Đại Tống Phong Lưu Tài Tử
Quyển 3: Uỷ Thác Lâm Chung
Chương 137: Đấu pháp (trung).
Tác giả: Ngọ Hậu Phương Tình
Dịch: Nhóm dịch Quan Trường
Nguồn: Sưu tầm
Lưu Diệp nói:
- Chính là việc lão ta triệu tập dân chúng đến xem thực hiện đạo pháp.
Nói đến đây vẻ mặt y trở nên kỳ quái.
Thạch Kiên thoáng mỉm cười. Đúng là ở thế giới này nếu nắm giữ được một kỹ xảo nào đó mà mọi người không biết thì rất dễ lừa được người ta. Nếu như nhà ảo thuật Sư Đại Vệ lúc này mà ở đây, lại mang theo đạo cụ biểu diễn thì thật sự sẽ khiến người ta tưởng là thần tiên.
Thạch Kiên nói:
- Khi nào bắt đầu?
Lưu Diệp đáp:
- Buổi tối ngày mai, ông ta sẽ ở cửa Bình Vân cung thực hiện đạo pháp cầu phúc cho Tiên đế.
Thạch Kiên cười cười, loại lừa đảo này làm gì có lòng tốt như vậy. Hắn lại nói với Lưu Diệp:
- Lưu thái thú, thế này đi, ngày mai chúng ta cùng đến xem thử.
Lưu Diệp nói được. Kỳ thật y rất khâm phục tên Sa Giới đạo trưởng này. Mặc kệ nói thế nào, y vẫn cho rằng đạo sĩ này làm ra đạo pháp gạt người cũng thật giỏi, chính mình đã không nhìn ra. Dĩ nhiên đối với thiếu niên này mà nói thì có lẽ không thành vấn đề. Hiện tại trong lòng y cũng hiểu, so với lão đạo sĩ này thì chỉ dụ của Thái hậu vẫn quan trọng hơn.
Buổi sáng hôm sau, Thạch Kiên vừa mới rửa mặt chải đầu xong cha mẹ Tĩnh vương phi đã đến cầu kiến. Hóa ra tối hôm qua Lưu Diệp đến bái kiến Thạch Kiên, cha mẹ Tĩnh vương phi đã có nghi ngờ. Phải biết rằng so với Thái thú địa phương khác thì Tây kinh có vị trí quan trọng hơn. Lưu Diệp làm Thái thú Tây kinh đã là một chức quan rất lớn. Vậy mà phải đến cầu kiến thiếu niên này. Vì thế mà bọn họ vì đã truy hỏi Tĩnh vương phi, bà cũng không còn cách nào khác mới phải nói ra thân phận của Thạch Kiên.
Cha mẹ Tĩnh vương phi cũng không như Nguyên Nghiễm, bọn họ chỉ là một nhà giàu ở địa phương thôi, bởi vì hưởng phúc của con gái mà thân phận so với nhà giàu khác cũng tôn quý hơn nhiều. Nhưng Thạch Kiên là ai, hắn đang là một trong số quan to đương triều, là người tâm phúc của cả Thái hậu và Hoàng thượng.
Thạch Kiên cũng không dám ngạo mạn. Thứ nhất vì Triệu Dung, thứ hai vì Nguyên Nghiễm. Hiện tại Nguyên Nghiễm tuy hành sự đơn điệu nhưng không một đại thần nào dám coi thường ông ta, Đinh Vị cũng không dám. Đây là cha mẹ vợ của ông ta nên hắn cũng không dám đem thân phận của mình ra áp chế bọn họ. Tuy nhiên Thạch Kiên cũng phải dặn bọn họ không được nói ra thân phận của mình.
Thạch Kiên hiện tại mơ hồ cảm thấy chuyện này rất phức tạp. Không chỉ có một số người trong triều thấy Lưu Nga thế cô sức yếu muốn vơ vét lợi ích, mà rất có khả năng còn có bóng dáng của cả Tây Hạ và Liêu quốc. Nếu nói như vậy thì bọn họ sẽ không để ý đến mình, nhưng cũng có thể chó cùng rứt giậu, thừa cơ hạ độc thủ với mình.
Ăn xong điểm tâm, Thạch Kiên muốn tới Bình Vân cung thăm dò trước. Hắn liền giả làm người hầu nam của Triệu Dung.
Hậu thế nhắc tới Lạc Dương đều nhớ tới hoa mẫu đơn của Lạc Dương. Mẫu đơn là quốc hoa truyền thống, nụ hoa rất lớn, màu sắc tươi đẹp, quốc sắc thiên hương. Từ xưa còn mang ngụ ý phú quý cát tường, phồn vinh hưng thịnh, là đại biểu cho dân tộc Trung Hoa rộng lớn. "Lạc dương địa mạch hoa tối nghi. Mẫu đơn vưu vi thiên hạ kỳ”. Rễ Mẫu đơn ở Lạc Dương trải dài như quyền lực trong thiên hạ của Đại Tống. Tương truyền vào thời Võ Tắc Thiên mở thiết yến ngắm hoa, khiến trăm hoa đua nở, duy chỉ có mẫu đơn không nở. Điều này khiến cho Võ Tắc Thiên tức giận sai đốt lửa thiêu hết hoa mẫu đơn. Tuy vậy, mẫu đơn từ mảnh đất trơ trọi đó hàng năm vẫn nở hoa, vả lại hoa lại càng lớn hơn, màu sắc đẹp hơn nữa. Mẫu đơn Trường An đã bị đốt hết, chỉ còn có ở Lạc Dương. Mẫu đơn Lạc Dương lừng danh thiên hạ. Người Lạc Dương trồng mẫu đơn, ngắm mẫu đơn đã trở thành tục lệ. Lưu Vũ Thiếc và Bạch Cư Dị từng nói: "Duy hữu mẫu đơn chân quốc sắc. Hoa khai thì tiết động kinh thành", "Hoa khai hoa lạc nhị thập nhật. Nhất thành chi nhân giai nhược cuồng". Đương nhiên đây chỉ là một truyền thuyết, Võ Tắc Thiên cũng không đến nỗi hống hách như thế. Bây giờ đang là cuối năm, lại là mùa lạnh nhất trong năm, ngoại trừ mấy nhành mai mạnh mẽ vươn lên trong băng tuyết, tỏa hương khoe sắc, các loại hoa cỏ khác thì đừng nói là hoa, đến cả lá cũng rụng không còn một chiếc.
Lạc Dương còn có một thứ nữa, đó là các khu Lâm viên. Từ thời Tây Chu đến Bắc Tống, vườn hoa Lạc Dương lúc nào cũng có hàng trăm loại hoa, hoặc như phượng như long, hoặc trong sáng lả lướt, muôn màu muôn vẻ. Tuy rằng Thạch Kiên vội phá án nhưng trên đường đi qua không ít Lâm viên, cũng không đừng được mà phải dừng lại lưu luyến. Những nơi này so với kiếp trước của hắn rất khác biệt, đây đều là Lâm viên của tư nhân. Cho dù ngươi có nhiều tiền hơn nữa, chủ nhân không mời ngươi cũng đừng nghĩ sẽ vào được. Đương nhiên chỉ cần Thạch Kiên nói ra thân phận của mình, những người đó lại ước mời được hắn vào, nhưng Thạch Kiên cũng không thể làm như vậy.
Đời sau tương truyền rằng Lạc Dương có tám cảnh. Long Môn sơn sắc: Long Môn xưa gọi là “y khuyết”, đến sau này mới đổi thành “Long Môn”. Nơi này hai bên là núi, dòng nước chảy bên trong, tựa như một con rồng đang bơi qua. Mã tự chung thanh: chùa Bạch Mã đến thời Bắc Ngụy, Đường, thời Tống, vì Phật giáo cực thịnh, chùa chiền điện phủ nguy nga, từng có hơn nghìn Tăng nhân, các Tăng nhân hàng ngày đều đến thượng điện tụng kinh. Mỗi khi tia nắng ban mai vừa lên là trong điện lại vang lên tiếng đánh khánh đụng chuông cầu Phật, tiếng chuông du dương phiêu lãng, ở xa đến vài dặm vẫn còn nghe thấy khiến cho người ta cảm thấy vui vẻ thoải mái. Tới thời Minh, người ta làm ra một chiếc chuông đặc biệt, vô cùng lớn, ước chừng nặng tới hơn 5000 cân. Tiếng chuông vang rất xa. Tương truyền chiếc chuông này cùng với chiếc chuông trên gác chuông phía đông Lạc Dương có cùng âm luật, có thể cộng âm với nhau. Mọi người thường nghe thấy tiếng chuông khổng lồ rồi ngay sau đó gác chuông thành Lạc Dương cũng vang lên, dân gian còn lưu truyền giai thoại "Đông biên chàng chung tây biên hưởng, tây biên chàng chung đông biên minh". Tuy nhiên chiếc chuông này bây giờ đã không còn xuất hiện nữa. Kim Cốc xuân tình: tức Kim Cốc viên, là biệt thự của Thạch Sùng thời Tây Tấn. Thạch Sùng là một đại phú hào,ông ta cùng đại địa chủ quý tộc Vương Khải tranh phú, xây dựng lên biệt thự Kim Cốc, còn gọi là “Kim Cốc viên”. Biệt thự được xây dựng tùy theo địa thế cao thấp. Bên trong khe suối uốn lượn chảy róc rách. Thạch Sùng dựa theo sơn hình thủy thế xây dựng trúc viên, đào hồ mở đường, xung quanh mấy chục dặm, lâu tạ đình các cao thấp đan xen vào nhau, nước chảy quanh Kim Cốc, chim hót rộn ràng, trong hồ sen cá tung tăng bơi lội. Thạch Sùng dùng lụa, đồng, lại phái người đi đến quần đảo phía nam mang về trân châu, mã não, hổ phách, sừng tê giác, ngà voi cùng rất nhiều vật phẩm quý giá đem trang trí trong nhà, ngoài vườn vô cùng lộng lẫy, tựa như cung điện. Kim Cốc viên cảnh sắc vẫn được người ta truyền tụng. Mỗi khi xuân về, thời điểm trời ấm gió mát, hoa đào nở rộ, cành liễu mảnh mai buông rủ, lầu gác đều được thắp sáng, bươm bướm bay rập rờn, chim ca ríu rít, thật là một cảnh đẹp vô cùng. Mang Sơn vãn thiếu: Mang Sơn còn có tên là Phùng Sơn, Thái Bình Sơn, Giáp Sơn. Nó giống như một hàng dài uốn lượn phía bắc Lạc Dương, kéo dài đến mấy trăm dặm, độ cao so với mặt nước biển khoảng 250 thước, giống như một tấm lá chắn tự nhiên của Lạc Dương. Tục ngữ nói: “Sinh tại Tô Hàng, táng tại Bắc Mang”( sinh ra ở Tô Hàng, chết chôn ở Bắc Mang), cổ nhân đã thấy cấu tạo và tính chất đất Bắc Mang là một địa phương rất tốt để làm nơi an nghỉ. Các nơi gần thôn trang Mạnh Tân lăng mộ san sát, đây là lăng mộ của vương công quý tộc Đông Hán. Mỗi khi tiết thanh minh mùa xuân hay cuối thu vào tiết trùng dương (mùng chín tháng chín âm lịch), hàng đoàn trai gái đi chơi đều lên núi nhìn về nơi xa. Đặc biệt là vào thời Đường Tống, nhóm người lên núi du ngoạn lại càng nhiều hơn. Mỗi khi mặt trời ngả về phía tây, hoàng hôn mờ mịt, vạn ánh đèn rực rỡ muôn nơi, vạn làn khói bếp từ các mái nhà bay lên theo gió. Từ đỉnh núi mà nhìn xuống sẽ thấy một khung cảnh vô cùng rộng lớn, thành quách hùng vĩ, vườn hoa tươi đẹp, lầu gác xa hoa. Thiên Tân hiểu nguyệt: cầu Thiên Tân chứ không phải Thiên Tân ngày nay. Ở Thiên Tân có một cây cầu dài đến trăm thước, thời xưa dùng xích sắt cùng vô số thuyền lớn kết lại thành một cây cầu nổi. Đến thời vua Tùy Dương thì bị thiêu hủy trong khởi nghĩa nông dân Tùy Mạt. Đến thời Đường mới được xây dựng lại thành cầu đá. Cầu Thiên Tân này kéo dài từ phía bắc Hoàng thành qua cửa nam, phía nam dài rộng đến "Thất lý nhất bách tam thập bộ" và "Nhai khoan bách bộ". Mỗi khi trời mới rạng sáng, mặt trăng còn trên không trung, cầu Thiên Tân đã rộn ràng từng đoàn người ngựa đi lại. Bởi vậy mà thời Đường Tống có không ít thơ ca về ngắm trăng trên cầu Thiên Tân, Thiên Tân hiểu nguyệt. Đáng tiếc là từ thời Tống trở về sau, trải qua hơn trăm năm chiến tranh liên miên, cầu Thiên Tân đã bị phá hủy. Tuy nhiên hiện tại cây cầu này vẫn còn. Lạc Phổ thu phong: tức Lạc Hà, tên từ thời Đường cho đến Bắc Tống hơn năm trăm năm. Trải qua hơn trăm ngàn vạn lần nhân dân lao động khai phá, vừa có thuyền bè vừa có thắng cảnh, đó là Lạc Hà. Nơi này bốn mùa phong cảnh như tranh, đặc biệt lại có tiết "Kim phong tiêu hạ", "Bán nguyệt hoành thu" tràn ngập tình thơ ý họa. Mấy ngàn năm nay, phong cảnh Lạc Hà từng khiến biết bao văn nhân lãng khách lưu luyến không muốn rời xa. Từ thời Tam quốc, Tào Tử Kiến đã nói ở đây ông ta đã được gặp tiên nữ, rồi liền mượn đề tài đó viết thành một thiên “lạc thần phú”. Bốn vị Đường tứ kiệt là Vương Bột, Dương Quýnh, Lô Chiếu Lân, Lạc Tân Vương cũng từng lưu luyến Lạc Tân đến không muốn rời đi. Thời Đường Cao Tông, khi Thượng Quan Nghi đi theo đường đê ven sông, thấy cảnh Lạc Tân cũng không kìm được lòng. Bình Tuyền triêu du: ở phía nam cách thành Lạc Dương 30 dặm, gần Long Môn, ở chân núi phía tây có một nơi gọi là thôn Lương Gia Truân. Nơi này núi non vây quanh, cây rừng thấp thoáng, suối nước róc rách. Đây là nơi Đường Vũ Đế cho Tể tướng Lý Đức Dụ xây dựng dinh thự. Đông Đà mộ vũ: đây là cảnh đẹp cuối cùng trong tám cảnh đẹp nhất Lạc Dương. Thời Tùy, Đường, Tống thì gọi là “ Đồng Đà Mạch”, nằm ở phía đông bắc thành. Lúc ấy thị trường thương mại quốc tế thì gọi nó là “ Phong đô thị”. Nơi này cũng có nét giống với Lạc Hà. Đào liễu từng hàng, lầu son gác tía, vô cùng tráng lệ. Mỗi khi đến mùa xuân, nơi này lại tràn ngập sắc đào tô điểm, bướm bay rập rờn, khói sương bay bay, cảnh sắc như chốn bồng lai tiên cảnh. So với Kim Cốc viên của Thạch Sùng thì cũng không hề thua kém. Vào thời Đường, người ở đây đông đúc, vào mỗi buổi hoàng hôn, khói bếp bay lên quyện vào sương gió mờ ảo, vì thế mà có tên “ Đồng Đà mộ vũ”.
Thạch Kiên đến Bình Vân cung sẽ đi qua cảnh tượng phồn hoa. Hắn lại nghĩ đến một trăm năm sau, những nơi này rồi sẽ như nhau, bởi vì chiến tranh mà đại đa số trở thành hoang tàn, trong lòng lại cảm thấy trọng trách nặng nề.
Triệu Dung ngạc nhiên hỏi:
- Thạch thị lang, vì sao ngươi thấy cảnh phồn hoa như vậy mà lại cau mày?
Thạch Kiên cười cười nói:
- Phong loan như tụ, ba đào như nộ, sơn hà biểu lý đồng quan lộ. Vọng tây đô. Ý trì trù, thương tâm tần hán (Núi gò tụ họp,
Ba đào phẫn nộ,
Trong ngoài sông núi Đồng Quan đó.
Nhìn Tây Đô,
Ý ngần ngừ,
Qua ngang Tần Hán).
- Kinh hành xử. Cung khuyết vạn gian đô tố liễu thổ. Hưng, bách tính khổ. Vong, bách tính khổ. (Kinh thành cũ.
Cung điện ngàn gian thành bãi cỏ.
Hưng, trăm họ khổ. Vong, trăm họ khổ!).
Triệu Dung cẩn thận nghe. Nàng cũng đã nghe nói qua khi Da Luật Tông lần đầu đến Thạch phủ, Thạch Kiên đã nói một câu: "Hưng, bách tính khổ. Vong, bách tính khổ". Những lời nói này rất nhanh chóng đã truyền khắp thiên hạ. Hắn cũng viết câu "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi nhạc nhi nhạc" (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ) như lời chú thích. Nhưng Triệu Dung vẫn cảm thấy câu này cần phải có vế trên nữa thì mới thật sự tuyệt diệu. Hôm nay rốt cuộc cũng được nghe đầy đủ cả đoạn. Nàng đã hiểu ra, lòng lại càng khâm phục, qua hồi lâu mới hỏi:
- Tên bài từ này là gì?
Thạch Kiên nói:
- Đây là một làn điệu, gọi là “sơn pha dương”.
Lúc này trong lịch sử Tống triều so với trước đã có nhiều thay đổi. Vì sự xuất hiện của Thạch Kiên mà gây ra nhiều biến đổi trọng đại trong thiên hạ. Từ thời xưa, thi phú đều có vị trí quan trọng như nhau, đến khi Thạch Kiên viết ra ba thiên tiểu thuyết kia thì tiểu thuyết đã thoát khỏi quan niệm dung tục thấp kém, một số tiểu thuyết xuất sắc đã bắt đầu xuất hiện. Nhưng tiểu khúc vừa rồi chỉ có những kĩ nữ địa vị thấp kém mới xướng ngâm, những cô nương cao giá hơn một chút cũng không bao giờ vì khách mà xướng khúc như vậy.
Triệu Dung đột nhiên cầm lấy tay hắn mà nói:
- Thạch thị lang, ta rốt cuộc cũng đã hiểu tại sao địa vị của ngươi trong dân gian lại cao như vậy. Trong mắt ngươi không phân biệt cao thấp sang hèn, ngay cả hình thức văn nghệ cũng thế.
Sau đó nàng ẩn tình nhìn hắn mà nói:
- Chỉ cần ngươi cứ duy trì được trái tim chân thành này, với tài hoa của ngươi, chắc chắn sẽ là một viên quan tốt nhất đại Tống.
Thạch Kiên lắc đầu. Thời kì này nhân vật có thể làm mưa làm gió xuất hiện rất nhiều. Không nói người ngoài, so với hắn sớm hơn có Khấu Chuẩn cùng Phạm Trọng Yêm khiến hắn vô cùng khâm phục, hắn lại càng xấu hổ vì đã sao chép bài “Nhạc dương lâu kí” của Phạm Trọng Yêm. Sau còn có mấy người Phú Bật, Bao Chửng. Hắn cũng thấy mặc cảm, thở dài một tiếng nói:
- Viên quan tốt nhất ta không dám nhận, ta chỉ tận lực làm cho tốt thôi.
- Ta tin ngươi.
Thấy Thạch Kiên nghe lời khen ngợi của mình xong không những không tự đắc, ngược lại vẻ mặt lại tỏ ra thận trọng hơn, thiếu nữ xinh đẹp lại càng thấy yêu quý hắn.
Bọn họ cuối cùng cũng tới Bình Vân cung. Kỳ thật nếu không có Sa Giới, Bình Vân cung chỉ là một nơi bình thường, không thể so với thành Lạc Dương có Quan Đế miếu, Thượng Thanh cung, Bạch Vân quan, Trung Nhạc miếu, Lữ Tổ am, Thần Linh trại, Cao Long trung nhạc miếu thì thật sự không thể nào so sánh được.
Bọn họ thấy trước Bình Vân cung là một đài cao, đây có lẽ là nơi Sa Giới sẽ biểu diễn tối nay. Trước đài cao này có rất nhiều dân chúng phấn khích đến xem, lại sôi nổi bàn tán. Thạch Kiên nghe một hồi thì thấy đều là đang nói Sa Giới này là “thần tiên hạ phàm”, vô cùng thần thông quảng đại.
Thạch Kiên và Triệu Dung đều bĩu môi. Tuy nhiên bọn họ cũng không thể coi thường tên Sa Giới này được. Y là một kẻ rất thông minh, đến Lưu Nga mà cũng dám lừa gạt. Bọn họ đi lòng vòng cả nửa ngày, ngoại trừ mấy đạo sĩ bận rộn thì cũng không thấy điều gì bất thường. Sa Giới đạo sĩ kia thì đang ở trong phòng đóng cửa, bọn họ nghe dân chúng nói là y đang ở trong phòng làm phép.
Thấy không thu hoạch được gì, Thạch Kiên và Triệu Dung bất đắc dĩ phải trở về. Qua bữa cơm tối Lưu Diệp mới phái người tới đón hắn. Tuy rằng Thạch Kiên đã hóa trang thành một người hầu nam nhưng Lưu Diệp cũng không dám làm qua loa. Y biết Thạch Kiên đã từng bị ám sát hụt vài lần. Y không muốn Thạch Kiên ngay ở trong địa phận của mình mà lại gặp chuyện không may vì thế đã lệnh cho tất cả thuộc hạ thân tín âm thầm đi theo bảo vệ Thạch Kiên.
Đoàn người lại đi tới Bình Vân cung. Nghe nói tối nay Sa Giới đạo trưởng làm phép nên có vô số người đến xem, khiến cho Bình Vân cung chật như nêm. Bởi vì có Lưu Diệp nên bọn họ không gặp nhiều cản trở, cứ thế đi tới đài cao trước mặt. Ở trong này Thạch Kiên còn nhìn thấy một người. Đó là Vương Khâm. Bởi vì Đinh Vị còn giữ chức nên Vương Khâm cũng không được triệu về kinh thành mà vẫn còn ở lại thành Lạc Dương.
Tuy nhiên chuyện trong triều so với Lưu Diệp thì ông ta hiểu rõ hơn. Hiện tại nhìn thấy bộ dạng này của Thạch Kiên, lại thấy hắn đi vào Bình Vân cung xem Sa Giới làm phép, không cần phải nói ông ta cũng đoán ra là Thạch Kiên vào đây để điều tra Sa Giới, y nhất định có liên quan đến mấy vụ án trong cung. Đương nhiên ông ta cũng không chào hỏi, nếu không sẽ làm hỏng chuyện của Thạch Kiên. Ông ta chỉ vuốt cằm ra hiệu. Ông ta rất có thiện cảm với thiếu niên này, mặc dù về quan điểm chính trị có thể không hợp nhưng Thạch Kiên được như ngày hôm nay cũng có công ông ta tiến cử. Hiện tại cháu gái ông ta đã xuất giá hết nhưng ông ta vẫn còn nuối tiếc mãi, nghĩ nếu Thạch học sĩ cưới cháu gái của mình thì thật là tốt biết bao. Sau lại nghe đến việc của Thạch Kiên và Triệu Cận, trong lòng ông ta lại có chút oán giận Chân Tông “ăn mảnh”, hóa ra thứ tốt muốn lưu cho người trong nhà.
Tuy rằng Vương Khâm là gian thần đầu tiên xuất hiện trong bảng gian thần Tống triều nhưng Thạch Kiên đối với ông ta không có nhiều hiềm khích, cũng âm thầm chắp tay thi lễ.
Lúc này Sa Giới rốt cuộc cũng đi ra, Thạch Kiên nhìn y ước chừng năm mươi tuổi, dáng người cao lớn, hơn nữa thân thể xem ra cũng khỏe lắm, dù giờ là mùa đông nhưng y cũng chỉ mặc vài tấm áo mỏng manh.
Đầu tiên y ở trên đài vừa làm những động tác nhảy múa rất kỳ lạ, vừa niệm những câu đạo từ thật dài rồi mới gọi người đem đồ y đã chuẩn bị lên. Thứ nhất là một chậu than lớn bên trong có rất nhiều than hồng đang cháy. Thứ hai là một lò lửa trên có một cái nồi nước đang sôi, bên trong hơn nửa nồi đốt loại chì đã tan chảy
Sau đó y ở trước mặt mọi người cởi giày đi chân trần trên than nóng. Chỉ thấy dưới chân y nhiệt bốc lên. Rất nhiều người thấy y biểu diễn nguy hiểm vậy thì nhát gan che mắt không dám nhìn. Bọn họ đều cho rằng khi Sa Giới đi xuống thì bàn chân thể nào cũng sẽ bị bỏng hết.
Nhưng Sa Giới đi hết chậu than mới đem bàn chân giơ lên trước mắt mọi người, tất cả đều thấy y bình an vô sự. Điều này lập tức làm dậy lên một làn sóng hô vang cuồng nhiệt.
Sau đó y tiến đến gần cái nồi, đầu tiên bỏ một quả trứng gà vào, chỉ trong chốc lát, y rửa tay rồi lại nhúng tay vào lần nữa lấy trứng ra lột vỏ trứng đã chín. Y làm như vậy để mọi người đều thấy được việc y nhúng tay vào nồi nước sôi. Tiếp đó y cầm một đồng tiền ném vào trong nồi, rồi rửa tay sau đó lại nhúng tay vào nồi khua khua một chút lại mò ra được đồng tiền đó. Nhiệt độ trong nồi khiến tay cùng thủ đoạn của y toát ra một khí thế cực đại. Y mò được đồng tiền ra nhưng tay vẫn bình an vô sự, điều này khiến cho mọi người gần như đều quỳ sụp xuống đất. Không phải thần tiên sống sao có thể làm được điều này?
Lưu Diệp suy nghĩ trăm lần vẫn không tìm được lời giải đáp liền xoay đầu nhìn sang Thạch Kiên.
Thạch Kiên quay sang nói với Thôi Diệt Lang:
- Tiểu Thôi, việc này rất hay, ngươi có muốn thử làm không?
- Thạch đại nhân muốn ta biểu diễn hai kĩ xảo đó sao?
Thôi Diệt Lang hỏi, hai mắt sáng lên tỏ vẻ rất muốn được thử.
Thạch Kiên đáp:
- Đúng vậy.
Nhưng Lưu Diệp có chút hoài nghi nhìn hắn. Hiện tại Sa Giới đạo trưởng này vì để lấy hiệu quả còn đem cái nồi hướng về phía mọi người. Phía bên dưới lò lửa vẫn cháy rừng rực thiêu đốt nước bên trong nồi, mặt trên còn toát ra một lớp bọt khí màu sắc như băng. Đương nhiên chỉ là nhìn bề ngoài loại nước chì này có màu xám chì khiến người ta có cảm giác lạnh giá như vậy, kỳ thật chỉ cần là người trong nghề thì đều biết rằng loại nước này nhiệt độ sôi so với nước bình thường cao hơn rất nhiều.
Có thể trung gian vẫn còn có những thứ khác bổ trợ nhưng đây là kỹ xảo phải được luyện tập lâu dài. Tiểu Thôi này chẳng qua vẫn chỉ là một thiếu niên, vừa rồi nhìn vẻ mặt say mê thích thú của cậu ta có thể thấy cậu ta chưa bao giờ tiếp xúc qua những chuyện này. Hiện tại lại khiến cậu ta có thể hiểu được trong một thời gian ngắn xong lại có thể lên đài biểu diễn vạch trần trò lừa đảo của Sa Giới, e rằng cũng là một chuyện khó khăn. Ngay cả Triệu Dung cũng cảm thấy nghi ngờ.
truyện copy từ tunghoanh.com
Thạch Kiên cười cười, nói thầm vào tai Thôi Diệt Lang vài câu. Thôi Diệt Lang nghe xong trên mặt cũng ngầm thể hiện rằng đã hiểu. Cậu ta từ trong đám người đi ra, đi đến trước đài bước mạnh vài bước rồi nhảy vào đài.