SỰ UỐN CONG CỦA TIA SÁNG
Từ thời của mình Newton đã cho rằng ánh sáng chịu ảnh hưởng của hấp dẫn. Ngày nay ta biết chính xác ánh sáng chiếu lên vật làm cho vật chịu một áp lực, tức là ánh sáng có mang năng lượng. Điều này tương đương với sự khẳng định rằng ánh sáng có khối lượng (người ta đã tính ra là trong một ngày đêm có khoảng 100 tấn ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống Trái Đất). Nhưng khi đó thì một tia từ một ngôi sao ở xa, khi đi qua gần Mặt Trời, tương tự như những hành tinh hay những sao chổi, phải chuyển động theo quỹ đạo cong. Và vị trí của bản thân sao trên bầu trời sẽ bị xê dịch đi.
Độ dịch chuyển sao có thể tính được song lý thuyết Einstein và lý thuyết Newton sẽ cho những lời giải khác nhau. Lý thuyết Einstein cho kết quả bằng khoảng 1,75’’, còn thuyết Newton cho kết nhỏ hơn hai lần. Lý thuyết Einstein đã đưa vào bổ chính tương đối tính do sự cong của không gian gần Mặt Trời. Các quan trắc thiên văn trực tiếp đã giúp xác định lời giải đúng.
Ngôi sao nằm trên một đường thẳng với Mặt Trời - Trái Đất ta chỉ có thể thấy được trong khoảng thời gian nhật thực toàn phần. Từ năm 1919 đã có nhiều đoàn khảo sát về vấn đề này. Và chỉ từ năm 1969 mới xuất hiện khả năng xác định độ dịch chuyển của các sao độc lập với nhật thực - nhờ đo độ lệch của các sóng vô tuyến đi từ các quasar. Nhờ những quan trắc thiên văn trực tiếp người ta đã thu được những giá trị gần với những giá trị do Einstein tiên đoán sai số không vượt quá 10%.