Tài liệu: Thái Lan - Lễ hội

Tài liệu
Thái Lan - Lễ hội

Nội dung

LỄ HỘI

 

Các ngày lễ lớn của Thái Lan

Ngày Tết dương lịch: 1 tháng Giêng

Ngày Makha Puja: tháng 2 hoặc tháng 3

Ngày Chakri: ngày 6 tháng 4

Ngày Song krân: giữa tháng 4

Ngày Quốc tế lao động: 1 tháng 5

Ngày đăng quang: 5 tháng 5

Ngày Visakha Paja: trong tháng 5

Ngày Asalha Duja: trong tháng 7

Ngày Khao Pharsa: trong tháng 7

Ngày sinh nhật Hoàng hậu: 12 tháng 7

Ngày Chulalongkorn: 23 tháng 10

Ngày sinh nhật Quốc vương: 5 tháng 12

Ngày Hiến pháp: 10 tháng 12

Phù hợp với một chế độ quân chủ, ngày sinh của Đức vua và Hoàng hậu Thái Lan là những ngày quốc tế quan trọng. Các trường học và các cơ quan nhà nước được trang hoàng cẩn thận, các khu vực xung quanh Hoàng cung. Thành phố Bangkok được thắp đèn rực rỡ và kèm theo là bắn pháo bông.

Người Thái cũng tôn vinh ngày Chakri, tức là ngày thành lập của triều đại hiện nay, và ngày đăng quang, tức là ngày vua Bhumihal chính thức lên ngai vàng.

Ngoài ra, là một nước sùng đạo Phật, Thái Lan cử hành những ngày lễ quan trọng với những nghi lễ đem lại cho tín đồ Phật giáo khắp đất nước một cơ hội để họ đóng góp phần công đức, với những vật phẩm cúng cho các nhà sư và những đám rước đèn cầy vào ban đêm. Nhiều khi còn có những đám đông tụ tập để nghe kể những truyền thuyết về Đức Phật.

Trong một năm, người Thái Lan có rất nhiều lễ hội liên quan đến những nghi thức tôn giáo này.

Lễ Magha Puja vào tháng Hai kỉ niệm ngày 1.250 tín đồ tập hợp lại để nghe Đức Phật thuyết pháp. Lễ Visakha Puja vào tháng Năm kỉ niệm ngày Phật đản, ngày Phật giác ngộ và ngày Đức Phật niết bàn.

Lễ Khao Phansa vào tháng Bảy để tuyên bố bắt đầu mùa An cư của Phật tử - cũng là ngày chấm dứt gió mùa hàng năm. Mùa An cư là lúc dân chúng dâng tặng áo cà sa mới cho các nhà sư.

Songkran

Theo lịch truyền thống, Tết năm mới của người Thái vào ngày 13 tháng 4, nó được biết đến với tên gọi lễ Songkran, là một dịp không chỉ để làm công đức mà còn để vui chơi. Đây cũng là ngày dân chúng đi vòng quanh khắp làng, lấy cốc chén, xô chậu hay vòi nước để múc nước té vào người khác với ý nghĩa chúc phúc cho họ. Trong ngày này, ai bị té ướt nhiều nhất và ướt nhiều lần nhất tức là người đó gặp nhiều may mắn và luôn được mọi người chúc phúc.

Lễ hội Loy Krathong

Sự kiện đẹp nhất trong năm là lễ hội Loy Krathong, được tổ chức trong ba ngày vào dịp trăng tròn tháng Mười một. Krathong có nghĩa là cây nếu nhỏ hoặc cây đèn nhỏ được gắn trên những chiếc bè làm bằng lá như hình hoa sen, trong đó có chở một số lễ vật như hoa, hương, ngọn nến và một đồng xu. Suốt trong những đêm đó, mọi kênh rạch ở Thái Lan đều đông nghẹt hàng ngàn ngọn đèn cầy đặt trong những chiếc giỏ nho nhỏ bằng lá đẹp đẽ. Ở Chiêng Mai, ngày lễ này còn có cả việc thả những chiếc đèn gió khổng lồ. Ở khắp mọi nơi, diễn ra những đám rước, đốt pháo bông và những ánh đèn rực rỡ trong suốt ba đêm liền.

Du khách đến Thái Lan vào dịp trăng tròn không thể không chiêm ngưỡng lễ hội này. Đây có thể nói là một trong những lễ hội ngoạn mục nhất ở “đất nước của tự do”. Nhân dân tự tập bên bờ những con sông, kênh đào, ao, hồ, thả Krathong xuống mặt nước lung linh ánh nến trong đêm.

Lễ hội truyền thống này được tổ chức sau mùa mưa để tạ ơn Mae Khongkha, nữ thần sông nước. Những người tạ ơn nữ thần thắp ngọn nến, lẩm nhẩm cầu khấn và thả Krathong xuống nước, và khi đó họ tin là sẽ rửa sạch tội ác, cuốn đi những đau khổ và nỗi bất hạnh.

Loy Krathong có lịch sử lâu đời. Sách kể lại rằng: Nàng Naang Nopames là một nữ nghệ sĩ trong Cung điện Sukhothai cách đây chừng 700 năm, khôn ngoan, khéo léo nên được vua Ramkhamhaeng (trị vì gần 20 năm, từ năm 1278 đến 1298) rất sùng ái.

Nàng Naang Nopames trong một lần đã dâng tặng nhà vua một chiếc thuyền được trang trí rất đẹp. Chiếc thuyền nhỏ được nàng tự tay kết bằng những lá chuối tươi xanh, trên thuyền có thả mấy quả cau, lá trầu, gạo rang, hoa thơm và nhiều quả tươi như đu đủ và quả bí được chạm khắc hình của nhiều loại hoa quả loài vật. Tất cả đều được xếp thành hình nón ở giữa. Ngoài ra còn có những đóa hoa giả được nhuộm màu bằng nước vỏ cây trông như thật được trưng bày cùng với vài đồ phác họa đồ chơi của trẻ con và những nén hương thơm. Nàng Naang Nopames say sưa, thích thú làm ra và thả Krathong để tạ ơn Đức Phật và được nhà vua chọn là chiếc thuyền đèn đẹp nhất. Sau đó, nhà vua đã ra sắc lệnh tổ chức ngày lễ Phật vào đêm trăng tròn, lấy việc thả đèn làm biểu tượng của ngày lễ. Thoạt đầu ngày lễ này chỉ được tổ chức trong phạm vi cung đình. Sau đó mở rộng ra toàn xã hội và phát triển thành lễ hội thả đèn như ngày nay.

Lễ hội thả đèn được tổ chức ở thời điểm nước lên cao nhất tạo thành cảnh đẹp lộng lẫy trên sông nước tương phản với cảnh thành phố cổ Sukhothai điêu tàn. Công viên lịch sử Sukhothai, một quần thể hoang phế 700 năm cổ xưa đã được khôi phục lại trở thành một vùng đất kì ảo với những ngọn nến lung linh trong lễ hội Krathong huyền diệu. Không khí lễ hội đắm chìm trong hương thơm nghi ngút và mùi vị thức ăn đường phố. Khi hàng ngàn Krathong được thả xuống nước hồ, ao phẳng lặng suốt 5 ngày đêm liền, Sukhothai nhộn nhịp trong màu sắc muôn vẻ, rực rỡ với những cuộc diễu hành, hội chợ đường phố, biểu diễn sân khấu và đốt pháo bông, lễ hội hóa trang sặc sỡ màu sắc dân gian, pha trộn giữa lịch sử và ý nghĩa truyền thống không giống bất kì lễ hội nào.

Tại vùng di tích khảo cổ, một cuộc trình diễn âm thanh và ánh sáng được thể hiện trên bầu trời trăng sáng. 100 người biểu diễn mô tả câu chuyện Sukhothai sinh ra. Bóng tối, sương mù, những ngọn đèn màu tạo thành những ảo giác trên đám hoang tàn. Cuộc trình diễn kết thúc bằng những màn pháo hoa nổ tung trên bầu trời đêm khuya. Niềm tin và những trò vui tạo thành tinh thần của lễ hội Krathong. Vào buổi sáng trước lễ hội vĩ đại Sukhothai, các nhà sư trong những bộ áo dài vàng nghệ đi thành hàng dưới những lùm cây cọ gần lối vào công viên. Để chuẩn bị cho lễ hội đêm linh thiêng, các nhà sư ngồi xuống giữa những người mộ đạo, tụ tập lại tụng kinh Phật Ted Maha Chart kể lại tỉ mỉ lần tái sinh thứ 13 của Đức Phật, nhắc nhở đến công lao và sự hi sinh cao cả của Người.

Ở Chiang Mai, lễ hội như vậy được gọi là Xi Xeng, pháo hoa, thuyền hoa sen thắp sáng bao phủ trên sông Pung, xung quanh Bangkok hay bất cứ vùng nước nào cũng đều thả Krathong.

Ngày nay, lễ hội Loy Krathong còn được tổ chức vào dịp đầu năm để cầu mong một năm mới tốt lành.

Trong khi mọi người dân đều tham gia vào các lễ hội toàn quốc thì nhiều tỉnh lại có những lễ hội của riêng mình. Trong đó đặc sắc nhất là các lễ hội sau đây.

Lễ Luang Wiang Lakhon ở Lampang trong tháng Hai - một đám rước tượng Phật rất trang nghiêm với sự tham gia của cựu hoàng tộc  Chiang Mai.

Lễ hội Tên lửa Yasothon ở miền Bắc - các quả tên tự chế với đủ kích cỡ được phóng lên trời, nhưng ta tin rằng điều đó sẽ đảm bảo cho thời tiết thuận hòa và vụ mùa bội thu.

Lễ hội Phi Ta Khon ở Loei vào tháng Sáu - một lễ hội đóng giả các thần linh rất vui nhộn để kỉ niệm việc Hoàng tử Vessandorn quay trở về thành phố quê hương. Trong ngày lễ này, mọi người hóa trang thành những con ma đi rong ngoài phố.

Lễ hội Chak Phra ở Surat Thani vào tháng Mười - đây là một lễ hội rước các tượng Phật đặt trên xe kéo đi khắp các đường phố hoặc thả trôi trên các dòng sông và các con kênh.

Lễ hội Lâu đài Sáp ở Sakhon Nakhon vào tháng Mười - trong lễ hội này mọi người thi tài làm những mô hình đền chùa rất đẹp bằng sáp ong.

Lễ hội đua thuyền Lanna ở Nan vào tháng Mười - lễ dâng cúng áo cà sa cho các nhà sư ở địa phương, đồng thời tổ chức cho đua thuyền trên những con thuyền làm bằng gỗ được sơn phết rực rỡ.

Lễ Băm rung là lễ chọi voi và cũng là một trò chơi dân gian vốn được nhân dân Thái Lan rất ưa thích. Đối với người Thái Lan, voi mà họ chuộng nhất là voi trắng, là con vật thiêng và cũng là biểu tượng của nước. Theo huyền thoại về Đức Phật Thích ca thì khi còn đang là một vị Bồ tát trên cõi trời Đạo lị, Đức Phật quyết định sẽ xuống trần gian để cứu độ chúng sinh. Người quyết định sẽ đầu thai vào một gia đình của vị vua hiền ở Ấn Độ và chọn một con voi trắng làm vật để xuống trần gian. Hoàng hậu Ấn Độ đêm ấy nằm mơ thấy một con voi trắng bay từ trên trời chui vào bụng mình. Hoàng hậu mang thai và sau đó sinh hạ được một cậu con trai, đó là Đức Phật. Vì vậy, đối với các cư dân theo đạo Phật thì voi trắng là một con vật rất thiêng, rất quý hiếm. Theo quan niệm của họ, tiếng sấm trên trời chính là tiếng ngà voi chạm vào nhau và báo hiệu một trận mưa rào sẽ ập xuống. Ngay sau khi làm lễ tế trời đất xong người ta thả cho hai con voi chọi nhau với hi vọng rằng tiếng ngà của hai con voi chạm vào nhau sẽ làm cho mưa đổ xuống. Sau trận đấu voi, hai người quản tượng ra múa những điệu mô phỏng các động tác của hai con voi đang chọi nhau.

Nếu như làm lễ Băm rung xong rồi mà vẫn còn ít mưa, người ta làm tiếp lễ “Băm rung Satra”. Lần này, họ mang những tượng thần từ trong đền thờ Bàlamôn ra đặt vào một chỗ có rào kín, không một chút bóng râm nào. Đồ cúng được dâng lên và mỗi ngày hai lần, các giáo sĩ Bàlamôn vừa niệm chú vừa phất những lá cờ nhỏ. Đến chiều, người ta lại rước tượng thần vào đền. Cứ như vậy, ba ngày liền các vị thần bị đem phơi nắng để các giáo sĩ làm lễ cầu mưa. Trái lại nếu trời mưa nhiều, đồng ruộng bị úng lụt thì người ta làm ướt hết tượng Phật và dâng các đồ cúng, niệm cầu các vị thần Phật làm cho trời hết mưa. Rõ ràng người Thái Lan bắt các vị thần Phật cũng phải chịu những điều kiện khắc nghiệt như con người đã phải chịu đựng như nắng hạn, mưa nhiều để các vị nhanh chóng “thông cảm” với mong ước của họ.

Những lễ hội Trung Hoa

Người Hoa ở Thái Lan ăn Tết Năm mới vào cuối tháng Giêng hoặc tháng Hai (dương lịch). Các thương nhân đóng các cửa hiệu của mình để nghỉ ngơi, các văn phòng cũng đóng cửa trong vài ngày, người ta trang hoàng nhà cửa phố xá với đủ mọi kiểu cách. Dấu hiệu của Tết năm mới là những tiếng pháo nổ đùng đoàng, cùng với việc đặt tiền giấy, pháo bông và những đám rước ngoài đường.

Các cộng đồng người Hoa ở Thái Lan tổ chức múa lân và múa sư tử. Những cuộc trình diễn múa sư tử đẹp mắt nhất được tổ chức tại Nakhon Sawan. Ở đây, người Hoa tôn vinh con Rồng Vàng bằng một đám rước rất đông đảo.

Ở miền Nam, vào thế kỉ XIX, những người di cư Trung Quốc ở Phuket và ở Trang đã khởi đầu tổ chức lễ hội ăn chay hàng năm rất khác thường, là nó trở thành một lễ hội chính thức trong năm ở các thành phố này.

Trong ngày lễ này, người Hoa sẽ ăn chay 10 ngày liền và tổ chức nhiều đoàn diễu hành, cũng như trình diễn những trò lạ lùng như bước chân trần trên đống than hồng, xiên vào mặt những cây sắt sắc nhọn. Họ nói rằng những người biểu diễn ở trong tình trạng lên đồng và họ cho thấy rằng chẳng hề có dấu hiệu đau đớn nào cả.

Lễ hội Hồi giáo: Tháng lễ Ramadan là sự kiện quan trọng nhất trong lịch Hồi giáo. Người Hồi giáo nhịn ăn từ 12 giờ đến 15 giờ đồng hồ mỗi ngày trong suốt một tháng ròng rã, trong khi họ vẫn đến các giáo đường để nghiên cứu Kinh Koran vào các buổi chiều. Một bữa tiệc lớn gọi là Id al Fitr đánh dấu sự kết thúc tháng nhịn ăn. Họ cũng kỉ niệm ngày Hijra để tưởng nhớ đến cuộc tị nạn của tiên tri Mohammed đến thành phố Medina (cũng là ngày đầu tiên của năm theo lịch Hồi giáo). Những người Hồi giáo ở Thái Lan cũng tiến hành Haj, tức là hành hương hàng năm theo truyền thống đến Thánh địa Mecca.

Lễ hội mới phát sinh

Với tình yêu dành cho sanuk (vui vẻ), người Thái Lan thường xuyên phát minh ra những “lý do” mới để tổ chức các lễ hội. Các nhóm dân chúng và các tổ chức kinh doanh hậu thuẫn rất đắc lực việc tổ chức. Chương trình lễ hội thông thường bao gồm trưng bày, triển lãm và giải trí với nhiều hình thức, các đám rước, có thể diễu hành trên sông và dứt khoát là phải có một cuộc thi hoa hậu.

Nổi tiếng nhất trong số những lễ hội mới phát sinh xuất hiện từ thập niên 1960 là lễ diễu hành của những chú voi ở Surin miền Bắc Thái Lan. Đây là một màn trình diễn y như thật một cuộc săn bắn và huấn luyện voi rừng ngày xưa. Trong ngày lễ này người ta cho cả voi thợ và voi chiến tham gia.

Các cơ quan du lịch Thái Lan luôn đóng vai trò then chốt trong việc cổ động cho các hội chợ triển lãm sản phẩm ở các địa phương. Trong số đó có lễ hội Dù ở Bor Sang, lễ hội Hoa ở Chiang Mai, lễ hội Chim ở Chinal và lễ hội Lụa ở Khon Kean. Hội chợ trái cây nổi bật nhất là ở Rayong, Trat, Chanthaburi và Nakhon Pathom, còn những hội chợ dành riêng cho xoài được tổ chức pr Chachoengsao và cho nho ở Ratchaburi, cho trái vải ở Chiang Rai, chôm chôm ở Surat Thái, nhãn ở Lamphun... Những “lễ hội” này là những điểm tham quan không thể bỏ qua trong chuyến du lịch của bạn đến đất nước Thái Lan huyền thoại này.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2745-02-633544961110000000/Nhung-net-dac-sac-trong-nen-van-hoa-Thai-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận