THỜI GIAN TRỄ CỦA CÁC TÍN HIỆU RAĐA
Sự phát triển của ngành thiên văn vô tuyến cho phép một lần nữa kiểm tra lại lý thuyết tương đối rộng. Nó liên quan đến sự trễ của thời gian truyền tín hiệu rađa trong trường hấp dẫn của Mặt Trời. Hiệu ứng này được nhà vật lý thiên văn người Mỹ Irwin Shapiro (1918 - 1998) phát hiện và tính toán bằng lý thuyết năm 1962.
Bản chất hiện tượng như sau: Máy phát từ Trái Đất phát đi sóng vô tuyến tới thiết bị phản xạ nằm ở một nơi khác trong hệ Mặt Trời, và thiết bị phản xạ này sẽ phản xạ lại sóng vô tuyến nói trên. Theo những chiếc đồng hồ trên Trái Đất ta có thể đo được thời gian sóng truyền tới thiết bị phản xạ rồi trở lại, và ta có thể so sánh trị số thời gian này với trị số thời gian suy ra từ lý thuyết Einstein. Theo lý thuyết Einstein thì thời gian truyền tín hiệu phụ thuộc vào độ cong của không - thời gian. Vậy, tín hiệu khi đi qua càng sát Mặt Trời thì nó càng chậm trở về Trái Đất.
Bắt đầu từ năm 1966 người ta đã làm thí nghiệm mà vai trò của thiết bị phản xạ là bề mặt các hành tinh (Sao Kim, Sao Thủy) và cả thiết bị điện tử của các trạm tự động giữa các hành tinh (nói riêng là ''Mariner-6''); trạm này nhận các tín hiệu và truyền lại chúng trở về Trái Đất. Sự trễ của các tín hiệu chỉ khác với sự trễ tiên đoán vài phần trăm.
Như vậy, lý thuyết Einstein một lần nữa có được các bằng chứng đáng tin cậy.
Ở cuối thế kỷ XX các hiệu ứng của lý thuyết tương đối rộng được kiểm nghiệm một cách chắc chắn nhờ những quan sát không chỉ ở hệ Mặt Trời mà còn ở ngoài ranh giới của nó. Lý thuyết tương đối rộng được sử dụng để lập những niên giám lịch biểu thiên văn và để tính toán sự chuyển động của các hành tinh lớn của Mặt Trăng và các thiết bị Vũ trụ. Đối với những vấn đề này thì những khả năng của lý thuyết Newton là không đủ.