Các đặc khu kinh tế
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ rất nhanh, khoảng 8%/năm. Sự tăng trưởng nhanh này được khởi đầu từ quan điểm của Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo cũ của Trung Quốc. Đến năm 1980, bốn trung tâm tăng trưởng kinh tế mới, gọi là Các Đặc khu Kinh tế (SEZ), được phát triển ở duyên hải đông nam Trung Quốc. Đến năm 1984, 14 thành phố ở duyên hải phía đông Trung Quốc đã tuyên bố trở thành các ''Thành phố mở'' và việc này mang lại cho họ quyền buôn bán với các nước khác (ngoài Liên Xô và các quốc gia Đông Âu). “Các thành phố mở” là hạt nhân của sự tăng trưởng nhanh của kinh tế Trung Quốc trong suốt những năm 1980, 1990.
Phát triển nhanh
Các liên doanh giữa các công ty xuyên quốc gia (TNCs) và các công ty của Trung Quốc đã hỗ trợ tài chính cho tăng trưởng công nghiệp ở Trung Quốc, tuy nhiên một phần lớn hỗ trợ tài chính cũng có nguồn gốc từ những người Trung Quốc ở hải ngoại. Hơn thế, giá lao động rẻ cũng khuyến khích nhiều công ty ở nước ngoài chuyển các nhà máy về Trung Quốc.
Ngày nay, tác động của tăng trưởng kinh tế đã được thấy ở các vùng đô thị Trung Quốc. Những chiếc cần cẩu và khối nhà vươn cao trên nền trời ở mọi thành phố Trung Quốc, còn khoảng cách giữa đường ranh giới bao quanh các đô thị và các sân bay được rút ngắn đáng kể. Đi dạo một vòng quanh trung tâm bất kỳ thành phố lớn nào ở Trung Quốc người ta sẽ thấy những cửa hàng thức ăn nhanh kiểu phương Tây và các cửa hiệu quần áo, chúng cho thấy nếp sống của đất nước này thay đổi như thế nào. Sự bùng nổ trong việc bán các ô tô sang trọng như Bentleys và Ferraris chỉ rõ mức độ giàu có của một số nhà doanh nghiệp ở Bắc Kinh, ở các thành phố châu thổ sông Châu Giang và Thượng Hải. Ở một cực khác, so với 25 năm trước, bây giờ có ít người Trung Quốc phải sống trong sự đói nghèo cùng cực.
Ở một số vùng đô thị, tiền lương tăng. Điều này làm tăng chi phí tiêu dùng, mà đến lượt nó lại kích thích sản lượng công nghiệp, bởi vì công nghiệp sản xuất ra hàng hóa là để cho người dân mua. Trung Quốc có một thị trường quốc nội khổng lồ, tuy không phải là toàn bộ 1,3 tỷ dân đều có tiền tiết kiệm để chi tiêu.
Tăng trưởng không đồng đều
Tăng trưởng kinh tế diễn ra không đồng đều ở khắp Trung Quốc. Các tỉnh ở bờ biển phía đông giàu có hơn nhiều so với các tỉnh nằm trong nội địa và các vùng đô thị thì giàu có hơn các vùng nông thôn. Thậm chí một số thành phố có vấn đề về tỷ lệ thất nghiệp cao. Đó là những thành phố như Thẩm Dương, nơi mà làn sóng phát triển công nghiệp đầu tiên diễn ra trong những nam 1950. Chính phủ (lúc đó đang sở hữu toàn bộ các doanh nghiệp) đã phát triển các ngành công nghiệp nặng như ngành sản xuất thép. Những doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước (SOEs) rất kém hiệu quả và dần dần trở nên lạc hậu. Điều này gây ra khó khăn lớn cho nhiều nhân viên của các xí nghiệp này. Được làm việc trong doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước có nghĩa là có công việc trọn đời, với các phúc lợi như nhà ở, chăm sóc y tế, giáo dục và lương hưu.