Tài liệu: Nhật Bản - Nhà ở

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Sự phát triển đô thị ở Nhật Bản hầu hết diễn ra ở các khu vực đồng bằng chật hẹp. Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng mật độ dân cư cao ở một số vùng năm 2000, có tới 44,2% dân số sống vỏn vẹn trên 5,9% diện tích của Nhật Bản
Nhật Bản - Nhà ở

Nội dung

Nhà ở

Sự phát triển đô thị ở Nhật Bản hầu hết diễn ra ở các khu vực đồng bằng chật hẹp. Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng mật độ dân cư cao ở một số vùng năm 2000, có tới 44,2% dân số sống vỏn vẹn trên 5,9% diện tích của Nhật Bản. Do đó, sự cạnh tranh về đất đai hết sức quyết liệt và hậu quả là giá nhà đất tăng vọt.

Do giá nhà tăng cao, người Nhật phải vay nợ chồng chất mới có thể mua được nhà (đôi khi giá nhà cao gấp 13 lần thu nhập hàng năm của họ). Kết quả là tình trạng nợ nần kéo dài tới vài thế hệ. Điều này cũng góp phần khiến cho giá sinh hoạt ở Tokyo leo thang, trở thành một trong những thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới. Thế nhưng đáng ngạc nhiên là hình thức sở hữu nhà riêng vẫn phổ biến ở Nhật (năm 1998, 60,3% dân số có nhà riêng).

Nhà của người Nhật có xu hướng nhỏ hẹp. Một ngôi nhà điển hình thường có 4,79 phòng, rộng 93,45 m2 và bình quân 0,59 người một phòng. Ở Tokyo, con số này thậm chí còn thấp hơn  3,5 phòng, 63,6 m2 và 0,67 người một phòng.

Tuy nhiên, có nhiều người Nhật sống trong các căn hộ hoặc các phòng nhỏ ở chung cư và họ phải sử dụng triệt để khoảng không gian chật hẹp đó. Mỗi góc trong căn hộ của người Nhật đều được tận dụng. Các tấm cửa kéo (gọi là fusuma) được người ta sử dụng để ngăn các phòng thành những khu khác nhau, nhà bếp thường là một phần của phòng khách, còn máy giặt choán một khoảng trong phòng tắm. Hầu hết những ngôi nhà riêng ở các khu đô thị hiện đại được xây bằng gạch hoặc bê tông và nhiều ngôi nhà được thiết kế theo phong cách phương Tây.

Hiện nay càng có nhiều người sống trong các ngôi nhà riêng biệt hoặc chung vách với một ngôi nhà khác. Ở những thành thị mới phát triển gần đây, như Tama chẳng hạn (xem trang 51), những kiểu nhà trên được bố trí hài hòa, xen giữa chúng là những lối đi bộ và đường dành cho xe đạp, cây bóng mát và cây bụi cùng với các công trình phụ trợ. Ở một số khu vực, ô tô được tách khỏi các tuyến đi bộ để giữ cho môi trường được yên tĩnh và trong lành. Tuy nhiên, nhiều người Nhật tỏ ra tiếc nuối loại hình kiến trúc truyền thống từng thích ứng rất tốt với môi trường đầy rủi ro cũng như khí hậu đa dạng của đất nước này. Các ngôi nhà truyền thống đơn giản thường được dựng bằng gỗ, mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông và có thể dễ dàng dựng lại trong trường hợp bị lũ lụt hoặc động đất làm hư hại.

Sự kết hợp giữa lối sống truyền thống và hiện đại

Nhà của người Nhật thường phản ánh sự kết hợp giữa lối sống truyền thống và hiện đại. Thậm chí ngay ở một căn nhà hiện đại, người ta vẫn bỏ giầy dép ngoài hành lang hoặc ở lối ra vào rồi đi dép lê trong nhà. Các loại dép không thấm nước được dùng riêng cho nhà tắm, còn phòng khách sẽ được trải chiếu tatami (loại chiếu rơm dày trải trên sàn) để ngồi, cùng với kotatsu (những chiếc chăn ủ chân) để tránh cái lạnh của mùa đông. Tuy nhiên, những khía cạnh khác của lối sống Nhật Bản lại hết sức hiện đại, ví dụ như nhiều nhà có máy điều hòa nhiệt độ và vô số các đồ dùng công nghệ cao.

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2851-02-633547624117040000/Xa-hoi/Nha-o.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận