VINH VÀ NHỤC
''Vinh'' là vẻ vang, vinh dự; ''Nhục'' đồng nghĩa với hổ thẹn, nhục nhã. Quan niệm về vinh và nhục chịu ảnh hưởng của phong tục, tập quán và truyền thống của một xã hội nhất định. Các dân tộc hoặc khu vực khác nhau cũng có sự nhìn nhận không giống nhau trên vấn đề này. Trong xã hội có giai cấp, quan niệm về vinh và nhục chịu sự chế ước bởi các quan niệm đạo đức, quan niệm nhân sinh của những giai cấp nhất định. Quan điểm vinh và nhục của các giai cấp bóc lột đều xuất phát từ nguyên tắc của chủ nghĩa ích kỷ, lấy đặc quyền và của cải của cá nhân làm cơ sở Giai cấp chủ nô lấy việc chiếm hữu nô lệ, xuất thân cao quí có nhiều đặc quyền làm tiêu chuẩn của vinh - nhục. Giai cấp địa chủ phong kiến coi việc có tên trên ''bảng vàng'', chứa cao lộc nhiều, vợ được ban tước hiệu, con được làm quan là vinh. Giai cấp tư sản thì lấy đồng tiền và của cải làm tiêu chuẩn để đánh giá vinh - nhục. Còn đối với nhân dân lao động, vinh quang là khi sáng tạo ra được của cải vật chất và của cải tinh thần và nhục nhã là những hành vi bóc lột và lối sống ăn bám.
Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, giai cấp vô sản và đông đảo quần chúng nhân dân coi tình yêu Tổ quốc, việc cống hiến toàn bộ sức lực cho sự nghiệp xã hội chủ nghĩa là niềm vinh sự lớn nhất, xem những hành động làm tổn hại đến quyền lợi và sự tôn nghiêm của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là nỗi nhục lớn nhất. Đạo đức xã hội chủ nghĩa đòi hỏi mọi người phải biết kết hợp chặt chẽ danh dự cá nhân với danh dự tập thể và danh dự của Tổ quốc. Danh dự của Tổ quốc, của tập thể bao hàm danh dự của cá nhân, cao hơn danh dự cá nhân. Chúng ta cần tự giác giữ gìn danh dự của Tổ quốc, danh dự của tập thể và khi cần có thể hy sinh danh dự của cá nhân để bảo vệ danh dự của Tổ quốc và của tập thể.