Tôi mến cô tới nỗi, chỉ muốn khư khư một cuốn sổ tay để ghi chép lại mọi lời cô nói. Thật vậy, đôi khi cao hứng, cô lại thốt lên những câu cảm thán vừa đủ cho một quãng dài triết lí. Trong một lần chuyện trò nọ, cô nói với tôi: “Nếu nỗi nhớ là thước đo của tình yêu thì ghen lại là biểu hiện của tình yêu”. Tôi ám ảnh dài lâu với câu nói này.
Ghen, cũng có nhiều sắc thái. Ghen tuông của yêu đương. Ghen tị của đua tranh. Ghen tức của giành giật…
Ghen, cũng có nhiều cung bậc: ghen ngấm ngầm, ghen âm ỉ, ghen lồng lộn, ghen bóng gió…
Trong tình yêu, người ta ghen vì không muốn chia sẻ tình yêu của mình với ai khác. Cũng dễ hiểu thôi, một nửa của người ta mà, đâu phải muốn đụng thì đụng, muốn tranh lấy thì tranh lấy. Nhưng rồi, ghen thái quá, thì ghen lại thành ham muốn chiếm hữu cực đoan. Ghen có chừng có mực là nêm nếm gia vị cho tình yêu thêm thắm nồng.
Trong đời sống, người ta ghen với nhau vì cuộc đua tranh giữa người với người. Một tí ghen làm động lực để ta chạy nhanh hơn. Quá nhiều sự ghen làm ta mù quáng. Rồi sau ta còn gì ngoài đánh mất. Tình người. Tình cảm. Nhân tâm.
“Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi!
Thế nghĩa là yêu quá mất rồi!
Và nghĩa là cô là tất cả
Cô là tất cả của riêng tôi!”
(Nguyễn Bính)
Ghen, ở góc độ nào đó, phần là bởi tin tưởng không đủ vững, phần là vì nỗi sợ mất đi điều mình trân quý. Madame dạy Pháp ngữ của tôi từng thốt lên:
“Lòng mến thương tràn đầy nhưng không tin tưởng. Mọi việc khó thành tựu…”.
Bởi vậy, cho nên yêu là tin và tin là yêu, người ta mới gọi là tin yêu.
Ðôi lúc, giả bộ ghen một chút cho có hương vị. Ghen mà làm tình, làm tội nhau thì thôi thôi, còn đâu con đường tình ta chung đi.
Ðôi lúc, miệng khen đấy mà lòng ngấm ngầm dấy lên chút ghen, thôi thì ghen để mà ráng được bằng, được hơn.
Ghen mà mù quáng, bất chấp. Khi ấy, ta chẳng phải là ta.