Các vùng của Nhật Bản
Là một đất nước hợp thành từ nhiều hòn đảo, Nhật Bản được chia thành 8 vùng: Chubu, Kinki, Chugoku, Kyushu, Shikoku, Kanto, Tohoku và Hokkaido. Hokkaido là một vùng toàn đồi núi, mùa đông lạnh giá nhưng mùa hè ôn hòa. Trên đảo Hokkaido, dân cư thưa thớt - chỉ có 5,7 triệu người sống ở đây, trên một diện tích bằng 21% diện tích đất liền của Nhật Bản. Nông nghiệp là ngành sản xuất chủ yếu của vùng này.
Tohoku là phần phía bắc của đảo Honshu. Mạn bắc vùng này vẫn còn tương đối hẻo lánh, nhưng mạn nam được hưởng lợi từ việc mở rộng sang phía đông của Siêu đô thị Tokaido (một khu đô thị khổng lồ trải dài từ Tokyo tới Kobe). Tohoku là vùng trồng lúa quan trọng - vùng này sản xuất 25% sản lượng gạo của toàn Nhật Bản.
Kanto là vùng đồng bằng chính của Nhật Bản. Chính vì vậy, Kanto có ý nghĩa quan trọng đối với cả nông nghiệp và công nghiệp. Ngày nay, đặc trưng của vùng Kanto là chuỗi đô thị gồm nhiều thành phố lớn, trong đó có Tokyo và Yokohama.
Phía nam vùng Chubu tạo thành phần trung tâm của siêu đô thị Tokaido và dãy Alps Nhật Bản nằm ở trung tâm của vùng này. Phía bắc Chubu gồm các đồng bằng nhỏ hẹp xung quanh Niigata - một vùng trồng lúa quan trọng khác của Nhật Bản.
Vùng Kinki nằm ở cực tây của siêu đô thị Tokaido với ba thành phố lớn của Nhật Bản là Osaka, Kobe và cố đô Kyoto của Nhật Bản.
Nằm về cực tây của Honshu là vùng Chugoku. Phía nam vùng này là các thành phố rộng lớn như Hiroshima và Okayama, tương phản với phía bắc là một trong những khu vực kém phát triển và nghèo nhất của Nhật Bản.
Địa hình nội địa của vùng Shikoku là đồi núi. Do vậy, cư dân vùng này sinh sống tập trung dọc theo các dải đất ven biển, cụ thể là những dải đất nằm ven Biển Nội với một số nơi công nghiệp rất phát triển. Trước đây, Shikoku là một vùng đất khá biệt lập, nhưng giao thông liên lạc của vùng này đang được cải thiện nhờ những cây cầu mới dược xây dựng. Ngày nay Shikoku trở thành một điểm du lịch được ưa thích.
Vùng Kyushu cũng có địa hình nội địa là đồi núi, với nhiều ngọn núi lửa hoạt động như Sakurajima, Aso và Unzen. Hầu hết vùng này thuộc khí hậu cận nhiệt đới, là điều kiện lý tưởng cho việc trồng các loại cây như cam chẳng hạn. Tuy nhiên, ở phía bắc vùng này còn có một khu vực công nghiệp quan trọng, và nhiều khu công nghệ cao nằm rải rác ở duyên hải.
Sự khác nhau giữa hai vùng duyên hải
Nước Nhật có thể được chia thành hai vùng: mé giáp biển Nhật Bản và mé giáp Thái Bình Dương. Đây cũng là hai phía giáp biển của bốn hòn đảo chính của Nhật Bản, giữa chúng có sự khác nhau về khí hậu, văn hóa và kinh tế. Mé giáp biển Nhật Bản chịu ảnh hưởng không khí lạnh của châu Á nhiều hơn, trong khi mé giáp Thái Bình Dương ấm hơn. Mé giáp biển Nhật Bản có nền văn hóa lâu đời phản ánh những mối liên hệ với lục địa. Tuy nhiên, trong vòng 50 năm qua, mé giáp Thái Bình Dương lại phát triển nhanh hơn và vùng này là nơi hội tụ của văn hóa Nhật Bản hiện đại có thể là Tokyo.