Tài liệu: Nhật Bản - Tokyo

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Tokyo được Tướng quân Tokugawa Ieyasu thành lập vào năm 1598, khi đó gọi là Edo. Ban đầu thành phố này chỉ là một cộng đồng nhỏ làm nghề chài lưới, ở gần một cảng nước sâu tự nhiên, được tàu thuyền dùng làm nơi trú ẩn
Nhật Bản - Tokyo

Nội dung

Tokyo

Tokyo được Tướng quân Tokugawa Ieyasu thành lập vào năm 1598, khi đó gọi là Edo. Ban đầu thành phố này chỉ là một cộng đồng nhỏ làm nghề chài lưới, ở gần một cảng nước sâu tự nhiên, được tàu thuyền dùng làm nơi trú ẩn. Edo còn là đầu mối giao thông của vùng đồng bằng rộng nhất ở Nhật Bản, Đồng bằng Kanto. Quân đội đã xây dựng một lâu đài ở Edo và thành phố này dần dần nổi lên, trở thành một trung tâm của chính quyền, tôn giáo, văn hóa và thương mại của địa phương. Khu kinh doanh buôn bán ở Tokyo sáng đèn suốt đêm.

Sự phát triển của Tokyo

Vào thập kỷ 1860, chính phủ Minh Trị quyết định dời thủ đô từ Kyoto về Edo. Thành phố này được đổi tên thành Tokyo, có nghĩa là “thủ đô phía đông” và thời kỳ phát triển hiện đại của thành phố bắt đầu. Một trong những phát triển đầu tiên là việc xây dựng Hoàng cung ở Akasaka. Trụ sở của các bộ và Tòa án tối cao được đặt cạnh Nghị viện. Những công trình này đã thu hút các thiết chế tài chính như Thị trường chứng khoán, Ngân hàng Nhật Bản và nhiều trụ sở chính của các công ty đến khu vực này. Chính phủ cũng thiết lập các tổ chức văn hóa và giáo dục quan trọng trong thành phố. Trường Đại học Hoàng gia (nay là Đại học Tokyo), nhiều rạp hát, khu mua sắm và giải trí nhanh chóng mọc lên sau đó.

Bến cảng và sự liên thông của Tokyo với vùng nông nghiệp trù phú ở đồng bằng Kanto khiến thành phố này trở nên hấp dẫn cho phát triển công nghiệp. Khởi đầu, nhiều ngành công nghiệp gắn với việc chế biến nông, lâm và thủy sản. Nhưng sau đó, các ngành thực phẩm, sản xuất giấy, bìa các tông và dệt nổi lên. Hàng nhập khẩu ngày càng tăng đã thúc đẩy sự phát triển của các nhà máy hóa chất và sản xuất sắt, thép. Các sản phẩm của mỗi ngành trên đến lượt chúng lại đẩy mạnh việc sản xuất trong các lĩnh vực như kỹ thuật, đóng tàu và xây dựng công trình giao thông. Sự kết hợp giữa các hoạt động hành chính thương mại và chế tạo đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm, thu hút dân cư đến thành phố. Đến năm 1920, dân số Tokyo đã lên tới 3 triệu người.

Khi thảm họa xảy ra…

Năm 1923, trận đại địa chấn Kanto đã làm rung chuyển cả Tokyo. Sự tàn phá thật to lớn: 104.000 người chết và 52.000 bị thương; 63% nhà cửa sụp đổ hoàn toàn và hơn 10% bị hư hại. Thiệt hại lên tới vài tỷ yên. Đến năm 1940, thành phố được tái thiết. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, sự tàn phá còn ghê gớm hơn đã xảy ra. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, quân Đồng minh đã khống chế Tokyo và hầu hết các thành phố khác của Nhật Bản bằng một loạt các đợt oanh tạc bom cháy. Ở Tokyo, trên 100.000 người đã thiệt mạng và, chỉ trong một đợt máy bay tập kích, hơn 276.000 ngôi nhà bị hủy diệt cùng với 70.000 người sống trong đó.  Thành phố trở nên hoang tàn đổ nát.

Hồi phục

Sự hồi phục của Tokyo sau năm 1945 thật đáng kinh ngạc, mặc dù việc phục hồi là một sự trả giá lớn đối với môi trường - Tokyo không phải là một thành phố đẹp. Sự phát triển gần đây một phần dựa vào những nguồn lực truyền thống của thành phố, bao gồm các chức năng của một thủ đô và các ngành công nghiệp chế tạo. Sau năm 1945, vị thế quốc tế của Tokyo ngày càng được nâng cao. Trụ sở của các công ty Nhật Bản trở thành trụ sở của các công ty xuyên quốc gia (TNCs). Bên cạnh đó, các công ty nước ngoài thường mở văn phòng đại diện chính thức tại Nhật của họ ở Tokyo. Tokyo là đô thị lớn nhất thế giới với 30,7 triệu dân vào năm 2000. Một thành phố với mật độ dân cư đông đúc như vậy khiến cuộc sống ở đây có những điều bất tiện. Tokyo đã quá tải và các khu đô thị mở rộng của thành phố này đã lấn sang cả vùng nông thôn lân cận. Tình trạng này khiến những người sống ở ngoại ô phải đi cả đoạn đường dài để vào làm việc trong thành phố và những đoàn tàu luôn chật cứng.

Các vấn đề đô thị của Tokyo

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu một thành phố lớn như Tokyo lại có nhiều vấn đề về đô thị. Những vấn đề này bao gồm tình trạng ô nhiễm môi trường nhà cửa kém chất lượng và ùn tắc giao thông. Các nhà hoạch định đã nỗ lực khắc phục các vấn đề trên theo nhiều cách khác nhau. Những dự án đầu tiên tập trung vào việc hạn chế sự mở rộng của thành phố bằng chính sách vành đai xanh, nhưng các áp lực phát triển đô thị quá lớn và chính sách đã bị bãi bỏ.

Phi tập trung hóa

Vào cuối thập niên 1960, chính sách phi tập trung hóa được đề xướng. Chính sách này khuyến khích các công trình xây dựng mới và doanh nghiệp đặt cách xa trung tâm thành phố. Một kế hoạch theo hướng trên được đề ra cho một số công trình mới dọc theo tuyến đường sắt Yamanote, tạo thành một vành đai xung quanh trung tâm của Tokyo và giao nhau với hầu hết các tuyến tàu điện ngầm và các tuyến đường ngoại ô - nội thị. Các giao lộ như vậy là những địa điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp đặt trụ sở, bao gồm giao lộ Shinjuku, Ikebukuro và Trung tâm Waterfront. Nhiều công trình trong số đó đã phát huy hiệu quả, và mặc dù những công thành này chưa làm giảm được tình trạng ùn tắc ở trung tâm thành phố nhưng ít ra cũng không để cho tình trạng đó tồi tệ thêm.

Sau đó, một kế hoạch khác đã khuyến nghị nên chuyển các trung tâm dịch vụ và những khu vực tập trung đông lao động ra xa Tokyo. Những kế hoạch phi tập trung hóa còn bao gồm việc xây dựng một thành phố mới ở Tama, trong khu Tama Hills ở phía tây của thủ đô.

Một thủ đô mới

Tokyo giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc gia. Thành phố này vẫn thu hút một lượng đầu tư khổng lồ và số dân đang gia tăng. Nhiều người đã đặt câu hỏi liệu vai trò đầu tàu của Tokyo có lợi cho đất nước hay không đặc biệt khi Tokyo phải hứng chịu những trận động đất xảy ra theo chu kỳ khoảng 70 năm một lần. Trận địa chấn gần đây nhất là vào năm 1923 và trận kế tiếp có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Hầu như không thể tưởng tượng những tác động khó lường của một trận động đất lớn. Từ trận đại địa chấn Kanto, Tokyo đã phát triển ngày càng cao và rộng lớn hơn. Thành phố này cũng trở thành một trong những trung tâm tài chính quan trọng của thế giới. Ngoài sự mất mát không thể lường trước về sinh mạng và tài sản, còn có những hậu quả khác sẽ tác động tới toàn thế giới nếu có một trận động đất lớn tàn phá thành phố. Một nhà kinh tế học đã nhận định rằng sự tàn phá như vậy ở thủ đô Tokyo sẽ khiến đồng yên sụt giá mạnh và dẫn tới suy thoái toàn cầu khi Nhật Bản bán các tài sản hải ngoại của nước này để chi phí cho chương trình tái thiết thành phố.

Người ta cũng lo ngại về tình hình đầu tư vào kinh tế và các lĩnh vực khác tập trung quá nhiều ở Tokyo, do đó cần mở rộng diện đầu tư trên toàn đất nước Nhật Bản. Một vài ý kiến lại cho rằng nên tách khu vực hành chính khỏi khu vực kinh doanh, như ở Brazil chẳng hạn. Nếu chính phủ dời đi, diện tích đất có sẵn đó sẽ cho phép thương mại phát triển hơn. Điều này còn mang lại một lợi ích khác là thúc đẩy ngành xây dựng phát triển. Hiện nay vẫn có sự bất đồng về việc di dời khu hành chính. Có ý tưởng tạo ra một “thủ đô bản sao” để đối phó với những tình huống khẩn cấp. Một giải pháp mạnh bạo hơn đề xướng việc phân bổ các chức năng nhà nước cho các thủ phủ ở Nhật Bản. Tuy nhiên, giải pháp xây dựng lại thủ đô được nhiều người ủng hộ.

Thành phố mới Tama

Ở Tama hills, phía tây của Tokyo là Tama, một thành phố mới đã được định hướng để trở thành một “túi hứng dân cư dư thừa” cho trung tâm thành phố Tokyo và hoạt động như một cộng đồng có quyền riêng. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1965 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2010.

Trung tâm thành phố được xây dựng quanh các tuyến giao thông ngoại ô - nội thị nối đến trung tâm thành phố Tokyo. Ở đây đường xe chạy sẽ được biến thành đường đi bộ và có các bách hóa, một siêu thị lớn và các cửa hàng địa phương cùng với một số cơ quan và các tổ chức dịch vụ tài chính. Nhà ở được tập họp lại trong các khu riêng biệt, bao gồm dãy nhà thuộc khu quy hoạch, các khu trung tầng và những ngôi nhà độc lập. Ngăn cách khu dân cư với các khu vực lân cận là những khoảng không gian xanh tươi của cỏ cây và các khu giải trí. Thành phố này rất sạch sẽ còn môi trường thì thoáng đãng và dễ chịu hơn nhiều so với Tokyo. Giá nhà ở đây cũng phải chăng. Tuy nhiên, Tama không mấy thành công với vai trò là một thành phố hoạt động độc lập với thủ đô. Tama trở thành một thành phố phi sản xuất vì người ta chỉ sống ở đây nhưng lại đi làm việc ở khu thương mại của Tokyo.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2855-02-633548165798133750/Do-thi/Tokyo.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận