Đàn Bà Không Đàn Ông Chương 18


Chương 18
Những cuộc ly hôn

Để viết chương này tôi phải uống ly rượu mạnh để có dũng khí, bởi vì đây là một vấn đề tôi suy nghĩ rất nhiều. Rất có thể có những người đánh giá không hay về tôi, sao tôi không viết về những người đàn ông đã ly hôn? Họ có thể nghĩ rằng tôi không ở trong hoàn cảnh đó nên không hiểu biết để viết. Tôi cam đoan là tôi có đủ cảm nhận cho dù tôi không là họ.

Sự ly hôn là một thất bại có ý nghĩa của con người và của cặp vợ chồng đã từng ôm ấp những ước mơ cho một tương lai hạnh phúc chung. Tôi nói thất bại bởi vì cứ cho rằng phần lớn các cặp vợ chồng lấy nhau đều vì tình yêu, có thể ít, nhiều khác nhau, nhưng họ đều muốn "chung sống đến đầu bạc, răng long". Còn nếu ai đó lấy nhau vì kinh tế thì sau khi giải quyết được mối quan hệ, họ chỉ có cảm giác là đã xong một cuộc buôn gian bán lận.

Sự thật phũ phàng cho thấy có hàng triệu những người ly hôn, và một số nạn nhân này đã tái hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác để không bị cô đơn. Cũng có người vì một lý do nào đấy yêu và được yêu, hoặc lấy một ai đó để giải quyết vấn đề kinh tế. Đối với một số người thì việc ly hôn là một chuyện bình thường nhưng với một số người khác lại là một thảm họa trong cuộc đời.

Chúng ta hãy phân tích một chút về những nguyên nhân của ly hôn, đó là: không hạnh phúc, quan hệ năm thì mười họa hoặc không có, sự nhàm chán, không có sự khoan dung, những vấn đề kinh tế. Tất cả đều bắt nguồn từ sự thiếu hụt tình yêu thực sự.

Có bao nhiêu đàn bà đã ly hôn thì cũng có bấy nhiêu đàn ông đã ly hôn, vì sự khủng hoảng lứa đôi là của cả hai vợ chồng. Nhưng thông thường người ta chỉ nhìn vào những người đàn bà chứ chẳng mấy ai để ý đến đàn ông. Bởi đàn bà là những người tham gia vào các sự kiện xã hội và chính trị, tham gia vào các hoạt động văn hóa, tham gia các khóa đào tạo để nâng cao tri thức và chuyên môn, để được thăng tiến trong công việc. Ngoài ra, đàn bà còn chăm chút tới hình thức của mình, tham dự những cuộc gặp gỡ của những người đơn chiếc để tìm người bạn đời mới, cũng có khi chỉ vì một quan hệ đơn thuần. Ngược lại, ta ít khi gặp đàn ông ở biển như các bà. Họ thích hoạt động thể thao, đặc biệt là bóng đá, xem vô tuyến, và một số các hoạt động khác, không cần cứ phải những nơi có đàn bà. Đàn ông không thích ganh đua, mỗi khi lâm vào hoàn cảnh họ luôn sợ bị thất bại. Họ không hứa hẹn, tìm những cuộc dan díu hơn là có ý định tái hôn. Chính thế mà họ thường chân thật hơn và cũng đa cảm. Đàn bà bao giờ cũng giữ gìn nhan sắc, luôn chăm chút mình để ganh đua với những người đàn bà khác và để quyến rũ đàn ông. Sự không chung thủy là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc ly hôn.Cũng không phải trường hợp nào cũng như vậy, bởi vì có những cuộc tình chấp nhận nó, hoặc lờ đi, thậm chí có thể tha thứ, với những lý do không thể nói ra, hoặc vì kinh tế, hoặc nỗi lo phải sống cô đơn về tình cảm, hoặc vật chất khi mất đi một gia tài hay cương vị xã hội đang có. Hiện tại lý do không chia tay nhau của các cặp vợ chồng vì con cái không có ý nghĩa nữa. Cách nghĩ này đã lỗi thời.

Lý do của sự không chung thủy là gì? Có nhiều lý do: chưa chín chắn, sự bất an, hai nhân cách, một nổi trội, cương quyết, còn một thì cầm chừng, lưỡng lự. Có đôi sự không chung thủy thể hiện một cách giấu giếm, có khi chỉ vì một phút yếu lòng. Sự đơn điệu, tẻ nhạt của một gia đình không có những dự định, sự gắn bó lứa đôi mai một dần, nhất là khi con cái đã trưởng thành và tách khỏi cha mẹ và cả về kinh tế cũng là điều kiện tạo nên sự thiếu thủy chung. Sự chán chường cuộc sống thiếu tình yêu làm mất đi sắc màu của mọi vật xung quanh.

Tất cả những gì tôi đã nêu đều làm cho cuộc sống vợ chồng trở nên căng thẳng, mỏi mệt và họ rơi vào khủng hoảng.

Sự thiết hụt quan hệ tình dục thường xuyên hoặc không có quan hệ tình dục, dẫu người vợ hoặc người chồng đã tạo nên việc phải kiếm cho mình một người khác để chia sẻ.

Những vấn đề kinh tế vốn dĩ đã là nguyên nhân của các cuộc cãi vã và đổ lỗi lẫn cho nhau, không được giải quyết kịp thời, đúng lúc.

Sự cố chấp là một tác nhân rất quan trọng. Để củng cố quan hệ vợ chồng phải có lòng khoan dung, độ lượng. Phải biết tha thứ cho những lỗi lầm, sai phạm của bạn đời và chấp nhận, nếu không quan hệ lứa đôi dễ đi đến


tan vỡ.

Tất cả những nhân tố này không thể cùng xuất hiện liền một lúc trong hai mươi hoặc ba mươi năm chung sống để người ta có thể biết được. Làm sao có thể ngờ được rằng những cặp vợ chồng có nhiều năm chung sống lại có thể chia tay nhau trong một sớm một chiều. Có thể vì trong quá trình chung sống họ không hề có tình yêu? Họ vừa mới phát hiện ra họ không hợp nhau về tính cách? Họ đã quên đi những tháng ngày kề vai nhau vượt khó tạo nên một gia đình vững vàng về kinh tế, về giáo dục và hạnh phúc với những đứa con?  Hay họ đã quên đi tình yêu nồng nàn thuở ban đầu?

 Chia sẻ cùng Diana, một người đàn bà đã năm mươi tuổi, có cuộc sống ba mươi năm làm vợ tôi được biết:

- Chị không còn yêu chồng nữa ư?

- Không, tình yêu đã mất lâu rồi anh ạ.

- Tôi không hiểu được.

- Có gì mà không hiểu? Tình yêu không phải là vĩnh cửu.

Tôi ngừng không nói gì, bởi lúc đó tôi nhớ tới Luisa, một người bạn cũng đã ly hôn nói với tôi:

“Tôi vẫn yêu chồng tôi, nhưng đó là người tôi gặp những năm đầu, không phải là người bây giờ, một người hết chịu nổi, hoàn toàn xa lạ.”

Tôi quay lại tiếp tục câu chuyện với Diana.

- Tại sao tình yêu không tồn tại được lâu?

- Bởi con người thay đổi theo năm tháng của cuộc đời. - Diana nói gần như nguyên xi ý nghĩ của Luisa.

- Tôi đã yêu một người cả cuộc đời. - Tôi nói.

- Đó là một trường hợp ngoại lệ, rơi vào anh, còn không phải mọi người đều như thế.

 - Nhưng nếu còn yêu thì nó sẽ là như thế.

- Tôi đã yêu, song tình yêu ấy chẳng được bao lâu. - Diana cay đắng nói.

- Sao chị lại có thể từ bỏ cuộc hôn nhân sau ba mươi năm chung sống, từ bỏ hạnh phúc mà chị có trong ngày cưới, từ bỏ chiếc váy cưới trắng tinh… những hình ảnh được lưu lại trong những tấm ảnh và những cuốn phim video nhỉ? Sao chị có thể quên đi được những ước mong hạnh phúc khi làm lễ trước ban thờ, niềm vui mừng khôn xiết trong giây phút thiêng liêng ấy giữa những người thân yêu? Và bây giờ thì mọi cái  đã tan tành, những bông hoa cô dâu đã tan rã… chỉ còn cuốn băng video ghi lại những giây phút đẹp để đó mãi mãi.

- Bây giờ chẳng còn gì nữa cả. Chỉ còn lại nỗi thất vọng của những năm tháng không hạnh phúc đã qua mà thôi.

- Chị muốn nói là, trong những năm tháng đó chị không hề có hạnh phúc, kể cả khi chị có những đứa con sao?

- Với tôi chẳng có gì còn là quan trọng nữa cả, tôi muốn được tự do và ý nghĩ ấy làm cho tôi vui khôn xiết.

- Tôi không tài nào hiểu được, tôi nghĩ là tôi sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu nổi. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới.

 

- Anh hãy nói thật đi, cho dù anh rất yêu vợ, nhưng đã có lần nào anh phản bội chị ấy chưa?

- Có, đã có lần. - Tôi nặng nhọc nói.

- Rút cục anh cũng chỉ là một kẻ đạo đức giả.

- Bây giờ tôi không muốn biện minh cho mình.

- Những gì anh nói về tình yêu với vợ cũng chỉ là giả dối mà thôi.

- Nhưng chưa bao giờ tôi thôi yêu vợ tôi.

- Tôi không hiểu sự lấp lửng ấy, đó chẳng qua chỉ là một sự dối trá, anh muốn lừa cả tôi sao.

- Tôi cũng chẳng tốt đẹp gì, nhưng không vì một lầm lỡ vô tình mà tôi bỏ bà ấy. Cả đời tôi chỉ yêu mình bà ấy, cho tới khi cái chết chia lìa chúng tôi. Tôi chưa bao giờ có ý định chia tay và vợ tôi cũng vậy bởi bà ấy yêu tôi và tha thứ cho lỗi lầm của tôi.

- Thôi nào, ông bạn. Ông đừng làm ra vẻ đạo đức nữa, vì bà ấy đã sang thế giới bên kia rồi.

- Không. Tôi biết lỗi của tôi và tôi đã phải trả giá với sự đi trước của bà ấy. Sự khác biệt giữa tôi và bà là ở chỗ: Nếu bà biết ăn năn thì sẽ có cơ hội trở lại với chồng, còn tôi, chẳng bao giờ tôi còn cơ hội ấy nữa, bà ấy đâu còn trên cõi đời này. Với bà, luôn luôn có hy vọng được tha lỗi, còn tôi thì không bao giờ.

Cuộc trò chuyện khơi dậy trong tôi một sự chống trả cái thực tế phũ phàng ấy của cuộc sống. Tôi là một kẻ không tưởng đã tin vào tình yêu vĩnh cửu của những cặp vợ chồng gặp trục trặc. Và sau đó thì sao? Tôi nhập vào đoàn các quý bà đơn chiếc trên đường tìm các quý ông lẻ bóng. Và theo những gì hiện hữu tại các cuộc gặp gỡ, tôi thấy nhu cầu cần đàn ông của các quý bà cao hơn đàn ông cần các bà, họ làm như họ chính là những người bị bỏ…

Thực tế, các quý bà có nhu cầu quay lại tìm đôi, có thể vì kinh tế hoặc tình cảm. Ngược lại, đàn ông không mấy lo lắng vì sự lẻ loi của mình mặc dù họ không đủ năng lực để tiếp tục sống trong cô đơn.

Có những người đã phải trả giá rất đắt cho cái tự do mà họ kiếm tìm sau ly hôn. Hãy suy nghĩ thật chín chắn trước khi tái hôn để tránh lặp lại đường mòn.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87508


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận