Thực vật biến đổi di truyền có đe dọa sức khỏe của chúng ta không?
Ảnh hưởng khả dĩ của sản phẩm cây trồng biến đổi di truyền đến sức khỏe cần phải đánh giá trong từng trường hợp. Khái niệm rủi ro về thực phẩm được dựa trên khái niệm chất tương đương: thực phẩm biến đổi được so sánh với cùng loại không biến đổi. Nếu có sự tương đương chặt chẽ thì không cần phải có thêm thử nghiệm nào nữa. Đó là trường hợp gen truyền không biểu hiện trong phần ăn uống được của cây. Hoặc sự tương đương được tôn trọng, trừ trường hợp protein được gen truyền mã hóa. Nếu có mã hóa thì protein này, và nhất là tính gây dị ứng của nó, sẽ được đánh giá trước khi thực phẩm được phép đưa ra thị trường. Nếu protein đã được biết là có mặt trong một thứ thực phẩm gây dị ứng, nó sẽ được tách ra. Nếu nó chưa được biết thì phải tiến hành nhiều thử nghiệm: tìm sự đồng dạng của các trình tự với những dị ứng nguyên đã biết, tìm những cấu trúc có thể được các phân tử của hệ miễn dịch nhận ra, hoặc phân tích các tính chất lý hóa của protein, như tính chất dễ bị phân hủy trong khi tiêu hóa chẳng hạn. Nhưng người ta không thể kết luận là không có tính gây dị ứng cho dù những thử nghiệm này là âm tính. Do đó, quy chế mới của châu Âu muốn thiết lập một sự giám sát dịch tễ sau khi đưa sản phẩm ra thị trường. Ngoài khả năng gây dị ứng, độc tính trực tiếp của phân tử cũng được xem xét. Trên thực tế, trong một số thực vật biến đổi di truyền được thương mại hóa, gen được truyền mã hoá cho một phân tử ''trừ sâu" là độc đối với côn trùng nhắm đinh. Khả năng phân tử này cũng độc cho người tiêu dùng cần được đánh giá. Sau hết, nếu không thể chứng minh sự tương đương về chất, thì phải nghiên cứu đầy đủ, kể cả những xét nghiệm về độc chất học.
Năm 2003, 6 nước (so với 4 năm 2002) đã sản xuất 99% trong số 67,7 triệu hecta giống cây được truyền gen trên thế giới: Brazil (3 triệu ha), Nam Phi (0,4), Mỹ (42,8), Argentina (13,9), Canada (4,4) và Trung Quốc (2,8).