Lớn lên thấy khuôn miệng, bên cạnh khuôn mặt, là cái dễ dàng gây ấn tượng với người khác trước tiên. Những ngày lang thang vào đời, càng ý thức được tầm quan trọng của nói năng. Cũng một câu nói, nhưng lời cay đắng chưa chắc đã làm nhau đau, đôi khi một lời ngọt ngào lại có thể làm nhau khóc.
Nói năng ở đây không chỉ đơn giản là ăn nói dịu dàng, dễ nghe, khéo léo, tinh tế, hoạt ngôn, cũng không chỉ là giỏi ăn giỏi nói trước đám đông công chúng, hay thuyết phục đối phương. Chuyện nói năng ở đây phải là nói cái gì và không nói cái gì. Ðỉnh cao của nghệ thuật ăn nói là ở đó.
Tính tôi vốn thẳng, thích hay ghét, vừa lòng hay khó ưa đều sẽ nói, không nói thì sẽ thể hiện. Dần dà, nhờ vậy mà nhận được nhiều sự ghét bỏ. Sau, tôi nhận ra rằng, không phải cái gì mình nói người ta cũng thích nghe, dầu ý của mình muốn tốt cho họ.
Bên đời, nhận thức rằng có nhiều chuyện đúng đấy nhưng không được nói ra đâu!
Bên đời, khắc khoải nhận ra rằng, mấy lời hoa mĩ không bằng một câu thật lòng. Ðời sống tù tội làm người ta sống quỵ lụy quá mức cái câu “lời nói không mất tiền mua”. Thành thử, khi ai đó ngọt ngào cùng mình, mình cũng tự hoang mang không hay biết là tình thương mến thật hay là kiểu cách xã giao, hay âu cũng chỉ là trò đùa ghẹo thoáng chốc.
“Này em hãy đến tìm tôi
Vì những con sông đã cạn nguồn rồi
Vì gió đêm nay hát lời tù tội bên đời
Về cùng tôi đứng bên âu lo này”
(Trịnh Công Sơn)
Tôi thích dùng tiếng nói rặt miệt Nam Kì vì yêu cái tình, cái chất mộc mạc, và phong thái toát lên từ nó. Hình như qua rồi cái thời ráng trau chuốt phát âm cho “chuẩn”, cho chỉn chu đầy gượng gạo. Tôi hay đùa cợt với bạn bè như vầy: “Giữ gìn và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Nam Kì” - nghe tếu táo quá chừng.