Tài liệu: Trung Quốc - Quốc gia ở trung tâm

Tài liệu
Trung Quốc - Quốc gia ở trung tâm

Nội dung

TRUNG QUỐC (CHINA) – QUỐC GIA Ở TRUNG TÂM

1. Nguồn gốc tên gọi

Trung Quốc có tên gọi đầy đủ là “Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, nằm ở phía đông châu Á, bờ tây Thái Bình Dương. Tên “Trung Quốc” được gọi sớm nhất là vào thời Tây Châu Vũ Vương, ý chỉ “Trung ương chi quốc” (quốc gia ở trung tâm).

Tương truyền 3000 năm trước, Châu Công ở Dương Thành (Đăng Phong – Hà Nam ngày nay) dùng một loại dụng cụ đo bóng mặt trời, do đo đúng vào giờ Ngọ ngày Hạ Chí, nên soi thấy cảnh vật xung quanh đều không có bóng, liền cho rằng đây là trung tâm của mặt đất, vì thế nhà Châu xưng là “Trung Quốc”.

Về hàm ý của từ “Trung Quốc”, có 2 cách giải thích:

·        Hai chữ “Trung Quốc” có ý là kinh đô, kinh sư.

·        Từ “Trung Quốc” chỉ khu vực dân tộc Hoa Hạ tụ cư thời cổ. Hoàng Hà là cái nôi của dân tộc Trung Hoa, thời cổ đại gọi phía nam và bắc con sông lớn này là Trung Thổ, Trung Nguyên, hoặc gọi Trung Hạ, Trung Hoa, đương nhiên cũng gọi là Trung Quốc. Những cách gọi này trên thực tế chỉ vùng lưu vực Hoàng Hà. Như “Sử ký - Sở Thế Gia” chép: đất Sở thời đó ở vùng hạ du Trường Giang, trên thực tế Trung Quốc ở đây chính là cách gọi chung các nước ở lưu vực Hoàng Hà.

Trung Quốc thời cổ đại có lúc thống nhất, có lúc bị chia cắt, hàm nghĩa của chữ Trung Quốc ở mỗi thời cũng không giống nhau: thời kỳ thống nhất có ý chỉ toàn quốc, thời kỳ chia cắt đa phần chỉ Trung Nguyên. Theo sự thay đổi của hoàng đế thống trị biên giới, phạm vi bao hàm của từ “Trung Quốc” cũng không giống nhau. Đến nhà Thanh, toàn bộ lãnh thổ được quản lý dưới chính phủ nhà Thanh đều gọi là Trung Quốc. Nửa sau thế kỷ XIX, “Trung Quốc” mới chuyên dùng để chỉ toàn bộ lãnh thổ nước này, không mang ý nghĩa nào khác nữa.

Từ “Trung Quốc” xuất hiện lần đầu trên văn kiện ngoại giao là trong “Hiệp ước Nam Kinh” năm 1842. Sau cách mạng Tân Hợi, thành lập dân quốc năm 1912, khi đó hợp 5 đần tộc lớn Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng thành một nhà, gọi là Trung Hoa, toàn tên là “Trung Hoa dân quốc”, gọi tắt là “Trung Quốc”, khi đó Trung Quốc mới thật sự trở thành tên gọi chính thức có ý nghĩa quốc gia cận đại. Ngày 1 tháng 10 năm 1949, khi nước Trung Quốc mới thành lập, mang tên “Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” (Trung Hoa nhân dân cộng hòa quốc), cũng gọi tắt là Trung Quốc.

2. Quốc kỳ - quốc huy

·        Quốc kỳ

Nền cờ là hình chữ nhật màu đỏ, tỷ lệ giữa chiều dài và chiều rộng là 3:2. Góc trên bên trái nền cờ có 5 ngôi sao vàng năm cánh, trong đó có một ngôi sao tương đối lớn với đường kính đường tròn ngoại tiếp bằng 3/10 chiều rộng lá cờ, nằm ở bên trái. Đường kính đường tròn ngoại tiếp của 4 ngôi sao nhỏ bằng 1/10 chiều rộng lá cờ, chúng được xếp vòng bên phải ngôi sao lớn. Góc nhọn của ngôi sao nhỏ quay đúng vào tâm của ngôi sao lớn. Màu đỏ nền cờ tượng trưng cho cách mạng. Sao vàng tỏa sáng trên nền đỏ, ngôi sao lớn biểu thị sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc; 4 ngôi sao nhỏ đại biểu cho 4 giai cấp xây dựng lên nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản thành thị và giai cấp tư sản dân tộc. Ngày 27 tháng 9 năm 1949, Hội nghị toàn quốc lần I Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc đã quyết định bấy lá cờ này làm quốc kỳ.

·        Quốc huy

Hình tròn. Phần trung tâm thành lầu Thiên An Môn màu vàng trên nền đỏ. Phía trên thành giữa thành lầu là một ngôi sao vàng năm cánh lớn, phía dưới ngôi sao lớn là 4 ngôi sao nhỏ xếp thành hình cánh cung. Xung quanh quốc huy là vòng tròn được kết bằng các bông lúa vàng. Ở giao điểm giữa hai bó lúa là một bánh răng tròn, giữa bánh răng là dải lụa đỏ được buộc thắt lại. Hình vẽ quốc huy tượng trưng cho cuộc đấu tranh cách mạng chủ nghĩa tân dân chủ của nhân dân Trung Quốc từ phong trào Ngũ Tứ tới nay và sự ra đời của nước Trung Quốc mới chuyên chính dân chủ nhân dân, mà nền tảng là liên minh công - nông do giai cấp công nhân lãnh đạo. Hình vẽ quốc huy do Hội nghị lần II, ủy ban toàn quốc nhiệm kỳ I, Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc đưa ra tháng 6 năm 1950. Tháng 9 cùng năm, được Hội nghị lần VIII chính phủ nhân dân Trung ương chính thức thông qua.

3. Quốc ca

Vùng lên! Hỡi những người không cam chịu làm nô lệ. Đem máu thịt chúng ta đắp Trường thành mới! Dân tộc Trung Hoa đã đến lúc nguy hiểm nhất, mỗi người bị áp bức thét lên tiếng cuối cùng. Vùng lên! Vùng lên! Vùng lên! Chúng ta vạn người một lòng, vượt qua lửa pháo của kẻ thù tiến lên! Vượt qua lửa pháo của kẻ thù tiến lên! Tiến lên! Tiến lên! Tiến lên!




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/314-02-633386861352031250/Chau-A/Trung-Quoc---Quoc-gia-o-trung-tam.h...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận