Độc Thoại Hai Mươi Xê dịch

Xê dịch
Khi người ta trẻ, cái trẻ không chỉ về thể xác, người ta thích đi lại.

Thời các vị như Nguyễn Tuân, sự đi lại đạt thành đỉnh cao đến mức tạo thành chủ nghĩa xê dịch. Xê dịch như một cách thoát li thời cuộc, để tìm kiếm và khám phá những điều mới và đẹp.

Người trẻ hôm nay cũng ham mê sự xê dịch.

Chưa bao giờ người ta chứng kiến phong trào đi lại mạnh mẽ gọi nên tên thành “phượt”như hiện nay.

Người trẻ ngày nay có cách đi riêng của họ. Với họ, đi là để trải nghiệm và mở mang. Ði không phải để trốn tránh. Ði là để lớn lên.

Cho Ðộc thoại hai mươi, tôi viết Xê dịch từ những thứ nhặt nhạnh đó đây trong từng góc hồn, nơi những miền đất tôi được dịp đặt chân đến và vấn vương nhiều mối tình cảm.

Với Xê dịch, tôi muốn ghi dấu sự xê dịch như một gam màu sắc ấm nóng và hiện hữu của đời sống.

Nhớ con sông quê hương[1]

Trong dòng đời sống của mỗi con người, ai cũng có một thứ gắn liền với mảnh đất nơi họ từ đó bước ra đi, để nhớ nhung về, để thương yêu và thổn thức về.

Với mảnh đất ấy, trong tôi là một con sông.

Có những đêm Sài Gòn sương xuống trở lạnh, việc của đời, tôi tạm gác lại, và ngồi thở khó nhọc vì sự ngột ngạt của căn gác trọ. Những lúc ấy, tôi thường mở toang cửa sổ, mong tìm kiếm một cơn gió đi lạc vào chốn nhà len chặt nhà, mong tìm thấy một ánh trăng bàng bạc lọt qua khung trời dần kín mít những tầng là tầng cao. Những lúc vận may mỉm cười, tôi vẫn tìm được sự cứu rỗi trong phút chốc.

Có đôi khi, tiếng rao lạc lõng giữa đêm hun hút, lại cồn cào trong tôi nỗi nhớ: về con sông quê hương. Về những đêm bên này bờ nhìn bên kia bờ dưới ánh đèn vàng vọt. Về những người xa và vài mảnh tình con con êm ái.

Dân vùng gọi nó là Cà Ty. Tôi gọi nó là sông Mong. Mong chờ.

Một điều lí thú là, có khá ít những con sông chảy băng ngang qua giữa trung tâm thành phố. Nhưng, hễ có con sông nào ngạo nghễ cắt thành phố ra đôi bờ bên này bên kia thì hẳn thể nào cũng nên thơ, nên văn.

Có thể kể ra trên đầu ngón tay sơ sơ vài cái tên nổi tiếng, được vào thi ca. Bên Tây có dòng La Seine, đằm thắm dạo chơi qua Paris, êm ái và kiêu kì như một nàng tiểu thư đài các. Giữa những đêm huyền diệu bên dòng La Seine, nhạc sĩ tài danh Matthieu Chedid đã cảm tác nên bài La Seine làm rúng động con tim bao thế hệ. Bản này, nàng “chanteuse” Bạch Yến của Việt Nam cũng từng ca qua và nhận được nhiều sự yêu mến từ cả dân Paris lẫn dân Việt. Nhiều thi sĩ, nhạc sĩ của Việt Nam khi sang đây du học hoặc định cư đều không thoát khỏi vẻ đẹp mê đắm của dòng sông Seine, để rồi viết nên những lời thơ, ý nhạc trở thành bất hủ, như Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, Anh Bằng, Lam Phương…

Rồi nhiều nữa những dòng Thames của Anh Quốc sương mù vương vấn, hay dòng Danube với nhạc phẩm huyền thoại Le Beau Danube Bleu (tên tiếng Việt là Dòng sông Xanh gắn liền với tiếng hát của đại danh ca Thái Thanh).

Ở ta thì không thể không nhắc đến dòng Hương Giang. Nàng Hương Giang sầu mộng đi vào không biết bao nhiêu lời văn, ý thơ, tứ nhạc của các tài danh xứ Việt. Biết bao cuộc tình thơ mộng và biến động thời cuộc bên dòng xanh thẳm này. Ấy vậy mà người ta vẫn nghêu ngao hoài: “Hát nữa đi Hương, hát điệu nhạc buồn, điệu nhạc quê hương…” (Hương ca vô tận - Trầm Tử Thiêng), rồi thì: “Dòng sông Hương vẫn mơ, thời gian trôi chưa xóa màu xanh mơ hồ…” (Trở về Huế - Văn Phụng), để rồi tự vấn hoài câu hỏi mãi chẳng có lời đáp: Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường).

Dòng Cà Ty của Phan Thiết - dòng Mong Chờ của tôi - thì chẳng chảy dài trong từng áng thi văn như thế. Dòng Mong Chờ chỉ tuôn mãi trong hoài niệm và kí ức của những con người dung dị nơi phố biển này mà thôi, trong đó có cả tôi, qua những câu chuyện má kể, qua những sớm tối rong ruổi dưới ánh đèn màu…

Dòng sông chảy dài qua Phan Thiết êm êm một màu phù sa từ thượng nguồn. Mạn đầu lúc mới vào thành phố, hai bên bờ len kín những nhà là nhà của bà con làng chài. Từng manh lưới, cái thúng đến nong khô cá được dân chài phơi phóng giữa ngày ngư nhàn tạo nên một bức tranh miền biển rộn rã, yên bình và mặn mòi. Nhà cửa hai bên bờ thường xây theo kiểu dã chiến, nửa nhà sàn vươn ra phía sông, hoặc ai khấm khá thì đôn nền thật cao để tránh khi nước lớn.

Ở mạn cuối trước khi dòng sông đổ ra cửa biển, và cũng là trung tâm thành phố, hai bên bờ dần được cải tạo thành hành lang ven sông, khá tươm tất và đẹp mắt. Ðoạn gần cảng biển, tàu bè đậu nhiều lắm. Những con tàu đánh cá bằng gỗ ván, dày dạn sóng gió.

Ngày ấy, tôi thường cưỡi trên chiếc xe đạp sườn ngang của mình, đi dọc con sông đến cảng biển. Những chiều lộng gió, tôi đứng dưới ngọn hải đăng, nhìn theo dòng Mong Chờ chảy trôi, ra đi, hòa nhịp vào con sóng ngoài xa khơi kia, lòng thầm tiêng tiếc như tiễn đưa một cái gì thân thuộc. Nhưng thủa ấy, đầu óc non nớt của tôi còn chưa kịp định hình nên cái gì thật rõ ràng.

Ði ngang qua phố biển nắng gió chỉ một đoạn ngắn ngủi mà Cà Ty có tới ba cây cầu. Dục Thanh là cây cầu cao nhất, sát cạnh là mái trường cùng tên, nơi năm nào cùng phong trào chấn hưng dân trí, nguyện lời thề cải cách giống nòi. Tiếp theo là Lê Hồng Phong, cây cầu dây văng thứ hai của Việt Nam. Xưa kia, nó vốn là một cây cầu được làm từ gỗ và sắt, tôi vẫn hay gọi đùa là “cầu Long Biên của Phan Thiết”. Ngày còn nhỏ, tôi sợ lắm mỗi khi được ba má chở qua cây cầu này. Tiếng rít liên hồi của kim loại chịu lực cộng với cảm giác bập bà bập bềnh làm tôi nổi hết da gà, bất cứ lúc nào cũng tưởng như cầu sẽ đổ sập xuống dòng nước đục ngầu phù sa dưới kia.

Trần Hưng Ðạo là cây cầu cuối cùng trên khúc Cà Ty chảy qua phố, nằm sát cảng biển, cạnh bên là tượng của ngài Hưng Ðạo Vương uy dũng chỉ tay xuống dòng sông đang nhẹ nhõm trôi xuôi ra cửa biển.

Kể về những cây cầu, tôi lại nhớ nhiều mẩu chuyện được nghe về một thời người ta thương nhau bằng nụ cười và nước mắt, vượt nắng, vượt gió, vượt mưa sa. Tôi đã từng suýt xoa ngưỡng mộ người con gái năm nào bụng dạ trĩu nặng trong lúc đợi chờ con triều xuống để lội qua dòng nước tưởng chừng êm ái, sang bên kia bờ, tìm bóng người thương đang cuốn mình vào cuộc mưu sinh. Tôi đã từng buồn hiu tiếc hoài cho đôi bóng muôn đời lẻ bóng, người bên này sông khóc kẻ bên kia sông, cách một dòng mà tình xa xôi bởi đời thăm thẳm. Có những con chiều xập xệ, người đàn bà hai màu tóc ngồi đan lưới khắc khoải, đành đoạn tặc lưỡi rồi nhìn hun hút vào dòng sông mà mong chờ điều gì xa xăm không nói nên thành lời.

Dòng sông tưởng chừng êm đềm…

Có mùa nước lớn năm nào, nhà tôi không còn bóng đàn ông trưởng thành, chỉ có má, nội và cô út của tôi. Năm đó, nước dòng Mong Chờ lên lớn lắm. Lớn gấp nhiều, nhiều lần những chiều chiều bánh xe tôi lăn tròn, lăn tròn rong ruổi. Dân chài ven sông lục tục rời bỏ căn nhà gỗ ván ọp ẹp của mình, gói ghém mấy thứ quý giá, cột chặt mấy món nội thất trong nhà rồi kéo nhau lên chỗ cao ráo mà chính quyền đã xếp sẵn cho họ tá túc qua cơn lũ chực chờ.

Nhà tôi, đúng ra là nhà nội tôi, cách con sông ba phút đi bộ. Tôi mon men theo người lớn đi ra phía bờ sông, hoang mang nhìn con nước lớn dần, lớn dần. Mấy người đàn bà trong nhà tôi tất tưởi về gói ghém đồ đạc quan trọng cất lên căn gác gỗ, mệt nhọc nhất là mấy bao gạo to và nặng trình trịch (nội tôi buôn bán thứ này). Lúc ấy, tôi ước ao mình lớn thật nhanh để khỏi phải líu ríu nhìn những con người tay yếu, chân mềm mà tôi yêu hết mực này phải lấm tấm mồ hôi, khuân vác trong lo âu.

Lúc bao gạo cuối cùng yên ắng trên căn gác, cũng là khi nước lũ lấp xấp trước cửa nhà. Vài cành cây khô gẫy va vấp theo sóng nước, ì oạp vỗ vào thềm gạch nghe chộn rộn. Lúc này, mẹ tôi phải lội con nước hãy còn ngang gối, sang nhà hàng xóm để nhờ một anh thanh niên cắt giúp đoạn dây điện trước khi cả nhà dời hết lên gác, trú ẩn qua con nước lớn này.

Năm đó, tôi chép lại trong nhật kí của mình một “sự kiện” - dòng Mong Chờ tự mình phá bỏ cách biệt đôi bờ. Chẳng còn bờ bên này hay bờ bên kia để ai ngóng trông ai, ai buồn thương ai cả. Mọi thứ đều chìm sâu dưới lòng nước êm êm kia.

Ngay cả lũ lụt, cái dòng Mong Chờ này cũng kì quái lạ thường. Chẳng ào ạt, dữ tợn như thường thấy ở những con lũ khác, Mong Chờ cứ nhẹ nhàng, từ tốn và khoan thai dâng nước như người ta xả nước đầy bồn chứa vậy.

Trong đám người lúp xúp tị nạn đêm đó, bà già đan lưới nức nở nắm lấy tay ông già còm cõi chiều chiều ngồi thổi sáo bên kia sông. Tôi tự hỏi, và chắc Mong Chờ cũng tự hỏi, ba cây cầu mà điều chi ngăn cách?

Rồi, cũng chính Mong Chờ cho tôi câu trả lời…

Nước nhẹ nhõm lan dần khắp thành phố. Như gột rửa điều chi, kéo theo điều chi ra biển khơi cuộn sóng.

Sáng hôm sau, lũ rút. Một lớp phù sa mới tinh ẩm ướt vương khắp nền nhà tôi và các con đường trong thành phố. Người ta tươi cười dọn dẹp và bông đùa cùng nhau. Giống như chưa từng có cơn lũ nào đi qua vậy.

Chẳng có sự trừng phạt nào xảy ra. Chỉ có sự chữa lành và gột rửa. Mong Chờ nhẹ nhàng xoa dịu những nỗi đau của đời sống tù tội hai bên bờ.

Năm đó, là lần thứ hai dòng Mong Chờ trở mình. Lần đầu là năm tôi sinh ra, như lời mẹ kể.



[1]     Tên một bài thơ của nhà thơ Tế Hanh.

 

Nguồn: truyen8.mobi/t131841-doc-thoai-hai-muoi-xe-dich.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận