Một xã hội đang già đi
Những năm gần đây, sự gia tăng dân số ở Nhật Bản chậm lại. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em thấp (trẻ em chết trước 5 tuổi) làm giảm nhu cầu về các gia đình lớn. Những yếu tố xã hội như điều kiện sinh hoạt tù túng và chi phí nhà ở cao cũng khiến các cặp vợ chồng có ít con hơn. Tình hình này dẫn tới sự “già đi” của xã hội Nhật Bản. Độ tuổi trung bình đang tăng lên theo ước tính, đến năm 2025 độ tuổi trung bình ở Nhật sẽ là 45 tuổi, cao nhất trong số các quốc gia phát triển. Tuổi thọ trung bình của người Nhật rất cao. Ước tính đàn ông có thể sống tới trên 76. tuổi còn phụ nữ là gần 83 tuổi.
Những tác động đối với kinh tế và xã hội
Sự già đi của xã hội Nhật Bản dẫn đến những tác động nghiêm trọng về kinh tế và xã hội. Độ tuổi về hưu có thể tăng lên và một vài chuyên gia cho rằng có thể sẽ thiếu lực lượng lao động. Những nhu cầu về các quỹ lương hưu và các chương trình bảo hiểm y tế cũng sẽ ngày càng gia tăng. Để đối phó với các vấn đề trên, chính phủ Nhật đang xem xét đến những cải cách có tính căn bản. Đối với vấn đề lương hưu, những cải cách này bao gồm việc nâng độ tuổi hưu trí và dựa vào các quỹ lương hưu tư nhân. Những cải cách được đề xuất khác bao gồm: khuyến khích tăng tỷ lệ sinh thông qua các chính sách gia đình thân thiện, khuyến khích phụ nữ và những người trên 60 tuổi quay trở lại làm việc và cho phép tỷ lệ nhập cư cao hơn.
Những vấn đề trên thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới trẻ. Họ không thể mong chờ có cuộc sống hưu trí thoải mái như các thế hệ trước. Trong khi Nhật Bản vẫn đi đầu trong hầu hết các nước đang phải đương đầu với những vấn đề do dân số già đi, thì rõ ràng là thanh niên Nhật phải đối mặt với tình trạng bấp bênh hơn trước trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng.