Văn bản pháp luật: Chỉ thị 04/2006/CT-NHNN

Lê Đức Thuý
Toàn quốc
Công báo số 32 & 33 - 11/2006;
Chỉ thị 04/2006/CT-NHNN
Chỉ thị
15/12/2006
16/11/2006

Tóm tắt nội dung

Về việc tăng cường công tác bảo mật thông tin trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước

Thống đốc
2.006
Ngân hàng Nhà nước

Toàn văn

CH? TH? C?A TH?NG Đ?C NGÂN HÀNG NHÀ NU?C

CHỈ THỊ CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Về việc tăng cường công tác bảo mật thông tin

trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước

Trong thời gian qua, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng đã được ban hành tương đối đầy đủ và chi tiết; trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, công tác này đã có bước chuyển biến tích cực, dần đi vào nề nếp. Về cơ bản, các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước đã phổ biến, quán triệt đầy đủ và cụ thể đến cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị để nắm vững và thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng cũng còn một số tồn tại, hạn chế, như: Lãnh đạo một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác quản lý và bảo mật thông tin; chưa có sự quan tâm đúng mức đến công tác này; ý thức chấp hành và tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng của một bộ phận cán bộ, công chức Ngân hàng Nhà nước chưa cao; công tác văn thư, lưu trữ còn những bất cập, chưa được thực hiện đúng quy định. Một số cán bộ, công chức chưa nắm vững và hiểu rõ các quy định về bảo mật thông tin của Nhà nước và của Ngành. Công tác kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc, nhắc nhở, phát hiện và xử lý vi phạm chưa được quan tâm và xử lý kiên quyết.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, đảm bảo chấp hành và tuân thủ nghiêm túc các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Thủ trưởng các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước thực hiện một số nội dung cụ thể sau:

1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước tổ chức quán triệt, phổ biến lại để toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị nắm rõ và thực hiện đầy đủ các văn bản sau đây:

- Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước số 03/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/12/2000 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;

- Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước;

- Thông tư số 12/2002/TT-BCA (A11) ngày 13/9/2002 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định số 33/2002/NĐ-CP;

- Quyết định số 15/2003/QĐ-TTg ngày 20/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật trong ngành Ngân hàng;

- Quyết định số 151/2003/QĐ-BCA (A11) ngày 11/3/2003 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong ngành Ngân hàng;

- Quyết định số 1087/2003/QĐ-NHNN ngày 17/9/2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng và Quyết định số 316/2004/QĐ-NHNN ngày 31/3/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng.

2. Tăng cường công tác tổ chức thực hiện và tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng tại các đơn vị. Trong đó chú ý một số nội dung sau:

- Tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở cán bộ, công chức trong đơn vị nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác trong việc tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng; tổ chức thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định về soạn thảo, in, sao, chụp, vận chuyển, giao nhận, lưu trữ, bảo quản, sử dụng tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng; khi cung cấp tin, bảo đảm đúng mục đích, đúng đối tượng, không để lộ, thất lạc tài liệu mật ra bên ngoài hoặc cho những người không có trách nhiệm liên quan.

- Nghiêm cấm mọi hành vi thu thập, xử lý, làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ trái phép những thông tin thuộc bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng.

- Thực hiện nghiêm túc việc xác định và đóng dấu độ mật đối với tài liệu mật, vật mang bí mật Nhà nước: các văn bản được xác định độ mật ngay từ khi soạn thảo và đóng dấu ngay khi văn bản được ký; tài liệu sau khi đánh máy, in, sao chụp, các đơn vị phải đóng dấu mức độ mật, đánh số trang, số lượng in, phạm vi lưu hành, nơi nhận, tên người đánh máy, in, sao chụp tài liệu.

- Nghiêm cấm việc luân chuyển, giao nhận công văn, tài liệu mật đã bị bóc bì. Bộ phận văn thư, tổng hợp của Văn phòng Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị khác, khi nhận công văn, tài liệu mật, phải chuyển cho người có trách nhiệm xử lý trong tình trạng bảo mật. Nếu văn bản, tài liệu mật cần được sao gửi thì phải thực hiện theo chế độ mật và phải cho vào bì dán kín, có đóng dấu mật theo quy định khi gửi đi; không được gửi công văn, tài liệu mật công khai theo đường văn thư nội bộ.

- Cán bộ, công chức Ngân hàng Nhà nước không được cung cấp tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng cho các cơ quan xuất bản, cơ quan thông tin đại chúng dưới bất kỳ hình thức nào. Việc cung cấp tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo đúng quy định. Việc công bố, cung cấp thông tin ngân hàng chưa công bố (không thuộc danh mục bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng) cần được thực hiện nghiêm túc theo quy định tại Quyết định số 736/2003/QĐ-NHNN ngày 09/7/2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy định nội bộ về công bố, cung cấp thông tin ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.

3. Căn cứ danh mục tài liệu mật thuộc ngành Ngân hàng được Thủ tướng Chính phủ và Bộ công an quy định, Văn phòng làm đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan dự thảo văn bản quy định cụ thể quy chế xác định độ mật và đóng dấu mật của từng loại tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng, trình Thống đốc ban hành làm cơ sở cho việc thực hiện thống nhất. Các đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước, trong phạm vị chức năng, nhiệm vụ của mình, rà soát trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; chủ động đề xuất những thông tin đưa vào danh mục bí mật Nhà nước, thay đổi độ mật và giải mật danh mục bí mật Nhà nước thuộc đơn vị mình, trình Thống đốc để xem xét gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an quyết định.

Các đơn vị liên quan rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện các quy trình nội bộ và chấn chỉnh lại, kể cả công tác văn thư, về quản lý, sử dụng, luân chuyển, bảo quản đối với các nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước thuộc đơn vị mình. Văn phòng Ngân hàng Nhà nước tổng hợp các thông tin, báo cáo từ các đơn vị; đề xuất trình Thống đốc xử lý.

4. Rà soát, lựa chọn, đào tạo cán bộ, đảm bảo có phẩm chất tốt, có tinh thần trách nhiệm, có đạo đức nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức cảnh giác giữ gìn bí mật nhà nước; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao để bố trí, sử dụng vào các hoạt động nghiệp vụ liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước; kiên quyết không bố trí những người không có những phẩm chất và năng lực phù hợp.

5. Nghiêm túc thực hiện quy định không sử dụng máy tính kết nối internet và các mạng máy tính khác ngoài ngành để đánh máy, soạn thảo tài liệu mật, nhạy cảm; nghiêm cấm các hành vi truy cập, cung cấp, phát tán thông tin bất hợp pháp qua mạng tin học. Bố trí các nguồn lực cần thiết để thực hiện việc triển khai, quản lý, kiểm tra, giám sát, đảm bảo các hệ thống công nghệ thông tin hoạt động an toàn, bảo mật.

Cục Công nghệ tin học Ngân hàng thiết lập và cài đặt các biện pháp an ninh cho toàn hệ thống mạng Ngân hàng Nhà nước; thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động của hệ thống mạng Ngân hàng Nhà nước; tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các yếu tố mất an toàn và các trường hợp vi phạm về bảo mật thông tin, đảm bảo hệ thống hoạt động trong môi trường an toàn và bảo mật.

Các đơn vị chức năng rà soát và ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn cụ thể việc bảo đảm bí mật thông tin trong một số lĩnh vực hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, như thanh toán, kế toán, chuyển tiền điện tử, quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, quản lý phát hành, kho quỹ v.v... Các thông tin mật trong các lĩnh vực này, đặc biệt là các mã khoá, ký hiệu mật phải được kiểm soát, quản lý nghiêm ngặt, thực hiện việc thay đổi định kỳ để đảm bảo tuyệt đối an toàn tài sản của nhà nước và tránh bị lợi dụng sơ hở để tham ô tài sản.

6. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra thường xuyên việc thực hiện quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng đối với từng cán bộ, phòng, ban trong phạm vi đơn vị mình. Vụ Tổng kiểm soát tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ việc thực hiện quy chế về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng đối với các đơn vị trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, thiếu sót trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, kiến nghị các biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời và ngăn ngừa nguy cơ rủi ro trong quá trình hoạt động. Đối với các hành vi vi phạm, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, Thủ trưởng các đơn vị phải có thái độ rõ ràng, kiên quyết, không bao che, dung túng và phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=14919&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận