Các vấn đề về môi trường
Các vấn đề môi trường của Nhật Bản có căn nguyên từ thành công kinh tế của nước này thời hậu chiến. Trong thời kỳ bùng nổ kinh tế vào các thập niên 1950 và 1960, tiêu dùng năng lượng tăng đột biến. Bên cạnh đó là hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp và nông nghiệp, tất cả đã góp phần làm gia tăng sự ô nhiễm.
Ô nhiễm
Ô nhiễm không khí gia tăng là hậu quả của khí thải công nghiệp, việc sưởi ấm trong gia đình và số ô tô được sử dụng tăng lên. Trong thập niên 1960, các khí thải điôxít sunfua và điôxit nitơ ở Nhật Bản đã tăng lên gấp ba lần. Mặc dù sau đó mức độ khí điôxit sunfua đã giảm đi nhưng tỷ lệ khí điôxit nitơ và các hoại khói bụi khác vẫn ở mức cao, và nhiều thành phố của Nhật Bản đã phải hứng chịu mưa axít và sương bụi do khí thải gây ra.
Ô nhiễm nước cũng là một vấn đề nghiêm trọng hậu quả của việc nước thải và rác thải từ các hộ gia đình và nhà máy ngày càng tăng. Tình trạng ô nhiễm do thuốc trừ sâu và phân đạm sử dụng trong nông nghiệp cũng ảnh hưởng xấu tới các nguồn nước.
Vấn đề rác thải
Rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp đã trở thành một vấn đề nghiên trọng. Năm 2001, lượng rác thải sinh hoạt đã lên tới 145.015 tấn một ngày. Khoảng 78% lượng rác thải trên được thiêu hủy, nhưng nhiều dư chất sau thiêu hủy được đem tới các bãi chôn rác thải, trong đó có nhiều bãi đặt tại các vùng đất lấn ra biển. Năm 2001, rác thải công nghiệp lên đến 406 triệu tấn một năm, trong đó có 37% được tái chế. Một số chất thải công nghiệp đã gây ra các vụ ô nhiễm nghiêm trọng như nhiễm độc thủy ngân chẳng hạn.
Giải pháp nào cho vấn đề ô nhiễm
Những vấn đề ô nhiễm trong hai thập niên 1950 và 1960 đã khiến công luận phải lên tiếng. Kết quả là chính phủ Nhật đã thiết lập một trong những chương trình chống ô nhiễm hiệu quả nhất trên thế giới, Năm 1970, nghị viện (Diet) đã thông qua nhiều đạo luật, bao gồm cả những biện pháp trừng phạt các cá nhân hoặc công ty nào gây ô nhiễm môi trường. Tháng 5 năm 1971, Cục Môi trường được thành lập, và lần đầu tiên chính phủ tỏ rõ quyết tâm giải quyết vấn đề ô nhiễm, thậm chí có thể hạn chế sự tăng trưởng kinh tế. Nhật Bản là một trong những nước có các tiêu chuẩn mới về chất thải khắt khe nhất trên thế giới. Nguyên tắc “trả giá ô nhiễm” được áp dụng, theo đó người gây ô nhiễm phải nộp phạt nếu thải rác bừa bãi và nếu xuất hiện bệnh tật do rác thải gây ra.
Bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên
Tuy nhiên, trong việc bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Năng suất nông nghiệp vẫn phụ thuộc vào việc sử dụng thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu. Vào năm 2002, chỉ có 35.790 km2 ở Nhật Bản được sử dụng làm các khu bảo tồn động vật hoang dã và nước này là một trong những quốc gia mua bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng nhiều nhất trên thế giới.
Nhật Bản tiếp cận với các vấn đề môi trường theo hướng tập trung phòng chống tác hại đối với sức khỏe con người hơn là ưu tiên cho bảo vệ môi trường tự nhiên hay ngăn chặn ô nhiễm. Trong khi nước này tỏ ra thành công trong việc đề xướng các giải pháp về công nghệ thì lại không mấy dễ dàng để thay đổi thái độ xã hội, như làm giảm lượng xe ô tô hoặc làm thay đổi “xã hội dùng đồ một lần”. Nhưng quan trọng hơn cả là cải tiến các quá trình sản xuất sao cho ít ô nhiễm hơn và rác thải có thể tái chế lại. Điều này đang được áp dụng ở nhiều công ty lớn, song cần được thực hiện rộng rãi hơn.
Hội nghị Kyoto
Tháng 12 năm 1997 Nhật Bản đăng cai Hội nghị Thay đổi Khí hậu toàn cầu tại Kyoto. Để góp phần vào việc thực thi nghị định thư Kyoto, Nhật Bản đã áp dụng đạo luật về việc giảm sáu loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Năm 1999, bình quân mỗi người Nhật thải 9,1 tấn khí CO2 vào môi trường, đứng thứ 19 trên thế giới, sau Mỹ, Đức, Australia và một số nước khác - ở Mỹ con số này là 19,1 tấn, gấp đôi so với Nhật Bản. Do đó, người Nhật thấy rằng không những họ phải có trách nhiệm lớn hơn các nước khác trong việc cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và làm giảm các khí thải có hại, mà còn nhận ra nước này rơi vào thế bất lợi do một vài cam kết của nghị định thư Kyoto. Đặc biệt Nhật Bản tỏ ra lo ngại khi Mỹ rút khỏi nghị định thư Kyoto vào năm 2001. Mặc dù việc đàm phán vấp phải một số trở ngại vào năm 2001, nhưng Nhật Bản đã đồng ý ký vào bản hiệp ước sửa đổi.