Trong y học, laser dùng làm gì?
Thầy thuốc và các nhà nghiên cứa đã nhận ra rất sớm tiềm năng của laser. Từ năm 1961, sau khi đã hoàn chỉnh laser hồng ngọc đầu tiên được một năm, hai người Mỹ là Charles Koester và Charles Cambell đã áp dụng liệu pháp laser đầu tiên ở người để diệt khối u võng mạc cho một người bệnh. Sau đó nhiều hướng điều trị đã được thăm dò, nhưng chỉ để lại những hướng nào mà laser không thay thế được. Trong khoa mắt, laser được dùng để hàn gắn và chữa võng mạc, cắt và làm đông tụ mao mạch ở đây, v,v... Về mặt này, laser có một ưu điểm cơ bản: nó có thể đi qua mặt mà không gây tổn thương vì được tập trung vào một điểm chính xác, là nơi nó phát huy mọi hiệu lực. Tương tự trong khoa da, laser giúp làm đông tụ mao mạch dưới da mà không gây tác hại, chẳng hạn để chữa các u mạch. Trong khoa răng, laser đặc biệt được đánh giá cao đối với phẫu thuật vốn vẫn gây mất nhiều máu, như lợi hoặc chỉnh hình răng.
Cùng với những ứng dụng này trong điều tra, từ giữa những năm 1980 đã phát triển các áp dụng chẩn đoán. Việc phát hiện sớm ung thư là ví dụ tiến bộ nhất, có giá trị đối với nhiều công trình nghiên cứu lâm sàng. Ví dụ, một sợi quang hướng chùm laser có cường độ yếu lên niêm mạc (màng nhầy), sẽ gây ra hiện tượng huỳnh quang khác nhau tùy theo mô bị ung thư hoặc lành. Tương tự, việc phân tích sự hấp thụ của các mô trong miền hồng ngoại cho biết phải cung cấp thêm oxy cho chúng, đối với những ứng dụng trong khoa tim, để giám sát hiện tượng chảy máu não, hoặc còn để phân tích thành tích của các vận động viên điền kinh hoặc lực sĩ.