh ngựa phi. Mùa khô nhưng con nước ầm ì réo rắt trên những dãy đá nhấp nhô. Đây là di tích lịch sử cấp quốc gia của nước Lào, vì ghềnh này đã từng là nơi giao tranh ác liệt giữa các đơn vị Pathét Lào cùng các chiến si tình nguyện quân Việt Nam với quân địch. Ngày cuối tuần, những bạn trẻ Lào vượt 20km từ Mường Phìn đến đây cắm trại; họ câu cá, hái măng và nhóm lửa làm bếp bên bờ ghềnh. Đoạn ghềnh Samatẹt này chính là cái đinh cho một tour du lịch Sêbănghiêng. Ở giữa cánh rừng nguyên sinh trên bờ, năm ngôi nhà sàn đặc trưng văn hoá Lào được dựng lên như sẵn sàng chuẩn bị cho các chương trình du lịch.