Các nguồn tài nguyên năng lượng
Thật đáng kinh ngạc khi một đất nước với những nguồn tài nguyên năng lượng hạn hẹp như Nhật Bản lại có được nền công nghiệp vững mạnh như hiện nay. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh của Nhật Bản lại đặt đất nước này trước một vấn đề hóc búa - nước Nhật phải nhập tới trên 80% số nhiên liệu tiêu thụ cần thiết. Nếu xét về nhiên liệu hóa thạch, con số này là 100%.
Vào giữa thập niên 1990, Nhật Bản nhập khẩu hầu hết số dầu từ Trung Đông. Điều đó khiến nước Nhật dễ bị ảnh hưởng trước sự bất ổn chính trị ở một khu vực được coi là đầy biến động trên thế giới. Chính phủ Nhật đã có một số động thái để giảm bớt sự lệ thuộc này.
Bảo tồn năng lượng
Trong hai thập kỷ 1970 và 1980, chính phủ Nhật đã thông qua điều luật về nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng năng lượng ở nước này. Kết quả là tiêu thụ điện và xăng dầu đã giảm 15%, mặc dù sau năm 1985 con số này lại bắt đầu tăng lên. Thành tựu này có được là nhờ việc bảo tồn năng lượng, cụ thể là trong lĩnh vực công nghiệp. Ví dụ như, trong giai đoạn từ năm 1973 đến năm 1987 ngành luyện sắt thép đã giảm tới hơn một phần tư số năng lượng tiêu tốn cho mỗi tấn thép. Người Nhật cho rằng giờ đây họ đã đạt được những giới hạn về bảo tồn năng lượng sinh lãi. Mức tiêu thụ năng lượng bình quân đầu người ở Nhật Bản thấp hơn so với Mỹ và Pháp, nhưng lại nhỉnh hơn so với Anh. Mặc dù Nhật Bản đã thực hiện những biện pháp bảo tồn năng lượng, nhưng nhìn chung nhu cầu về năng lượng tiếp tục gia tăng. Đây chủ yếu là kết quả của sự thay đổi lối sống, bao gồm việc sử dụng ngày càng nhiều những thiết bị tốn năng lượng trong các hộ gia đình, như máy điều hòa nhiệt độ và máy sưởi gia đình, và số ô tô riêng tăng lên. Mối lo ngại về nguồn cung cấp xăng dầu đã thúc đẩy chính phủ đề ra một chương trình dự trữ với quy mô lớn. Giờ đây chính phủ Nhật có những kho dự trữ xăng dầu đặt ở một số trung tâm chiến lược trong nước.
Năng lượng nguyên tử và các tài nguyên năng lượng khác
Giống như các quốc gia phát triển có các nguồn nhiên liệu hóa thạch hạn hẹp khác, Nhật Bản ngày càng quan tâm nhiều hơn tới năng lượng nguyên tử. Những năm gần đây, chính phủ Nhật tiến hành một chương trình xây dựng nhà máy năng lượng nguyên tử đầy tham vọng. Đến năm 2004, 54 nhà máy đã dược xây dựng xong và hiện nay các nhà máy này sản xuất hơn một phần ba lượng diện năng của Nhật Bản.
Nhật Bản cũng đầu tư vào các loại hình năng lượng khác. Năng lượng thủy điện được sử dụng rộng rãi. Nước này còn khai thác nguồn năng lượng địa nhiệt, ví dụ như ở Beppu và tại Công viên quốc gia Núi Aso ở Kyushu. Các loại năng lượng mặt trời, thủy triều, sóng biển, gió và hydro cũng được đầu tư khai thác. Tuy nhiên, có lẽ phải mất nhiều năm nữa Nhật Bản mới có thể giảm được một cách đáng kể sự phụ thuộc của mình vào các loại năng lượng truyền thống.
Những hiểm họa của năng lượng nguyên tử
Năm 1995, một vụ tai nạn đã xảy ra tại lò phản ứng nguyên tử ở Monju khi xuất hiện một lỗ rò rỉ, làm phun ra 1.500 tấn chất phản ứng vào một phòng thiết bị. Mặc dù phóng xạ không thẩm thấu ra ngoài môi trường nhưng người ta phát hiện những người vận hành nhà máy đã che giấu sai phạm của họ và nhà máy này đã bị chính phủ xử phạt. Một vụ khác tại nhà máy chế biến nhiên liệu ở Tokaimura vào năm 1997 còn nghiêm trọng hơn. Cháy nổ đã khiến hơn 35 nhân viên nhà máy bị phơi nhiễm một lượng nhỏ phóng xạ.
Công chúng tỏ ra lo ngại về độ an toàn của các nhà máy năng lượng nguyên tử. Một số cuộc thăm dò dư luận cho thấy 90% người dân cảm thấy bất an về năng lượng hạt nhân. Trong cuộc trưng cầu ý dân năm 1996, các công dân ở Maki, phía tây Honshu đã bỏ phiếu chống lại việc xây dựng nhà máy năng lượng nguyên tử ở khu vực này. Dù phải đối mặt với những phản đối như vậy từ phía dân chúng, chính phủ vẫn quyết tâm khử phóng xạ ở Monji để nhà máy ở đây có thể hoạt động trở lại.